“Đã nhìn thấy người từ nơi chốn đây…”
Vậy nước Mỹ trong tôi thế nào mới được chứ?Nước Mỹ trong tôi, ngay giây phút này, có lẽ là ba mẹ của tôi.
Tôi viết gì khi viết về
nước Mỹ? (lời này rõ là nhại lại quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”
của Haruki Murakami. Tôi vẫn chưa đọc quyển ấy, chỉ thấy cái đề khá dễ
thương). Nhưng thực sự tôi đã nghĩ rất lâu về chuyện viết gì khi nói đến
nước Mỹ. Những cô cậu bạn đa chủng tộc thân thiện, những lần lái xe
xuyên bang xuyên màn đêm, ăn mì gói trong cửa hàng tiện lợi, những anh
chàng 6 múi mắt đủ màu, những lần xúng xính váy áo đi bar đến tận sáng?
Không được, du học sinh đâu chỉ có cuộc đời màu hồng neon như thế. Hay
là chuyện hư xe dọc dường, chuyện đôi khi bị kỳ thị, chuyện thức trắng
đêm học bài, đến gần ngày thông báo kết quả học bổng thì gần như stress
nặng và sẵn sàng đấm vào mặt bất kỳ đứa nào lảng vảng trước mặt? Không,
cuộc sống của tôi cũng không toàn màu xám như thế.
Vậy nước Mỹ trong tôi thế nào mới được chứ?
Nước Mỹ trong tôi, ngay giây phút này, có lẽ là ba mẹ của tôi.
Ba mẹ tôi vẫn ở Việt Nam. Cả đời ba mẹ
chưa bao giờ có cơ hội đặt chân sang đây xem xứ cờ hoa trông ra sao. Tôi
nhớ một ngày đẹp trời năm 19 tuổi, mẹ gọi tôi xuống bếp và hỏi:
- Ba mẹ hỏi thiệt, con có muốn đi Mỹ không?
- Nhà mình có đủ tiền không đã? – tôi hỏi lại.
- Nếu con muốn, ba mẹ sẽ lo được.
Tôi chưa bao giờ hiểu nổi sức nặng của
câu nói ấy, có lẽ đến bây giờ vẫn chưa. 19 tuổi, chị cả trong nhà, tôi
cùng lắm cũng chỉ biết ước lượng tài sản gia đình, xem sức khỏe ba mẹ,
bàn vài câu về tương lai thằng em còn nhỏ, sau đó thì nói rằng con muốn
đi. Nghe qua thì có vẻ chín chắn, nhưng đến bây giờ, tôi mới thấy mình
vẫn nông cạn như thế nào. Tôi chưa hình dung được sau câu nói, “Nếu con
muốn, ba mẹ sẽ lo được.” là những gì. Lúc đó, tôi chỉ thấy nước Mỹ trước
mắt.
Xa nhà hơn 3 năm, phần lớn thời gian tôi
dành để nhớ những điều gì đâu: nhớ Đà Nẵng, nhớ căn nhà, nhớ tuổi thơ
thảnh thơi vô tư lự, nhớ bạn bè, nhớ đồ ăn. Ba mẹ hiếm khi xuất hiện
trong những lúc quay quắt như thế, mặc dù hình ảnh vẫn có thể đính kèm.
Thật ra, ba mẹ lại hay xuất hiện trong những lúc quyết tâm; khi đó, tôi
luôn có xu hướng nghĩ “sẽ làm ba mẹ vui lòng” hơn “nhớ ba mẹ”, lý tính
nặng hơn tình cảm. Thảng hoặc tôi cảm thấy một chút hổ thẹn, cũng tự hỏi
vì sao mình lại như vậy. Sau này tôi gặp cô bạn thân của mình, người đã
đến xứ Mỹ như cá gặp nước, thậm chí còn không màng đến chuyện về thăm
Việt Nam; thế là tôi nghĩ… “mình vậy cũng được rồi. Chắc còn trẻ nó
vậy.”
Nhưng đến một lúc, tất cả chúng tôi đều
đọc được một bài viết, “20 năm nữa, chúng ta còn gặp bố mẹ bao nhiêu
lần?” Thật lòng, tôi đã không đọc hết bài viết đó. Tôi chỉ đọc hết tiêu
đề và bật khóc, khóc như đứa trẻ vừa nhận ra mình có lỗi, chứ không phải
vì bị đòn. Đêm hôm đó, tôi và bạn thi nhau khóc, ngỡ ngàng nhận ra mình
đã sống vội và hoang phí đến thế nào. Tất cả những cuộc vui mà chúng
tôi gọi là giá trị tuổi trẻ, của việc sống một mình nơi xứ người, liệu
có đánh đổi được một hai bữa ăn chúng tôi còn được xới bát cơm cho ba
mẹ? Tuổi trẻ sẽ qua đi, nhưng ba mẹ chúng tôi rồi cũng sẽ ra đi. Và rốt
cuộc, chúng tôi sẽ khóc vì đánh mất điều gì, tuổi trẻ hay gia đình?
Sau đó, dĩ nhiên chúng tôi… quên bài
viết, lại lao vào nhịp độ học hành – ăn – chơi quay cuồng. Ba mẹ là
những màn hình chat facebook, skype, những cú điện thoại viễn liên, đôi
khi là những lời thẽ thọt, “Con hết tiền rồi…”
Cho đến mùa hè năm nay, có lẽ bắt đầu từ
lúc Texas hăm he đổ lửa, tầm tháng Năm, tháng Sáu. Đó là thời điểm ông
ngoại cô bạn thân của tôi ở bên Mỹ qua đời. Cô bé tâm sự với tôi, “Vậy
là mẹ em (mẹ cô bé vẫn ở Việt Nam) 18 năm rồi chưa được gặp ông đến một
lần.” Với đầu óc non nớt ít khi đối diện sinh tử của những đứa tuổi 20,
con số 18 đó là cả một nỗi bàng hoàng. 18 năm chưa hề có cơ hội nhìn mặt
ba mẹ một lần, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó, nhưng bây giờ
đó lại là chuyện có thể sẽ xảy ra. Với bất kỳ ai.
Cuối tháng Sáu tôi về Việt Nam. Tháng
Bảy tôi bắt đầu đau bụng, sốt, viêm họng, nằm trên giường gần hai tuần
lễ. Bệnh tật ở nhà được mẹ chăm từng li từng tí.
Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. 22 tuổi, bạn
bè ở Việt Nam đã tốt nghiệp ra trường, chuẩn bị đi làm. Tôi bây giờ mới
chuyển tiếp lên Đại học, học phí ăn ở vẫn còn là gánh nặng trên vai ba
mẹ. Nhìn mẹ tôi chừng này tuổi vẫn phải tất bật đi làm, về nhà lại quày
quả hâm nóng đồ ăn, đắp khăn ướt cho con, canh từng chút một, tôi không
biết đến bao giờ ba mẹ mới có thể yên lòng vì mình.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình nhớ
ba mẹ. Là nhớ người, không nhớ đồ ăn hay mái nhà hay Đà Nẵng gì cả, chỉ
nhớ ba mẹ thôi. Cứ thế ngồi ngay dưới mái nhà tuổi thơ mà tôi đi biền
biệt ba năm mới trở về, ngay lúc tưởng chừng ít nhớ nhất và ít tiếc
nhất, tôi thấy mình vừa nghe “Đêm thấy ta là thác đổ” vừa khóc nức nở.
Tôi nhớ ba tôi, hơi thấp người, mập mạp, da ngăm ngăm; tôi giống ba đến
mức hồi còn nhỏ người ta bảo thả tôi ra đầu đường cũng biết là con nhà
ai. Tôi nhớ mẹ, tóc thưa, dáng gầy nhỏ, lúc nào cũng tất bật đủ chuyện.
Tôi nhớ lại bài viết đọc được cách đây hai năm, “20 năm nữa, chúng ta
còn gặp bố mẹ bao nhiêu lần?” Tôi nhớ lời thầy giáo chủ nhiệm cấp III
từng nói, “Lúc mẹ thầy mất, cụ cũng đã có tuổi. Thầy cũng đã lớn, cũng
đủ hiểu lẽ sinh tử trong đời. Nhưng nó vẫn khác lắm các em à. Dù mình
bao nhiêu tuổi, trưởng thành đến thế nào, đến ngày ba mẹ mất đi, mình
vẫn thấy như vừa đi lạc, thấy bơ vơ lắm.” Tôi thử hình dung cảm giác “đi
lạc” ấy, và thấy nước mắt chảy hoài không thôi.
Đây có lẽ là những dòng “ít nước Mỹ”
nhất. Tôi vẫn nghĩ mình nên viết về một điều gì đó khác: chuyện tôi ngủ
trong xe hơi đậu đọc đường cao tốc khi lái xe xuyên bang (tôi tự hào
chuyện đó lắm), chuyện đi bộ lạc trong rừng lúc 10 rưỡi tối, chuyện thức
trắng đêm uống hai cốc café đen viết bài luận để sáng hôm sau nộp cho
thầy xong là nằm vật ra ngủ ngay giữa thư viện, chuyện bị hai bạn Mỹ
trắng hấm hứ nguýt ngáy chỉ vì một con bé châu Á nói tiếng Anh còn sặc
accent Việt Nam lại chơi thắng trò Webster,… Nhưng lúc này đây, viết về
nước Mỹ, tôi chỉ có thể nghĩ đến ba mẹ của mình – những người đã và có
lẽ sẽ giành hết cuộc đời họ ở Việt Nam, để rồi từ nơi đó, ba mẹ đã đưa
tôi đến nước Mỹ, để tôi biết ước mơ của mình là gì và mình có thể làm
gì.
Lâm Vị Quân (Rio Lâm)
Chú thích:
*Nhan đề bài viết là tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt
*Webster: trò chơi liên quan đến việc đoán nghĩa của từ tiếng Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét