LÀ ĐỘNG LỰC CHỨ KHÔNG LÀ ÁP LỰC
Khoảng gần 5 tháng sau khi Nam vào lớp 1, mình được cô giáo gọi điện thông báo: Nam đã qua các vòng tuyển chọn thi viết chữ đẹp và sẽ được chọn đi thi ở cấp cao hơn. Và cô mong mẹ sẽ đồng ý cho Nam mỗi ngày luyện viết chữ với cô khoảng 1 tiếng.
Thực sự, vào thời điểm đó, việc thi chữ đẹp của Nam là một điều gì đó quá bất ngờ. Từ một cậu bé chưa từng học viết chữ trước khi vào lớp 1, thuận tay trái, hay viết chữ theo kiểu chữ gương (viết ngược), Nam đã cố gắng để có những nét chữ tròn trịa mặc dù khi ở nhà, mỗi ngày chỉ luyện viết trong chừng 20 phút.
Thế nhưng, sau khi suy nghĩ, mình đã trả lời với cô rằng mình cảm ơn cô đã quan tâm và uốn nắn từng con chữ cho con. Nhưng mình xin cho Nam dừng lại chứ không thi tiếp.
Đó là kì thi “chọn” đầu tiên của Nam mà mình từ chối.
Đó là kì thi “chọn” đầu tiên của Nam mà mình từ chối.
Những năm học tiếp theo của Nam, rất nhiều, rất nhiều lần, sau khi thảo luận với Nam, mình cũng từ chối những kì thi lấy giải ở các môn học.
Năm Nam học lớp 3, nhà trường thành lập lớp chọn và Nam ở trong danh sách, nhưng mình cũng xin để Nam được học ở lớp bình thường.
Kết thúc tiểu học, do có một số thành tích, Nam được một số trường chuyên chấp nhận vào thẳng. Nhưng mình cũng không chọn những trường đó.
Có một trường “điểm”, cơ sở vật chất tốt và Nam ở trong danh sách được chọn vào lớp chuyên Anh của trường. Mình cũng khá ưng nhưng khi hỏi ý kiến Nam, con nói: Lớp có bạn M (là bạn gái đã từng học với Nam khi ở tiểu học mà Nam “hơi quý quý”, bạn đó thường xếp loại sát sau Nam), em sợ khi có sự kiện nào đó cần chọn một bạn, cô sẽ chọn em mà không chọn bạn, như thế thiệt thòi cho bạn quá nên thôi em không vào trường đó đâu mẹ. Mình nghe cũng có lý, thế là thôi. Sau này mỗi khi đi qua trường đó, còn trêu mãi về vụ “ Anh hùng vs Mỹ nhân”. Hihi
Vậy đó, những năm học của Nam trôi qua nhẹ nhàng. Các cô giáo đều thương yêu Nam và Nam yêu trường, yêu lớp, yêu các cô.
Bây giờ mình sẽ nói lý do tại sao mình từ chối.
Thứ nhất: Ưu tiên những mục tiêu mà mình đã đặt ra từ đầu: Ngay từ khi Nam còn nhỏ, mình nhận thấy Nam có một chút khả năng về ngôn ngữ. Mình nghĩ đó sẽ là thế mạnh của con. Và mình kiên tâm rèn luyện để con có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Cách làm thì có nhiều. Nhưng ở đây mình chỉ nhấn mạnh, những việc có vẻ không liên quan đến những mục tiêu mình ưu tiên, mình cần xem xét và cân nhắc.
Thứ hai, mình không muốn con bị ÁP LỰC bởi thành tích. Khi con tham gia các cuộc thi của trường, hầu như đều là mang bóng dáng của trường đặt trong đó. Trường nào cũng muốn có giải và áp lực đó vô hình đặt lên vai con. Trong khi đó, mình lại mong muốn thi cử phải là ĐỘNG LỰC của việc học hành. Cái đích đến cuối cùng của thi cử không phải đạt giải mà để con thấy nỗ lực hơn, yêu thích hơn, muốn khám phá và tìm hiểu nhiều hơn những điều không chỉ nằm trong phạm vi của một cuộc thi. Mỗi khi có kì thi nào đó trong trường, mình đều hỏi con, nếu con cảm thấy thích, hứng thú thì thi còn nếu không thì từ chối. Ví dụ, năm Nam học lớp 7, Nam được các cô chọn vào đội tuyển Văn của lớp 9. Mình thấy Nam vui lắm, kể cả khi cô thông báo, Nam vào đến vòng trong thì “phạm luật” vì chưa đủ tuổi nên phải dừng lại, Nam cũng rất vui. Sau cuộc thi, Nam nói: Có lẽ đây là cuộc thi em hứng thú nhất. Mẹ biết vì sao không? Vì cứ mỗi buổi trưa, em lại được cô cho phép ngồi đọc sách Ngữ văn lớp 9 mà… không cần phải ngủ! Thi vì vui là một điều rất tuyệt vời với một đứa trẻ. Còn nếu không vui chỉ thấy căng thẳng, nặng nề thì cần phải cân nhắc.
Thứ ba: mình không muốn các cuộc thi phải luyện trong không khí nước rút. Vì không có thời gian, các con phải học thêm ngoài giờ hoặc cắt bỏ những môn phụ để ôn luyện cho môn thi. Như thế sẽ rất thiệt thòi và cũng mệt mỏi cho con.
Thứ tư: mình có tìm hiểu và biết, nhiều cuộc thi không đơn thuần là sân chơi của các con.
Vậy trong những năm học đó, Nam chọn thi những cuộc thi nào? Đó là những cuộc thi Nam thấy hứng thú, thấy phù hợp với khả năng và thực sự, những cuộc thi là ĐỘNG LỰC của việc học hành.
Nam hay lên mạng tự tìm hiểu các cuộc thi. Hồi đó, Nam chưa có điện thoại nên đăng kí thi bằng sđt của mẹ. Cứ mỗi lần có người gọi điện đến thông báo địa điểm thi hoặc thông báo đã được vào vòng tiếp theo mẹ mới biết.
Và cũng vì mục tiêu được xác định từ đầu nên Nam tham gia các cuộc thi chuẩn hóa tiếng Anh từ rất sớm.
Vì sao cần sớm? Chính vì mình không muốn Nam bị áp lực, đến lúc cần chứng chỉ mới ôn luyện và đăng kí thi. Và thi sớm là để Nam có cơ hội làm lại. Nam không phải là một “superman” nên muốn đạt đến số điểm như mong muốn, có khi cũng phải trải qua mấy lần thi. Riêng thi TOEFL ibt, con cũng phải thi đến 3 lần, lần đầu được 87 điểm đến lần 3 mới đạt 114 điểm.
Và cũng vì sớm nên Nam tham gia được nhiều kì thi chuẩn hóa. Nam thi TOEIC năm học lớp 2, thi TOEFL itp năm lớp 4, thi IELTS năm lớp 5, kì thi nào cũng thi đến khi đạt được số điểm mà Nam thấy “hài lòng”.
Cứ 6 tháng một lần, Nam lại lên kế hoạch “chinh phục” một cuộc thi nào đó. Bố mẹ sẽ hỗ trợ hết mình bằng việc mua sách. Nam tìm hiểu định dạng bài thi của cuộc thi đó, ôn luyện, làm thử, tự chấm, nhờ thầy cô chấm hộ, học hỏi các bài thi đạt điểm cao. Cứ thế, Nam có 6 tháng để tự vượt qua chính mình. Và vì mỗi một bài thi có một định dạng khác nhau nên Nam rất hứng thú, nhất là phần bài đọc, con được đọc thêm nhiều sách, hiểu thêm nhiều điều.
Rất may mắn cho Nam, trong quá trình tự học, Nam có sự đồng hành của nhiều thầy cô giáo vô cùng tận tâm. Có cô giáo giúp đỡ Nam từ ngày lớp 2, luôn ở bên con, cung cấp tài liệu, chấm bài thi, chữa bài luận giúp, thương mến không khác gì một người mẹ thứ hai. Vì thế, Nam yên tâm với việc học của mình.
Bây giờ, ngay cả khi ở xa, Nam vẫn theo con đường đó, tham khảo ý kiến của thầy cô, của những người đáng tin cậy rồi tự mình đặt ra mục tiêu trong một thời hạn và cố gắng hoàn thành mục tiêu.
Mình không phản đối vế trường chuyên, lớp chọn. Nếu ai đã từng xem các em ở những trường gọi là trường chuyên trong một buổi biểu diễn tài năng hay một ngày hội gì đó mới thật sự thấy các em tài năng, rạng rỡ và tự tin đến thế nào.
Bản thân mình, hồi đi dạy, mình cũng dạy các em lớp chuyên. Các em sau đó đều theo hệ thống trường chuyên cho đến hết bậc học phổ thông. Bây giờ gặp lại, hầu hết các em có cuộc sống hạnh phúc, thành công trong cuộc sống và đặc biệt rất tình cảm. Chúng khiến mình luôn cảm thấy có một lũ con đang ở đâu đó quanh đây, chỉ cần mình lên tiếng là chúng sẵn sàng có mặt, để tin cậy, để thương yêu.
Thế nên, chuyện của Nam sẽ có thể phù hợp với Nam mà không phù hợp với các bạn khác.
Trường chuyên cũng tốt, áp lực nếu có một chút cũng tốt. Chỉ có điều, các phụ huynh đừng cố gắng “bắt tay” với giáo viên, với nhà trường để làm nên những “robot” thi, “robot” học. Phải làm thế nào để mọi đứa trẻ đều cảm thấy rằng: Học luôn là niềm vui bền vững nhất, lâu dài nhất và hữu ích nhất.
Mình thích “triết lý” giáo dục mà mình đã đọc được đại ý rằng: Hãy để mỗi đứa trẻ trong nhà là một công dân trong nhà chứ không phải “cái rốn” của vũ trụ. Em phải hiểu các nguyên tắc, biết ứng xử, hiếu thuận, kính trên nhường dưới, sáng tạo, quy củ, chan hòa với vật nuôi, cây cỏ, biết yêu thương và được yêu thương. Khi đến trường, em là một công dân của nhà trường chứ không phải là một người “thợ săn” để đoạt ngôi trong các kì thi.
Có thế, em bé nào cũng tìm thấy hạnh phúc.
Mình luôn tin rằng, mỗi đứa trẻ đều có những khả năng nhất định nào đó. Mình học được điều đó sâu sắc khi làm mẹ. Năm Nam học lớp 4, một buổi tối, mình dẫn Nam đi dạo thì gặp một chị bạn. Chị thấy Nam thì thích lắm, chị cứ xuýt xoa khen Nam giỏi quá, giá mà bạn H cũng giỏi như thế. Nam nhìn cô và nói: Cô ơi, nhưng mà bạn H biết đi xe đạp mà cháu chưa biết đi. Tất cả cười xòa. Nhưng mình thấy quá thú vị. Ừ nhỉ, trong một tình huống khẩn cấp nào đó, cần phải đi nhanh, chẳng phải một bạn biết đi xe đạp sẽ lợi thế hơn một bạn chỉ đi bộ hay sao.
Và điều đó khiến mình nghĩ rằng, mỗi đứa trẻ đều có những giá trị trong bản thân trẻ. Quan trọng là các bậc cha mẹ biết “nhấn nút” cho giá trị nào quan trọng nhất.
“Như một đoàn tàu. Nếu bạn đầu tư cho đầu kéo thì các toa sau sẽ lần lượt vận hành. Nếu bạn “nhấn nút” nhầm hay lại tập trung vào các toa sau thì đoàn tàu sẽ rệu rã”.
Tất cả những điều trên là ý kiến CÁ NHÂN của mình, chỉ lòng thành mong con trẻ được hạnh phúc trong tin yêu của bố mẹ và nhà trường.
(Từ mùa hè năm lớp 4, Nam đều tham gia dịch thuật cho khóa học của GVI. Đây cũng là một lớp học, một “kì thi” đầy thú vị với bản thân Nam).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét