Chúng ta không nên bán rẻ tuổi trẻ cho những công việc nhàm chán kéo
dài ngày qua ngày và không tạo điều kiện để chúng ta cải thiện kỹ năng,
làm chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn. Một bài viết hay và gợi nhiều suy
nghĩ. Chúng ta biết điều gì đang xảy ra, nhưng rồi sao nữa?
http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20141023/khi-nguoi-ta-ban-tuoi-tre-voi-gia-qua-re.aspx
Mình bỗng nhớ chuyến đi Cuba vào đầu năm 2012. Khác hẳn với tưởng tượng
về một đất nước bị cấm vận, nơi người dân chật vật với cơm áo gạo tiền,
thủ đô Havana xuất hiện với sự tươi vui và rộn rã đến bất ngờ. Giáo dục
và y tế miễn phí, cơm phát theo phiếu, âm nhạc, khiêu vũ tưng bừng khắp
phố phường. Mình nhớ mãi nụ cười của một anh bán cơm hộp trong một góc
nhỏ bên đường.
"Thế một ngày anh nấu bao nhiêu nồi cơm?"
"Mình nấu một nồi thôi, bán hết thì nghỉ."
Câu trả lời quá bất ngờ. Khi kinh doanh, người ta sẽ cố gắng sản xuất
và tiêu thụ càng nhiều càng tốt, hết một nồi thì nấu để bán tiếp. Nhưng
anh chàng này lại điều khiển cuộc sống theo nhịp điều rất riêng, "bán
hết thì nghỉ". Một cuộc sống đều đặn, nhàn nhã. Một đất nước thiếu thốn
nhưng tràn đầy âm nhạc và sự giàu có văn hóa. Cuộc sống ở Cuba thật hạnh
phúc, mình đã luôn nghĩ thế, cho đến khi mình bàn luận với hai người
bạn đồng hành, Long và Huân.
Sống ở Cuba có vẻ hạnh phúc nhỉ?
Đó là vì họ bị tước đi quyền tiếp xúc với thế giới. Một khi người ta
không biết mình có thể có được gì, một khi người ta không biết mình có
thể trở thành người như thế nào, người ta hài lòng và chấp nhận cuộc
sống, Nhưng anh lại nghĩ đây không đúng. Bất cứ ai cũng có quyền được
biết, được tiếp cận với những gì nằm ngoài thế giới của mình. Huân đã
nói như vậy.
Đúng là thế, một khi người ta không có thông tin
thì làm sao hiểu được có một thế giới ngoài kia mình có thể nắm lấy, thì
làm sao có động lực mà cố gắng, thì làm sao có tư tưởng phải xây dựng
nền tảng và kỹ năng cho mình?
Những người như chúng ta, những
người được tiếp cận Internet, những người biết mình thiếu gì, cần gì, và
muốn gì, phải làm những gì, thật sự là những người may mắn.
Thế những đứa trẻ trong bài viết thì sao?
Tuổi thơ của các em quanh quẩn bên làng tre, bên dòng nước, bên cuộc
sống yên ả; đến khi lớn lại vì vòng quay gạo tiền mà lên thành phố, mà
xa gia đình, để rồi yên phận bó buộc mình bên những công việc buồn tẻ,
rửa chén, nấu cơm, trông hàng. Ai sẽ là người đưa cho các em quyển sách
để đọc, ai sẽ người dạy cho các em những kỹ năng cần thiết, và quan
trọng nhất, ai sẽ là người cho các em biết được các em vẫn có một tương
lai sáng hơn phía trước, các em vẫn có khả năng biến chuyển cuộc đời của
mình theo hướng tốt đẹp hơn rất nhiều?
Khi mà sự thiếu thốn
thông tin ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của cả một quốc gia, đừng trách sao
một thế hệ vì thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn, thiếu người hướng dẫn,
mà không thể, hay không biết mình cần phải làm gì, cần phải cố gắng như
thế nào.
Hy vọng sẽ ngày có nhiều chương trình hỗ trợ và giáo
dục thanh thiếu niên hơn. Hãy hướng dẫn các em, hãy để các em biết mình
cần phải làm gì, đừng để các em bước ra thế giới với không một chút vốn
liếng trên tay.
Nói đến đây mới nhớ hai chương trình mình có may mắn tiếp xúc và làm việc chung, KOTO Sai Gon và Room to Read in Vietnam,
hai chương trình rất tâm quyết, đã, đang, và sẽ tạo nên nhiều sự thay
đổi bằng cách đào tạo và giúp đỡ các em thuộc đối tượng khó khăn. Họ
không cho các em con cá, họ cho các em cần câu và dạy các em cách câu
cá. Nếu ai tâm huyết với vấn đề này, hãy cùng tham gia với họ.
[FB: Lan Tran]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét