My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

CÁCH VIẾT CV HAY !!!!

MỘT SỐ ĐIỀU LƯU Ý KHI VIẾT CV/RESUME

Mấy hôm trước rảnh rỗi nên mình có nhận sửa CV cho một số bạn sinh viên, mình cũng có kinh nghiệm review CV cho sinh viên lúc tham gia chương trình Tự Tin Vào Đời (tổ chức hàng năm bởi khoa Thương Mại - Du Lịch - Marketing, trường Đại học Kinh Tế TP.HCM). Qua các đợt review trên, mình thấy nhiều bạn sinh viên luôn mắc một số lỗi nhất định, các lỗi này cứ lặp đi lặp lại trong nhiều CV mà mình có cơ hội review qua, nên hôm nay mình viết note này liệt kê một số lỗi thường gặp và một số chia sẻ khác có liên quan đến việc làm CV.

Cũng cần phải nói là về hình thức và nội dung trình bày CV thì cũng muôn hình vạn trạng với nhiều style khác nhau. CV của sinh viên thì sẽ khác với CV của người đã có kinh nghiệm làm việc. CV của các bạn khối ngành kinh tế (tài chính, kế toán, kiểm toán,...) với những nghề mang tính chất đòi hỏi suy nghĩ logic và “follow the rules”  sẽ có thể khác với CV của các bạn ở các ngành marketing, PR, kiến trúc... những nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao.
Background của mình là tài chính (Khoa Tài Chính Doanh Nghiệp của Đại học Kinh Tế TP.HCM), sau khi ra trường có 2 năm kinh nghiệm làm trợ lý kiểm toán nên những hiểu biết của mình, những con người mình gặp và những câu chuyện mình nghe thiên về các ngành tài chính và kiểm toán nhiều hơn. Vậy nên những điều mình viết ra đây sẽ ứng dụng nhiều hơn cho CV của các bạn ở các khối ngành trên.

Có những cái rõ ràng là lỗi (ví dụ lỗi chính tả), nhưng cũng có những điều mình viết sẽ thể hiện quan điểm cá nhân của mình (tức là mình thấy vậy thì đẹp hơn/ok hơn), mà quan điểm cá nhân của mình thì chưa chắc hợp ý bạn và hợp ý nhà tuyển dụng, vậy nên nếu bạn ưng thì áp dụng còn không ưng thì thôi kaka. Mình đi sửa CV cho người ta zậy thôi, chứ ngay cả CV của mình đưa cho bạn mình coi còn bị chê nữa là khà khà.

Những điều mà mình muốn lưu ý các bạn như sau:

I. Profile picture

Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải để picture vào CV không? Và nếu để thì nên để hình như thế nào?

Câu trả lời là cũng tùy à. Nếu nhà tuyển dụng đang tuyển vị trí receptionist, hoặc PG, hoặc giao dịch viên ngân hàng, nói chung là những nghề làm ở vị trí mặt tiền (front office) cực kỳ đề cao ngoại hình, thì bạn phải để picture vào CV luôn là đúng rồi. Còn đối với các nghề làm ở back office như kế toán, kiểm toán, tài chính, thì theo mình để cũng được, không cũng không sao. Mình không nói là ngoại hình không quan trọng đối với các khối ngành này, nhưng ở vòng CV, người ta sẽ chú trọng đến các yếu tố liên quan đến khả năng (như điểm số, anh văn, giải thưởng, hoạt động ngoại khóa) hơn. Sau đó, khi lọt qua vòng CV và test, đến vòng interview, nhà tuyển dụng sẽ được diện kiến dung nhan của bạn và có chọn/loại người dựa trên tiêu chí ngoại hình hay không thì hên xui tùy công ty.

Nói túm lại là, theo mình, đối với các CV khối ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, để profile picture cũng được, không để cũng không sao. Nhưng nếu đã để, nhớ để hình kiểu hình thẻ 3*4 cho nó formal tí, mặc vest nhìn lại càng sang và chững chạc. Đừng để mấy hình kiểu như hình profile picture của bạn trên Facebook, mặc quần jeans áo thun giơ 2 ngón tay cười hở 10 cái răng, nhìn rất là dễ thương, nhưng mà hem có hợp cảnh :| (cái này mình trực tiếp nghe từ chị HR ở công ty cũ của mình nha).

II. Màu sắc

Mình vẫn thích một CV với hai màu cơ bản là đen và trắng. Nếu có một màu thứ 3 thì mình thích màu xanh nước biển (cho các tiêu đề của mỗi phần). CV nhiều màu nhìn rất rối rắm :|, có một số màu sẽ làm cho CV của bạn trở nên u ám, ví dụ như màu nâu và màu xám. Làm CV nhiều màu chi cho mất công, in tốn tiền hơn nữa chứ TT.TT.

III. Cấu trúc của một CV

Một CV theo mình nên có các phần theo thứ tự như sau:

1. PERSONAL INFORMATION
2. CAREER OBJECTIVE (mình thấy hầu hết các bạn có phần này, CV mình hồi sinh viên cũng có phần này, nhưng giờ nhìn lại mới thầy là phần này cũng không quan trọng lắm, không có cũng không sao)
3. EDUCATION BACKGROUND
4. ACHIEVEMENTS & QUALIFICATIONS
5. WORKING EXPERIENCE
6. EXTRACURRICULAR ACTIVITIES
7. SKILLS & PERSONALITIES

Ngoài lề xíu, theo mình, điểm khác nhau cơ bản giữa cấu trúc CV của sinh viên và CV của người đi làm là: đối với CV của người đi làm, phần WORKING EXPERIENCE sẽ đưa lên trước phần EDUCATION BACKGROUND. Tại sao lại như vậy? Theo lẽ thường, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm tới những gì bạn làm theo thứ tự từ gần nhất đến xa nhất. Nếu bạn đã đi làm, người ta muốn biết xem bạn đã làm gì trước tiên, coi kinh nghiệm làm việc đó có phù hợp với vị trí mà người ta đang tuyển hay không. Nếu bạn vừa mới tốt nghiệp ra trường, đầu tiên người ta sẽ muốn biết xem là bạn đã học gì ở trường đại học, xem kiến thức đó có chút gì ứng dụng được vào vị trí người ta đang tuyển hay không.

IV. Lưu ý ở từng phần

Bây giờ, mình xin nêu những điểm mà mình muốn lưu ý các bạn, theo thứ tự các phần đã nêu ở trên:

1. PERSONAL INFORMATION

Phần này bao gồm các thông tin sau đây: tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, email, địa chỉ nhà.
  • Tên: tất nhiên phải có rồi :|
  • Ngày tháng năm sinh: nhà tuyển dụng có thể quan tâm đến năm sinh của bạn. Có những công việc cần người "có tuổi", có độ chững nhất định, ví dụ tuyển nhân sự cấp cao, tuổi cao hơn đồng nghĩa với nhiều (năm) kinh nghiệm làm việc hơn, và nhà tuyển dụng đang cần những người như vậy. Ngược lại, có những công việc nhà tuyển dụng sẽ ngại tuyển người nhiều tuổi. Trợ lý kiểm toán là một ví dụ. Ở Big4, nếu suôn sẻ thì mỗi năm bạn lên một cấp, đến năm thứ 3 thì bạn là senior lead job. Giả sử senior lead job sinh năm 1990 mà staff sinh năm 87 86 (do học master ở nước ngoài về chẳng hạn) thì hơi khó, có nhiều việc lặt vặt như photocopy, bồ câu đưa thư này nọ cũng ngại nhờ, rồi có gì muốn truyền đạt cũng phải ý tứ hơn vì người ta lớn hơn mình. Tuyển sinh viên mới ra trường chỉ với tấm bằng đại học, các bạn cũng thừa khả năng để làm công việc của một trợ lý kiểm toán, mà lại còn sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, ham học hỏi, không ngại khó, không vướng bận gia đình con cái, dễ dạy bảo hơn, dễ sai vặt hơn, và lương trả cho các bạn cũng sẽ ở mức dễ chịu hơn đối với công ty.
  • Số điện thoại và email: 2 cái này rất quan trọng, để người ta có thể liên lạc với bạn, gọi đi test, đi phỏng vấn, thông báo kết quả, gửi thank you letter, v.v.. Về cách viết, số điện thoại nên viết cách ra để hạn chế nhầm lẫn khi người ta bấm số gọi bạn, ví dụ thay vì viết 0123456789 thì viết 0123 456 789 hoặc 0123-456-789, có space hoặc hyphen ở giữa cho dễ nhìn. Email thì để cái email nào hay sử dụng nhất, đặt tên email cho công việc và học tập thì nên đặt tên cho formal xíu, chứ ví dụ như tên email: girlxinhdudon@gmail.com -> nhìn vô là thấy nản rầu.
  • Địa chỉ nhà: nếu địa chỉ nơi bạn đang ở hơi xa công ty, có thể người ta sẽ challenge bạn, liệu bạn sẽ gắn bó với công việc không khi phải đi làm xa như vậy? Mình đã từng đối mặt với tình huống này trong phỏng vấn. Với cách viết địa chỉ nhà, mình có một số góp ý như sau:
- Mình là người Việt Nam, đang kiếm việc ở thị trường Việt Nam, nên địa chỉ khỏi ghi Việt Nam làm gì. Khi nào bạn ra kiếm việc ở thị trường quốc tế, ở các nước khác thì hãy ghi.
- Về cách viết tiếng Anh của địa danh:
     + Việt Nam viết tiếng Anh là Vietnam. Cách viết sau là sai: Viet Nam.
     + Tương tự, Hà Nội viết tiếng Anh là Hanoi. Cách viết sau là sai: Ha Noi.
     + Thành phố Hồ Chí Minh viết tiếng Anh đầy đủ là Ho Chi Minh City, viết tắt là HCMC. Các cách viết sau là sai: Ho Chi Minh city, Ho Chi Minh, HCM city, HCM City, HCM.
     + Với các quận ở thành phố Hồ Chí Minh: quận nào tên số thì District + số, ví dụ District 1, District 3. Ngược lại quận nào tên chữ thì Chữ + District, ví dụ Binh Thanh District. Có bạn vẫn viết District Binh Thanh.

Một số bạn ghi số chứng minh nhân dân vào CV nhưng mình thấy cái này là không cần thiết nha. Giới tính cũng vậy, nhìn vào picture hoặc tên của bạn người ta đã có thể đoán ra ngay giới tính sinh học của bạn rồi.

2. CAREER OBJECTIVE

Một CV strong có thể sẽ là tấm vé đưa bạn vào vòng phỏng vấn. Vậy một career objective được viết tốt có thể khiến CV của bạn stronger không? Theo mình, một career objective nếu được viết quá tệ, có thể khiến bạn bị knock-out ngay vòng CV, ví dụ nếu bạn apply vào audit company mà ghi objective là "become a Sales Manager within five years" thì thôi rồi. Nhưng nếu objective được viết tốt, cũng chưa chắc giúp CV bạn strong hơn, mà chính những yếu tố ở phần education background, achivements & qualifications, working experience, extracurricular activities mới quyết định xem bạn có thể pass vòng CV hay không. Vì vậy, ở trên mình mới nói là thôi bạn nào thích để thì cứ để, không thì không có mình thấy cũng không sao. Career objective hầu như sẽ luôn được hỏi ở vòng interview, và mình thấy chính ở vòng interview này career objective mới thực sự có ý nghĩa. Nếu bạn đang cố vẽ ra một cái career objective cho phù hợp với job description cốt sao để được job offer, trong khi bản thân không thực sự thích công việc đó cho lắm, thì sau khi nhà tuyển dụng hỏi vặn vẹo một hồi, thế nào cũng lộ ra, và bạn sẽ out, không phải vì bạn không qualified (đã lọt qua vòng CV tức là đáp ứng được các điều kiện cứng rồi), mà vì định hướng nghề nghiệp của bạn không phù hợp với job (điều kiện mềm). Vì vậy, nếu chưa tìm được một công việc phù hợp, "keep looking, don't settle". Đừng ép bản thân làm một công việc mà mình không thích.

Về cách viết career objective (nếu bạn quyết định đưa phần này vào CV), mình thấy nhiều bạn viết kiểu như tìm kiếm một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, được trao dồi học hỏi và được cống hiến hết mình cho công ty. Những objective kiểu vậy có rất nhiều trên mạng, và bản thân mình thấy objective kiểu vậy rất chung chung, đọc xong chẳng biết là bạn muốn làm nghề gì sau khi ra trường, và mục tiêu trong 3 hay 5 năm tới là gì? Xác định mục tiêu cho bản thân, đôi khi cũng không phải là một việc dễ dàng. Nhưng việc này, theo mình, không ai có thể giúp bạn tốt hơn là chính bản thân bạn. Đối với sinh viên mới ra trường, nếu bạn đang không biết bắt đầu từ đâu (trong quá trình xác định mục tiêu bản thân), bạn có thể lần lượt trả lời 4 câu hỏi sau đây?
  • Bạn thích làm trong lĩnh vực gì? Bạn thích khởi nghiệp (tự mình mở doanh nghiệp kinh doanh gì đó, như bán cafe, bán quần áo,...), hoặc thích làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận; hay thích làm trong mảng công nghệ thông tin; ngành tài chính ngân hàng; ngành food & beverage; ngành du lịch khách sạn; ngành giáo dục; v.v..
  • Bạn thích làm cho loại hình công ty nào? Doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân Việt Nam hay công ty nước ngoài?
  • Bạn thích làm cho công ty ở giai đoạn phát triển nào? Một công ty mới hình thành và phát triển, nơi bộ máy & quy trình có thể chưa hoàn thiện nhưng bạn sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến; hay một công ty đã trưởng thành và ổn định, nơi bạn sẽ học hỏi được nhiều vì quy trình và bộ máy đã đâu ra đấy, nhưng ngược lại bạn sẽ ít có cơ hội thăng tiến hơn?
  • Bạn thích làm nghề gì? Kế toán, sales, marketing, analyst, v.v... Bạn đừng nhầm lẫn nghề với lĩnh vực nha, nội trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có rất nhiều nghề cho bạn lựa chọn: giao dịch viên, sales, trader, analyst, kế toán, kiểm soát nội bộ,...
Mục tiêu của bạn càng rõ ràng cụ thể, thì bạn càng biết chính xác là mình nên làm gì để đạt được mục tiêu đó.

Đó là cách xác định mục tiêu cho bản thân. Còn chuyển tải nó lên CV thì viết như thế nào? Mình thì thích một career objective ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề, ví dụ như “Become an audit assistant at an international audit firm after graduation and audit manager after five years”. Đọc vô một mục tiêu như vậy, người ta biết ngay bạn muốn làm nghề gì, trong lĩnh vực nào và công ty tầm cỡ như thế nào? Mục tiêu “audit manager after five years” cũng cho người ta thấy bạn đã có tìm hiểu về nghề, thông thường ở các công ty kiểm toán lớn như Big4, thì khoảng thời gian 5 6 năm là điều kiện cần để bạn có thể leo lên vị trí manager.

3. EDUCATION BACKGROUND

Phần này ghi tên trường, ngành học, GPA và mốc thời gian tương ứng.

Trong phần này mình chỉ có một nhắc nhở là các bạn nhớ VIẾT ĐÚNG TÊN TRƯỜNG. Việc tưởng chừng như hiển nhiên này nhưng cũng có nhiều bạn viết không đúng.

Ví dụ, tên tiếng Anh đầy đủ của trường Đại học Kinh Tế TP.HCM là “University of Economics Ho Chi Minh City”, tên viết tắt là “UEH”. Các bạn nên viết như vầy: University of Economics Ho Chi Minh City (“UEH”): tên đầy đủ - ngoặc đơn - ngoặc kép - tên viết tắt, để ở dưới có hoạt động hay cuộc thi nào liên quan tới trường nữa thì mình chỉ cần viết tên viết tắt ra thôi chứ không cần lập lại tên đầy đủ nữa.

Lưu ý, các cách viết là sau là chưa đúng:
  • University of Economics: nội ở Việt Nam không cũng có nhiều đại học kinh tế lắm (đại học Kinh Tế Cần Thơ, đại học Kinh Tế Đã Nẵng), viết vầy ai biết bạn học ở đại học Kinh Tế nào?
  • University of Economics Ho Chi Minh: thiếu chữ “City”
  • University of Economic Ho Chi Minh City: Economic thiếu “s”
Nếu các bạn không chắc chắn khi viết tên trường, thì hãy truy cập website của trường để lấy tên chính xác nhất. Và khi không biết chắc chắn cái gì nói chung, hãy Google!

4. ACHIEVEMENTS & QUALIFICATIONS    

Phần này ghi các thành tích và các chứng chỉ đạt được. Ví dụ, học bổng, giải thưởng cao trong các cuộc thi học thuật, cuộc thi về năng khiếu/phong trào; chứng chỉ anh văn, vi tính, kỹ năng mềm,...

Chú ý phần này nên có các nội dung sau: mốc thời gian, nội dung đạt được, đơn vị tổ chức cuộc thi/cấp chứng chỉ.

Ví dụ:
  • 2012: CFA Access Scholarship - one of the 16 successful applicants of Vietnam to be awarded this scholarship, which is granted by CFA Institute
Mình cũng ví dụ một số thành tích mà theo mình nếu bạn đạt được sẽ khiến CV của bạn rất strong là: học bổng AmCham Scholarship, CFA Access Scholarship, giải thưởng ở các cuộc thi học thuật như CPA Tiềm Năng, CFA Institute Research Challenge, cuộc thi về tin học như Microsoft Office Specialist World Championship. Nói chung là bạn đạt giải ở các cuộc thi/học bổng nào mà càng tên tuổi, phủ sóng càng rộng, càng được nhiều người biết tới thì càng đáng giá.

5. WORKING EXPERIENCE

Phần này ghi kinh nghiệm làm thêm của các bạn hồi sinh viên, nên bao gồm các nội dung sau: mốc thời gian, tên công ty, sơ lược về công ty (công ty làm gì, quy mô như thế nào), job title của bạn, công việc của bạn là gì, bạn đã đóng góp được gì cho công ty trong thời gian làm việc (bỏ qua nếu không có).

Có một chú ý ở phần này là, mình thấy rất nhiều bạn ghi kinh nghiệm là đi dạy thêm, cái này tất nhiên, không phải không tốt, nhưng vì rất rất nhiều bạn ghi kinh nghiệm dạy thêm vô CV, cộng với việc xin đi dạy thêm chẳng có gì khó khăn, khiến cho kinh nghiệm này sẽ không khiến bạn nổi bật so với các ứng cử viên khác. Cái gì càng khó càng quý, nếu ngay từ sinh viên bạn đã tự mình xin được một chỗ thực tập bài bản ở một công ty lớn, thì chứng tỏ bạn đã có chuẩn bị từ rất sớm và nghiêm túc cho sự nghiệp của mình sau này. Mình không nói là những việc làm thêm như đi dạy kèm, phát tờ rơi,... là không quý. Bất kỳ công việc nào cũng sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm, và những trải nghiệm đó đều đáng quý cả. Nhưng khi đặt trong bối cảnh là bạn phải cạnh tranh với rất nhiều ứng cử viên tiềm năng khác thì kinh nghiệm đó có thể không giúp bạn nổi bật để đạt được một vé vào vòng trong. Vậy nên, ngay từ sinh viên, khi chọn việc làm thêm, không chỉ chăm chăm vào số tiền kiếm được, mà còn nên suy nghĩ xem nó sẽ giúp ích gì cho sự nghiệp của bạn sau này? Đó có thể là kinh nghiệm làm việc, trải nghiệm, bài học và các mối quan hệ quý giá. Khi các bạn đặt bút viết vào CV một kinh nghiệm làm việc nào đó, bạn cũng nên nghĩ xem là công việc đó nó sẽ giúp ích gì cho công việc mà bạn đang apply, có thể vào vòng phỏng vấn người ta sẽ hỏi câu đó. Có một bài toán đặt ra là, vào thời điểm bạn đang là sinh viên năm nhất, chẳng hạn, bạn cũng chưa biết được bạn của 4 năm sau đó muốn làm cái gì để mà chọn công việc làm thêm cho nó phù hợp, logic với dream job năm thứ 4. Giống như Steve Jobs nói: “You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards.” Sẽ có những việc xảy ra ở tương lai mà bạn không thể nào ngờ được, nhưng không  có nghĩa là ở thì hiện tại chúng ta sẽ phó mặc để dòng đời cuốn đi đâu thì đi. Hãy lựa chọn những công việc làm thêm chất lượng, network với những người chất lượng, và tin tưởng rằng “the dots will somehow connect in your future”.

Về các tổ chức chuyên giới thiệu chỗ thực tập cho sinh viên, mình thấy có hoạt động của SEO Vietnam là khá nổi bật, bạn có thể vào website này để tham khảo: http://seo-vietnam.org/. Tổ chức này chuyên tìm kiếm cơ hội thực tập cho các bạn sinh viên Việt Nam. Để apply vào được tổ chức này cũng không dễ, nhưng again, cái gì khó mới quý.

Bạn cũng có thể tìm kiếm thông tin thực tập cho sinh viên ở Facebook Group Internships & Jobs in Vietnam: https://www.facebook.com/groups/internships.vietnam/

6. EXTRACURRICULAR ACTIVITIES

Phần này ghi các hoạt động ngoại khóa mà bạn tham gia hồi sinh viên như các hoạt động tình nguyện, văn nghệ, thể thao, v.v..

Cũng như phần kinh nghiệm làm việc, phần này nên có các nội dung sau: mốc thời gian, tên hoạt động, đơn vị tổ chức, sơ lược về hoạt động, nhiệm vụ của bạn, thành tựu của bạn (ví dụ: mời được bao nhiêu công ty về tham gia? Thu hút được bao nhiêu sinh viên? Huy động được bao nhiêu tiền tài trợ).

Một chú ý tương tư ở trên, ở phần này mình thấy các bạn hay để kinh nghiệm tham gia Mùa Hè Xanh và Sinh Viên 5 Tốt. Hồi năm mình ra trường, Sinh Viên 5 Tốt mới ra đời nên mình thấy cũng khá có giá, nhưng giờ thì sao thấy nhiều quá, rất nhiều bạn được Sinh Viên 5 Tốt. Vậy nên, cũng giống như kinh nghiệm làm thêm ở trên, Mùa Hè Xanh và Sinh Viên 5 Tốt sẽ không giúp CV của bạn trở nên nổi bật nữa. Trong bối cảnh đó, để CV strong thêm, theo mình các bạn nên tìm tòi các hoạt động ngoại khóa “lạ lạ” quy mô thành phố. Ví dụ, tình nguyện viên cho tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP, thành viên của câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã Wildlife At Risk, câu lạc bộ bảo vệ môi trường 350, hoặc là canh thành phố có các event lớn (như các giải thi đấu thể thao, các hội nghị,...) apply đăng ký làm tình nguyện viên. Các event nào mà quy mô càng lớn (tầm thành phố, quốc gia, khu vực, châu lục, thế giới), truyền thông càng rộng rãi và cách thức tuyển tình nguyện viên càng khó thì càng làm cho CV bạn thêm strong. Ngoài ra, CV sẽ strong nếu các bạn là thành viên ban điều hành của các câu lạc bộ, đội nhóm có tiếng ở trường. Ví dụ đối với UEH là Margroup, SFR, A2C, SIFE, v.v... Các bạn thành viên ban điều hành mà thường xuyên tổ chức các hoạt động có liên hệ với HR ở các công ty mục tiêu thì sẽ càng có lợi thế hơn.

7. SKILLS & PERSONALITIES

Phần này thì liệt kê ra những kỹ năng mềm và tính cách của các bạn. Thực ra thì mình thấy phần này không valuable cho lắm, vì mình thấy có những skills và personalities rất popular mà hầu như ai cũng ghi như communication skill, teamwork skill, responsible, hard working. Mặc dù chưa chắc bạn đã có những skill ấy hay đó chưa chắc là personalities của bạn. Anyway, không ghi thì thôi, nếu đã ghi, hãy cố gắng thành thật. Có thì ghi hông có thì thôi. Nếu bạn không thành thật, dù có trót lọt qua vòng CV đi chăng nữa, thì cũng có khả năng sẽ bị lật tẩy ở vòng phỏng vấn. Những nhà tuyển dujg toàn là những người có kinh nghiệm, đã phỏng vấn với bao nhiêu sinh viên, trong khi bạn thì mới chân ướt chân ráo ra trường, chỉ cần 3 nốt nhạc là người ta biết bạn có đang nói thật hay không. Vì vậy, hãy luôn cố gắng dễ thương và thành thật.


Trên đây là những điều lưu ý đối với mỗi phần mà mình đề xuất nên có trong một CV. Ngoài ra, khi review CV, mình thấy một số bạn có thêm các phần sau đây: Hobbies, Slogan, Reference.
  • Phần Hobbies và các Slogan theo mình là không cần thiết ở vòng CV. Ở vòng này người ta chỉ xem bạn học ngành gì, học giỏi ra sao, thành tích khác thế nào, chứ không quan tâm sở thích lúc rảnh rỗi và phương châm sống của bạn là gì đâu. Đưa 2 phần này vô theo mình chẳng có ý nghĩa gì cả.
  • Phần Reference thì không cần thiết đối với sinh viên mới ra trường. Đối với những chỗ mỗi năm tuyển hàng loạt sinh viên như Big4, người ta không hơi đâu gọi hay email reference, người ta tuyển người dựa trên tiêu chuẩn của người ta, thế là đủ. Mà đối với những chỗ người ta tuyển giới hạn chỉ 1 2 người, nếu cần reference, người ta chưa chắc gọi cho referee mà bạn cung cấp, ai chả biết tỏng người mà bạn nhờ reference chắc chắn là có nhờ vả trước rồi và người ta sẽ nói tốt về bạn thôi. Trái đất tròn vo và nhỏ xíu, người trong giới người ta quen biết nhau hết, nếu cần hỏi về bạn người ta tự khắc sẽ có contact để hỏi. Mình gặp trường hợp này rồi, ít nhất là 2 lần. Sẵn đây cũng dặn trước các bạn, sau này đi làm, trong lúc làm việc và cho đến lúc khi không còn làm ở công ty nào đấy nữa, hãy luôn cư xử một cách professional. Đừng có suy nghĩ là ghét chỗ nào thì quậy tưng bừng một trận rồi đi, qua chỗ khác làm. Again, trái đất tròn vo và nhỏ xíu, tiếng dữ đồn xa, những hành động không đẹp của bạn ở công ty cũ có thể sẽ lan ra ngoài và khiến bạn rất khốn đốn để kiếm một công việc mới.

V. Các vấn đề về format

1. Khi liệt kê, các bạn thường để dấu chấm ở cuối vế, như thế là không đúng, vì vế không phải là một câu. Lỗi này tưởng nhỏ nhưng rất nhiều bạn mắc phải.

Ví dụ: SKILLS AND PERSONALITIES
  • Multi-tasking and stress management skills.
  • Ability to work with deadlines, under high pressure and without close supervision.
  • Good team player, quick learner and adaptability.
  • Proactive attitude.
Để dấu chấm ở cuối mỗi vế là sai. Theo ngôn ngữ báo cáo thì người ta để dấu chấm phẩy ở cuối mỗi vế và đến vế cuối cùng thì để dấu chấm. Nhưng theo mình thì không để dấu gì cũng không sao.

2. Một số bạn dùng một hệ thống in nghiêng, in đậm, gạch chân để nhấn mạnh nhìn rất rối. Nên nhớ cái gì bạn viết lên CV đều là rất chọn lọc rồi. Không cần in nghiêng in đậm gạch chân lung tung lang tang trong CV nữa đâu, dòm hồi hông biết các bạn đang muốn nhấn mạnh cái gì luôn.

3. Trước dấu phẩy thì không có space nhé. "Ví dụ ," như thế này là sai nè, vì sau “Ví dụ” và trước dấu phẩy có space. Đây là những lỗi nhỏ thôi, nhưng cơ bản và nhìn vô thấy rất khó chịu. Nhiều bạn không phải là không biết mà là vô tình gõ dư space, nhưng sau khi viết còn phải check lại mà. Phải soi đi soi lại cái CV của mình xem có lỗi nào không. Sau khi tự mình soi 2 3 lần mà thấy không còn lỗi nữa thì đem nhờ bạn bè người quen xem lại lần nữa. Nhiều khi mình không phát hiện ra lỗi của chính mình do chủ quan nhưng người ngoài với con mắt khách quan hơn có thể nhìn ra.


VI. Các vấn đề khác cần lưu ý

1. Không gian của CV có giới hạn. Đối với sinh viên mới ra trường, hãy tự đặt ra giới hạn cho mình là chỉ 2 trang giấy A4 để viết thôi. Vì vậy, hãy thật tiết kiệm, cân nhắc từng từ, từ câu, từng phần mà bạn viết lên. Cái gì không thần thiết, bỏ. Again, your space is limited.

2. Lỗi chính tả: cái này rất rất cơ bản, nhưng vẫn có bạn mắc phải, và nó sẽ khiến bạn mất điểm trầm trọng. Người ta sẽ nghĩ là một văn bản ngắn thế này mà bạn còn để sai chính tả thì sau này khi phải làm việc với các văn bản dài hàng chục trang hàng trăm trang thì sao? Nếu bạn ghi ở phần Personalities tính cách của bạn là careful mà bạn để sót lỗi chính tả trong CV của mình thì đúng là giống như tự tay tát vào mặt mình. Với CV tiếng Anh, các bạn hãy tận dụng chức năng “spelling and grammar check” trong Word. Với cả CV tiếng Anh và tiếng Việt, tự bản thân hãy check đi check lại nhiều lần đồng thời nhờ bạn bè check lại lần nữa.

3. Không dùng vân vân: v.v..., ..., etc trong CV. Còn nữa thì viết ra, không còn thì thôi, ai biết trong dấu ba chấm là gì?

4. Tất cả các phần mà có liệt kê mốc thời gian thì nhớ liệt kê từ gần nhất đến xa nhất.

5. Khi dùng từ, viết câu tiếng Anh, bạn hãy chịu khó Google xem người Anh người Mỹ người ta có xài như vậy không. Nhiều lúc bạn ráp từ để thành một câu, về mặt ngữ pháp thì không có gì sai cả, nhưng mà người bản xứ người ta không nói như vậy. Vì vậy người ta mới khuyên là muốn học từ mới thì hãy kết hợp học với câu và bối cảnh chứ đừng chỉ cố gắng ghi nhớ những từ đơn lẻ.

6. Không dùng các từ khó hiểu, tránh dùng từ quá chuyên ngành, các từ viết tắt không phổ biến. Đừng cố gắng dùng từ lạ để thể hiện với nhà tuyển dụng, người ta phải scan rất nhiều CV trong một thời gian ngắn, nếu bạn viết một cái gì đó mà người ta không hiểu, người ta nhiều lúc sẽ chẳng hơi đâu mà tìm hiểu và sẽ bỏ qua CV của bạn luôn. Hãy dùng các từ quen thuộc, dễ hiểu trong CV.

7. Khi viết CV, bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của nhà tuyển dụng, hãy tự hỏi xem họ sẽ quan tâm đến điều gì trên CV của bạn. Đừng có cái gì cũng show hết lên CV mà không có chọn lọc. Chúng ta đang quảng cáo và rao bán sức lao động của chúng ta. Đừng bán thứ chúng ta có, mà hãy bán thứ họ cần.

8. Khi viết CV, hãy nghĩ xem điều gì trên CV của bạn có thể khiến bạn nổi bật hơn so với các ứng cử viên khác. Ở trên mình có nêu một số điểm mà mình nghĩ là nếu có CV của bạn sẽ strong hơn, nhưng nó không phải là tất cả (vì hiểu biết của mình chỉ hạn hẹp như vậy nên mình chỉ biết mấy điểm vậy). Mình luôn tin là mỗi người đều có một khả năng đặc biệt nào đó, mà có người biết cách show ra cho người khác thấy, có người không. Hãy vắt tay lên trán suy nghĩ, điều gì khiến bạn đặc biệt so với người khác. Mục đích bạn đến trái đất là gì?

9. Luôn thành thật, ở trên đã nói rồi nhưng mình muốn nhấn mạnh nên nhắc lại ở dưới. Rớt vì under qualified đỡ nhục hơn là rớt vì nói dối. Rớt vì under qualified thì nhiều lúc còn có cơ hội để cải thiện bản thân rồi năm sau thi lại, chớ rớt vì nói dối thì coi như là tự tay đóng sập cánh cửa luôn rồi.

10. Lời khuyên cho các bạn sinh viên mới bắt đầu ngồi ghế giảng đường đại học: hãy bắt đầu viết CV càng sớm càng tốt, tạo cho mình một cái khung sườn sẵn, rồi tham gia cái gì điền vào cái đấy, fill in dần dần. Tránh tình trạng 4 năm tham gia rất nhiều hoạt động hay ho nhưng đến cuối năm 4 mới bắt đầu viết thì đã quên kha khá các hoạt động tham gia ở những năm đầu mất tiêu rồi.

11. Đây là một số link có các tips làm CV mà mình thấy useful, các bạn tham khảo thử xem sao:
http://www.businessinsider.com/why-this-is-an-excellent-resume-2013-11
http://firstaidforhealth.com/how-to-write-an-effective-cv.html/

Cuối cùng, mình muốn nhắc lại là bài viết này viết dựa theo kinh nghiệm cá nhân và quan điểm cá nhân của mình. Nếu bạn không đồng quan điểm, thì cứ theo quan điểm của bạn nhé, dù gì thì sản phẩm cuối cùng cũng là của bạn mà ^^.

Có gì thắc mắc cứ mail hoặc là comment/message trên page Coffee Job hoặc email vào coffeejobvn@gmail.com để hỏi nhé. Mình không hứa sẽ trả lời bạn nhanh nhưng mình hứa là sẽ giải đáp hết các thắc mắc của các bạn (có thể không được nhanh, mong bạn thông cảm).

Chúc các bạn năm mới sức khỏe và đạt được các mục tiêu đề ra ^^!

Sài Gòn 8:01 PM 3 Jan 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét