Nước Mỹ với những kí ức đẹp
Bài dự thi Hành trình nước MỹTác giả: Đỗ Thị Thanh Thủy, Director Assistant at Consultancy and Research Institute for Sustainable Development (CISD) and visiting lecturer at Hoa Sen University, Ho Chi Minh city
—
Cuối cùng thì giấc mơ du học của tôi cũng trở thành hiện thực. Cảm ơn sự hào phóng của quỹ Ford đã không ngại tốn tiền đào tạo trình độ ngoại ngữ của tôi mà cụ thể là tiếng Anh từ con số không cho đến khi tôi đủ điều kiện bước chân qua nước Mỹ để theo học chương trình thạc sĩ. Tôi đến nước Mỹ vào những ngày hè tháng 5 năm 2009. Bởi sống ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm liền nên mặc dù thời tiết lúc ấy chỉ là 60-80 độ F nhưng tôi đã cảm thấy rất lạnh. Tôi còn nhớ có những ngày nhiệt độ chỉ khoảng 50 độ F tôi đã mặc áo lạnh và mang vớ chân và tay. Các bạn năm cũ bảo tôi chị ơi, nếu chị mặc như vậy ra đường người ta sẽ nhìn chị đó vì chị không giống ai. Tôi bảo mặc kệ họ, nhưng chị lạnh lắm. Sau này khi đã ở Mỹ được một thời gian rồi thì tôi mới hiểu được là, nhiệt độ ấy là tuyệt đẹp ở cái vùng Bắc Mỹ với 6 tháng mùa Đông lạnh giá và phủ đầy tuyết trắng.
Nước Mỹ đẹp!
Nước Mỹ đẹp thật, đẹp đúng như cái tên của nó được người Việt mình dịch ra “Mỹ” nghĩa là đẹp. Có thể lúc đó tôi đang ở giai đoạn đầu của shock văn hóa, nhìn thấy cái gì cũng đẹp, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không thể phủ nhận được là nước Mỹ rất đẹp. Tôi gần như choáng ngợp trước vẻ đẹp từ kiến trúc, môi trường, đến nếp sống văn minh. Nhà cửa ở Mỹ được xây theo một quy cách nhấtt định về kích thước và độ cao nên nhìn tổng quan của một vùng rất đẹp. Các tòa nhà lớn trong thành phố tôi ở như trường học, nhà thờ… thì có màu đỏ của gạch cũ, có lẽ đã được xây dựng từ lâu lắm rồi, nhưng nhìn rất kiên cố và cổ kính. Ở các nơi công cộng như bến xe, siêu thị, cửa hàng thức ăn nhanh…. thì mọi người xếp hàng đợi đến lượt mình trông rất thư thả nhưng thực ra người Mỹ họ rất bận rộn và vội vã. Trên đường phố thì rất ít thấy người đi bộ (ngoại trừ các thành phố lớn nư New York) mà chủ yếu là xe hơi, nhưng họ di chuyển không mấy vội vã, luôn nhường đường cho người đi bộ (chủ yếu là sinh viên chúng tôi). Rất hiếm khi người đi đường nghe thấy tiếng còi xe hơi mà chỉ thỉnh thoảng có tiếng còi vang lên inh ỏi của những chiếc xe cứu thương và cứu hỏa. Đó là những chiếc xe rất to, có màu đỏ rất nổi, và có gắn cờ nước Mỹ phía trước chạy rất ngạo mạn trên đường. Mỗi mùa trong năm ở nước Mỹ được thiên nhiên mô tả qua màu sắc. Ở vùng Bắc Mỹ mà tôi ở thì mùa Xuân chỉ rất ngắn so với các mùa khác trong năm, nhưng không thể lẫn với các mùa khác bởi sự sặc sỡ của các loài hoa. Mùa Hè thì ánh nắng vàng rực rỡ, bầu trời như cao và trong xanh hơn. Mùa Thu được tô điểm bởi màu vàng đỏ của lá cây trông rất lạ. Còn mùa Đông thì trắng xóa bởi tuyết, tuy hơi ảm đạm nhưng rất đặc biệt.
Người Mỹ tốt bụng!
Thời gian học bận rộn nên tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với người Mỹ ngoài với các giáo sư ở trường và những người hàng xóm gần nơi tôi ở. Để đủ kiện bước chân qua Mỹ du học, tôi đã phải trải qua rất nhiều những khóa học dài hạn cũng như ngắn hạn trong nước. Nhưng tôi không thể không ấn tượng bởi sự nhiệt tình và rất tâm lý của các giáo sư ở Mỹ. Biết chúng tôi là những sinh viên cũng tương đối lớn tuổi hơn so với các sinh viên khác và trình độ tiếng Anh cũng hạn chế, nên các giáo sư luôn tận tình giải đáp tất cả các thắc mắc với một tốc độ nói vừa phải khi chúng tôi gặp riêng trong lịch hẹn giáo sư tại văn phòng. Tôi còn nhớ ở học kỳ đầu tiên, khi tiếp xúc với tôi, sợ tôi không hiểu nên các giáo sư vừa nói, vừa viết ra giấy, sau đó cho tôi mang tờ giấy về nhà để xem lại. Do sự nhiệt tình và luôn mong muốn được giúp đỡ sinh viên của các giáo sư, nên tôi rất thích được lên gặp các thầy cô tại văn phòng . Hầu như, mỗi tuần tôi đều sắp xếp thời gian để lên gặp và trao đổi với ít nhất một giáo sư. Tôi còn nhớ, có một lớp học mà khi bước vào lớp, tôi đã thấy choáng vì đa số là các bạn sinh viên người Mỹ. Lớp học lại mang tính chất siminar nên đòi hỏi sinh viên phải thảo luận trên lớp rất nhiều. Tôi học được hai ngày và lên gặp giáo sư định báo là sẽ hủy không theo học nữa vì tôi sợ mình theo không nổi. Tôi lên gặp, chưa kịp nói ra ý định của mình thì giáo sư đã nói với ý là em cứ theo học đi, tôi không đánh giá em ngang hàng với các bạn sinh viên Mỹ đâu. Tôi như mở được rắc rối trong lòng vì rất thích môn học nhưng lại sợ bị rớt. Cũng nhờ môn học đó, tôi đã biết được mình còn thiếu hụt ở điểm nào và cần phải cố gắng như thế nào. Cho tới bây giờ khi cũng là một giảng viên Đại học, tôi càng hiểu rõ hơn những bài học mà các giáo sư ở Mỹ dạy tôi không chỉ ở trên lớp, trong các bài giảng, mà cả những cách mà giáo sư giúp đỡ sinh viên quốc tế như tôi. Nhiều và nhiều lắm các giáo sư mà tôi biết và có điều kiện tiếp xúc, họ thực sự là những nhà giáo dục mẫu mực.
Xa quê hương, để lại sau lưng gia đình với hai đứa con nhỏ là cả một thách thức đối với những người phụ nữ như tôi. Nhưng tôi thật may mắn khi hai năm học tại Mỹ có được những người hàng xóm người Mỹ thật tốt bụng và cũng rất tâm lý. Trong số họ có những người đã từng là một người lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, mà lần đầu tiếp xúc tôi đã có cảm giác rất e dè, sợ sệt. Nhưng tất cả họ đã để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên với những bũa ăn tối ấm áp tình cảm gia đình, những buổi tiệc sinh nhật bất ngờ và những lời khuyên giúp xoa dịu tinh thần tôi mỗi khi quá căng thẳng trong việc học và chuyện gia đình. Tôi còn nhớ, có những lúc tôi không muốn học, không muốn làm gì cả và rất thèm một bữa ăn gia đình. Những người hàng xóm ấy đã luôn mở cửa đón tiếp tôi trên đường đi học về với những bữa ăn tối thật ấm cúng và những câu chuyện vui giúp tôi giảm căng thẳng học hành và nỗi nhớ gia đình. Nhiều và rất nhiều những câu chuyện tình cảm mà tôi có được từ những người bạn hàng xóm Mỹ tốt bụng ấy mà cho đến bây giờ, và mãi mãi, họ, những người hàng xóm ấy vẫn luôn là những người bạn tốt của tôi.
Những ấn tượng đã để lại trong tôi những ký ức đẹp về nước Mỹ chỉ đơn giản như vậy đó, nhưng có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được một đất nước và những con người mà một lần trong đời tôi được trải nghiệm và tiếp xúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét