CÂU CHUYỆN 11:
Một trong hai con vật làm tôi lè lưỡi khi nhìn thấy hay thậm chí chỉ nhắc đến là rắn ( con còn lại thì tôi giữ bí mật). Nhưng có lấn đâu đó 8,9 tuổi ông chú chỉ cho tôi thấy một cảnh tượng khi nó lột da với lời cảnh tỉnh, đừng dại quấy rầy nó vào lúc này. Trong cơn đau đớn nhất, nó sẽ nguy hiểm hơn bất cứ lúc nào.
Tất nhiên là thằng bé sợ rúm ró, và đêm đó tôi không ngủ, trong đầu cứ quanh quẩn câu hỏi: vì sao nó phái lột da khi đau đớn như vậy.
Bây giờ tôi thấy chi tiết ấy cũng giống cuộc sống của con người, hay chí ít là với tôi. Vật vã, đau đớn để lớn và để “lột da” tâm hồn của mình. Thường thì sau đó, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn. Có một khoảng thời gian, tôi đánh vật với tâm trí của mình mỗi đêm, kì lạ là ngay lúc mọi thứ đang tốt đẹp, không nhiều sóng gió.
Sau này, tôi nghiệm ra, đó là những “cuộc lột da” bắt buộc vì cũng đến lúc tôi phải lớn, phải nhìn xa hơn, phải nghĩ sâu hơn. Những vết thương ngoài da từ khi nào đó, đã trở nên “muỗi”, vì tôi đã biết cảm giác của những vết thương trong tâm, trong trí. Tôi có tâm sự với mấy người bạn, trải qua những nỗi đau không sờ nắm được như thế cũng là một đặc ân hạnh phúc. Cụ thể với người hát như tôi, những lúc như thế tôi hát hay hơn.
Nên tôi nghĩ rồi, mỗi lúc cuộc đời báo hiệu một cơn bão tố sắp tới, tôi sẽ sẵn sàng oằn mình chịu trận, vì tôi biết chắc sau đó mình sẽ có một “làn da” mới, một tâm hồn mới, một quãng đời mới…
CHUYỆN 08:
Suốt 12 năm đi học mục tiêu của tôi là điểm trung
bình và thứ hạng trong lớp. Thậm chí điều ấy kéo dài sang tận 2 năm đầu
của đại học khi tôi “đua” với chúng bạn ở
Đức. Tôi vẫn chưa hề thất bại, khi nhìn lại học bạ của mình, có chút tự
hào nhưng không mãn nguyện như ngày trước nữa.
Tôi gặp lại nhiều
đứa bạn ngày xưa, học trứ danh, là niềm mơ ước và ganh tỵ của cả một thế
hệ chúng tôi. Tôi gặp lại cả những đứa điểm số lẹt tẹt, mờ nhạt, không
bao giờ biết giấy khen là gì. Mọi việc đã khác, sự thành công và sự hạnh
phúc không như những điểm số ngày xưa.
Đến bây giờ, con đường tôi
đi khác và mang nhiều tính đặc thù, tất nhiên không thể so sánh với bất
cứ ai. Nhưng có những chân lý nho nhỏ tôi tự rút ra cho chính âm nhạc
của mình ngay chính từ những điểm số trung bình ngày xưa.
Cũng vì
thế, thật lòng, tôi xem các giải thưởng âm nhạc là may mắn vinh hạnh,
nhưng tuyệt nhiên không phải đích đến của mình. Chắc nhờ đó, mà tôi thấy
mình thanh thản, nhẹ tênh. Quan trọng, tôi biết trân trọng, hâm mộ,
khâm phục tài năng của người khác. Tưởng đơn giản, mà khó phết.
Đó cũng là cách tôi tự cho rằng mình đã lớn và đủ trưởng thành...
CÂU CHUYỆN 06:
Chúng ta ít gặp nhau ngoài đời thường nhỉ? Cũng may là như vậy, chứ nếu
không hình ảnh lung linh của tôi ít nhiều cũng lung lay trong mắt của
vài fans.
Ví dụ, tôi cũng hay chửi bậy với đám bạn thân. Cá nhân tôi
cho rằng, chửi bậy cũng là một trong những phương pháp giải toả căng
thẳng, thể hiện cảm xúc chân thật, và sống một cách rất “đời”.
Chẳng nên gán ghép hành vi ấy với đạo đức. Không biết có phải tôi đang cố gắng bảo vệ một thói quen tiêu cực của mình không, nhưng thôi kệ.
Đạo mạo, nghiêm túc quá nhiều khi cũng mệt.
Nhưng tôi không nói bậy trước công chúng, và viết bậy trên facebook của
mình. Vì đơn giản, nói gì với ai vào lúc nào ở đâu là một lựa chọn khôn
khéo và thể hiện sự trưởng thành. Mà tôi thì muốn mình lớn lên vào mỗi
sớm mai thức dậy.
Cũng vì suy nghĩ như thế, tôi không thích những ai
hay ăn nói lung tung, làm tổn thương người khác trên công luận, và rồi
núp bóng “sự bản năng”, hay “sự thật thà” để thanh minh.
Chuyện này ngắn, nhưng quan trọng với tôi lắm.
Vì càng về sau, tôi lại càng không thể lỡ lời, viết ra đây để nhắc nhở chính mình.
30 rồi cơ mà…
CÂU CHUYỆN 05:
Gần đây, tôi bị ám ảnh
bởi một câu nói của một người nổi tiếng ( thật sự tôi không nhớ tên,
xin lỗi). Đại loại là, cả một thời tuổi trẻ đa số chúng ta sẽ sống và
miệt mài đi tìm hiểu xem người ta nói gì nghĩ gì về mình. Chúng ta vật vã, sợ sệt, mệt mỏi ( mặc dù đôi lần ta cũng hét toáng lên kệ cha cuộc đời) trong cuộc chiến làm vừa lòng “mọi người”.
Rồi đến gần cuối đời, ta sẽ tìm ra câu trả lời: rằng người đời chẳng ai
quan tâm đến mình cả, vì họ cũng đang bận rộn với những vấn đề của
chính họ. Có chăng, họ chỉ nói về ta trong 5 phút nghỉ giải lao trong
những cuộc chiến hằng ngày của chính họ, như một cách xả stress, xả ức
chế.
Những người trẻ như tôi và như bạn, may mắn đọc được chân lý ấy
sớm, để ta cứ sống và mạnh dạn đi nào. Tất nhiên, tôi không phủ nhận sự
cần phải lắng nghe và quan sát, nhưng tương đối thôi, vì không ai sống
dùm ta đâu.
Trong âm nhạc , tôi cũng đã bắt đầu áp dụng sự giác ngộ ấy để mà hát.
Nếu như đã không thể quay trở lại sự hồn nhiên vô lo của tuổi 20, thì
chí ít tuổi 30 của tôi cũng phải mặn mòi, dám đương đầu, ít sợ sệt và
hấp dẫn được mọi người.
Thử nghiền ngẫm cách tôi hát từ bây giờ trở đi nhé…
CHUYỆN 04:
Năm 27 tuổi, tôi đã gặp
thử thách lớn nhất trong đời tuổi trẻ của mình. Đến bây giờ nhìn lại tôi
không nhớ chính xác mình đã trải qua khoảng thời gian đó như thế nào,
có lẽ vì nó thật sự hơi quá nhọc nhằn cho tuổi 27. Nhưng rồi cũng qua, và một cách an ủi tôi cho rằng mình đã trưởng thành qua cái năm ấy.
Một cô bạn thân khi ngồi uống rượu, nghe chuyện tâm tình, đã nói bâng
quơ “...mình lại thấy chuyện ấy là cần thiết Tuấn ạh, vì trước đó chuyện
đời của Tuấn như kiểu cổ tích, không tì vết, không thử thách, cứ thế
phăm phăm bước vào đời ca hát đầy may mắn và thành công, trong khi người
ta ứa cả nước mắt cũng chẳng thể có. Mình nghĩ đó là may mắn, vì điều
ấy xảy ra khi Tuấn 27, chứ nếu xảy ra ở 57,67 thì chắc là móm thật
rồi...”.
Nói xong, cô bạn sống đầy bản năng ấy cười phá lên, còn tôi thì bàng hoàng.
Hoá ra chỉ có mình cảm nhận rõ và cũng “drama queen” đến cực độ thử
thách của chính mình, trong khi cuộc sống đang nhìn ta theo một cách
khác, một cách hiển nhiên phải ngã, và phải tự đứng lên. Hoàn toàn không
có việc dừng lại, và càng không có việc kết thúc!
Sau lần ấy, cái
nhìn của tôi cũng khác đi nhiều, không quá hùng hổ, không quá thăng hoa,
và cũng vì vậy không quá ưu tư mỗi lần không thành công.
Ly rượu
uống đêm ấy với cô bạn, vì thế mà cũng là một trong những ly rượu ngon
nhất tôi từng thưởng thức. Những ly khác thì tôi không tiện kể ở đây...
CHUYỆN 01:
Tôi không nhớ nhiều lắm về
sinh nhật lần thứ 20 của mình nhưng lại cảm nhận rất rõ cái cách mà
tuổi 30 đang từ từ đón mình. Chắc có lẽ vì khoảng thời gian 10 năm sắp
đến đây sẽ là 10 năm quan trọng nhất cho sự nghiệp và cuộc đời
mình, tôi tự lý giải như vậy. Nó cũng phù hợp với những gì tôi hay đọc
và gặp đâu đó về những thống kê thời gian người ta chỉ ra trong sự
nghiệp của một người đàn ông. Ừ thì chắc mình cũng vậy.
Nhưng điều
đó không đồng nghĩa với việc 10 năm từ 20 đến 30 của tôi nhạt nhoà. Thậm
chí, nhìn lại, tôi thấy mình giàu có về những thất bại, thành công và
trên hết là trải nghiệm.
Lần đầu tiên khi tôi nhét tay vào ổ điện
hay dội nước sôi lên người, trong cơn đau vật vã bàng hoàng, tôi thề với
lòng rằng sau này có con cháu, sẽ nói ra rả với chúng hằng ngày về
chuyện đó để chúng sợ, không bao giờ bén mảng và bị như mình. Sự lo xa
ấy là vô nghĩa, vì rồi tất cả những đứa trẻ đều cần ít nhất một lần
“trải nghiệm” những cảm giác đó, để khôn và để lớn lên.
Vì vậy, tôi
sẽ không kể cho các bạn nghe chính xác thì thất bại của tôi là gì. Tôi
chỉ kể những câu chuyện ngắn của mình, và chỉ dành cho chính mình.
Chỉ có điều, khi bạn 30, nhìn lại tuổi 20, sẽ thấy hạnh phúc vì ít ra
mình cũng đã có tài sản kha khá mà chẳng ai có được. Đó là cuộc đời với
những bí mật và thầm kín không một tỷ phú nào khác có được. Như kiểu vân
tay và DNA vậy.
Chúng ta luôn luôn là những người giàu có và hạnh phúc theo cách ấy!
(Hà Anh Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét