My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

[HTNM] Chân dung nước Mỹ

Chân dung nước Mỹ

0
Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Tống Tú, Khóa Pre-MBA EF Education First Language School , Brighton , Boston , MA

Tôi biết là ông giận tôi vì tôi đã thông đồng với cả nhà cố giấu ông việc đi Mỹ và chỉ lộ ra khi mọi chuyện ở thế “đã rồi”…! Tôi buộc phải làm vậy nếu không thì ông sẽ dập tắt cái ý định này ngay từ trong trứng nước.
Ngày tôi bé đất nước khó khăn, là con trai út trong nhà tôi luôn được thừa hưởng quần áo thừa … của các chị gái. Nếu được mua cho một bộ quần áo mới thì đúng thật là “vui như Tết”. Lần ấy, tôi vẫn còn nhớ như in cái áo sơ-mi màu xanh da trời nhạt có thêm chiếc caravat cách điệu nho nhỏ giống kiểu lính hải quân. Vậy mà ngay lần đầu tiên tôi mặc áo mới để lên khoe với ông bà thì ông giận dữ xé toạc cái áo chỉ vì trên túi áo có in 3 chữ USA. Ông căm thù nước Mỹ lắm.
Ông tôi là phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân, ông có mặt ở hầu hết các chiến trường ác liệt nhất để viết bài đưa tin. Chứng kiến quá nhiều đồng bào, đồng đội và ngay cả những người thân trong gia đình đã ngã xuống vì bom đạn Mỹ- ngay cả ông, trên người mang nhiều vết sẹo dài cả gang tay mà ngày bé tôi vẫn nhẹ tay chạm vào. Đau thương hóa thành lửa căm thù, thời gian không dập tắt được ngọn lửa ấy, và nó được chuyền lại cho tôi.
Điều đầu tiên mà tôi được dạy về nước Mỹ là phải căm thù nó!
Chúng ta vẫn thường quy chụp đặc điểm cho cả một quốc gia bằng hình ảnh của nhóm người thuộc quốc gia đó mà chúng ta được mắt thấy tai nghe. Ngày đó, nước Mỹ với tôi là những “thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” mắt xanh, mũi lõ, to xác nhưng hèn nhát luôn thua chạy trước những đợt tiến công của ông và đồng đội.
Nước Mỹ với tôi là lũ diều hâu tàn ác, khát máu bởi mỗi khi xem phim tài liệu có hình ảnh tang thương trên phố Khâm Thiên, hay đi ngang qua bức tường vàng với dòng chữ đỏ “ Đời đời ghi nhớ tội ác của đế quốc Mỹ” ở góc phố Hàng Bún – Phan Đình Phùng.
Lớn lên một chút, nhờ được xem những cuốn phim “Găng-xờ-tơ Mỹ” mà hình dung của tôi về nước Mỹ có chút thay đổi, dù rằng không thiện cảm hơn chút nào. Đó là những bộ phim mà bọn trẻ con như tôi hay phải bịt mắt vì thường xuyên có cảnh người lớn bậy bạ. Ở nước Mỹ cảm giác như bất cứ thứ gì cũng có thể phát nổ kể cả cây bắp cải củ su hào, nơi đó vô cùng hỗn loạn người ta có thể cầm súng đi lại tự do và sẵn sàng xả đạn vào bất kì ai mà chẳng cần nói lí do, một nơi đầy rẫy tội ác. Tôi sợ nước Mỹ.
voxxi
Vụ 11/9, hình ảnh hai tòa tháp sụp đổ trong khói lửa được phát đi phát lại hàng trăm lần trên tivi. Nước Mỹ bị tấn công – thì ra nước Mỹ không phải là “bất khả xâm phạm”. Thật kì lạ là sự hả hê hiếu kỳ qua nhanh ngay khi tôi nhìn thấy cảnh người dân New York bỏ chạy trong khói bụi hoảng loạn – gương mặt họ lúc đó chính là định nghĩa hoàn hảo nhất cho từ: kinh hãi. Dường như nỗi đau cũng có sức lan tỏa, chúng ta vẫn thường trĩu nặng khi thấy nỗi đau của người khác. Người Mỹ thật đáng thương.
Ấn tượng với tôi là câu chuyện về những người lính cứu hỏa dũng cảm lao ngược vào nơi mà mọi người cố vùng chạy thoát thân. Phóng viên hỏi lý do tại sao, nhún vai bình thản anh ta trả lời:“ Tôi được nhận lương để làm như vậy ”. Người Mỹ là vậy ư? Thực dụng nhưng trách nhiệm.
Thời gian sống ở Bắc Kinh tôi lại được nhìn về nước Mỹ theo con mắt của người Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng họ sắp sửa trở lại ngôi vị số một thế giới – Vâng, “Trở lại” là bởi vì vào thời Đường thịnh trị thì Trung Quốc đã từng được coi là thời hoàng kim của văn minh thế giới. Và chỉ có nước Mỹ mới đủ vị thế xứng đáng là đối trọng với họ …! Tôi bắt đầu tò mò về tầm vóc của đất nước này: “Có thật là khi nước Mỹ hát xì hơi thì cả thế giới bị cảm lạnh?”. Và lúc đó tôi đã biết nơi tôi đến tiếp theo sẽ là Mỹ chứ không phải Anh quốc, Singapo hay bất cứ quốc gia nào khác.
Khi đặt chân đến đây, mảnh ghép từ những con người mà tôi có dịp tiếp  xúc ở thành phố Boston này tạo nên một bức tranh, tôi vẫn mặc định coi đó là chính là hình ảnh của cả nước Mỹ. Người Mỹ không phải ai cũng hung dữ và hiếu chiến. Họ cũng không phải là những kẻ điên rồ luôn làm mọi điều quái đản mà tôi thường xem trên Youtube. Họ hiền hậu và thân thiện, dễ mến hơn những gì tôi biết.
Anh lái xe buýt nhiệt tình sẵn sàng cho xe buýt “quỳ gối” và giúp tôi xách đồ lên xe. Có lần tôi còn đang lơ ngơ vừa nhìn biển chỉ dẫn để thoát ra khỏi trạm tầu điện đông người để rồi đâm sầm vào người trước mắt. Khi tôi còn chưa biết nói gì thì anh ta đã quay lại, mỉm cười nói “ Xin lỗi vì tôi đã cản đường bạn.” Cám ơn và xin lỗi là những từ thường trực trên môi,ngoài ra người ta còn dễ dàng trao nhau những cử chỉ thân thiện.
Tôi tình cờ gặp một người đàn ông ngoài 60 tuổi ở thư viện công cộng Somerville. Biết tôi là đến từ Việt Nam, ông ta khoe : “ Có người mời tôi đến Việt Nam và bao ăn ở nhưng tôi không nhận lời đấy?” “ Tại sao không? Việt Nam là một đất nước rất đẹp”- Tôi hỏi. “ Tôi biết vậy. Nhưng đó là vào năm 1967”. Rồi có vẻ như thấy tôi chưa quen thuộc với cách nói chuyện hài hước của người Mỹ và ông ta chuyển sang nói một cách nghiêm túc, thừa nhận với tôi rằng bọn họ đã sai, họ đã bị lừa và họ thật xấu xa. Dù sao họ cũng biết sai và nhận sai – điểm cộng cho sự trung thực.
Tôi phát hiện người dân Mỹ gần như không có điểm chung, họ đến từ khắp nơi trên thế giới, đa dạng về sắc tộc, đa dạng về tôn giáo … Điểm gắn kết họ có lẽ là tập hợp của những con người muốn sống yên bình trên một mảnh đất. Vì vậy mà họ nhường nhịn, yêu thương và sẵn sàng chia sẻ cho nhau.
Boston yên bình trong ngày nắng vàng ấy bỗng nhiên rung chuyển vì 2 tiếng nổ liên tiếp. Máu và nước mắt đã đổ. Người dân Boston đoàn kết tương hỗ trong hoạn nạn và tôi khâm phục cái cách họ nắm tay nhau vượt qua khó khăn. Đau thương nhưng không hề run sợ. Một tháng sau đó họ tập hợp nhau lại để hoàn thành nốt cuộc chạy đang còn dang dở, với tuyên bố cuộc chạy Marathon năm sau sẽ vẫn được tổ chức.
Ngày quốc khánh Mỹ, khi quốc ca vang lên tất cả người dân có mặt bên bờ sông Charles đều đứng dậy hướng về quốc kỳ. Tôi nghe trong lời hát có giọng của người Á, người Âu, người Phi, với niềm tự hào khôn xiết. Người Mỹ là cái cách mà người dân của Hợp chủng quốc Hòa Kỳ gọi bản thân, họ tự hào vì đất nước họ.
Vậy đó, hành trình của tôi đến với nước Mỹ không chỉ là khoảng cách 13.000 km địa lý, mà đó còn là quãng đường của sự thay đổi từ căm thù sang khâm phục. Tôi bị ám ảnh bởi câu nói nổi tiếng của John Lennon – thủ lĩnh ban nhạc huyền thoại The Beatles: “Don’t hate what you don’t understand”.
Có thể cái nhìn của tôi về nước Mỹ là những nhận định chủ quan và phiến diện nhưng đó là những trải nghiệm của tôi, đó là chân dung nước Mỹ trong tôi chứ không phải của một ai khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét