My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2014

Nhặt từ FB cô Phoenix

Em chọn ngành gì

Sẽ có những ngày như hôm nay, khi tôi đùa với bạn đồng nghiệp, 'the moon is pretty good this week,'* nghĩa là các ca tư vấn hướng nghiệp phần lớn nhẹ nhàng, đòi hỏi ít thời gian, và sinh viên rời phòng với nét mặt hớn hở vì họ đã tìm ra câu trả lời cho vấn đề của họ.

Tuần này, câu hỏi tôi thường gặp nhất là 'làm sao em biết được ngành học em chọn phù hợp với em hở cô?' Và câu hỏi mà tôi sẽ hỏi ngược lại họ luôn là 'Vì sao trước đây em chọn nó và vì sao bây giờ em lại lo rằng nó không phù hợp với mình?'  Câu chuyện tiếp theo đó của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, nhưng thường có những điểm chung sau:

  • Các em và gia đình chọn ngành dựa trên giả định rằng mỗi ngành học sẽ dẫn đến một nghề nghiệp nhất định. Ví dụ: sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán sẽ làm nhân viên kế toán hay kiểm toán; sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị sẽ làm công việc quản lý doanh nghiệp; vv.
  • Các em và gia đình quyết định dựa trên mức độ an toàn hay nổi tiếng của một nghề nghiệp nào đó ở thời điểm hiện tại. Ví dụ: lĩnh vực kế toán hiện nay có vẻ ổn định và cần nhiều nhân lực; lĩnh vực tài chính hơi có vẻ phiêu lưu và không cần nhiều nhân lực như cách đây 3 năm; lĩnh vực truyền thông nghe tên có vẻ là lạ, do đó hơi phiêu lưu mạo hiểm khi chọn nó.

Để giúp các em quyết định, tôi thường cùng các em phân tích một bản mô tả công việc đang được đăng trên các trang tuyển dụng, để rồi các em sẽ kết luận rằng:

  • Bản mô tả công việc chủ yếu đòi hỏi những 'kỹ năng' mà ứng cử viên cần có hơn là 'tên ngành' mà sinh viên đã được đào tạo. Ví dụ, kỹ năng viết, nói, đọc, và nghe tiếng Anh thông thạo, kỹ năng tổ chức một sự kiện tầm trung, kỹ năng lên kế hoạch và theo dõi những chi tiết trong kế hoạch ấy, ...

  • Trong bản mô tả công việc, ngoài những 'kỹ năng chuyên môn' mà một sinh viên rèn luyện được trong chương trình học, họ còn bị đòi hỏi rất nhiều các kỹ năng mà sinh viên không được đào tạo trong lớp.  Ví dụ, kỹ năng làm việc với áp lực liên tục, kỹ năng thích ứng với môi trường thay đổi nhanh, ...

Tiếp theo, tôi trình bày với các em hiện trạng của thị trường tuyển dụng:

  • Có rất nhiều công việc mới được tạo ra mỗi ngày. Tương tự như vậy, cũng có rất nhiều công việc biến mất mỗi ngày.

  • Không có ai có khả năng dự đoán chính xác được nhu cầu tuyển dụng trong tương lai vì điều này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố của kinh tế toàn cầu, kinh tế vùng, và kinh tế quốc gia, tình hình chính trị, những quyết định chiến lược về kinh tế và chính trị ở cấp quốc gia, vv.

  • Điều duy nhất người lao động (các em trong tương lai) có thể nắm chắc là những 'kỹ năng' mà mình rèn luyện cũng như mạng lưới chuyên nghiệp mà mình xây dựng được trong suốt thời gian mình được đào tạo khi còn ngồi trên ghế nhà trường.


Vì lý do đó, trước khi quyết định chọn ngành học, sinh viên nên tìm hiểu thật kỹ ngành học ấy, đọc cẩn thận mô tả học phần của từng môn, nếu có thể thì dự thính một lớp, hoặc trò chuyện với các anh chị lớp trên đang học ngành ấy. Sinh viên nên quyết định dựa trên các yếu tố sau:

  • Em thấy hứng thú với những kỹ năng mà em sẽ được đào tạo trong ngành ấy.

  • Em tự tin sẽ có khả năng phát triển tốt những kỹ năng ấy.

  • Em có thể học tập trong thời gian dài (3, 4 năm) mà không chán ngành ấy.

Sau đó, khi đã chọn ngành học, suốt thời gian học, em phải luôn tự hỏi những kỹ năng nào mình nổi trội nhất, quan sát trong thị trường tuyển dụng xem các công việc nào sẽ cần những kỹ năng mình có và sẽ học được, đánh giá xem mình còn thiếu những kỹ năng nào, và tìm hiểu các hoạt động ngoài giờ học nào sẽ giúp mình bổ túc những kỹ năng ấy.

Nói ngắn gọn, một ngành học ở trường không quyết định ta sẽ làm công việc gì. Thay vào đó, những kỹ năng ta học được trong và ngoài chương trình học, mạng lưới chuyên nghiệp ta xây dựng được suốt thời gian học, và tình trạng của thị trường tuyển dụng lúc ta ra trường sẽ quyết định ta làm công việc nào trong tương lai.

Chúc các em vững vàng trong quyết định của mình, và đừng quên rằng kết quả không quan trọng bằng quá trình. Hãy sống thật tốt mỗi ngày trong hiện tại, tương lai sẽ không đáng sợ lắm đâu.

* Trong ngành tâm lý thường có câu đùa rằng hôm nay trăng tròn thì sẽ mệt hơn rất nhiều cho người làm công việc tư vấn.

Ngày 18 tháng 10, 2014
Viết vì đột nhiên không ngủ được.
Phoenix Ho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét