Phạm Anh Thư: “Tôi dám thử, nên đã làm được nhiều điều”
27 Aug, 2013
Có lẽ bạn đã chuẩn bị sẵn “gạch đá” để ném vì câu phát
ngôn rất “liều lĩnh” này, kiểu như: Cái gì cũng dám, cả những chuyện ảnh
hưởng đến tính mạng hay đích đến có thể hoàn toàn tiêu cực ư? Phạm Anh
Thư sẽ gật đầu ngay tắp lự, đó là cách mà cô nàng đã hành xử trong nhiều
năm qua, để có được những điều mình muốn. Gật đầu trước mọi khó khăn
hay thử thách là cách duy nhất bạn biết mình có thể vượt qua nó hay
không.
Hành trangKhoe thành tích chút xíu
Họ tên: Phạm Anh Thư
Ngày sinh: 13-4-1991
Hiện đang là sinh viên Trường Mount Holyoke College (Massachusetts, Mỹ)
Ngày sinh: 13-4-1991
Hiện đang là sinh viên Trường Mount Holyoke College (Massachusetts, Mỹ)
Sống, hay gọi cách khác là sẵn sàng đón nhận
Thư gầy, thấp bé và đi đứng nhanh nhảu như một nữ sinh lớp 9, chỉ có cái miệng liến thoắng và cách nói chuyện tự tin khiến cô bạn biến thành một thỏi nam châm thu hút người đối diện. Nói về chuyện năm lớp 10 Thư đã trở thành học sinh người Việt duy nhất được tuyển vào Trường Trung học Taft School ở Connecticut, Mỹ, Thư rất hồn nhiên: Ai cũng nói mình may mắn, nhưng mình thì nghĩ sự may mắn tự thân nó không thể có được trừ khi bạn có sự chuẩn bị trước.Dù khi đó mọi người chung quanh chưa quan tâm nhiều đến chuyện học trung học ở Mỹ, Thư vẫn nghĩ khác: đã đi thi, đã phỏng vấn là phải cố gắng hết sức. Thư đã viết bài luận về một trải nghiệm khi đi ra Đà Nẵng, Quảng Nam để làm tình nguyện vào năm lớp 9, một điều không phải học sinh nào cũng có được ở độ tuổi đó, và đã chinh phục được ban giám khảo.
Khi bước vào môi trường trung học ở Mỹ, cô nàng đã chới với một thời gian dài, nhất là vào giờ Lịch sử khi thầy cô cứ thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên qua một học kỳ làm “con ong chăm chỉ” và kiên trì đeo bám thầy cô, Thư nhận được một phần thưởng kỳ lạ “Học sinh có những tiến bộ vượt bậc nhiều nhất”.
Những ngày tháng du học đã giúp Thư hình thành cách suy nghĩ: chuyện gì cũng có thể xảy ra, quan trọng là cách bạn đón nhận. Câu chuyện về hai anh em thủ phạm đặt bom ở cuộc đua Marathon Boston 2013, giết chết ba người và làm bị thương hơn 200 người khác vào đầu hè vừa qua có thể làm bạn chấn động khi đọc tin trên báo chí, nhưng Thư vẫn giữ được bình tĩnh trong khi nơi Thư ở rất gần chỗ xảy ra thảm họa. Dù xung quanh có nhiều người hoảng loạn, Thư chủ động liên lạc để biết tình trạng của bạn bè, và dường như sự sợ sệt không có trong từ điển sống của cô nàng bản lĩnh này.
Người về từ Jerusalem
Thay vì nộp đơn vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp, cô nàng quyết định dùng gap year của mình để đi làm tình nguyện ở Jordan. Thư đăng ký tham gia chương trình Hoạt động cộng đồng ở trường King’s Academy, một trường nội trú có cả nam và nữ đầu tiên ở Ả Rập, được thành lập bởi chính vua Jordan. Mục tiêu của Thư rất đơn giản, muốn thử cảm giác khi mình là thành viên của một mô hình trường học như thế ở một đất nước xa lạ thì sẽ học được những gì. Thư làm công việc văn phòng, quản lý các chương trình ngoại khóa cho học sinh Jordan và 23 nước khác trong trường, xây dựng những chương trình từ thiện, hoạt động xã hội. Nhật ký của Thư những ngày đó đầy ắp những điều thú vị, khi bạn được cùng các học sinh đi xây nhà cho người dân nghèo ở những vùng ngoại ô xa xôi hay đến thăm đập nước gần vùng giao tranh giữa biên giới Syria và Israel để tìm hiểu về chương trình bảo tồn nước.Đúng với những lo lắng ban đầu của ba mẹ Thư khi cô con gái một mình một balô sang Trung Đông, cô bạn đã không từ chối bất kỳ một cơ hội nào để có thể tìm hiểu và khám phá một phần thế giới lạ lẫm này.
Một dịp cuối tuần, chỉ có một mình, cô gái nhỏ này dám vác balô đến Jerusalem, để cuối cùng là bị bắt vào thẩm vấn hơn một tiếng đồng hồ về mục đích của chuyện lang thang đến khu “cấm địa” này. Với bản lĩnh và sự minh bạch, Thư được chấp nhận, cùng với hai người bạn nữa gặp được sau đó, Thư đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị trên miền đất thánh.
Thư nói, nếu không đi nhiều nơi, bắt chuyện với nhiều người, mình sẽ mãi giữ những quan điểm một chiều thiển cận: chẳng hạn chuyện các cô gái Hồi giáo mặc trang phục kín từ đầu đến chân là do ý thức của họ về cơ thể, rất nhiều cô gái nói với Thư điều đó không liên quan gì đến sự áp bức. Hay trong cuộc chiến giữa Palestine và Israel, người ta nói nhiều đến chiến tranh, nhưng những bạn trẻ trong trường học nơi Thư làm tình nguyện lại nói nhiều đến khao khát được quay về sống trên vùng đất ruột thịt và lòng yêu nước của họ. Thế giới bên ngoài quá rộng lớn và thú vị với cô gái này. Chuyến đi Jordan cũng là một trong những lý do khiến Thư được cấp học bổng 90% tại trường đại học hiện đang theo học, phần thưởng cho lòng quả cảm và sự liều lĩnh của tuổi trẻ.
Đi, vì cuộc sống muôn màu
Trở về Việt Nam trong mùa hè này, Thư đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi cùng nhóm bạn trong dự án khám phá Việt Nam của mình đi xuyên Việt để tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương.Trước đó, Thư và người bạn thân của mình đã mất nhiều thời gian rong ruổi khắp miền đất nước, tìm những điểm đến thú vị để đưa cả hội đến tìm hiểu. Tại Hà Nội, Thư đưa các bạn đến gặp chị Lan, một phụ nữ đậm nét truyền thống Hà Nội, rất có tâm huyết trong việc lưu giữ những món quà vặt Hà Nội xưa như chè cốm, trà sen, kẹo lạc… Các bạn cùng nhau học cách làm chè cốm và nghe chị Lan bày tỏ tâm huyết về việc giữ gìn những giá trị xưa cũ. Ở Phan Rang, cả nhóm vào “làm công nhân một ngày” ở vườn nho Ba Mọi, để học cách hái nho, loại bỏ nho hư và đóng gói nho sạch. Đến Đắk Lắk, cả nhóm lại miệt mài với hành trình khám phá café Việt, thử những công việc của người nông dân để hiểu vì sao loại café lừng danh này lại không được mở đường đi xa. Chuyến đi nhẹ nhàng như đi phượt đó đã là tiền đề cho nhiều dự án sắp tới của nhóm bạn trẻ: tổ chức những tour rẻ tiền để tìm hiểu giá trị văn hóa của Việt Nam, làm dự án giới thiệu thương hiệu nho Ba Mọi.
Một tuần nữa, Thư sẽ quay lại với việc học đang dở dang của mình, nhưng hành trang đã nặng thêm nhiều dự định của cô gái “tham đi, tiếc việc” sau một mùa hè quăng mình lên đường.
6 điều điên rồ nhất mà Thư đã làm trong năm nay
1. Chẳng biết sợ gì khi một mình đi đến Jerusalem.2. Thực hiện clip nhảy theo kiểu nhân vật hoạt hình qua tất cả những địa danh mà mình từng đến ở Việt Nam, nói chung là nhắng nhít vô cùng.
3. Lái xe 100 phân khối từ Đồng Cao về Hà Nội giữa trời mưa to đường dốc gập ghềnh sình lầy, ngã lên ngã xuống nhưng không bỏ cuộc.
4. Nằm ngủ trên sàn tàu lửa, ngủ đâu không quan trọng, cốt là đến được nơi mình cần đến thôi.
5. Sau nhiều ngày đi du học “càng xa càng nhớ”, trở về Việt Nam đã đạp xe dạo quanh Hà Nội và vòng vòng hồ Tây xuyên đêm.
6. Trong một buổi họp của hội Khuyến học ở tổ dân phố, đã giơ tay phản bác lại ý kiến của một bác phụ huynh. Lý do: bác cho rằng con cái chơi game và cặp kè bồ bịch thì sẽ không học tốt, cần cấm tiệt – Ơ! Mình đâu có thấy vậy!
Uyên Nguyễn
Ảnh D.Studio
Thực hiện Jina
Trang điểm Bobby Nguyễn
Trang phục: Quin House – 49 Đặng Văn Ngữ, Q. Phú Nhuận
(VTM 452)
Ảnh D.Studio
Thực hiện Jina
Trang điểm Bobby Nguyễn
Trang phục: Quin House – 49 Đặng Văn Ngữ, Q. Phú Nhuận
(VTM 452)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét