Nhà văn Hoàng Việt Hằng:
“Tôi chỉ nhìn nửa chiếc lá nghiêng xuống đất”
TTCT - Hoàng Việt Hằng sáng tác đều tay. Tản văn
mới nhất của chị Tiêu gì cho thời gian để sống (NXB Trẻ) vừa ra mắt độc
giả tháng 9-2014.
* Chị là một trong những nhà văn nữ chịu khó dịch
chuyển và nổi bật trong những tác phẩm của mình là thân phận phụ nữ ở
những vùng chị đi qua. Đó là sự đồng cảm của những người cùng nỗi niềm,
hay đơn giản là cuộc đời của họ cứ đập vào mắt chị?
- Đúng là tôi thích đi thật, đi đến phát ốm rồi mới chịu nằm nhà đọc
sách trước đèn. Và thích nhất đi một mình.Tìm dưới chân đi, lắng nghe và
nhìn nhận cuộc sống ở vùng núi cao hay những nơi heo hút biển cả, để
gặp gỡ những người lao động bình thường. Nghe rồi ghi chép đối thoại.Họ đối thoại hay lắm, câu hoạt lắm, họ đâu có đọc sách nhiều, vậy mà đối thoại của họ là hơi thở cuộc sống hằng ngày. Mới đầu là cùng nỗi niềm - tôi từng bấu víu vào thiên nhiên miền núi - để được an ủi, sau nữa khi chính cuộc đời dội lại, âm vang lớn hơn, những day dứt không sao dứt bỏ được thì tôi ngồi viết.
Tôi phải viết để sống nữa, vì tôi không viết thì chẳng biết làm gì khác để tồn tại.
* Nhưng phụ nữ Việt hiện giờ đâu thiếu những chân
dung hiện đại. Thấp thoáng trong các câu chuyện của chị có những nữ
doanh nhân thành đạt, các nữ thẩm phán giỏi giang. Vậy mà sao những phụ
nữ thành công này vẫn “đi trên rêu mà thấy mình rêu phủ”...
- Tôi vẫn biết phụ nữ nhiều người giỏi giang, thành đạt. Nhưng tôi
chỉ nhìn những góc khuất, giống như nhìn một nửa chiếc lá nghiêng xuống
đất, tối hơn, còn nửa chiếc lá hưởng ánh mặt trời thì giọt sáng dễ hiểu.Tôi hay chớp được những nỗi bất hạnh chùng xuống của đàn bà, đàn bà dễ hiểu nhau hơn. Tôi chọn một góc khuất của chiếc lá ấy để viết. Những thua thiệt, những mưu cầu hạnh phúc giản đơn mà không được giản đơn, và tôi nghĩ văn chương phải nói ra điều gì đó giúp họ.
Người có học vị cũng có những đắng đót riêng, tôi nhìn ra vị đắng ấy, viết ra chỉ mong bạn đi sau tránh được những bước trượt không đáng có trong đời. Trong mắt tôi, người càng thành đạt cô đơn càng lớn.
Nhưng nói gì nhỉ? Phụ nữ vẫn là người chịu hi sinh mọi bề, nhất là phụ nữ nông thôn. Cô đơn tràn hết cuộc đời họ trên cõi tạm mà họ vẫn lặng lẽ chấp nhận. Nỗi đau lớn nhất của phụ nữ vẫn là thiếu điểm tựa về tinh thần, nó xem ra mỏng manh lắm.
* Vậy mà những phụ nữ cam chịu và ít học ấy lại
gói rất nhiều minh triết trong cuộc sống. Như bà Từ ven sông Hồng trong
Tiêu gì cho thời gian để sống, người bị cho là “sống dại lắm vì chỉ xởi
lởi giúp người”, đã chỉ cho chúng ta rằng: “Sống ở đời, khi đun bếp cơm
chín thì rút lửa, chả tham lam mà làm gì, cơm cháy có ăn được đâu”. Chỉ
tiếc là người ta ít viết về họ...
- Tôi đã lọ mọ đi dọc sông Hồng hơn hai năm, cố tìm hiểu những người
trồng thuốc nam và những người cùng khổ dạt lên ở bãi giữa sông. Họ sống
nhân ái và lương thiện, nhưng báo chí nói cũng như gió thoảng, họ khổ
vẫn hoàn khổ.Bên bờ sông chỉ cách một dòng nước đã là cái với tay quá cao với người nghèo, khi cái nhìn của họ dường như chỉ chạm đến chiếc dây phơi quần áo.
Tôi viết về họ, những con người dãi dầu khiêm nhường ấy. Có lẽ chỉ văn xuôi mới chứa nổi họ thôi, thơ thì khó. Rất khó. Tôi cũng chỉ là một hạt cát thôi, viết về những cùng khổ thật không dễ dàng gì.
* Lại nói về những thân phận. Bây giờ ta có những
cô gái quê chấp nhận lấy chồng nước ngoài để như họ nghĩ, là đổi đời.
Người ta chỉ trích họ, nhưng sao không nghĩ đó là một sự vùng vẫy tự
giải thoát? Tôi nhớ Bernard Shaw từng nói: “Hãy cố lấy cho được những gì
mình yêu, bằng không bạn sẽ bị buộc phải yêu những gì mình nhận”. Chị
nghĩ gì từ thực tế này?
- Tôi nghĩ mỗi người phụ nữ đều phải chịu học mới vượt qua vai mình,
để là chính mình. Ngay cả khi vấp ngã bước trượt cũng dạy cho con người
ta lớn khôn hơn. Chúng ta không thể trách họ, bởi có thể họ không được
cảnh báo về sự khác biệt văn hóa - vốn là vốn liếng, là tài sản thẳm sâu
trong đời người, giống như tấm biển chỉ đường.Mọi ngõ xóm, ấp, xã tuyên truyền nhưng có nói đụng đến đâu. Họ không đọc báo, không biết gì ngoài ước ao lấy chồng giàu, đổi đời... “Thiên đường mù” của họ cũng phải được đặt ra trong xã hội mà bệnh máu lạnh cũng lây lan như dịch hạch.
Tôi nghĩ khác với Bernard Shaw, tôi chỉ yêu những gì tôi có và yêu những thứ giản dị quanh mình. Sau vấp ngã, sau mất mát tôi nhận ra đơn giản vậy.
Cảm ơn chị, chúc chị tiếp tục lên đường và viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét