My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

[HTNM] Vì cuộc đời là những chuyến đi

Vì cuộc đời là những chuyến đi

0
Palo Alto, CA, 8/9/13

Gửi anh, người yêu xa của em.

Con người ta từ lúc mới sinh ra đời đã có đôi chân để bước đi, có đôi mắt vừa mở ra đã tò mò muốn ngắm nghía thế giới. Cuộc đời này sẽ buồn biết bao nếu đôi chân không đưa đôi mắt bước ra ngắm nhìn thế giới. Để rồi những chuyến đi nối tiếp nhau viết nên từng trang trong cuốn sách cuộc đời.
Untitled
Em vẫn nhớ như in những chuyến đi đầu tiên cùng anh đến cánh đồng lúa ven thành phố, nơi anh kể em nghe về những chuyến tàu quê và những ngôi nhà le lói ánh đèn, về cái nghèo cái khó của người dân quê mình luôn khiến anh khắc khoải. Em cũng nhớ chuyến đi đưa em đến tận nước Mỹ bên kia đại dương, để lại anh giữa Sài Gòn hoa lệ.
Những ngày đầu tiên thực sự xa nhà, xa bữa cơm mẹ nấu và xa tiếng đứa bạn tỉ tê, hình như nỗi nhớ nhung chẳng được chia đều. Đôi mắt em mỗi ngày mở ra đều bận rộn bởi nhiều khuôn mặt mới, cánh cửa mới, bữa ăn mới, ngôn ngữ mới. Em vẫn nhớ anh đó, nhưng lúc nào mắt cũng căng tràn bởi bao điều mới mẻ và đến khuya về nhà thì chỉ muốn thiếp đi thôi. Còn anh và ba mẹ, bạn bè ở nhà thì đi đâu cũng thấy thiếu đi mất bóng hình em. Nào đây chiếc nón bảo hiểm em hay đội, quán chè anh em mình thường ghé thăm, rồi ngày lễ tết và những cuộc trò chuyện mà em chẳng bao giờ thiếu mặt.
Nước Mỹ lạ lắm anh à. Đến bây giờ, em vẫn chưa hết choáng ngợp trước một đất nước trù phú được xây dựng lên từ niềm tin vào Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu điều lạ lẫm và thú vị ở một nơi mà con người đã được đưa lên mặt trăng và mỗi ngày bước chân ra khỏi cửa đều có thể nhìn thấy một nhà khoa học hang đầu thế giới, mỗi phòng làm việc nhỏ xíu được hàng chục bóng điện thắp sáng mà lại phải lắp kính làm mờ đi để không bị chói mắt nữa cơ. Em chợt nhớ những tiếng trẻ con người lớn ở Sài Gòn reo hò phấn khởi mỗi khi ánh đèn neon vụt sáng sau cả ngày dài bị cúp điện. Nhớ đêm Trung Thu của những ngày ấu thơ, ba thường hay kể cho em nghe có chú Cuội già ngồi gốc cây đa, nếu có chăng thì phải là một chàng phi hành gia người Mỹ đang hóng mát đấy chứ, anh nhỉ?
Nước Mỹ khiến em ngạc nhiên mỗi ngày, về mọi thứ, mọi người, và nhất là về bản thân em. Ở đây, mỗi con người, mỗi gia đình là một quyển sách, một thế giới anh ạ. Có anh lao công đã học hết thạc sĩ, có chú tiến sĩ chỉ thích đi sửa máy tính và rất yêu đồ ăn châu Á. Họ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt ở mức cao nhất có thể. Thầy em nói đó đơn giản chỉ là một sự chọn lựa, nghề nghiệp đơn thuần không nên làm cho con người ta lớn hơn hay nhỏ đi.
Câu nói của thầy làm em nhớ ngày xưa, em hay hỏi anh sau này mình nên làm gì? Thầy có thể ngồi hàng giờ để cùng em thảo luận về tương lai nghề nghiệp, về những điều em thắc mắc. Ở nơi đây, mỗi bước chân của em đi tới, mỗi điều em khám phá và làm được, dù nhỏ hay lớn, đều được nhìn nhận như một thành quả “vĩ đại”, em ngỡ ngàng thấy mình lại như đứa trẻ hôm nào, mở to mắt trước thế giới và can đảm bước đi.
 2
Em của những ngày đầu ở Mỹ, háo hức và bỡ ngỡ.
Điều này nữa anh à, đến giờ em cũng chưa tin được. Em chưa bao giờ nghĩ rằng khi đi xa, mình lại hiểu thêm nhiều điều về đất nước con người Việt Nam đến thế. Lại nhớ câu nói ngày xưa của thầy Trần Linh Thước khi thấy học trò tìm cây bút đánh rơi: “bước lại gần thì chỉ nhìn được một góc, nhưng lùi ra xa sẽ thấy toàn cảnh.” Em có thêm bao nhiêu là sách vở để đọc, và nhiều khoảng lặng để nghĩ suy về những sự kiện đang diễn ra trên quê hương mình. Bạn bè quốc tế muốn em kể chuyện về Việt Nam, muốn nếm thử đồ ăn Việt, háo hức khám phá lịch sử Việt. Thế là em tự có thêm động lực để đọc nhiều hơn nữa, mở mắt to hơn nữa để mà “học” về quê cha đất tổ. Chuyện vua Hùng, chúa Trịnh hay vua Bảo Đại ngày xưa trong giờ sử khó thấm bao nhiêu thì giờ em lại hiểu rõ và thấy thú vị bấy nhiêu. Nhiều buổi chiều chủ nhật, thay vì để đôi chân đi đến thành phố khác cho mắt được ngắm thêm nước Mỹ, thì em ngồi nhà, và dõi mắt theo từng trang sách kể về nước mình.
Nhưng em chẳng có nhiều buổi cuối tuần thảnh thơi đến thế đâu. Vì ở Mỹ có nhiều thứ để làm, và làm phải thật tốt, thế nên có nhiều thứ để học. Sang đây em bỏ luôn những giấc ngủ trưa ưa thích và những ngày lễ đi thăm thú nơi này kia. Hầu như các bạn người Mỹ đều làm việc một mạch từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa chỉ nghỉ một lát và ăn nhanh nhanh rồi lại lao vào làm để hoàn thành những việc trong danh sách được lên sẵn. Họ làm việc như tàu con thoi với quỹ đạo và vận tốc tối ưu. Trong tuần thì chạy nhanh như máy, còn cuối tuần thì chậm lại một chút, đi du lịch, đi leo núi, uống ly bia hay cốc trà thư giãn với bạn bè. Còn em của anh, chậm chạp khù khờ nên chẳng dám chơi nhiều, cứ như con rùa đi từng bước trong cuộc chạy đua với thỏ thôi. Chỉ mong đến lúc tốt nghiệp, em sẽ thành một chú rùa biết chạy marathon, để có thêm những thứ bảy và chủ nhật bên anh, để mình cùng viếng thăm nhiều công viên quốc gia hay viện nghiên cứu, cho đôi chân được thoả bước đi và đôi mắt được thoả ngắm nhìn, anh nhé!
Có nhiều lúc, khi đôi chân em thấy mệt, đôi mắt chỉ muốn nhắm lại để được thấy vòng tay anh. Cơ mà, mặt trời lặn, rồi ngày mai mặt trời lại mọc. Tỉnh giấc mộng để quay về với cuộc sống với đầy ắp dự định, thi cử, bài tập, em lại chuẩn bị viết dự án để xin quỹ nghiên cứu, phụ giảng dạy lớp thực tập trong vài ba hôm nữa thôi, thử thách này chưa qua, bài toán khác lại đến. Cuộc đời đầy những con sóng như trong tranh Hokusai, mặc định là hết con này đến con khác anh nhỉ. Cứ không vững tay chèo có lẽ ngã mất.
Mong cho đôi chân không mệt, đôi mắt không mỏi để lại đi tiếp và nhìn tiếp, vì nước Mỹ này còn rộng lớn và biết bao điều để học hỏi, để khám phá.
Em,
Em viết cho anh từ Muir wood – nơi có những cây tùng khổng lồ mà em biết nếu anh ở đây anh sẽ như đứa trẻ con được quà trong đêm Noel.
Tái bút: Chẳng là, ngày mai lại đến lượt em báo cáo trước nhóm anh ạ. Thế mà giờ em nhớ anh quay quắt, viết vài dòng cho đỡ nhớ anh. Thế mà viết xong lại càng nhớ thêm
Tác giả: Hành Hương, Sinh viên California.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét