My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Nguyễn Thiên Ngân - câu chuyện rất hay !

Bắt đầu viết lách từ năm 15 tuổi với những truyện ngắn trên báo Mực Tím, Nguyễn Thiên Ngân đã trở thành cái tên quen thuộc với những bạn trẻ yêu văn thơ. Giờ đây, gia tài văn chương của chị đã bao gồm mười quyển sách với đầy đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài và thơ. Thiên Ngân là chủ nhân của những giải thưởng văn học uy tín như Chân dung Tuổi mới lớn, Văn học tuổi 20… Thơ chị được yêu thích và trích dẫn khắp nơi trên các trang mạng xã hội.
Hiện tại, chị đang làm Senior Copywriter toàn thời gian ở một công ty quảng cáo.
Tuổi thơ sống trong trang sách và viết nên trang sách
Chị kể về thời đi học, chị được ở nhà bác – một nhà thơ. Hằng ngày chị đắm trong căn nhà không có gì ngoài sách. Suốt ngày chị ở nhà đọc sách, không đi chơi, đọc đến lúc chị cảm giác chính mình cần phải viết ra cái gì đó. Chị tin chị đã may mắn được dòng đời đưa đẩy đến một công việc mình thích và làm tốt.
15 tuổi, cái tên Nguyễn Thiên Ngân bắt đầu đến với độc giả qua những truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Mực Tím. Ước mơ được tạo ra một thế giới riêng mà ở đó, mọi thứ được diễn ra theo ý mình muốn, nhân vật này làm gì, nhân vật kia làm gì, chị bắt đầu viết như chơi búp bê. Những nhân vật như bước ra từ môi trường sống của chị, lớn theo trải nghiệm, từ thời sinh viên đến khi mới ra trường. Đó cũng là môi trường thân thuộc với bao bạn trẻ.
Những cuốn sách sau đó lần lượt ra đời, là tập hợp những truyện ngắn từng được lên báo. Đến cuốn thứ 3, thứ 4, chị bắt đầu viết truyện dài “Đường còn dài, còn dài” vì cảm thấy trong khuôn khổ những truyện ngắn đã không còn đủ sức chứa những suy nghĩ của mình nữa.
“Cuốn đó bây giờ đọc lại thấy nhiều chỗ còn ngây ngô lắm. Nhưng nếu có cơ hội được sửa, mình cũng không muốn sửa. Mỗi quãng đời có phận sự của nó. Và mình tôn trọng cái thời sinh viên loay hoay, nhiều băn khoăn sợ hãi ấy.”
Bản thân mình là một cái mỏ neo.
Khi vừa được giải Nhất Chân dung Tuổi mới lớn, Thiên Ngân nhận được những lời khen ngợi quả quyết: mầm văn nơi phố núi, tương lai văn chương rất xán lạn…
Chị bảo, đó là thử thách lớn nhất mà chị từng phải trải qua: việc học cách nghe những lời bình luận như một nguồn ý kiến để cân nhắc và học hỏi, thay vì xem chúng là nguồn vui hoặc nỗi buồn. Rồi con đường của mình, vẫn chỉ có một mình mình phải đi. Mình không thể mang vác theo những bình luận trên vai và chọn đường dựa theo sức nặng của hai bồ khen chê đó. Bản thân chị đã phải một mình đi trên con đường đó suốt 10 năm, trải vài lần va vấp, giờ mới tạm tin lời đám đông thuở trước. Ừ, có thể viết lách đúng là con đường của mình, vì ngoài nó, mình đâu giỏi gì hơn.
Khi được hỏi chị viết cho độc giả, hay viết cho bản thân mình, Thiên Ngân cười bảo: Nhiều độc giả lắm, chiều lòng sao hết được. Thôi thì mình cứ viết cái mình thích, mình tin, rồi độc giả tìm được gì liên quan hay có ích trong tác phẩm, cũng gọi là viết cho độc giả rồi.
Tuổi trẻ yếu mềm lắm, vinh quang được một chút thì té lúc nào không biết. Còn mới sai một chút, người ta nói vài câu đã muốn bỏ về quê trồng cà phê sống hết đời trên núi. Thiên Ngân may mắn vì có nhiều anh chị, bạn bè lớn hơn, kinh nghiệm hơn để học hỏi. Khi chị chới với trong vòng xoáy thì họ lôi chị ra, neo chị lại. Đó là những mỏ neo mà chị may mắn có được. “Nhưng nếu không may mắn có được, thì hãy ráng trở thành mỏ neo của chính mình. Ráng đừng mềm yếu như rong rêu để nước tạt mình đi.”
“Nếu yêu cái gì, bạn sẽ làm mọi cách để nuôi sống nó”
Thiên Ngân hiện đang làm Copywriter trong ngành quảng cáo. Cùng là viết, nhưng bản chất thì rất khác. Ta không thể nói với khách hàng và từng người xem ti vi mỗi tối rằng tôi viết câu headline như thế vì tôi thích thế; hay tôi không dùng từ kia vì từ này có nhạc điệu hơn… Chả ai quan tâm. Trong báo cáo doanh số không có nhạc điệu, và trong những kết quả khảo sát nhóm không hề có sự đăng đối. Thích viết theo ý mình thì về nhà mà viết văn làm thơ, đừng đi làm quảng cáo nữa.
Chúng tôi hỏi chị có bao giờ thấy bản chất công việc hiện tại và đam mê văn chương xung đột lẫn nhau không? Chị có phải chọn một không?
Thiên Ngân bảo nói xung đột thì không hẳn, vì chị có thể dùng kinh nghiệm của cái này để hỗ trợ rất tốt cho cái kia, và ngược lại. Viết văn và làm quảng cáo thoạt trông thì có thể dùng chung một bộ đồ nghề. Miễn đừng quên lúc đó mình đang ở cương vị nào, bắc ống nước hay sửa điện.
Chị có sợ công việc bận rộn sẽ cuốn trôi mất đam mê không? Chị nghĩ nuôi dưỡng đam mê cũng như nuôi mèo. Nếu bạn yêu nó thì bạn sẽ làm mọi cách để chăm sóc nó, dù bạn có nghèo đi nữa. Nhưng nếu không yêu, thì bạn sẽ tìm mọi cách để cho nó đi, rồi để người ta chăm sóc con mèo của mình ngày càng phổng phao, đẹp đẽ lên. Còn mình thì ngồi đó tiếc vì ngày xưa mình đã bỏ rơi con mèo đó. Sống bằng nghề viết cũng vậy. Nhưng nếu bạn đủ yêu, bạn sẽ làm mọi cách để nuôi nó.
“Hồi tháng 3, mình có dịp đi công tác ở Paris. Ở đó có một hiệu sách tên Shakespeare & Company, trong cuốn Hội hè miên man của Ernest Hemingway có nhắc đến. Hiệu sách đó vẫn tồn tại đến bây giờ. Các nhà văn trẻ, chưa nổi tiếng trên khắp thế giới đổ về đó nương náu trong những ngày ở Paris. Ban ngày họ sắp xếp sách, giới thiệu sách cho độc giả, bán buôn tất bật. Rảnh ra một tí, chắc là họ viết lách, mình đoán thế.
Có một đêm lạnh kia, mình đi ngang, thấy một anh chàng đang đứng ôm guitar chơi nhạc trên vỉa hè, trước mặt là cái mũ có vài đồng euro lẻ. Anh người Mỹ này ban ngày làm việc ở tiệm sách. Mình từng đứng nói chuyện với anh ta rất lâu, lại một chàng trai trẻ mộng trở thành Hemingway khác. Giờ anh đứng đó dưới bóng đèn trắng trước hiệu sách, ôm đàn hát hò tranh thủ kiếm thêm.
Cảm giác của mình lúc đó phải gọi là đau đớn. Rõ ràng lúc đó mình no ấm hơn anh ta, mình có tiền công tác phí trong túi, mình có thể ghé vào bất cứ đâu uống café, thậm chí thảy vào cái nón của anh ta một khoản kha khá. Nhưng mình chẳng thể làm gì hơn ngoài việc đứng bất động bên lề đường, nhìn kẻ khác sống ngấu nghiến giấc mơ của đời mình. Như nhìn con mèo đã-từng-là-của-mình giờ xinh đẹp nằm trong tay kẻ khác. Có những thứ can đảm mình đã không có được.”
Mọi trải nghiệm đều cần một sợi dây bảo hộ vô hình
Người trẻ bây giờ, họ muốn làm cả ngàn thứ, nhưng chỉ có thể làm được một số thứ hoặc chọn cách không làm. Nhưng Thiên Ngân nghĩ, tiếc thì tiếc vậy thôi, chứ trong giây phút đó, bảo mình bỏ việc thực hiện ước mơ như anh chàng kia thì chị tất nhiên không dám. Vì có những lựa chọn nó phải đến khi thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chứ không phải mình thấy người ta vậy thì mình cũng vậy.
Chị kể về một người bạn thân của mình, cô ấy đã nghỉ làm đi vòng quanh thế giới cả năm, rồi lại tiếp tục nghỉ và đi tiếp. Nhưng chuyện đó chỉ xảy ra đúng một thời điểm nhất định, người ta chuẩn bị được về cả vật chất, tinh thần, thu xếp được cả công việc nhà, tiền bạc thế nào, sức khỏe ra sao. Còn cứ muốn là làm thì nó như một cú nhảy bungee mà không mang bảo hộ. Nếu bạn muốn nhảy, bạn phải có đồ bảo hộ, phải đúng thời điểm nào đó trong đời. Dây bảo hộ vô hình đó nhiều người đã không thấy, và nghĩ mình không can đảm bằng người khác. Nhưng chỉ chính bản thân mình mới biết, đây không phải là câu chuyện về lòng can đảm. Đây là câu chuyện về kế hoạch và trách nhiệm.
Viết văn là nghề cần kỷ luật hơn cả.
Đối với Thiên Ngân, viết lách là chuyện cần có kỷ luật hơn cả, vì người viết nói chung rất giỏi tự bào chữa cho bản thân nếu họ sai hẹn. Có rất nhiều thứ để đổ thừa, nhưng thứ bị đổ thừa nhiều nhất là “cảm hứng chưa đến”. Chờ cảm hứng đến cứ như chờ hoàng tử bạch mã vậy đó. Bạn có chờ cả đời, nếu hoàng tử không đến, thì tức là không đến.
Chính nghề quảng cáo rèn luyện cho chị về tính kỷ luật. Chị ứng dụng lại quy trình làm quảng cáo vào quy trình viết lách của mình. Chị đưa ra cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành công việc đó. Rồi cho dù sản phẩm có hay dở gì thì cũng phải hoàn thành đúng hạn. Sau khi hoàn thành, chỉ ngồi đánh giá lại kết quả, nếu cần sửa thì sửa, nhưng cũng phải có thời hạn chặt chẽ.
“Việc của mình là chờ mình lớn lên”
Chị kể lại hôm đọc mail của tôi gửi, chị mới có dịp xem lại những email ngày trước. Đó là những email rất tuyệt vọng ứng tuyển vào chỗ này chỗ kia; những email bị từ chối về cả bản thảo lẫn công việc, những email than thở với bạn bè, bảo rằng mình không muốn tiếp tục viết nữa… Chị tự hỏi, ồ, đã có những lúc mình bối rối đến thế sao? Nhưng bằng cách nào đó, mọi chuyện đều qua đi. Thật thần kỳ.
Tôi hỏi chị có lời khuyên nào gửi đến bạn trẻ, Thiên Ngân trả lời chị không có lời khuyên, bởi chính chị cũng đang trên con đường tuổi trẻ của mình, đầy những thử nghiệm và sai lầm. Có chăng, chị muốn chia sẻ điều chị thường hay nói với bản thân mình mỗi ngày.
Phải nghiêm túc tự hỏi bản thân, thực ra ta đến trái đất này để làm gì? Làm cái cây, ngọn gió, hay làm ổ khoá cửa? Rồi can đảm lựa chọn, và theo đuổi đến tận cùng. Làm cây thì phải xanh, làm ngọn gió thì phải đi muôn phương, làm khoá cửa thì phải chắc chắn, chống được trộm. Tất nhiên lựa chọn nào cũng rủ theo một bầy thách thức khó khăn, nhưng mọi việc sẽ tự thu xếp. Cứ bình tĩnh cho bản thân thời gian. Việc của mình là chờ mình lớn lên, chờ mình giỏi hơn, chờ cho những ngày hoang mang ấy qua đi. 

(Nguyễn Thiên Ngân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét