My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Chia sẻ của anh Minh Delta Việt - rất hay

CÂU CHUYỆN VỀ "TẦM NHÌN LỆCH" và "ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH"
Trong cuộc sống, mỗi người có một Tầm Nhìn xa và rộng khác nhau, có nghĩa là khả năng dự đoán trước những việc sắp xảy ra, cái đó nó phụ thuộc nhiều vào kiến thức, kinh nghiệm sống!
Ví dụ như bạn nhìn con bạn chạy giỡn trong sân ướt nước thì sẽ dự báo là nó sẽ bị trợt té, và bạn bảo nó phải cẩn thận! Nhưng đứa trẻ chưa có được Tầm Nhìn đó nên sẽ có thể không nghe lời, và trợt té cái ầm, khóc lu loa lên và bạn phải dỗ dành, xử lý vất vả...
Và trong những người lớn hơn với nhau cũng vậy, khi những người có tầm nhìn quá khác nhau nhưng sống và làm việc chung, có ảnh hưởng lẫn nhau thì sẽ rất khó chịu:
Như trên chiếc thuyền, người Hoa Tiêu kinh nghiệm có cái ống dòm, nhìn xa hơn nên luôn báo có đá ngầm, bão tố, cướp biển...,
Thủy thủ đoàn đương nhiên không thấy nhưng phải biết lắng nghe, bởi vì nếu bạn không thấy trước bạn có thể đâm vào đá chết tươi chả sao, nhưng một người đã thấy trước mà bắt họ cùng đâm vào đá với bạn thì họ sẽ bỏ thuyền mà đi ngay khi có thể!
Tất nhiên, không phải lúc nào Hoa Tiêu cũng đúng 100%, nhưng nếu đã phân cho anh ta làm việc đó có nghĩa là ảnh giỏi nhất, nên phải tin anh ấy! Và bạn cũng đang được phân việc nấu bếp, việc mà bạn giỏi nhất!
Nhưng người Việt Nam thì Hoa Tiêu cứ xuống bếp ý kiến ý cò, còn Đầu Bếp thì cứ leo cột buồm la lối nhặng xị lên! Vậy hỏi chiếc thuyền sẽ đi đâu về đâu?
Nguồn: Anh Tư Sang.

**********************
MỌI CHUYỆN CHỈ ĐÚNG KHI ĐẶT Ở ĐÚNG THỜI ĐIỂM (RIGHT TIMING)
Theo tôi, thời điểm là một yếu tố vô cùng quan trọng. Một giải pháp, lựa chọn dù hay ho đến đâu nhưng nếu đặt sai thời điểm thì cũng thất bại.

Trong quá trình phát triển của một doanh nghiệp (cũng như của bản thân) sẽ có rất nhiều lỗ hổng, nhiều điểm cần cải thiện thêm, nhiều điểm cần có thể làm tốt hơn được. Nhìn vào bất cứ doanh nghiệp nào, một người bình thường cũng có thể chỉ ra hàng loạt những điểm cần cải thiện, hàng tá giải pháp, dự án, kế hoạch có thể làm.

Đứng ở góc độ riêng lẻ thì giải pháp nào cũng nên làm. Nhưng khi đặt ở một bối cảnh rộng hơn, thì liệu rằng thực hiện giải pháp đó bây giờ đã là “đúng thời điểm” hay chưa?

Trong kinh doanh, thương hiệu công ty, chính sách đãi ngộ tốt, văn hóa công ty mạnh đều là những điều vô cùng quan trọng và nên làm. Nhưng liệu rằng việc đầu tư ngân sách, nhân lực để thực hiện những điều trên đối với một công ty còn non trẻ, chưa biết chính xác đối tượng khách hàng mình là ai, đội ngũ nhân sự còn hạn chế, và còn vật vã lo bán hàng để kiếm đủ nguồn tiền vật vã “vượt qua con trăng này” thì liệu rằng đã là một sự đầu tư “đúng thời điểm” hay chưa?

Trong tình yêu, sau một bữa tối lãng mạn, chàng trai và cô gái cùng đi dạo phố, cả hai người “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” nhưng chàng trai lại muốn “chốt” việc tỏ tình bằng một nụ hôn thắm thiết với cô gái ngay lúc cô ấy vừa ăn mắm tôm xong thì khả năng thất bại rất cao, không phải vì cô gái không yêu chàng trai mà vì chàng trai chọn sai thời điểm.

Những tình huống mang tính cao trào như thế thì thường dễ nhận ra. Nhưng khổ nổi là trong cuộc sống không có cái gì hoàn toàn trắng, hoàn toàn đen, mà mọi thứ cứ mờ mờ ảo ảo.

Sẽ có nhiều lúc chúng ta đưa ra những góp ý nghe có vẻ rất logic cho người khác mà không nghĩ rằng đã “đúng thời điểm” hay chưa. Hoặc là chúng ta thực hiện nhiều việc mà chúng ta tưởng rằng rất hợp lý nhưng chưa nghĩ đến việc đã “đúng thời điểm” hay chưa.

Lựa chọn nào cũng có nét hấp dẫn riêng, và mỗi lựa chọn sẽ có một sự đánh đổi nhất định: được cái này sẽ mất cái kia.
 
Thường khi đứng trước một chuỗi lựa chọn trong cuộc sống cũng như trong công việc, tôi thường đặt cho mình câu hỏi “Liệu đã đúng thời điểm?
********************
Hôm nay, trong lớp Content Thinking của anh Huỳnh Vĩnh Sơn, chữ “hồn nhiên” ấy lại khơi lại cho tôi nhiều cảm xúc.
Anh Sơn chia sẻ là một người tạo được tầm ảnh hưởng lớn với người khác (nói chung là thế, còn nói riêng là chuyện viết hay) thường là do
 (1) họ sống hay (trải nghiệm nhiều, đa dạng, suy nghĩ sâu sắc)
hoặc
(2) họ “hồn nhiên”: rất thẳng, rất thật, rất tự nhiên.

*********************
NHIỀU KHI CHÚNG TA KHÔNG BIẾT MÌNH THÍCH GÌ … CHO ĐẾN LÚC CHÚNG TA THỬ
Hôm nay được mời về trường cũ (Đại học Quốc Tế TPHCM) để chia sẻ một số kinh nghiệm với các em sinh viên lớp Quản Trị. Sau đây là một số quan điểm mình thấy cũng thú vị nên muốn chia sẻ lại với mọi người:

1. Có yêu một vài người rồi mới biết người nào phù hợp với mình, người nào không. Có ăn một vài (nhiều) món rồi mới biết món nào ngon, món nào hợp với mình, món nào không. Có làm thử một vài công việc rồi mới biết công việc nào hợp với mình, công việc nào không.

2. Ở khía cạnh một nhà tuyển dụng, làm gì có ai đảm bảo chắc chắn 100% mình sẽ tuyển được ứng viên phù hợp. Các công ty lớn phải cho ứng viên trải qua 4 -5 vòng thi (IQ, EQ test, thảo luận nhóm, phỏng vấn với bộ phận nhân sự, phỏng vấn với bộ phận chuyên môn, dự án làm thử …) rồi mới ra quyết định tuyển dụng. Rồi còn thử việc 2 tháng nữa để đảm bảo sự phù hợp với công ty. Ở vị trí nhân viên thì ít nhất phải thêm 3 – 6 tháng nữa mới chắc chắn được người nhân viên đó thật phù hợp với công ty. Còn ở vị trí quản lý thì cũng phải 6 tháng – 24 tháng mới biết được người quản lý đó hợp với công ty hay không.

Càng thử sớm, càng biết kết quả sớm để điều chỉnh cho phù hợp.
Nhìn chung kết luận lại thì tuổi trẻ nên cần hai thứ:
(1) là THỬ NHIỀU để biết mình hợp với cái gì; và
(2) là CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% với những điều mình làm (chứ không Choi Xong Zdon, ăn xong rồi bỏ chạy à nha)

Về buổi chia sẻ ngày hôm nay thì nhìn chung là diễn ra cũng tàm tạm, không quá dở mà cũng không quá tốt. Từ khi DeltaViet là một nền tảng học trực tuyến thì mình quen với những bài giảng online cụ thể, vào thẳng vấn đề rồi, giờ giảng offline thì phải bày trò gì đó vui vui, khuấy động không khí thì mình lại không giỏi.

 Một số người sẽ thắc mắc không biết rốt cuộc thì mình làm khởi nghiệp công nghệ (Tech Start-up) hay là làm giảng viên. Mình cũng nói luôn là mình muốn tập trung vào khởi nghiệp công nghệ, vào việc đem đến một nền tảng e-learning học kỹ năng hữu ích, giúp cho học viên tiết kiệm 3 – 5 lần chi phí so với học offline mà chất lượng vẫn đảm bảo; đồng thời cũng giúp cho giảng viên, chuyên gia có thêm thu nhập để họ có thể ổn định hơn về tài chính để chuyên tâm vào giảng dạy.
Mình không có ý định trở thành giảng viên bởi vì năng lực trình bày của mình có hạn. Mình lâu lâu có đi giảng, đi chia sẻ về một số chủ đề (thường là liên quan đến khởi nghiệp, lập kế hoạch tài chính, nhân sự, huy động vốn và cả ... ờ... chủ đề chinh phục bạn gái nữa) chỉ đơn giản là muốn hiểu hơn về cuộc sống, trải nghiệm của các giảng viên, chuyên gia để từ đó hỗ trợ họ chuyển đổi khóa học offline của họ thành khóa học online trên hanhtrinhdelta.edu.vn một cách dễ dàng hơn và tốt hơn.

Thiết nghĩ, ở doanh nghiệp nào cũng vậy, việc đi sâu, đi sát vào trong quần chúng để thấu hiểu tâm lý đối tượng khách hàng, đối tác sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nhiều giá trị thực tế hơn, lớn hơn.
Mong chờ một sự phát triển mạnh mẽ của DeltaViet nói riêng và ngành e-learning về mảng kỹ năng của Việt Nam nói chung!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét