My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

100,793

Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Nhặt nhạnh

Có gì đấy... hình như là "vỡ mộng", chắc thế cmnr, khi tôi còn chưa kịp bị "ăn tát" nữa. Nói chung là thế này (tặc lưỡi, chậc chậc) nguyên văn lời con bạn thân: "Mày hãy ra ngoài để được "ăn tát" chứ đừng nằm ở cái phòng trọ để tưởng tượng mày bị "ăn tát" như thế nào". "Ăn tát" cũng là một đặc ân đấy ạ!"

Bán giấc mộng cho người vỡ mộng
”Vỡ mộng” – là một động từ, được dùng nhiều ngang hàng với những cụm từ khác để chỉ thời điểm tôi và bạn bè ra trường. Tôi vỡ mộng vì đi làmkhông như mình tưởng. Bạn vỡ mộng vì thái độ người ta đối với mình quá tàn nhẫn. Anh vỡ mộng vì cái tưởng tượng ban đầu của anh về nghề nghiệp không như vậy. Chị vỡ mộng vì công việc quá cực, tiền lại ít. Tất cả chúng ta đều vỡ mộng.
Nhớ lại cho trọn vẹn chúng ta bắt đầu tương lai bằng miêu tả xán lạn của những ông thầy tư vấn tuyển sinh đại học tại quê nhà. Một bạn sinh viên tôi từng phỏng vấn thú thật:"Em không biết ngành này làm gì, nhưng nghe mấy bác hàng xóm ở nhà bảo nghề này nhàn, dễ kiếm tiền." - vậy là em đi học kế toán, vô tình ngành này trùng với mấy môn học em khá tốt ở trung học. Các mô tả tương lai được vẽ ra bởi những người ít nhiều không cần phải chịu trách nhiệm với tương lai của chúng ta - lời khuyên thường dễ dàng, họ thích thì cứ cho thôi, hoàn toàn miễn phí.
Nhà kinh doanh giáo dục xuất hiện trong buổi tư vấn tuyển sinh cũng vậy, họ đang đi bán một khoá học, một chương trình giáo dục 4 năm (nhiều khi trị giá hàng trăm triệu) cho những người trẻ cần có ai đó chọn lựa dùm mình phải làm gì trong những năm tiếp theo của cuộc đời. Họ nói về những nghề nghiệp bàn giấy nhàn nhã, mô tả công việc cạnh tranh, lương nghìn đô, trở thành danh giá trong xã hội, mặc vest, bước vào xe hơi, có người nghe lệnh... Hình ảnh đẹp kích thích tới độ có một thời cứ 3m người ta sẽ gặp một sinh viên quản trị kinh doanh.
Sự huyễn hoặc được vẽ nên dễ dàng, bởi giống như những người đi bán xà bông hay đồ lau nhà, người bán chương trình giáo dục muốn khách hàng mua ngay lập tức. Nhà tư vấn tuyển sinh muốn đứa học trò lập tức đầu quân vào trường của mình. Thị trường của họ thật dồi dào những người nhiều giấc mộng và sẵn sàng trả tiền để mua ước ao lương nghìn đô có địa vị xã hội.
Vài năm sau, trong giảng đường đại học, khi những đứa trẻ sinh viên đang tan hoang trước giấc mộng cũ dần thực tế hơn. Sinh viên quản trị kinh doanh thất nghiệp, sinh viên ngành báo chí không có việc làm, sinh viên Luật chạy chọt trăm triệu để về quê. Trước áng văn đổ nát lãng mạn của người trẻ, những diễn giả nổi tiếng, người thành đạt (đang kinh doanh khoá học làm sao để giàu có) tiếp tục xuất hiện. Họ vẽ ra tương lai sặc màu hoa và pháo bông, những giấc mơ hào hùng của việc trở thành người thành đạt, xài điện thoại xịn, nói những câu hoa mỹ, trang trọng.
Sinh viên ngồi đó, choáng ngợp vì những khả năng vô biên ngập đầy vinh quang mà mình có thể đạt được nhanh chớp nhoáng, bằng cách gọi điện về nhà, xin tiền cha mẹ theo học kỹ năng thành đạt của những vị thần tượng trên cao.
Chẳng có gì dễ bán như giấc mơ, bán những tương lai huyền vọng, rực rỡ, nơi người ta có thể tưởng được mình trở thành chuyên gia, mặc vest, kiếm ngàn đô một tháng, hoặc được vinh danh và xã hội vì nể, danh vọng ngập tràn. Giấc mơ dễ bán bởi người mua trẻ trung, đầy ao ước, muốn có họa sĩ lành nghề, vẽ dùm họ sự xán lạn trong tháng ngày mù mịt, tăm tối thực tại mà họ mất hướng đến mức không thực sự lắng nghe trái tim xem nên làm gì. Họ vương vãi đam mê và tiền bạc, hòng mong có ai đó đem đến định nghĩa về giấc mơ, về cơn mộng thành tựu, về tuổi trẻ đáng sống, về sự an toàn của lúc trưởng thành.
Nhưng cuộc sống đen tối đến mức không tưởng tượng được. Người con trai ăn mặc hào nhoáng và nói những câu trau chuốt (học được từ khóa học thành đạt) bị đám "ma cũ" trong công ty liên tục nhờ đi mua cafe, lấy phong thư, chuyển giấy tờ, đưa thư... và hàng mớ việc không tên. Anh bỏ việc sau 15 ngày, tiếp tục lao vào những bộ hồ sơ mới, cảm thấy bị xúc phạm “không đúng chuyên môn”, cảm thấy mình là một cử nhân ngời ngời bị xem như đứa sai vặt.
Lòng tự trọng của cô sinh viên báo chí bị tổn thương khi mới tháng đầu đi làm, người ta bắt cô ngồi đọc báo, không giao cho việc gì quan trọng như một bà chị chỉ học cao đẳng đang làm chung. Cô rời khỏi công ty không một lời chào sau một tháng, tự thấy mình không được trân quý, dù lúc ấy, cô chưa kịp học được một miếng nghiệp vụ nào ngoài cuộc đời thật sau giảng đường.
Nhiều người trong số họ quay trở lại giảng đường trong chớp mắt, cảm thấy cuộc đời là một mớ không thể chấp nhận được, gọi tên chúng là "vỡ mộng", là bị huỷ hoại lý tưởng, bị chà dẫm ước mơ. Họ lao đầu vào các cuộc học lại từ đầu bằng cấp mới, học cao lên, học thạc sĩ, tiến sĩ, học thêm một nhánh ngành không liên quan nào đó. Trường lớp đủ sức vỗ về các giấc mộng, chứ cuộc đời không đủ lòng từ bi để hát mãi lời ru. Nhưng lúc này trường học có giá trị hơn một chút, nó giúp những người này một chỗ ẩn nấp an toàn, để cuộc đời khỏi đánh họ bầm dập.
Nếu có thứ là mộng thì đó là giấc mộng được vuốt ve, được ăn ngon mặc đẹp, được tôn thờ, được êm ấp bằng sự săn sóc của người xung quanh. Ai trong đời chẳng ước mơ thế? Tuổi trẻ vỡ mộng - nghe cứ như một mỹ cảm buồn, một giọt nước mắt hình hài lãng mạn. Người vỡ mộng gắn lên mình tấm huy chương tử nạn (giống các liệt sĩ) và thề nguyền chôn vùi tuổi trẻ của mình. Họ vỡ mộng.
Họ chỉ quên mất đó là những giấc mộng được mua bằng tiền, bằng học phí 4 năm đại học, bằng voucher giảm giá để vào học, tung hô và tưởng tượng với người lèo lái con tàu ý nghĩ mê man cho họ. Tiền – để đổi lấy giấc mộng lành.
Vậy thì có còn giấc mộng nào buồn hơn vậy, khi cứ ngày qua ngày, biết bao bạn bè lớn lên, lao ra đầu sóng, xăm xăm đối mặt với cuộc đời, thì ở đây mình vẫn hát hoài một khúc buồn của người rệu rã đã vỡ mộng. Khi năm tháng phai nhòa đi, họ gọi tên sự thất bại bằng cụm từ: “Công việc ấy không xứng với tao”, hay “môi trường cạnh tranh không lành mạnh”, hoặc “lương không đủ sống, làm nản lắm đi!” – Họ cứ ẩn núp mãi trong những món tiền dư dả của gia đình, học hết môn này đến lớp nọ, ngành này đến việc kia, cho đến khi có đủ 4 cái bằng đại học, yên tâm ngời ngời về chuyên môn, họ rón rén bước ra cuộc sống ở trước mặt.
Khi ấy họ giận dữ và trịch thượng chửi mắng cuộc đời, cái thế giới thiếu chuyên nghiệp này, tại sao chúng lại dám để họ - cử nhân 4 bằng đại học – Phải làm một nhân viên quèn việc giống nhau mỗi ngày?
Xin đừng làm tổn thương những người lao động bình thường, khi họ đang cố kiếm sống tử tế với chuyên môn của mình hoặc thứ mình hiểu biết. Họ làm việc và không phẫn nộ.
Đó là sự khác biệt của người vỡ mộng – họ mắc kẹt trong giấc mộng đã trót mua với giá quá đắt tiền.

(Nhặt trên fb Khải Đơn)

******************

Để tớ kể bạn nghe lần đầu tiên đi Couchsurfing tớ gặp ai nha.
Tớ gặp anh Romaine đến từ Pháp, đã đến Nhật 1 lần và lần này dẫn bạn gái quay lại. Anh hiện là freelance programmer, đem theo cái laptop để sáng đi chơi tối về làm việc từ xa.
Tớ gặp cô bạn gái anh là Stefany cũng đến từ Pháp, vừa học xong PhD nên qua Nhật du lịch. Chuyên ngành PhD của cô là nghên cứu về ứng dụng máy tính dành cho người mù.
Tớ gặp anh Rexy đến từ Malaysia, học cấp 3 thấy chán nên nghỉ học đi làm, nhưng không kiếm việc làm được nên... qua Taiwan học lại cấp 3. Vẫn thấy học trong trường chán nên hiện anh dành thời gian làm 3 việc cùng lúc: chụp ảnh cưới, trợ lý, và bán lá cây làm thuốc.
Rất tiếc tớ chưa có dịp nói chuyện nhiều với cô Ito. Còn cô Chiaki đang làm y tá, tham gia Couchsurfing 3 năm. Cô vừa đến châu Âu 2 tuần thăm những khách đã ở nhà mình, còn tổng cộng đã du lịch 36 nước, nhiều quá tớ khỏi kể ra đây ha.
Và cuối cùng, bác host tớ tên Syouji làm chủ tiệm mua bán máy tính cha mình để lại, và sẵn tiện đặt thêm vài máy bán thuốc lá tự động trước tiệm. Bác tham gia Couchsurfing được 1 năm rưỡi, từ đó đến nay host 150 người từ các nước. Cũng từ khoảng thời này bác đi đến Los Angeles 2 lần, Hong Kong 1 lần, Taiwan 4 lần, Hàn Quốc 3 lần, đầu năm sau đi Singapore, và đã đi gần hết nước Nhật, hầu hết ở với những khách đã ở Couchsurfing nhà mình. Bác không biết tiếng Anh nên dùng Google Translate trên Couchsurfing. Khách đến ở không biết tiếng Nhật cũng đã có 2 máy tính để gõ Google Translate nói chuyện với nhau.
2 ngày cuối tuần tớ không đọc về các siêu sao trên báo mạng để gặp những con người như vậy thôi.
Xong tớ tự hỏi, vậy mình không thể đi học, đi làm, đi du lịch để mở rộng hiểu biết bản thân và có ích cho xã hội, thì là do không có thời gian, không có tiền, không có kinh nghiệm, hay đơn giản là không có bản lĩnh?

(Nhặt trên FB chị Thư VA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét