Bai viet cua chi Thu Pham - President cua Vietabroader...Rat hay, nhat ve de doc tham khao
*********
Bài viết “Ước gì con tôi không phải đi du học” của nhà báo Nguyễn Anh Thi (http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/uoc-gi-con-toi-khong-phai-di-du-hoc-3072820.html)
bày tỏ đúng tâm tư của rất nhiều phụ huynh trước thực trạng
của giáo dục Việt Nam. Tôi hiểu rằng cô và các phụ huynh khác vì
thương con và lo lắng cho tương lai con mình nên mới ước gì không
phải cho con du học; là một người con, tôi vô cùng trân trọng điều
đó. Bài viết này không phản biện lại bài viết của cô Thi, mà chỉ xin
chia sẻ một góc nhìn khác từ vị trí của một du học sinh Việt Nam tại
Mỹ.
Gửi những ông bố bà mẹ Việt Nam,
Mang
trong mình những giá trị của người Việt Nam nói riêng và châu Á
nói chung, khi tiếp cận một nền giáo dục và văn hóa hoàn toàn khác
như Mỹ, chúng con có những lợi thế rất lớn mà có lẽ không
có được nếu sinh ra và lớn lên trong chính môi trường đó.
Con
đi học ở Mỹ tính đến nay là 6 năm: 3 năm trung học cũng ở
trường tư thục nội trú, môi trường đúng như cô Thi miêu tả, nghe
lý tưởng không chỉ đối với gia đình Việt Nam mà còn của nhiều
gia đình Mỹ; 3 năm ở trường Đại học đậm tính “liberal arts”, tư
tưởng giáo dục mà Mỹ đặc biệt tự hào và đề cao. 6 năm này
con học được vô vàn thứ, những thứ mà phần lớn du học sinh Mỹ
khác cũng rất trân trọng: tính độc lập, khả năng tư duy, tính
sáng tạo, cơ hội phát triển bản thân, và nhiều nhiều nữa.
Con
thấy mình may mắn được đón nhận nền giáo dục Mỹ, nhưng thấy
may mắn hơn vì là một du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Là một du
học sinh, con có được góc nhìn khách quan và toàn diện, không
chỉ thấy mặt tốt mà còn mặt trái của nền giáo dục này, mặt
trái mà nhiều học sinh Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề và không nhận
ra.
Giáo dục Mỹ đào tạo ra những con người tự
hào về bản thân và mang niềm tin rằng mình có khả năng đạt được
những điều mình muốn. Vì vậy, cùng lúc đó, nó cũng đào tạo ra
những con người luôn cho rằng mình là số một và làm ngơ với
những điều khác biệt trên thế giới, không thấy được những con
người châu Phi tự hào về đất nước, văn hóa, và hạnh phúc với
cuộc sống của mình, không thấy được người dân Ả Rập thân
thiện, đầy tình yêu thương, và làm chủ cuộc sống họ, hay học
tiếng Nhật, lịch sử và văn hóa Nhật chuyên sâu, nhưng vẫn không biết thế
nào là khiêm tốn và cầu tiến. Nhờ là du học sinh, con trở nên tự
tin với những khả năng và hiểu biết của mình, nhưng luôn nhớ
rằng người ta khác mình không có nghĩa mình đúng hơn hoặc tốt hơn, và
luôn nhắc bản thân quan sát và học hỏi.
Giáo dục
Mỹ đào tạo ra những con người độc lập, theo đuổi đam mê, và tôn
trọng tự do cá nhân. Vì vậy, cùng lúc đó, nó cũng đào tạo ra
những con người chỉ biết đến bản thân, và khi bị cuốn vào vòng
xoáy danh vọng tiền tài, họ dễ dàng đánh mất mối quan hệ
giữa người và người. Nhờ là du học sinh, con chọn cách ăn mặc
mình thấy thoải mái, chọn ngành học mình thích dù không nhận
nhiều sự ủng hộ, nhưng cùng lúc đó, con biết mình không muốn cuộc
sống mạnh ai lo người nấy, mà trân trọng cuộc sống có hàng
xóm qua mượn chén cơm lúc cần, gửi cho bát cà ri vừa nấu, hay ra
đường té xe thì ba bốn người lạ dừng xe giữa đường để đỡ
đứng dậy.
Trung học đến Đại học ở Mỹ con ở trong
trường rất sướng: cứ sáng mở mắt dậy không có đồng nào trong
túi cũng được đi học, đi bơi, ăn uống, không phải lo tiền điện
nước hay tối nay ngủ ở đâu. Nhưng sướng mãi nó… nhạt nhẽo lắm
ạ, và con luôn tìm cách để… được khổ. Con sẵn sàng bỏ cả ngày để
tìm vé máy bay và chỗ ở giá rẻ, đến Jordan, Costa Rica, Ấn Độ
dù không hề biết chút ngôn ngữ, và chọn đi xuyên Việt hè trong
khi bạn bè bận rộn làm thực tập. Vì sao ạ?
Vì ở
Jordan, con nhận ra tình người với gia đình cũng như với người lạ đáng
quý biết nhường nào. Vì ở Costa Rica, con thấy được sống với thiên
nhiên khiến thể chất và tâm hồn khỏe mạnh hơn biết bao. Vì ở Ấn Độ, con
học được sức mạnh của sự kiên nhẫn và điềm tĩnh. Vì ở Việt Nam, con
hiểu được rằng mình chưa biết gì cả. Những chuyến đi đó với con đều
là những chuyến “du học”, không thoải mái hay sung sướng gì,
nhưng đã ảnh hưởng đến con rất sâu đậm. Nếu lớn lên ở một đất
nước tiên tiến như Mỹ, chưa chắc con đã chọn được học, được lớn,
và được sống nhiều như vậy.
Trên hết, chính vì lớn
lên ở Việt Nam rồi mới đi du học, mỗi khi con học được điều gì
hay là con so sánh, suy ngẫm, rồi nghĩ xem cách nào để chia sẻ
cái mình học được đến các bạn Việt Nam khác, để một ngày
các bạn cũng được trải nghiệm như mình, để rồi một ngày nước
mình sẽ như nước người ta. Vì vậy, nhận được quá nhiều từ du
học Mỹ, con gắn bó với tổ chức VietAbroader để cung cấp thông
tin xác thực và truyền cảm hứng cho các em học sinh mơ ước đi
du học Mỹ, và nhận được quá nhiều từ “du học” đến các vùng
đất khác, con theo đuổi dự án ICHA Vietnam để chia sẻ cho các
bạn sinh viên cơ hội trải nghiệm thực tế tương tự.
Nếu
không rời Việt Nam để du học ở một nước xa lạ, có lẽ con đã
không nhận ra được những giá trị mình thật sự trân trọng, không
thấy mình còn kém để tìm tòi và học hỏi ở khắp nơi, và
không có cơ hội dùng những đặc ân mình có được để làm điều
gì đó. Cái cảm giác chắt lọc được những điều hay và không hay từ
các nền văn hóa, rồi dấy lên niềm khao khát chia sẻ chúng, rồi
gặp những con người cùng chí hướng và nhiệt huyết để chung tay
thực hiện, và sau đó thấy được những ảnh hưởng nhất định
của việc mình làm, không từ ngữ nào có thể diễn tả được.
Nếu lớn lên ở một đất nước tiên tiến như Mỹ, có lẽ con đã bỏ lỡ
rất nhiều thứ trong cuộc sống, bỏ lỡ cả cơ hội thử thách và
thay đổi bản thân và cộng đồng mình.
“Khi cuộc
sống quăng vào bạn những trái chanh, dùng chúng pha nước chanh.”
Có thể với nhiều phụ huynh việc cho chúng con đi du học là
“chanh chua” lắm, nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, những “trái chanh”
này có những công dụng riêng mà khi biết cách phát huy, chúng
trở nên đáng giá vô cùng.
Tuy vậy, không
phải ai cũng có điều kiện và may mắn để đi du học. Điều đáng
mừng là, đã có sẵn rất nhiều trường ngay tại Việt Nam, chi
phí thấp, rủi ro ít, và hiệu quả giáo dục cực cao, chỉ cần
các phụ huynh đồng ý hỗ trợ là có thể đi vào hoạt động. Khi thời
gian cho phép, tôi sẽ xin viết bài: Chúng con không cần phải đi du học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét