TRẦN QUỐC KHÁNH: “THẾ GIỚI NÀY RỘNG LỚN LẮM!”
Trước khi trở thành một gương mặt quen thuộc của kênh Truyền hình FBNC, Biên tập viên, kiêm dẫn chương trình, sản xuất chương trình Trần Quốc Khánh đã từng phải trải qua cả một hành trình rất dài tự trau dồi kiến thức và kỹ năng để có được như ngày hôm nay. Anh từng tốt nghiệp THPT Chuyên Lê Hồng Phong, thi vào ĐH Bách Khoa ngành Quản lý công nghiệp. Sau đó, vì mong muốn được đi ra nước ngoài học hỏi thêm nhiều kiến thức mà anh đã quyết tâm ôn luyện tiếng Anh để giành được học bổng ngành Quản trị Kinh doanh tại ĐH Southern Illinois (Carbondale) và tiếp tục học lên cao học tại ĐH Lasalle (Philadelphia). Cùng chiến dịch 50 Đại Sứ Trẻ Việt lắng nghe chia sẻ của anh về hành trình của mình nhé!
Biến thách thức thành cơ hội
“Sau khi tốt nghiệp ngành Quản Trị Kinh Doanh, anh trở về Việt Nam để tìm kiếm công việc trong lĩnh vực liên quan đến đầu tư, tài chính ngân hàng,…
Nếu hỏi anh vì sao lại quyết định về Việt Nam làm việc, thì cũng giống như nhiều du học sinh khác, động lực lớn nhất là làm việc tại quê nhà. Việt Nam đang phát triển thì cơ hội nhiều hơn, nền kinh tế đất nước còn mới nên họ cần nhiều vị trí, nguồn nhân lực được đào tạo từ nước ngoài, từ các nước phát triển, có sự tự tin, khả năng ngoại ngữ.
Lúc đó là năm 2009, thị trường tài chính đang trong cao điểm khủng hoảng kinh tế thế giới nên công việc mình muốn đang khan hiếm những ít vị trí tốt. Còn FBNC mới vừa ra đời, tạo ra nhiều cơ hội cho giới trẻ. Họ đăng tuyển người dẫn chương trình, thế là anh đi casting thử. Anh chọn dẫn chương trình về kinh doanh và họ thấy phù hợp. Sau này làm từ từ, họ thấy mình làm ổn thì giao cho mình thêm việc làm biên tập, làm chương trình talk show phỏng vấn doanh nhân,… Từ đó, anh mới bước vào công việc biên tập, chứ trước đây không học biên tập bài bản.
Anh cũng không nghĩ mình sẽ làm công việc truyền hình. Nhưng thật sự làm việc ở quê nhà lúc nào cũng thú vị hơn. Đơn giản là đi học một thời gian thì về nhà làm việc, gắn bó với quê hương. Xác định quay về đây để làm việc thì cũng không có gì phải trăn trở cả, vì mình đã xác định ngay từ đầu rồi.”
Luôn phải biết tự trau dồi
Không phải ai cũng may mắn có 1 đam mê ngay từ đầu. Cuộc sống sẽ luôn tiếp diễn, và nó sẽ đưa bạn đến những cơ hội.
“Có thời gian anh công tác ở phòng thời sự của Đài Truyền hình. Lúc đó, anh cứ học từ công việc, vừa làm vừa học thôi. Cũng như nhiều người, nhiều phóng viên, nếu họ không được đào tạo bài bản thì họ vừa làm vừa học. Hồi đầu mình là dân tay ngang không có bài bản, lúc nào cũng phải biết tự thân học hỏi, tự xem chương trình, xem các MC cách họ dẫn chương trình, cách sản xuất. Khi mình bắt đầu làm công việc gì đó từ từ mình cứ cố gắng, rồi cải thiện hơn. Đến giờ anh làm công việc này cũng 4, 5 năm rồi, cũng đã quen với công việc và vẫn đang từng bước theo đuổi niềm đam mê này.
Cái quan trọng nhất trong công việc anh đang làm chính là kiến thức chuyên môn, nền tảng. Mình không thể đòi hỏi mình là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực được, nhưng mình thích lĩnh vực nào thì mình phải có kiến thức căn bản về nó. Ví dụ thích kinh doanh thì phải có kiến thức nền về kinh doanh, kinh tế, tài chính, để từ đó mình mới làm được những chương trình khai thác thông tin từ chuyên gia. Ngoài kỹ năng MC thì còn là sự rèn luyện, đặc biệt thái độ chuyên nghiệp, tự tin, sự thoải mái để mình đi tiếp xúc với những người làm kinh doanh. Ngoài ra còn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, biết quan hệ xã hội. Miễn là có nền tảng, thì công việc nó sẽ rèn luyện từ từ.
Anh nghĩ trong lĩnh vực của mình thì anh cũng chưa phải là thành công gì nổi bật, nhưng anh có sự nhất quán trên con đường của mình. Anh theo lĩnh vực này cũng 3, 4 năm, chuyên thể loại chính luận, phỏng vấn doanh nhân, kinh tế, sự kiện chuyên nghiệp mang tính chất quốc tế,… mình xây dựng, rèn luyện năng lực kỹ năng tập trung vào mảng này, mình có sự kiên định, thống nhất. Nó giống như mình xây dựng một thương hiệu cá nhân riêng, và cái thương hiệu đó phải đồng nhất. Giống như nhắc đến tên mình thì người ta phải biết mình làm trong lĩnh vực đó, mình tạo ra được sự tin tưởng thì dễ làm việc. Cái thứ hai giúp anh có được những gì mình có hiện nay đó là thái độ nghiêm túc, làm hết mình trong mọi việc.”
Anh may mắn được gặp gỡ rất nhiều người, từ người trẻ đến các anh, các bác doanh nhân. Anh nghĩ họ đều có một mẫu số chung, họ đều rất đam mê lĩnh vực họ làm, họ nỗ lực rất nhiều và đi theo đến cùng.Nền tảng là tiền đề có được thành công bền vững
Theo anh, để có được thành công bền vững thì phải có nền tảng, phải xuất phát từ giá trị căn bản. Thời gian đầu anh cũng không có căn bản nên phải tự học, mình không dám đốt cháy giai đoạn. Mặc dù anh biết việc học thì lúc nào cũng có thể làm được nhưng mình luôn tìm cách để trau dồi căn bản. Cái gì cũng vậy, nếu có căn bản tốt, nền tảng tốt thì giúp bạn trụ vững, lâu dài, nếu mà nhất thời qua những chiêu trò, mánh khóe thì đến lúc nào đó nó cũng sẽ bể ra, nó không lâu dài được, nó chỉ nhất thời mà thôi.
Nói với người trẻ
Anh nghĩ, các bạn đang có nhiều thời gian thì nên cố gắng trải nghiệm, đi nhiều, và dành thời gian nghĩ về kế hoạch trong tương lai. Bớt phụ thuộc vào những gì người lớn sắp đặt trong suy nghĩ phải nên cái này, nên cái kia, hay học ngành này thì chỉ ra làm cái này. Các bạn phải cố gắng độc lập, theo đuổi đến cùng cái mình thích. Đặc biệt là sinh viên ĐH, các bạn có thời gian, sự tự do, nếu được thì cố gắng trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Nếu có cơ hội thì hãy tự trải nghiệm, đi du học, đi khám phá, gặp gỡ người này người kia, gặp nhiều người nói chuyện đọc sách báo nhiều, có thời gian nên cố gắng để tìm ra đam mê. Lâu lâu thì tìm cơ hội vượt qua những điều mình quen thuộc. Bạn phải làm, phải va chạm, phải thấy thì biết đâu bạn sẽ thích.
Thực ra ở thành phố năng động này còn rất nhiều việc cần rất nhiều người tài, người giỏi, nhưng thị trường nhân lực vẫn chưa đáp ứng được chuyện đó, về ngoại ngữ, sự tự tin, kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội. Những thứ đó rất cần nhưng ít bạn đáp ứng được điều đó. Các bạn nếu tập trung trong lĩnh vực của mình thì sẽ không thiếu cơ hội làm việc trong những tổ chức lớn, những công việc có mức lương hấp dẫn. Một khi bạn có nền tảng rồi thì bạn không thích việc này thì kiếm việc khác. Mình phải chuẩn bị được nền tảng thì mình mới lựa chọn công việc được. Nền tảng không có thì sẽ khó tìm được công việc đúng đam mê.
Cái hay của mỗi người là làm sao nuôi sống được cái đam mê của mình, rồi mỗi bạn trẻ nên có một công việc ổn định, công việc mình yêu thích, và làm tốt nó, đó chính là cái bạn đóng góp được cho xã hội.
Đừng bao giờ giới hạn mình trong một quy chuẩn nào hết. Thực sự thì mọi thứ có rất nhiều cơ hội. Thế giới này rộng lớn lắm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét