My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

[HTNM] Đã đến Mỹ, nhất định phải roadtrip

Đã đến Mỹ, nhất định phải roadtrip

0
Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Phan Khánh Linh – Master of Public Affairs, Indiana University 

Tôi quyết định viết một bài riêng về road trip ở Mỹ, vì 2 lý do.
Thứ nhất, sở thích lớn nhất của tôi là du lịch, thậm chí đã có suy nghĩ đi du học ở Mỹ là để tranh thủ du lịch… châu Âu.  Thứ hai, hành trình khám phá khiến tôi nhận ra nước Mỹ không chỉ là New York, Washington DC, Boston, hay Los Angeles, Las Vegas mà tour Việt Nam nào cũng đưa đến. Đành rằng, tôi rất yêu DC, rất thích New York và Chicago, nhưng thật không công bằng khi nghĩ nước Mỹ chỉ là sự hào nhoáng, hiện đại có phần đơn điệu đó.
Mùa xuân ở DC
Mùa xuân ở DC
Khả năng để quảng bá cho du lịch Mỹ không đủ (nếu làm được, tôi cũng nhất định sẽ quảng bá cho du lịch Việt Nam), nhưng tình cảm dành cho nước Mỹ thì tôi có thừa. Tôi yêu đất nước đã cho tôi 2 năm được khám phá bản thân, được làm gần như đúng những gì mình thích. Tôi yêu những con người khác biệt tôi đã gặp trên giảng đường, ở thành phố nơi tôi sống, và trên những nẻo đường tôi đi qua.
Ý tưởng bắt đầu từ năm học thứ hai khi tôi có chiếc xe hơi cũ của riêng mình, và kết bạn với một người người đàn ông Mỹ. Anh trở thành bạn đồng hành bất đắc dĩ với tôi đến những thành phố không quá xa Bloomington, Indiana nơi tôi học. Ban đầu cũng là Chicago, thành phố lớn và hiện đại, nổi tiếng nhất của vùng Midwest. Rồi chúng tôi đã đến Springfield (thủ phủ của Illinois) vì tôi mê đắm Tổng thống Lincoln. Tôi đến St Louis (Missouri) và thật sự ấn tượng với thành phố được coi là điểm giao thoa của vùng MidWest, South và West, nơi khởi đầu chuyến thám hiểm mở mang nước Mỹ ra đến bờ Thái Bình Dương của Lewis và Clarks dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson, người tôi ngưỡng mộ vì là tác giả Tuyên ngôn độc lập và tủ sách khổng lồ của Quốc hội Mỹ hiện tại. Tôi đã  nghĩ, nước Mỹ vĩ đại có lẽ vì được  những con người vĩ đại dẫn dắt ở những thời điểm lịch sử quan trọng.
Những chuyến đi ngắn ngủi ấy đã đánh thức trong tôi máu road trip, không tìm được “tài xế” (hiểu theo nghĩa một người bạn là con trai) cũng nhất định không bỏ cuộc.
Chuyến đi đầu tiên có phần liều lĩnh của tôi là lái xe từ Bloomington xuống khám phá bang Texas, cùng 2 bạn trẻ, 1 nam 1 nữ. Ngày thứ hai của hành trình, tôi đã trải nghiệm trận bão tuyết dữ dội. Hơn 7 tiếng liền không một lần ngừng nghỉ, may mắn không hết xăng và xe không bị trượt tuyết hoặc chết máy phải dừng lại giữa đêm. Có những thời điểm vận tốc chỉ còn 10, tôi cứ lầm lũi bám trụ trên đường, có lúc chỉ còn tôi và 2 bạn xe container phía trước. Tôi đã cảm nhận được cái chết rất gần khi xe chúng tôi bị trượt mạnh khi cố gắng phanh để không đâm thẳng vào vạch chắn ngang đường quốc lộ, đến mức đã va chạm bên hông với một bạn container thể tích to gấp chục lần. Vậy mà không hiểu bằng cách nào xe của tôi đã từ từ chậm lại, chui ra đằng sau chiếc xe container, rồi lại đi bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đến Texas bình yên vô sự, nhìn lại xe cũng chỉ bị trày xước nhẹ, 3 đứa mới hoàn hồn.
Sau lần ấy, tôi tin mình có đủ khả năng lái mọi loại địa hình, nên quyết tâm khám phá nửa miền Tây nước Mỹ sau ngày tốt nghiệp.

Hành trình 15 ngày của tôi đã xuyên qua 10 bang với nhiều điểm nhấn, từ những thành phố như Portland (Oregon) xinh đẹp mang hơi hướng châu Âu, Seattle có phần cũ kỹ suy tàn, Salt Lake bí ẩn, đến những vùng thiên nhiên hoang vu của Wyoming, Montana. Nhiều khi tôi chỉ một mình, có khi với một người bạn gái, riêng 3 ngày khám phá Yellowstone National park thì xe 5 chỗ đủ 5 người. Thú vị nhất là những lúc một mình lái xe “off road”, không theo highway mà chọn những cung scenic road uốn lượn quanh núi, ven sông suối hay xuyên rừng. Những lúc ấy, một mình tôi thả hồn hòa với thiên nhiên (dù vẫn phải giữ vô lăng), thỉnh thoảng lại dừng xe, hít đầy bầu không khí khoáng đạt. Tôi nhận ra mình hoàn toàn tự tin và hạnh phúc khi du lịch một mình, bởi tôi được khám phá những cung đường, những nơi chốn theo đúng cách mình muốn nhất. Có gì đó vừa liều lĩnh, vừa lãng mạn trong tôi được thỏa mãn.
Sẽ cần một cuốn sách mỏng để tôi kể hết những ấn tượng của mình trong hành trình khám phá nước Mỹ. Nhưng có hai điểm tôi muốn nhắc đến trong bài viết này. Đó là khi tôi một mình đối diện và chiêm nghiệm sự vĩ đại của nước Mỹ với 4 Vị tổng thống đã bất tử trên núi đá Mount Rushmore của South Dakota. Vĩ đại bởi đó là 4 người đã đặt những nền móng quan trọng làm nên nước Mỹ hôm nay. Vĩ đại bởi quy mô, tính nghệ thuật của công trình và tính vĩnh cửu khi khắc trên núi đá. Vĩ đại bởi những con người của thế kỷ 20 đã quyết tâm làm nên công trình ấy. Và vĩ đại nhất là cách nước Mỹ diễn giải công trình ấy ngày hôm nay. Họ không bảo đó là 4 vị Tổng thống, mà là 4 con người làm nên nước Mỹ, như “bất cứ ai đang dự lễ tưởng niệm hôm nay”. Lễ tưởng niệm vào mỗi buổi tối, kết thúc bằng việc tôn vinh những người lính, những cựu chiến binh đã bảo vệ nước Mỹ, để rồi sau đó ánh sáng bừng lên từ Mount Rushmore, 4 vĩ nhân nhìn xuống chúng tôi cái nhìn vừa nghiêm nghị nhắc nhở, vừa hiền từ khích lệ. Tôi đã xúc động đến nghẹn ngào vào thời điểm ấy, thấy mình đã chạm rất gần vào nước Mỹ. 5 tiếng ở Mount Rushmore, tôi đã nhìn thấy các ngài khóc (khi trời mưa), mỉm cười khi nắng hoàng hôn xuống, và rực sáng giữa màn đêm. Tôi đã phì cười với ý nghĩ cảnh đã đẹp thì nắng hay mưa, ban ngày hay ban đêm cũng sẽ đẹp.
Nơi chốn thứ hai tôi sẽ không bao giờ quên là Yellowstone National park. Vài chục lần nghe mọi người nhắc đến địa danh này, nhiều người còn chia sẻ rằng họ đi hàng năm vẫn thích, rồi mùa nào cũng đẹp, nhưng vé máy bay đến đó thì đắt “lè lưỡi” nên tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội. Đến nơi rồi, dành 2 ngày trọn vẹn lái xe khám phá rồi, tôi vẫn tiếc vì mình không dành nhiều thời gian và tâm thế hơn cho nơi này. Gọi là một vườn quốc gia nhưng chỉ lái xe quanh Grand loop, chúng tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Vừa mê mẩn những hẻm núi (canyon) rực rỡ sắc màu xung quanh những thác nước mềm mại như dải lụa, đi thêm vài chục dặm đã ngỡ ngàng với những mud pots, những geysers. Khi chiều buông xuống, bọn tôi lại được tận hưởng cảm giác thanh bình giữa thung lũng  với những đàn bison nhởn nha gặm cỏ, rồi cùng hòa vào dòng người “săn” những khoảnh khắc được nhìn thấy gấu xám Bắc Mỹ. Tôi cứ ấn tượng mãi khi một anh chàng hồ hởi khoe “từ sáng đến giờ tôi đã nhìn thấy 13 chú gấu rồi”, hóa ra mục tiêu của họ vào đây chỉ để “đếm” gấu. Bọn tôi còn nhìn thấy rất nhiều động vật hoang dã, tiếc là đúng mùa chúng chưa có sừng nên tôi chịu chết chả phân biệt được bạn nào với bạn nào. Nhất định sẽ có ngày tôi thơ thẩn trong Yellowstone vài ba hôm để ngắm cho sướng mắt.
Gấu xám Bắc Mỹ ở Yellowstone National Park
Gấu xám Bắc Mỹ ở Yellowstone National Park
Để kết lại bài viết rất mang tính cảm nhận cá nhân này, tôi sẽ khẳng định lại điều rất nhiều người đã nói, rằng đã đến Mỹ nhất định phải đi road trip, đừng để bất cứ điều gì ngăn cản bạn, dù có phải lái xe một mình. Bạn không chỉ hiểu hơn một nước Mỹ phong phú giàu có (không phải về tiền của), bạn còn có rất nhiều cơ hội để đối diện và làm giàu cho tâm hồn bản thân.

[HTNM] Nước Mỹ với những kí ức đẹp

Nước Mỹ với những kí ức đẹp

0
Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Đỗ Thị Thanh Thủy, Director Assistant at Consultancy and Research Institute for Sustainable Development (CISD) and visiting lecturer at Hoa Sen University, Ho Chi Minh city

Cuối cùng thì giấc mơ du học của tôi cũng trở thành hiện thực. Cảm ơn sự hào phóng của quỹ Ford đã không ngại tốn tiền đào tạo trình độ ngoại ngữ của tôi mà cụ thể là tiếng Anh từ con số không cho đến khi tôi đủ điều kiện bước chân qua nước Mỹ để theo học chương trình thạc sĩ. Tôi đến nước Mỹ vào những ngày hè tháng 5 năm 2009. Bởi sống ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm liền nên mặc dù thời tiết lúc ấy chỉ là 60-80 độ F nhưng tôi đã cảm thấy rất lạnh. Tôi còn nhớ có những ngày nhiệt độ chỉ khoảng 50 độ F tôi đã mặc áo lạnh và mang vớ chân và tay. Các bạn năm cũ bảo tôi chị ơi, nếu chị mặc như vậy ra đường người ta sẽ nhìn chị đó vì chị không giống ai. Tôi bảo mặc kệ họ, nhưng chị lạnh lắm. Sau này khi đã ở Mỹ được một thời gian rồi thì tôi mới hiểu được là, nhiệt độ ấy là tuyệt đẹp ở cái vùng Bắc Mỹ với 6 tháng mùa Đông lạnh giá và phủ đầy tuyết trắng.
Nước Mỹ đẹp!
Nước Mỹ đẹp thật, đẹp đúng như cái tên của nó được người Việt mình dịch ra “Mỹ” nghĩa là đẹp. Có thể lúc đó tôi đang ở giai đoạn đầu của shock văn hóa, nhìn thấy cái gì cũng đẹp, nhưng đến bây giờ tôi vẫn không thể phủ nhận được là nước Mỹ rất đẹp. Tôi gần như choáng ngợp trước vẻ đẹp từ kiến trúc, môi trường, đến nếp sống văn minh. Nhà cửa ở Mỹ được xây theo một quy cách nhấtt định về kích thước và độ cao nên nhìn tổng quan của một vùng rất đẹp. Các tòa nhà lớn trong thành phố tôi ở như trường học, nhà thờ… thì có màu đỏ của gạch cũ, có lẽ đã được xây dựng từ lâu lắm rồi, nhưng nhìn rất kiên cố và cổ kính. Ở các nơi công cộng như bến xe, siêu thị, cửa hàng thức ăn nhanh…. thì mọi người xếp hàng đợi đến lượt mình trông rất thư thả nhưng thực ra người Mỹ họ rất bận rộn và vội vã. Trên đường phố thì rất ít thấy người đi bộ (ngoại trừ các thành phố lớn nư New York) mà chủ yếu là xe hơi, nhưng họ di chuyển không mấy vội vã, luôn nhường đường cho người đi bộ (chủ yếu là sinh viên chúng tôi). Rất hiếm khi người đi đường nghe thấy tiếng còi xe hơi mà chỉ thỉnh thoảng có tiếng còi vang lên inh ỏi của những chiếc xe cứu thương và cứu hỏa. Đó là những chiếc xe rất to, có màu đỏ rất nổi, và có gắn cờ nước Mỹ phía trước chạy rất ngạo mạn trên đường.  Mỗi mùa trong năm ở nước Mỹ được thiên nhiên mô tả qua màu sắc. Ở vùng Bắc Mỹ mà tôi ở thì mùa Xuân chỉ rất ngắn so với các mùa khác trong năm, nhưng không thể lẫn với các mùa khác bởi sự sặc sỡ của các loài hoa. Mùa Hè thì ánh nắng vàng rực rỡ, bầu trời như cao và trong xanh hơn. Mùa Thu được tô điểm bởi màu vàng đỏ của lá cây trông rất lạ. Còn mùa Đông thì trắng xóa bởi tuyết, tuy hơi ảm đạm nhưng rất đặc biệt.
Binh minh ben cua so
Người Mỹ tốt bụng!
Thời gian học bận rộn nên tôi không có điều kiện tiếp xúc nhiều với người Mỹ ngoài với các giáo sư ở trường và những người hàng xóm gần nơi tôi ở. Để đủ kiện bước chân qua Mỹ du học, tôi đã phải trải qua rất nhiều những khóa học dài hạn cũng như ngắn hạn trong nước. Nhưng tôi không thể không ấn tượng bởi sự nhiệt tình và rất tâm lý của các giáo sư ở Mỹ. Biết chúng tôi là những sinh viên cũng tương đối lớn tuổi hơn so với các sinh viên khác và trình độ tiếng Anh cũng hạn chế, nên các giáo sư luôn tận tình giải đáp tất cả các thắc mắc với một tốc độ nói vừa phải khi chúng tôi gặp riêng trong lịch hẹn giáo sư tại văn phòng.  Tôi còn nhớ ở học kỳ đầu tiên, khi tiếp xúc với tôi, sợ tôi không hiểu nên các giáo sư vừa nói, vừa viết ra giấy, sau đó cho tôi mang tờ giấy về nhà để xem lại. Do sự nhiệt tình và luôn mong muốn được giúp đỡ sinh viên của các giáo sư, nên tôi rất thích được lên gặp các thầy cô tại văn phòng . Hầu như, mỗi tuần tôi đều sắp xếp thời gian để lên gặp và trao đổi với ít nhất một giáo sư. Tôi còn nhớ, có một lớp học mà khi bước vào lớp, tôi đã thấy choáng vì đa số là các bạn sinh viên người Mỹ. Lớp học lại mang tính chất siminar nên đòi hỏi sinh viên phải thảo luận trên lớp rất nhiều. Tôi học được hai ngày và lên gặp giáo sư định báo là sẽ hủy không theo học nữa vì tôi sợ mình theo không nổi. Tôi lên gặp, chưa kịp nói ra ý định của mình thì giáo sư đã nói với ý là em cứ theo học đi, tôi không đánh giá em ngang hàng với các bạn sinh viên Mỹ đâu. Tôi như mở được rắc rối trong lòng vì rất thích môn học nhưng lại sợ bị rớt. Cũng nhờ môn học đó, tôi đã biết được mình còn thiếu hụt ở điểm nào và cần phải cố gắng như thế nào. Cho tới bây giờ khi cũng là một giảng viên Đại học, tôi càng hiểu rõ hơn những bài học mà các giáo sư ở Mỹ dạy tôi không chỉ ở trên lớp, trong các bài giảng, mà cả những cách mà giáo sư giúp đỡ sinh viên quốc tế như tôi. Nhiều và nhiều lắm các giáo sư mà tôi biết và có điều kiện tiếp xúc, họ thực sự là những nhà giáo dục mẫu mực.
Fresh Aple
Xa quê hương, để lại sau lưng gia đình với hai đứa con nhỏ là cả một thách thức đối với những người phụ nữ như tôi. Nhưng tôi thật may mắn khi hai năm học tại Mỹ có được những người hàng xóm người Mỹ thật tốt bụng và cũng rất tâm lý. Trong số họ có những người đã từng là một người lính Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, mà lần đầu tiếp xúc tôi đã có cảm giác rất e dè, sợ sệt. Nhưng tất cả họ đã để lại trong tôi những ký ức không thể nào quên với những bũa  ăn tối ấm áp tình cảm gia đình, những buổi tiệc sinh nhật bất ngờ và những lời khuyên giúp xoa dịu tinh thần tôi mỗi khi quá căng thẳng trong việc học và chuyện gia đình. Tôi còn nhớ, có những lúc tôi không muốn học, không muốn làm gì cả và rất thèm một bữa ăn gia đình. Những người hàng xóm ấy đã luôn mở cửa đón tiếp tôi trên đường đi học về với những bữa ăn tối thật ấm cúng và những câu chuyện vui giúp tôi giảm căng thẳng học hành và nỗi nhớ gia đình. Nhiều và rất nhiều những câu chuyện tình cảm mà tôi có được từ những người bạn hàng xóm Mỹ tốt bụng ấy mà cho đến bây giờ, và mãi mãi, họ, những người hàng xóm ấy vẫn luôn là những người bạn tốt của tôi.
Những ấn tượng đã để lại trong tôi những ký ức đẹp về nước Mỹ chỉ đơn giản như vậy đó, nhưng có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên được một đất nước và những con người mà một lần trong đời tôi được trải nghiệm và tiếp xúc.

[HTNM] Vì cuộc đời là những chuyến đi

Vì cuộc đời là những chuyến đi

0
Palo Alto, CA, 8/9/13

Gửi anh, người yêu xa của em.

Con người ta từ lúc mới sinh ra đời đã có đôi chân để bước đi, có đôi mắt vừa mở ra đã tò mò muốn ngắm nghía thế giới. Cuộc đời này sẽ buồn biết bao nếu đôi chân không đưa đôi mắt bước ra ngắm nhìn thế giới. Để rồi những chuyến đi nối tiếp nhau viết nên từng trang trong cuốn sách cuộc đời.
Untitled
Em vẫn nhớ như in những chuyến đi đầu tiên cùng anh đến cánh đồng lúa ven thành phố, nơi anh kể em nghe về những chuyến tàu quê và những ngôi nhà le lói ánh đèn, về cái nghèo cái khó của người dân quê mình luôn khiến anh khắc khoải. Em cũng nhớ chuyến đi đưa em đến tận nước Mỹ bên kia đại dương, để lại anh giữa Sài Gòn hoa lệ.
Những ngày đầu tiên thực sự xa nhà, xa bữa cơm mẹ nấu và xa tiếng đứa bạn tỉ tê, hình như nỗi nhớ nhung chẳng được chia đều. Đôi mắt em mỗi ngày mở ra đều bận rộn bởi nhiều khuôn mặt mới, cánh cửa mới, bữa ăn mới, ngôn ngữ mới. Em vẫn nhớ anh đó, nhưng lúc nào mắt cũng căng tràn bởi bao điều mới mẻ và đến khuya về nhà thì chỉ muốn thiếp đi thôi. Còn anh và ba mẹ, bạn bè ở nhà thì đi đâu cũng thấy thiếu đi mất bóng hình em. Nào đây chiếc nón bảo hiểm em hay đội, quán chè anh em mình thường ghé thăm, rồi ngày lễ tết và những cuộc trò chuyện mà em chẳng bao giờ thiếu mặt.
Nước Mỹ lạ lắm anh à. Đến bây giờ, em vẫn chưa hết choáng ngợp trước một đất nước trù phú được xây dựng lên từ niềm tin vào Thiên Chúa. Có biết bao nhiêu điều lạ lẫm và thú vị ở một nơi mà con người đã được đưa lên mặt trăng và mỗi ngày bước chân ra khỏi cửa đều có thể nhìn thấy một nhà khoa học hang đầu thế giới, mỗi phòng làm việc nhỏ xíu được hàng chục bóng điện thắp sáng mà lại phải lắp kính làm mờ đi để không bị chói mắt nữa cơ. Em chợt nhớ những tiếng trẻ con người lớn ở Sài Gòn reo hò phấn khởi mỗi khi ánh đèn neon vụt sáng sau cả ngày dài bị cúp điện. Nhớ đêm Trung Thu của những ngày ấu thơ, ba thường hay kể cho em nghe có chú Cuội già ngồi gốc cây đa, nếu có chăng thì phải là một chàng phi hành gia người Mỹ đang hóng mát đấy chứ, anh nhỉ?
Nước Mỹ khiến em ngạc nhiên mỗi ngày, về mọi thứ, mọi người, và nhất là về bản thân em. Ở đây, mỗi con người, mỗi gia đình là một quyển sách, một thế giới anh ạ. Có anh lao công đã học hết thạc sĩ, có chú tiến sĩ chỉ thích đi sửa máy tính và rất yêu đồ ăn châu Á. Họ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt ở mức cao nhất có thể. Thầy em nói đó đơn giản chỉ là một sự chọn lựa, nghề nghiệp đơn thuần không nên làm cho con người ta lớn hơn hay nhỏ đi.
Câu nói của thầy làm em nhớ ngày xưa, em hay hỏi anh sau này mình nên làm gì? Thầy có thể ngồi hàng giờ để cùng em thảo luận về tương lai nghề nghiệp, về những điều em thắc mắc. Ở nơi đây, mỗi bước chân của em đi tới, mỗi điều em khám phá và làm được, dù nhỏ hay lớn, đều được nhìn nhận như một thành quả “vĩ đại”, em ngỡ ngàng thấy mình lại như đứa trẻ hôm nào, mở to mắt trước thế giới và can đảm bước đi.
 2
Em của những ngày đầu ở Mỹ, háo hức và bỡ ngỡ.
Điều này nữa anh à, đến giờ em cũng chưa tin được. Em chưa bao giờ nghĩ rằng khi đi xa, mình lại hiểu thêm nhiều điều về đất nước con người Việt Nam đến thế. Lại nhớ câu nói ngày xưa của thầy Trần Linh Thước khi thấy học trò tìm cây bút đánh rơi: “bước lại gần thì chỉ nhìn được một góc, nhưng lùi ra xa sẽ thấy toàn cảnh.” Em có thêm bao nhiêu là sách vở để đọc, và nhiều khoảng lặng để nghĩ suy về những sự kiện đang diễn ra trên quê hương mình. Bạn bè quốc tế muốn em kể chuyện về Việt Nam, muốn nếm thử đồ ăn Việt, háo hức khám phá lịch sử Việt. Thế là em tự có thêm động lực để đọc nhiều hơn nữa, mở mắt to hơn nữa để mà “học” về quê cha đất tổ. Chuyện vua Hùng, chúa Trịnh hay vua Bảo Đại ngày xưa trong giờ sử khó thấm bao nhiêu thì giờ em lại hiểu rõ và thấy thú vị bấy nhiêu. Nhiều buổi chiều chủ nhật, thay vì để đôi chân đi đến thành phố khác cho mắt được ngắm thêm nước Mỹ, thì em ngồi nhà, và dõi mắt theo từng trang sách kể về nước mình.
Nhưng em chẳng có nhiều buổi cuối tuần thảnh thơi đến thế đâu. Vì ở Mỹ có nhiều thứ để làm, và làm phải thật tốt, thế nên có nhiều thứ để học. Sang đây em bỏ luôn những giấc ngủ trưa ưa thích và những ngày lễ đi thăm thú nơi này kia. Hầu như các bạn người Mỹ đều làm việc một mạch từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi trưa chỉ nghỉ một lát và ăn nhanh nhanh rồi lại lao vào làm để hoàn thành những việc trong danh sách được lên sẵn. Họ làm việc như tàu con thoi với quỹ đạo và vận tốc tối ưu. Trong tuần thì chạy nhanh như máy, còn cuối tuần thì chậm lại một chút, đi du lịch, đi leo núi, uống ly bia hay cốc trà thư giãn với bạn bè. Còn em của anh, chậm chạp khù khờ nên chẳng dám chơi nhiều, cứ như con rùa đi từng bước trong cuộc chạy đua với thỏ thôi. Chỉ mong đến lúc tốt nghiệp, em sẽ thành một chú rùa biết chạy marathon, để có thêm những thứ bảy và chủ nhật bên anh, để mình cùng viếng thăm nhiều công viên quốc gia hay viện nghiên cứu, cho đôi chân được thoả bước đi và đôi mắt được thoả ngắm nhìn, anh nhé!
Có nhiều lúc, khi đôi chân em thấy mệt, đôi mắt chỉ muốn nhắm lại để được thấy vòng tay anh. Cơ mà, mặt trời lặn, rồi ngày mai mặt trời lại mọc. Tỉnh giấc mộng để quay về với cuộc sống với đầy ắp dự định, thi cử, bài tập, em lại chuẩn bị viết dự án để xin quỹ nghiên cứu, phụ giảng dạy lớp thực tập trong vài ba hôm nữa thôi, thử thách này chưa qua, bài toán khác lại đến. Cuộc đời đầy những con sóng như trong tranh Hokusai, mặc định là hết con này đến con khác anh nhỉ. Cứ không vững tay chèo có lẽ ngã mất.
Mong cho đôi chân không mệt, đôi mắt không mỏi để lại đi tiếp và nhìn tiếp, vì nước Mỹ này còn rộng lớn và biết bao điều để học hỏi, để khám phá.
Em,
Em viết cho anh từ Muir wood – nơi có những cây tùng khổng lồ mà em biết nếu anh ở đây anh sẽ như đứa trẻ con được quà trong đêm Noel.
Tái bút: Chẳng là, ngày mai lại đến lượt em báo cáo trước nhóm anh ạ. Thế mà giờ em nhớ anh quay quắt, viết vài dòng cho đỡ nhớ anh. Thế mà viết xong lại càng nhớ thêm
Tác giả: Hành Hương, Sinh viên California.

[HTNM] Ra đi để trở về, kết thúc để bắt đầu

Hành trình Việt Nam – Hành trình nước Mỹ. Ra đi để trở về – Kết thúc để bắt đầu

0
Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Trần Ngọc Thịnh, Thạc sỹ Quản lý hành chính công và Quản lý Phi chính phủ, Trường Hành chính công Harry S. Truman, Đại học tổng hợp Missouri, thành phố Columbia, tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ

IMG_3266 copy
Khi bắt đầu hành trình nước Mỹ, tôi cũng như bao bạn trẻ du học Mỹ khác đều mang theo mình một khát vọng chiếm lĩnh được thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật của cường quốc số một thế giới để làm giàu vốn kiến thức của mình, để có thể trước hết nuôi sống bản thân mình, gia đình mình cũng như đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển chung của đất nước nơi chúng tôi sinh ra và trưởng thành – mảnh đất hình chữ S yêu dấu có tên Việt Nam.
Chúng tôi ra đi với tâm nguyện rằng phải ráng học, học cái hay, cái đẹp của họ. Chúng tôi luôn ghi nhớ “không nên tuyệt đối hóa bất cứ một cái g씓không có gì là hoàn hảo”, luôn đón nhận mọi vấn đề ở góc độ đa chiều, chắt lọc kiến thức và kinh nghiệm phù hợp mà áp dụng cho từng hoàn cảnh lịch sử bởi “Học tập không có nghĩa là bắt chước”
Tôi cũng như bao bạn trẻ Việt Nam khác được sang Mỹ du học đều hiểu rằng, chúng tôi sang đây không phải là để hưởng thụ, không chỉ có “du” mà còn có “học” mà việc học là quan trọng nhất. Đời sống du học sinh chưa bao giờ là đủ đầy, dễ dàng và êm ái. Bên cạnh những bài vở chất đống, những lo lắng, băn khoăn, là những cảm xúc lẫn lộn, đan xen của nỗi nhớ nhà, sự cô đơn hay thậm chí có lúc tuyệt vọng. Nhưng nhìn về quê hương với bao bộn bề lo toan của cuộc sống nơi bố mẹ và người thân vẫn tần tảo chắt chiu để giúp ước mơ du học của chúng tôi thành hiện thực đã tiếp động lực cho chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn. Dẫu biết rằng đất nước mình còn nhiều lạc hậu, nhiều cái bất cập, nhiều cái bức xúc nhưng mà có được gì khi mà ngồi chỉ trích thực tại đất nước mình hay tốt hơn là cố gắng làm cho nó thay đổi tốt đẹp hơn. Khi sang Mỹ, tôi mới thấy chính dân Mỹ cũng không phải là luôn hài lòng với chính quyền của họ, nhưng không phải vì thế mà họ ghét nước Mỹ mà ngược lại họ rất yêu nước Mỹ. Tình yêu quê hương, yêu đất nước không hề đổi thay cho dù trải qua bao biến cố lịch sử và nó hoàn toàn độc lập với chính quyền. Chân lý đó là bất di bất dịch, cho dù ở bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới này.
Chúng tôi ra đi, nhưng không phải là để lãng quên, không phải là trốn chạy thực tại mà ra đi lòng vẫn hướng về, vẫn đau đáu một nỗi ngóng trông tin tức từ người thân, gia đình và quê hương bản xứ. Chúng tôi vẫn mang trong mình dòng máu đỏ, chảy dưới da vàng với niềm tự hào con người Việt Nam cho dù ở đâu đó sự kỳ thị vẫn còn đang tồn tại trong xã hội hiện đại. Nhưng điều đó không làm chúng tôi cảm thấy tủi thân, bởi chúng tôi được sinh ra như vậy – một sự thật không thể thay đổi. Chúng tôi vẫn đọc báo mạng, vẫn xem tivi trên internet để cập nhật tình hình thời sự ở quê nhà bên cạnh CNN và NBC. Chúng tôi vẫn gìn giữ văn hóa dân tộc, vẫn nấu những món ăn truyền thống, vẫn biểu diễn văn nghệ Việt Nam để giới thiệu văn hóa quê hương mình cho bạn bè từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù chúng tôi không còn được nghỉ tết Âm lịch như ở Việt Nam, nhưng năm nào cũng có bữa tiệc đón năm mới góp chung những món ăn cổ truyền như bánh chưng, mứt tết. Chúng tôi vẫn nhớ “Hòa nhập nhưng không hòa tan” và mỗi du học sinh chúng tôi là một đại sứ văn hóa.
Có lẽ trong mỗi du học sinh chúng tôi, câu hỏi tự vấn lớn nhất mà chúng tôi luôn trăn trở sau khi học xong là “Ở lại hay trở về”. Bản thân tôi nghĩ rằng, để thể hiện lòng yêu nước, hay sự đóng góp cho đất nước không phải cứ mặc định là phải về nước mới làm được điều đó. Bởi nếu đất nước mình còn thiếu thốn, còn lạc hậu, còn nhiều bất cập mà về đây thì liệu mình có làm được gì hay tự biến mình thành người thừa, thành những cá nhân luôn bất mãn, không niềm tin, không động lực. Hay tốt hơn là ở lại nơi mình có thể phát huy tốt nhất tài năng của mình, để làm rạng danh tổ quốc như cách mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm?
Câu trả lời tùy vào từng hoàn cảnh. Không thể vịn vào những bất cập đó mà biện hộ cho hành vi trốn ở lại của mình. Hãy sống cho đàng hoàng và sòng phẳng, nếu ra đi bằng học bổng chính phủ do tiền thuế của nhân dân đóng góp thì hãy thực hiện những “cam kết”, những “lời hứa” của mình với dân, với nước bởi “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc”.
Dẫu biết là khó khăn, nhưng đã chấp nhận thì hãy đừng làm hổ thẹn với quê hương mình, với những người đã tin mình, đã giúp mình. Nhưng chúng tôi cũng có những mong mỏi từ phía Nhà nước là hãy tạo điều kiện cho chúng tôi cống hiến. Chúng tôi không cần “trải thảm đỏ”, chúng tôi không đòi hỏi những đặc cách, đặc ân. Chúng tôi chỉ mong có một môi trường làm việc đầy đủ, lành mạnh, một mức lương mà chúng tôi có thể nuôi sống bản thân và gia đình mà không phải làm những điều không hay, để toàn tâm toàn ý với đam mê cống hiến của mình. Và quan trọng hơn cả, hãy lắng nghe tiếng nói của chúng tôi, tiếng nói của những người con yêu nước trở về giữa lòng dân tộc với mong muốn chấn hưng đất nước. Xin đừng nhìn chúng tôi bằng ánh mắt nghi kỵ, ngờ vực, hoài nghi.
Chúng tôi trở về lý do sâu thẳm nhất là tình yêu thiêng liêng dành cho gia đình, dành cho đất nước. Tôi còn nhớ lúc mà tôi băn khoăn nhất là nên ở lại học tiếp PhD hay trở về, tôi đã gọi điện cho mẹ. Tiếng gọi nơi đất mẹ khiến tôi vô cùng bối rối. Tôi đã quyết định trở về sau khi nghe bài hát mà tôi rất yêu thích từ hồi còn ở Việt Nam. Đó là bài “Ta trở về” của ca sỹ Jimmy Nguyễn với những ca từ mà ngồi nghe trên đất Mỹ muốn ứa nước mắt:
Ta trở về, ta phải trở về
Cây còn thương gốc nước thương nguồn
Lá trên cành còn về ôm đất huống chi con người
Ta trở về nay ta trở về
Cha mẹ nay tóc đã bạc màu
Từng ngày qua vẫn mong sao sẽ có đến ngày thấy con
Kìa bông lúa cành dâu, đàn em bé trên mấy con trâu
Kìa cây chuối vườn dâu, trái dưa non lắc lư trên đầu
Kìa những cánh cò bay, nhìn quê hương sao mắt cay cay
Bờ đê vẫn đìu hiu, khói lam chiều
Ta trở về, ta phải trở về
Nghe từng câu hát đón câu vè
Tiếng ve sầu còn văng vẳng những khi trưa hè
Ta trở về nay ta trở về
Quay về sông núi của Lạc Hồng
Này cùng nhau hãy vươn vai hết sức góp mình đắp xây
 Hành trình nước Mỹ có thể là một hành trình tuy ngắn nhưng rất có ý nghĩa trong cuộc đời thế hệ du học sinh chúng tôi. Nhưng hành trình nước Việt thì lại là một hành trình dài hơn, quan trọng hơn, và ý nghĩa hơn, mà thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có du học sinh chúng tôi không ai khác chính là những người quyết định hành trình đó sẽ đưa nước Việt tới đâu. Hành trình của cả cuộc đời giúp đất nước mình phát triển, giàu hơn, tốt hơn, đẹp hơn và bền vững hơn. Hành trình đó đang chờ tôi, chờ bạn, và chờ tất cả chúng ta. Cho dù bạn ở đâu, hãy nối vòng tay lớn để cùng bắt đầu Hành trình Việt Nam.

[HTNM] Ngày đầu tiên đến trường

Ngày đầu tiên đến trường

0
Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Trần Ngọc Thịnh, Thạc sỹ Quản lý hành chính công và Quản lý Phi chính phủ, Trường Hành chính công Harry S. Truman, Đại học tổng hợp Missouri, thành phố Columbia, tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ

Hôm nay ngày 8/8/2013 tức là đúng ngày này cách đây 4 năm ngày 8/8/2009 tôi lên đường sang Mỹ theo học chương trình thạc sỹ theo chương trình học bổng Fulbright. Cho dù đã 4 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm và ký ức vẫn còn vẹn nguyên. Tôi dám chắc rằng ai trong chúng ta cũng còn lưu giữ một chút ký ức về ngày đầu tiên đến trường, và với tôi cũng vậy cái ngày đầu tiên đến trường đại học ở Mỹ là một trong những trải nghiệm mà tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên.
Tôi bay về trường vào buổi tối, lúc đó do trời quá tối nên tôi không hề nhìn thấy trường mình thế nào, chỉ thấy mấy tòa nhà lấp loáng sau ánh đèn điện. Chủ nhật ngày 23/8/2009, một ngày nắng đẹp, tôi rủ cô bạn học cùng khoa, cùng lớp đi thăm quan một vòng quanh trường và chụp ảnh. Đây là lần đầu tiên tôi chụp ảnh ở campus. Và đến hôm nay mới nhận ra là trường mình đẹp biết bao. Những tòa nhà cổ kính như những tòa lâu đài thời kỳ phục hưng, những cây xanh, bóng mát, mái vòm. Một khung cảnh tự nhiên và nên thơ, làm mình chợt nghĩ, nếu một tình yêu nảy nở nơi này, có lẽ tình yêu đó sẽ đẹp và lãng mạn không kém gì bộ phim “Chuyện tình Harvard”.
100_1010

Khi đi thăm campus, mình có một cảm giác là giống như đi dạo trong một công viên lớn vậy. Rất nhiều thảm cỏ, sinh viên nằm đọc sách dưới ánh nắng mặt trời, nghe nhạc, và mở tiệc picnic. Cảnh vật vô cùng yên bình, mình còn nhìn thấy cả sóc, cả thỏ chạy nhảy tung tăng quanh campus.
100_1074

Ôi có lẽ nào đây là câu chuyện cổ tích. Mình tự nhiên cảm thấy rất yêu ngôi trường này, yêu môi trường này, yêu những con người nơi đây. Và cảm thấy thật sự hứng khởi để bắt đầu một cuộc sống mới ở nước Mỹ xa xôi này. Có lẽ đây là một trải nghiệm của cảm xúc rất có ý nghĩa cho ngày mai, ngày đầu tiên chính thức lên giảng đường học. Bởi lẽ nhiều lúc bạn sẽ cảm thấy buồn và chán vì nhớ nhà, và có lúc bạn nghĩ bạn không thuộc về nơi này, nên sự phấn khích ban đầu tạo đà rất tốt, hy vọng là cảm xúc luôn được duy trì.
100_1164

Khoảnh khắc đáng nhớ nhất hôm đó là thời điểm của Tiger Walk. Tiger Walk là một nghi thức truyền thống hàng năm của trường đại học tổng hợp Missouri – Columbia mỗi khi khai giảng một năm học mới để đón chào tân sinh viên. Do hình biểu tượng của trường là con hổ, nên truyền thống này được gọi tên là Tiger Walk. Tất cả các sinh viên mới của trường sẽ bước qua 6 cái cột giống như cánh cổng bước vào trường vậy. Sau khi thầy hiệu trưởng đọc bài diễn văn, hàng ngàn sinh viên, trong đó có mình chạy ùa qua 6 cái cột.
100_1214

Khoảnh khắc ấy vẫn còn được lưu giữ ở đây: http://www.facebook.com/home.php?#/video/video.php?v=769391815630&ref=mf, mà mỗi khi xem lại cảm giác ngày đó vẫn còn vẹn nguyên trong tôi.
Đó là một cảm giác khó tả, nó vừa hân hoan, vừa hồi hộp, và rất xúc động, nhưng cũng rất thiêng liêng như trong bài phát biểu của thầy Hiệu trưởng “sau khi bước qua cánh cổng này, các bạn sẽ thực sự trở thành những sinh viên của Mizzu, và khi ngoảnh nhìn lại, các bạn sẽ thấy 4 giá trị mà nhà trường mong muốn các bạn ghi nhớ, đó là “Respect, Responsibility, Discovery and Excellence”.
Sau khoảnh khắc mà làm tôi gợi nhớ tới sự háo hức tới trường những năm lớp 1, chúng tôi dù học đại học hay cao học cũng náo nức như những đứa trẻ chạy ùa vào cổng trường ngày khai giảng. Sau  khi hoàn thành nghi lễ Tiger Walk chúng tôi được ăn kem. Dường như lúc này không gian như lắng đọng và tôi cảm thấy mọi cảm xúc tuổi thơ trở về ngay đây bên tôi. Sau màn ăn kem, là tiết mục biễu diễn vô cùng sôi động và bắt mắt của đội nữ sinh múa bông của trường (cheering team) trong tiếng kèn, và trống của đội nhạc. Những tiếng trống như hòa chung nhịp đập con tim, những tiếng kèn ngân vang như thôi thúc, hòa trong điệu nhạc, hơi thở. Xung quanh tôi đây là những ánh mắt háo hức, những nụ cười giòn tan, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi hòa trong môi trường này. Tôi thấy tâm hồn mình đang bị thả trôi theo những âm thanh, theo những tiếng động, giống như đang sống trong một giấc mơ. Và bạn biết không, sự xúc động mỗi khi trỗi dậy trong tôi luôn làm tôi cảm thấy tim mình đập rất khác. Thật sự là như vậy, mỗi khi sống trong giây phút xúc động nào đó, tôi thấy nhịp tim mình thay đổi, và dường như có một dòng điện nhỏ chạy dọc cơ thể mang lại một cảm giác vô cùng khác lạ.
Một ngày tràn ngập niềm vui, mặc dù đã gần 12h đêm, do chưa mua được laptop mới nên tôi vẫn cố gắng ngồi trong phòng máy tính ở tầng 1 của khu căn hộ tôi thuê trọ để ghi lại những cảm xúc khó quên này. Tôi không muốn để hôm sau, vì sợ cảm xúc sẽ không còn tươi mới, còn sinh động nữa. Ngày hôm nay sẽ là một ngày tôi sẽ nhớ mãi trong cuộc đời mình. Ngày tôi chính thức trở thành sinh viên trường Mizzu, chức thức trở thành một “real Tiger”. Và ở nơi đây, dưới mái trường này, tôi sẽ cố gắng học tập và tu luyện để đúng như lời thầy Hiệu trưởng phát biểu “khi các bạn tốt nghiệp, các bạn sẽ bước qua những chiếc cột này để bước tới những chân trời mới, với tri thức có được ở Mizzu, các bạn sẽ bay cao và xa hơn nữa”. Vâng, đây sẽ là nơi tôi bắt đầu hành trình nước Mỹ của mình.

[HTNM] Trải nghiệm ẩm thực ở Mỹ và nỗi nhớ Việt

Trải nghiệm ẩm thực ở Mỹ và nỗi nhớ Việt Nam

0
Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả:  Lê Quang Minh, sinh viên năm 1, mới sang Mỹ và chuẩn bị nhập học vào cuối tháng 8 này
Sang Mỹ đi du học mọi người dặn dò tôi đủ thứ điều. Từ chuyện học hành cho cẩn thận giữ cái GPA từ 3.2 để không bị cắt học bổng trở lên cho đến chuyện đừng tiêu pha quá đáng, tôi phải nghe cho đến phát chán cả đầu. Tôi thầm mong cái ngày đến Mĩ nó tới nhanh nhanh để tôi không phải ngồi nghe đống giáo lý cũ xì này nữa.
Thế rồi cái ngày đó cũng đến. 21/7, tôi vác hai cái vali nặng chịch tổng cộng 46 kg đến sân bay. Lên máy bay, đến Hàn Quốc transit xong lại bay đến Chicago. Mọi chuyện trôi qua thật yên lành chỉ có điều tôi không nuốt được bất kì thứ đồ ăn Hàn trên đường. Đống đồ ăn trên máy bay tôi đổ đi gần hết. Ở sân bay mùi thức ăn Hàn nồng nặc bốc lên và tôi cảm ơn trời phật là ở giữa cái thứ mùi Hàn khủng khiếp đó có một quán fast food KFC. Tôi chạy vào đó và ngồi ăn ngấu nghiễn cho bõ việc nhịn đói 3 tiếng bay liền. Tôi thầm nghĩ đến Mĩ tôi sẽ nốc vào mồm cả đống đồ ăn “Mĩ” vào chứ không ăn thêm bất cứ đồ châu Á nào nữa. Và rồi hết 5 tiếng ở sân bay, tôi chạy lên máy bay tiếp tục một chuyến 14 tiếng và chuẩn bị tinh thần cho những “món ăn Hàn Quốc đóng hộp máy bay nấu sẵn có mùi kinh khủng”. Họ phục vụ tôi 3 bữa và tôi bỏ đến 2. Tôi cầu trời khấn phật: “Đến Mỹ, đến Mỹ đi, đồ ăn Hàn dở tệ.” Nhưng ai ngờ mọi chuyện không như tôi tưởng. Đến Mỹ rồi và tôi cũng chả nuốt được thứ gì vào mồm mà cảm thấy ưng ý.
Ở Chicago, tôi được chị dẫn đi làm debit card. Xong xuôi mọi thứ chị tôi đưa tôi cái debit card rồi bảo đừng quẹt nhiều quá để rồi bị từ chối lúc đi mua hàng. Xong chị lại bảo tốt nhất là con là đừng quẹt kiểu đến mấy cửa hàng bảo mật nó kém hacker tấn công lấy thông tin card của mình thì lúc đấy mất hết cả tiền. Chị còn dặn tôi đừng dạo qua mấy nhà hàng để rồi trong năm không có tiền mà tiêu. Ôi nhà hàng ở đây toàn McDonald với Subway không thì lại Chinese Food Restaurants. Nhìn những thứ này mà tôi cảm thấy phát ốm đi mất. Sau khi đến Chicago tôi có làm một tour đi Washington DC và thác nước Niagra và cũng lúc đó tôi được tận hưởng cái gọi là “ẩm thực Mỹ”. Trên các trạm dừng chân trên đường, hành khách toàn được dẫn vào McDonald hoặc Chinese Buffet để ăn. McDonald lúc đầu tôi còn hào hứng lắm nhưng sau thì thật sự kinh khủng. Không ai có thể ăn fast food 5 ngày đi tour liền. Còn Chinese Buffet ăn cũng chả ngon lắm. Các đồ ăn ở đấy cũng như các tiệm ăn nhanh toàn khoai tây chiên, mì xào, đùi gà rán và một vài ăn phiên âm từ Trung Quốc ra tiếng Anh mà tôi không nhớ. Có một số lúc tôi được dẫn vào nhà hàng gọi là ăn tử tế nhưng cũng không thể chịu được. Người Mỹ ăn quá ngọt. Vào đấy ăn toàn pancake rồi lại nước sốt táo. Ngoài những món ăn ngọt đó là những món như bacon với ham. Ăn uống thế này khiến tôi chẳng mấy chốc đã mất niềm tin vào những nhà hàng Mỹ. Chị tôi dặn không dặn thì tôi cũng không đi ăn ngoài. Tôi tự nhủ đã tự ăn mà còn tệ thế này thì không biết đồ ăn campus như thế nào.
McDonalds-mcdonalds-806135_398_370
Nỗi nhớ đồ ăn Việt trong lòng tôi ngày càng tăng. Đi siêu thị ở đây không có rau muống, món luộc quen thuộc của tôi. Tôi thèm một bát nước rau muống luộc sấu nhưng mà hình như ở đây còn không có cả sấu. Nước mắm ăn không ngon mà siêu thị toàn bán loại nước mắm pha sẵn ăn rất tệ. Xì dầu ở đây ăn cũng chẳng hơn gì nước mắm. Tôi nhớ những lúc ở nhà ngồi chê nước mắm Phú Quốc với xì dầu Chin-su. Bây giờ tôi phải công nhận là Phú Quốc với Chin-su quả thật ngon. Cuối cùng tôi cũng xin chị đi ăn hàng Việt Nam. Ăn đồ ăn Việt ở đây, không ngon bằng đồ ăn Việt ở nhà, mùi của món ăn có gì đó đã bị phai đi, đã bị chế đi để “Tây” hơn. Nhưng tôi cũng không thể trách người đầu bếp được. Họ còn nấu cho bao thực khách Mỹ chứ có phải phục vụ mỗi tôi đâu. Dù gì được ngửi thấy hơi Việt Nam tại đất Mỹ này là tôi đã vui rồi, cho dù chỉ là một tẹo thôi và có thể không được như hàng gốc.
Đi xa tưởng chừng như có thể chuẩn bị đủ hết những gì tôi cần nhưng có lẽ đồ ăn thức uống là cái mà tôi không ngờ nhất. Ở đất Mỹ này có cô đơn đến mấy thì chỉ cần ăn vài món ăn Việt thôi là bạn cũng thấy như đang ở nhà rồi.

[HTNM] 5 tuần của ếch

5 tuần của ếch

0
Bài dự thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Lê Thị Thiên An, Chương trình Study Of The U.S Institutes For Student Leaders 2009 (SUSI 2009), Southern Illinois University Carbondale (SIU), Illinois

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mình háo hức lên máy bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn năm 2009, gặp Vinh và Ngọc rồi cùng mang mấy chiếc nón lá theo để giới thiệu về văn hóa khi sang Mỹ đi học chương trình SUSI do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức trong 5 tuần. Đó là năm tuần đầu tiên được bước ra thế giới và mở rộng tầm mắt của tôi.
Đáp xuống Chicago rồi lại vội vã leo lên một chuyến bay khác vào lúc 9h tối để đến St.Louis, tôi mắt tròn mắt dẹt ngơ ngẩn khi nhìn thấy mặt trời vẫn sáng rực rỡ cứ như lúc 5h chiều ở Việt Nam. Tôi dụi mắt dòm đồng hồ rồi hối hả đập tay Vinh đang ngồi ghế bên cạnh. Thích thú với phát hiện mới nhất, cả hai reo lên như những đứa trẻ. Nhưng rồi chỉ 15 phút sau đó, trời đã sụp tối một cách nhanh chóng. Lệch múi giờ và lúc mặt trời xuất hiện hay biến mất ở Mỹ đã thành những trải nghiệm đầu tiên thật dễ thương.
Tụ tập với 4 bạn còn lại của SUSI Việt Nam tại sân bay Lambert St. Louis, cả bọn liền hớn hở chụp pô ảnh ngày gặp mặt. Trên chuyến xe ô tô dài 4 tiếng của trường SIU đến đón, khi các bạn mệt nhoài trên lưng ghế thì tôi lại mở mắt thật to nhìn chiếc xe lao đi vun vút. Những con đường Mỹ thật đẹp, đẹp y hệt như trong phim hành động Hollywood hiện ra trong đêm, cứ như là tôi bị rơi vào kênh HBO ấy. Vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm. Cái cảm giác ban đầu ấy tôi vẫn còn nhớ mãi.
image001
Kỷ niệm khó quên của tôi trong buổi gặp gỡ của sinh viên chương trình SUSI với các giáo sư trường SIU là khi họ nêu một câu hỏi “Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đến nước Mỹ là gì?”. Tôi dong tay lên cầm mic thật thà trả lời: “Sau khi được đưa đi tham quan vài ngày, điều đầu tiên mà em rất ngạc nhiên về nước Mỹ là các trang trại ở đây có những con bò màu đen và màu trắng, quê nội em ở Việt Nam chỉ có bò màu nâu thôi”. Cả khán phòng đang im ắng bỗng tràn đầy tiếng cười và những tràng vỗ tay.
Trường SIU xây trên nền một khu rừng, trên đường đến lớp có thể bắt gặp hươu làm chúng tôi rất thích thú. Trước sân ký túc xá, tôi có thể ngắm những chú sóc màu lông chuột thích leo cây rất ngộ nghĩnh. Những loài cây ở xứ Illinois này thật xinh tươi và lạ mắt chưa từng thấy, từ cây liễu rủ đẹp mê hồn đến các loại hoa đủ màu sắc. Tôi thích ngắm và gọi tên chúng là “những loài cây tiểu thuyết”, vì tôi đã từng nghĩ vẻ đẹp rực rỡ nhường ấy tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết mà thôi.
Nhớ lần đầu lang thang tìm chỗ ăn pizza, chúng tôi đã phải vất vả lòng vòng quanh mỗi một cái ngã tư. Rồi những lần lạc lối từ ký túc xá đến lớp học khiến tôi tự mày mò tìm hiểu bản đồ. Tôi còn phát hiện rằng trăng rằm ở trường SIU lớn hơn nhiều so với ở khi tôi còn ở nhà, làm tôi phấn khích: “Trăng Mỹ, trăng Mỹ!”. Trăng tròn to đẹp đến mức cứ như được vị thần nào lẳng lặng hóa phép lớn lên gấp mấy lần. Về sau tôi mới vỡ lẽ ra rằng đứng ở những góc độ khác nhau trên quả đất này sẽ cho ta thấy độ lớn của mặt trăng thật khác nhau.
Chương trình SUSI cho tôi những ngày tháng trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi được đi Springfield, thăm nhà tổng thống Abraham Lincoln, tìm hiểu lịch sử, cách sống của người Mỹ thời xưa, thăm các cơ quan hành chính của bang Illinois, khu dưỡng lão, bệnh viện, các khu vui chơi, mua sắm, đi rừng, trải nghiệm ở nhà người dân Mỹ. Càng đi tôi càng hiểu hơn về nước Mỹ. Tôi nhớ lắm hương vị và âm nhạc đồng quê Mỹ, vẻ đẹp của các trang trại và những chú ngựa đáng yêu giờ đây cứ nối nhau ùa về trong ký ức.
Trong lớp học về kỹ năng lãnh đạo của chúng tôi, các giáo sư vô cùng thân thiện. Họ luôn quan tâm hỏi xem sinh viên có hiểu kịp không. Và trên những chuyến đi thực tế sau giờ học, hoạt động tình nguyện, những chuyến tham quan…tôi ngắm xe lao đi trên những sườn đồi dốc uốn lượn, những cánh đồng ngô xanh bạt ngàn cao quá đầu người. Với những điều mắt thấy tai nghe, tôi biết rằng những quyển sách đã không giáo điều và những bài giảng của các giáo sư Mỹ không gò bó chúng tôi trong những khuôn khổ lý thuyết.
image007
Thư viện trường SIU là nơi lần đầu tôi loay hoay học cách dùng máy photocopy, cũng là một kinh nghiệm đổ mồ hôi ướt trán. Tôi vô cùng thích thư viện trường, nơi có thể mở cửa 24/24 và mùa hè thì đến 12h đêm. Cái cảm giác được ở thư viện tới khuya lắc khuya lơ và khoảnh khắc ôm sách đi bộ về ký túc xá giữa đêm làm tôi cứ vui kỳ lạ. Còn nhớ có lần ở ký túc xá, khi mọi người đang dùng laptop ở phòng sinh hoạt chung thì đột nhiên nghe tiếng còi hú vang. Ngay lập tức một bạn người Campuchia bay ngay ra khỏi ghế và phóng ra sân. Lũ chúng tôi còn ngơ ngác thì bạn ấy lập tức hô hào: “Đó là tiếng báo cháy, phải thoát thân ngay!”, làm cả nhóm cuống cuồng bỏ chạy. Nhưng dường như chỉ là ai đó cố nấu ăn bằng bếp lửa trong ký túc xá bị hệ thống báo cháy phát hiện. Nhờ sự kiện này, tôi được trải nghiệm về hệ thống báo động của nước Mỹ.
Cái hay của việc đi học ở Mỹ đối với tôi còn là việc khám phá ra những khả năng tiềm ẩn của bản thân mình. Tôi dễ dàng nhận ra giọng bạn bè từ một khoảng cách rất xa, một khả năng mà dường như tôi không có khi còn ở Việt Nam. Có lần khi các bạn của tôi trở về từ hồ bơi, nằm trong phòng mình cách đó cả dặm, tôi đã nghe tiếng lí lắc của Ngọc và tự mỉm cười. Ở đất nước đa sắc tộc nhất thế giới này, tôi thấy mình sung sướng trong niềm vui kết bạn, sự háo hức được tìm hiểu về thức ăn, ngôn ngữ, lối sống. Dẫu rất vui vì được giao lưu với nhiều nền văn hóa tại đất nước hợp chủng quốc Hoa Kỳ, được nghe thấy tiếng nói Việt trên đất Mỹ vẫn mang lại cho tôi một cảm giác thân thương khó tả.
Ngày đến Chicago, tôi cứ phải xoắn cổ, rơi mũ, há hốc mồm ngắm những tòa nhà chọc trời lung linh huyền ảo, những chiếc limousine dài tuyệt đẹp. Nhưng đâu đó cũng có những người hành khất bên phố, có lúc tôi cũng dừng lại bỏ vài xu vào mũ họ. Tôi không thể nào quên được những chuyến tham quan các viện bảo tàng về thực vật, thổ dân da đỏ, khủng long, hải dương học, viện không gian, chụp ảnh với các bộ quân phục thế chiến thứ I, tận mắt thấy xác ướp Ai Cập. Tôi nhớ lúc đến Washington DC dự các buổi tổng kết, buổi giao lưu văn hóa ý nghĩa của chương trình và cả giây phút đứng trước Nhà Trắng hay tháp bút chì…chao ôi những ngày tháng đầy cảm xúc ấy ngỡ như vừa mới hôm qua.
image005
Tôi trở về với cái nhìn toàn diện hơn về nước Mỹ. Thực sự là năm tuần ở Mỹ tuy ngắn ngủi nhưng đã cho tôi một chuyến đi khám phá cuộc đời. Cứ như một chú ếch con được hít thở bầu không khí mát rượi và phát hiện ra rằng thế giới ngoài kia thật rộng lớn biết bao. Tôi biết nước Mỹ không phải thiên đường, nhưng nước Mỹ cho con người nhiều cơ hội học tập, phát triển theo ý muốn, quyền tự do để lựa chọn, dấn thân, mơ ước và trải nghiệm cuộc sống. Chợt nhớ đến lời bạn tôi ngày về đã từng xúc động nói: “Chúng tôi là người Việt Nam, chúng tôi rất yêu quê hương Việt Nam, nhưng thật sự chúng tôi lại không muốn rời xa nơi này”.

[HTNM] Ăn uống ở trời Tây

Ăn uống ở trời Tây

0
Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ
Tác giả: Nguyễn Minh Hiển, PhD student in Economics at the University of Missouri-Columbia.
 —
Chào các bạn,
Ăn uống có lẽ là một trong những điểm chung nhất của mọi nền văn hóa. Ăn uống thể hiện văn hóa và thông qua ăn uống con người có liên hệ tình cảm chặt với nhau. Vậy mình chia sẻ hành trình nước Mỹ qua câu chuyện ăn uống của mình nhé.
Chu du thiên hạ để học ăn uống
Mình tới nước Mỹ vào mùa đông lạnh giá ở Vermont đầu năm 2005 và những ngày đầu là lọ mọ mỳ gói tới cả tuần. Mình ở tạm tới cả tuần đầu tiên trong một cái motel gần trường. Không có xe cộ mà đi bus thì cũng lạnh và chưa biết đường, mình chén tạm Mỳ gói đến ngán. :-)
Sau đó, mình dọn về sống với anh bạn Việt duy nhất ở cùng trường kỳ đầu tiên và nấu kiểu Việt Nam truyền thống, cái khác là bọn mình đều không phải dân biết nấu ăn nên cũng đơn giản: nấu cơm trắng, xào thịt với rau với tý nước mắm. Mình bắt đầu biết đến đồ ăn Mỹ như pizza/hamburgers khi ăn thử ở ngoài và thỉnh thoảng ăn chùa ở những party ở trường. Cái mình cảm giác lúc đó là đồ ăn Việt ăn được nhưng có vẻ nhanh đói, đồ ăn Mỹ có vẻ nhiều năng lượng và chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Do đó mình thỉnh thoảng bắt đầu ăn uống kiểu “giàu năng lượng” và úm ba la, hết kỳ đầu lên cân thấy rõ. :-)
 IMG_0583.JPG
Sau kỳ đầu tiên, thôi thúc bởi nhu cầu chạy ra ngoài để giao lưu văn hóa với người Mỹ , mình dọn ra ngoài sống với hai cậu người Mỹ rất dễ chơi và bắt đầu có trải nghiệm các loại đồ ăn khác nhau và có quan niệm trộn lung tung. Bọn mình cũng hay ăn chung với nhau. Mình nấu cho các bạn Mỹ ăn và họ cũng chia sẻ với mình đồ ăn của họ.
Một câu chuyện mình ấn tượng mãi là cách Noah nấu cơm rang: Trước tiên Noah cho đám cơm trắng mới nấu ra cái chảo to đùng, cho thịt, rau các loại lên. Bước thú vị tiếp theo là  tiện gia vị gì thì Noah cho cái đấy: mù tạc Nhật một ít, nước mắm, gia vị Thái, cà ri, ớt tương…chứ không chỉ toàn nước mắm như mình. Noah như một cậu bé chơi lego với đám đồ ăn. Kết quả là bọn mình được bữa ăn rất ngon. Mình rất thích món đó.
Cách tiếp cận với ăn uống của Noah cũng ngoài công thức. Một lần mua kem về ăn, Noah lấy kem cho lên cơm trắng Việt Nam để ăn. Mình thấy lạ nhưng ăn thử cũng thấy OK và ngon. Tại sao lại không nhỉ?
Noah cũng thích thử tất các gia vị khác nhau của Việt Nam. Một lần, mình kiếm về một lọ mắm sặc cho Noah mở thử. Ặc, mắm bắn nên sủi bọt như sô đa vào người và áo Noah. Khỏi phải nói chắc các bạn cũng biết cảm giác của anh chàng người Mỹ này kinh khủng như thế nào khi chạm phải “mắm thối Vịt Nan” =))
 DSC_0493.JPG
Qua Noah và những người Mỹ khác mình biết đến những đồ ăn hữu cơ, chợ nông dân và rất nhiều buổi giao lưu potluck với đám sinh viên trường. Mình biết đến những món ăn homemade ở nhà các gia đình người Mỹ rất ngon như banana walnut bread, mình chứng kiến roommate của mình làm bánh mỳ ở nhà.  Mình biết đến microbreweries – loại bia làm quy mô nhỏ ở địa phương chất lượng tuyệt vời dù có thị phần nhỏ. Mình từng đi uống thử rượu vang từ một business ở địa phương, tò mò hỏi về quy trình làm rượu và bà chủ nhiệt tình gọi điện bảo ông chủ dẫn mình tới tận nhà xem họ làm rượu vang và giải thích các loại rượu ở Mỹ ra sao. Mình thử các loại cà phê, trà của các nước khác nhau pha theo những kiểu khác nhau.Thật hết sức đa dạng, mỗi nơi một kiểu và may mắn sao mình thưởng thức được hết.
 DSC_0713.JPG
Tại sao những cửa hàng đồ ăn nhan nhản bên ngoài như McDonald, Wendy’s bình thường vậy mà đồ ăn tự nấu ở quy mô nhỏ lại ngon như vậy? Mình nghĩ đó chính là văn hóa công nghiệp và tính cách Do It Yourself của người Mỹ. Các cửa hàng ở ngoài nhấn mạnh yếu tố convenience, cần phải nhanh gọn. Nhưng khi ở nhà với nhu cầu thưởng thức, con người ta Do It Yourself với kiểu cách riêng độc đáo và chất lượng. Khi mình tới thư viện công cộng tìm sách nấu ăn thì thôi rồi: thật là tràn ngập!
Chính nhờ trải nghiệm ở Vermont, mà sau khi xuống Connecticut làm việc, mình thử các loại đồ ăn: mình vào cửa hàng rau quả  Ấn Độ và mua thứ để nấu thử ở nhà. Có ít thu nhập, mình cũng thử ăn ở một lô các nhà hàng của các nước khác nhau để trải nghiệm văn hóa của họ. Khi có bạn đời, bọn mình cũng nấu đủ kiểu và xen lẫn cơm trẳng dùng cả gạo nâu, bánh mỳ, spaghetti, các loại cereal khác như barley, couscous, các loại bean. Bọn mình cũng tự nướng lấy bánh mỳ ở nhà.
Khi bọn mình quay lại đi học ở Missouri, mình gặp lại nhiều bạn Việt học cùng trường. Từ các bạn mình lại học thêm được cách nấu các món ăn Việt khác mình ít biết và đặc biệt là học thêm được nghề làm vườn. Rất thú vị, nấu ăn với những thứ rau thơm ở vườn do chính bọn mình trồng ra. Con người làm bạn với thiên nhiên. :-)
Cứ dần dần như thế của quá trình sống ở Mỹ mà cái vỏ văn hóa mà mình mang từ Việt Nam qua bị vỡ dần ra. Không nhất thiết là “thoái hóa biến chất” mà có cái vỏ mới to hơn chứa cả Mỹ lẫn Việt lẫn Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý trong một nồi cơm rang. :-)
Bầu bạn khi ăn uống
Khi sang Mỹ mình vẫn mang theo quan niệm về good times ở nhà: đó là ăn, uống say và… không dừng được. Nhưng ở Mỹ thì đa phần mình cô đơn bởi lúc đầu ít bạn. Do đó thỉnh thoảng cần excitement – con người bình thường ai chẳng cần excitement – mình uống bia và nhậu một mình và sau đó trống rỗng. Mình cũng tham gia vào các potluck parties bia rượu. Biết mình uống bia ở quán và lái xe một mình về nhà, bà Susan, cô giáo ở nhà thờ dạy kèm tiếng Anh miễn phí cho mình rất lo và bà cầu nguyện suốt.
DSC_0713.JPG
Mình chủ động làm quen, gặp gỡ và ăn uống với những nhóm người khác nhau để hiểu về cuộc sống đa dạng trên đất Mỹ: những người vô gia cư, những người theo đạo, những nhóm thể thao, âm nhạc… Mình thấy thích ở họ là đa phần – chủ yếu những người theo đạo, là họ hầu như không cần bia rượu để kích thích mà vẫn vui và sống có ý nghĩa. Họ quan trọng bầu bạn trong ăn uống và kể chuyện về những trải nghiệm cụ thể và pha trò với nhau. Bữa ăn đặc biệt thú vị giữa những người có định hướng về ý nghĩa cuộc sống. Sau khi ăn, mọi người thường chơi game và vừa chơi vừa nói chuyện. Những buổi Barbeque chơi game và ăn uống rất thú vị. Đặc biệt mình thích nhất ngày Lễ Tạ Ơn bởi đó là khi ông bà cha mẹ con cái người Mỹ đoàn tụ và thể hiện tình cảm với nhau trong một xã hội có tính cá nhân cao.
Học từ các cộng đồng ở Mỹ, mình bỏ nghiền bia rượu và bỏ luôn định nghĩa cũ của mình về good times. Mình cũng chơi nhiều hơn với những nhóm bạn lành mạnh. Khi mình tổ chức party với các bạn Việt mình ít mời  bia rượu mà dành thời gian để chia sẻ những câu chuyện hay pha trò có tính xây dựng. Bọn mình cũng tổ chức potluck nhiều hơn là nấu mời mọi người. Bọn mình hay nấu những món Việt để mời các bạn Mỹ và những món quốc tế để mời những bạn Việt.
Ăn uống là một cách rất thực tế để thưởng thức thế giới đa dạng của chúng ta, phải không nhỉ?
Chúc các bạn một ngày tinh tấn,
Nguyễn Minh Hiển
Columbia, Missouri, USA
Email: hnguyen97@gmail.com

Đăng lại trang nhật ký viết tay ngày Tết

26 Tết 2014
Ngủ không được sau khi trở về từ cắm trại HLK, tôi lôi giấy viết ra ngồi viết những dòng này, cũng là ghi dấu lại những cảm xúc của mình trong ngày đầu tiên trở lại trường sau 2 năm tốt nghiệ

Hôm nay, tôi - tóc mới, quần áo đổi style, ghé lại HLK cắm trại, ghé lại cả những kí ức tưởng đã ngủ yên

Hôm nay, tôi gặp lại những người bạn một thời 12Anh 09-12 vẫn vui tươi, cười đùa, vẫn ôm nhau sau bao tháng ngày xa cách. Lòng vẫn rộn ràng khi gặp lại bạn cũ - nhưng trong thâm tâm có điều gì đó khó thốt nên lời

Hôm nay, nhìn những thế hệ đàn em đã ngày càng trưởng thành, lớn lên phổng phao rồi chợt nhận ra mình đã già đi theo màu thời gian. Thấy ngạc nhiên rằng mình chỉ quen mặt máy đứa 12 bây giờ, vì ngày đấy mình học 12, nó vẫn đang lớp 10 non nớt. Gio nhìn lại, 2 năm đã trôi qua như cái chớp mắt

Hôm nay đứng dưới sân khấu, xem các tiết mục biểu diễn, thấy vẫn những style của ngày cũ, cũng ca múa nhạc mừng xuân, cũng những bài nhảy và vũ đạo sôi động trên nền nhạc US-UK. Các em - những người trẻ ngày nay, luôn muốn chọn những bài hát và phong cách để khẳng định mình. Tuổi trẻ - luôn là như thế

Hôm nay, mỏi gối chồn chân, tôi và Ngân và Linh vẫn cứ đi loanh quanh khắp trường. Tự nhiên cứ muốn đi như thế, đi để nhìn lại nơi mình đã từng thiết tha gắn bó, nơi đã lưu dấu những trò nghịch ngợm, nơi lưu cả những nỗi đau của lòng tự cao con trẻ đã phải ngã những cú đầu tiên trong đời

Tự nhiên nhớ lại cả 1 thời cấp 3 - nhuốm màu hạnh phúc cũng có, nhuốm màu đau thương bi lụy đến tột cùng cũng có....Nỗi thất vọng vì một nền giáo dục ko công bằng, về những trò hề thành tích của ban cán sự, về nỗi đau khi phải trả giá quá đắt cho sự tự cao, ngạo mạn của mình. Ngày đó, tuy có đau thương, nhưng nó dạy tôi bài học lớn về sự khiêm tốn, về tinh thần cầu tiến ko ngừng nghỉ trong cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến cách tôi cư xử, đến cách tôi nhìn cuộc đời sau này rất nhiều. Nó dạy tôi bài học "Hãy biết quý trọng những gì mình đang có: cha mẹ, gia đình, vật chất", "Núi cao còn có núi khác cao hơn"

Bọn bạn tôi vẫn mang trong mình hình ảnh Dung Hạnh của những năm cấp 3 - lạnh lùng, khó gần, ngạo nghễ. Hình ảnh của tôi ngày ấy là một con mọt sách chính hiệu. Cuộc đời lúc ấy cũng toàn một màu tối tăm. Vẫn nhớ như in cái cảm giác cố gắng đến bất lực vì một điều không thể, vẫn nhớ cú ngã ngựa trời giáng ngày phát giải HSG tiếng anh cấp trường để chọn ra đi thi Olympic 30/4. Nỗi đau của việc phải trốn mình xuống tận hàng ghế cuối cùng, cúi gằm mặt xuống, nín thở nghe mỗi lần phát giải gọi tên ko có tên mình, rồi cuối cùng, mình lại là kẻ đạt giải KK, là kẻ rơi ra ngoài - ko được đi dự thi Olympic. Khoảng thời gian đó với tôi là 1 vết cứa sâu đến nhói lòng, ko thể lành được. Nhưng nhờ nó, tôi lớn lên rất nhiều

Nói 1 cách khác, HLK đã cho tôi những đau thương và cô độc, nhưng ko có nó thì ko có tôi của ngày hôm nay

Về lại trường xưa, biết bao kỉ niệm, những thứ tưởng chừng đã thuộc về quá vãng, bỗng sống lại rõ mồn một. Còn nhớ lúc đi ngang bệ ngồi phía trước tượng HLK, nơi tôi và coin đã từng ngồi, tim lại nhói nhẹ một lần nữa. Thôi thì quá khứ hãy là quá khứ và ngủ yên nhé !

Hôm nay về lại trường, đi tản bộ vòng quanh, tâm sự với Dạ Ngân. Cũng có nhiều chuyện để kể, để nói sau 1 thời gian dài ko gặp mặt. Tôi đùa vui hỏi bạn "Ủa năm ngoái bạn có về ko?" - Ngân cũng bảo ko, năm nay mới về lần đầu tiên. Ngân nói 1 câu làm tôi thấy đúng lắm
"Kiểu như vừa thoát khỏi hang động giam cầm, mình ko muốn trở về liền, đợi thêm 1 năm sau nữa mới có hứng trở về"

Uh đúng ! 1 năm sau khi rời trường, những vết thương trong tôi vẫn còn âm ỉ, lúc đó lại đnag bỡ ngỡ ở môi trường mới, tôi ko muốn về - để bản thân thêm nhập nhằng giữa 2 miền ký ức. Tôi muốn đợi đến lúc mình đã bình tâm, tĩnh lặng, ko còn sợ hãi nữa. Lúc đó, trở về sẽ hợp lý hơn

Thời gian quả là 1 liều thuốc nhiệm màu. 2 năm - ko quá dài mà cũng ko quá ngắn để có thể bình tĩnh đối diện với mọi thứ

Đôi lúc tôi nhận ra mấy tháng thôi cũng làm con người ta đổi khác đi nhiều. Tôi đã từng ngỡ ngàng đến há hốc miệng khi đọc lại những dòng status trên fb của tôi vào tháng 3/2013 và những dòng status cũng vẫn là của tôi - vào tháng 12/2013. Bạn biết ko, đó là 1 sự khác biệt cực kỳ to lớn. Tháng 3/2013, tôi hãy còn nhí nhảnh, hãy còn nghĩ j post đó. Vậy mà đến gần cuối 2013, tôi lại trở thành 1 người khác, trầm lắng hơn, đề phòng hơn, post có chọn lọc hơn. Chắc do va vấp nhiều nên thế :) Tình nguyện - dạy con người ta lớn, quả ko sai !

Tết này về, tôi đã biết trách nhiệm hơn, biết vào bếp nấu ăn, biết lo cho gia đình hơn. Mừng vì điều đó, mong năm 2014 sẽ tập tành nấu được nhiều món ngon cho ba mẹ ăn

Tết này trở về, chỉ mong được ở bên người thân yêu nhiều hơn, tận hưởng ko khí gia đình dịp cuối năm. Tết này thôi mong đợi lì xì - 20t còn gì. Tết này mang về nhiều sách hơn để đọc và chiêm nghiệm. Vẫn chưa tính xong  chuyện cho cái mầm cây mình gieo từ hồi lớp 9. Đi từ từ mà chắc vậy...Nghĩ vẫn chưa xong mà :)

Thôi đi ngủ, mai chắc sẽ nhiều việc, 28 Tết sẽ đi chợ bông. Đúng là đi xa về, thấy Tây Ninh, thấy cái gì cũng thương hết...

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

[HTNM] Đã nhìn thấy người từ nơi chốn đây

“Đã nhìn thấy người từ nơi chốn đây…”

0
Vậy nước Mỹ trong tôi thế nào mới được chứ?
Nước Mỹ trong tôi, ngay giây phút này, có lẽ là ba mẹ của tôi.
Rio Lâm, bên trái, và hai bạn nữ cùng tuổi 21 sắp thực hiện hành trình xuyên Mỹ bằng ô tô từ giữa tháng 12 tới
Rio Lâm, bên trái, và hai bạn nữ cùng tuổi 21 sắp thực hiện hành trình xuyên Mỹ bằng ô tô từ giữa tháng 12 tới
Tôi viết gì khi viết về nước Mỹ? (lời này rõ là nhại lại quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami. Tôi vẫn chưa đọc quyển ấy, chỉ thấy cái đề khá dễ thương). Nhưng thực sự tôi đã nghĩ rất lâu về chuyện viết gì khi nói đến nước Mỹ. Những cô cậu bạn đa chủng tộc thân thiện, những lần lái xe xuyên bang xuyên màn đêm, ăn mì gói trong cửa hàng tiện lợi, những anh chàng 6 múi mắt đủ màu, những lần xúng xính váy áo đi bar đến tận sáng? Không được, du học sinh đâu chỉ có cuộc đời màu hồng neon như thế. Hay là chuyện hư xe dọc dường, chuyện đôi khi bị kỳ thị, chuyện thức trắng đêm học bài, đến gần ngày thông báo kết quả học bổng thì gần như stress nặng và sẵn sàng đấm vào mặt bất kỳ đứa nào lảng vảng trước mặt? Không, cuộc sống của tôi cũng không toàn màu xám như thế.
Vậy nước Mỹ trong tôi thế nào mới được chứ?
Nước Mỹ trong tôi, ngay giây phút này, có lẽ là ba mẹ của tôi.
Ba mẹ tôi vẫn ở Việt Nam. Cả đời ba mẹ chưa bao giờ có cơ hội đặt chân sang đây xem xứ cờ hoa trông ra sao. Tôi nhớ một ngày đẹp trời năm 19 tuổi, mẹ gọi tôi xuống bếp và hỏi:
-          Ba mẹ hỏi thiệt, con có muốn đi Mỹ không?
-          Nhà mình có đủ tiền không đã? – tôi hỏi lại.
-          Nếu con muốn, ba mẹ sẽ lo được.
Tôi chưa bao giờ hiểu nổi sức nặng của câu nói ấy, có lẽ đến bây giờ vẫn chưa. 19 tuổi, chị cả trong nhà, tôi cùng lắm cũng chỉ biết ước lượng tài sản gia đình, xem sức khỏe ba mẹ, bàn vài câu về tương lai thằng em còn nhỏ, sau đó thì nói rằng con muốn đi. Nghe qua thì có vẻ chín chắn, nhưng đến bây giờ, tôi mới thấy mình vẫn nông cạn như thế nào. Tôi chưa hình dung được sau câu nói, “Nếu con muốn, ba mẹ sẽ lo được.” là những gì. Lúc đó, tôi chỉ thấy nước Mỹ trước mắt.
Xa nhà hơn 3 năm, phần lớn thời gian tôi dành để nhớ những điều gì đâu: nhớ Đà Nẵng, nhớ căn nhà, nhớ tuổi thơ thảnh thơi vô tư lự, nhớ bạn bè, nhớ đồ ăn. Ba mẹ hiếm khi xuất hiện trong những lúc quay quắt như thế, mặc dù hình ảnh vẫn có thể đính kèm. Thật ra, ba mẹ lại hay xuất hiện trong những lúc quyết tâm; khi đó, tôi luôn có xu hướng nghĩ “sẽ làm ba mẹ vui lòng” hơn “nhớ ba mẹ”, lý tính nặng hơn tình cảm. Thảng hoặc tôi cảm thấy một chút hổ thẹn, cũng tự hỏi vì sao mình lại như vậy. Sau này tôi gặp cô bạn thân của mình, người đã đến xứ Mỹ như cá gặp nước, thậm chí còn không màng đến chuyện về thăm Việt Nam; thế là tôi nghĩ… “mình vậy cũng được rồi. Chắc còn trẻ nó vậy.”
Nhưng đến một lúc, tất cả chúng tôi đều đọc được một bài viết, “20 năm nữa, chúng ta còn gặp bố mẹ bao nhiêu lần?” Thật lòng, tôi đã không đọc hết bài viết đó. Tôi chỉ đọc hết tiêu đề và bật khóc, khóc như đứa trẻ vừa nhận ra mình có lỗi, chứ không phải vì bị đòn. Đêm hôm đó, tôi và bạn thi nhau khóc, ngỡ ngàng nhận ra mình đã sống vội và hoang phí đến thế nào. Tất cả những cuộc vui mà chúng tôi gọi là giá trị tuổi trẻ, của việc sống một mình nơi xứ người, liệu có đánh đổi được một hai bữa ăn chúng tôi còn được xới bát cơm cho ba mẹ? Tuổi trẻ sẽ qua đi, nhưng ba mẹ chúng tôi rồi cũng sẽ ra đi. Và rốt cuộc, chúng tôi sẽ khóc vì đánh mất điều gì, tuổi trẻ hay gia đình?
Sau đó, dĩ nhiên chúng tôi… quên bài viết, lại lao vào nhịp độ học hành – ăn – chơi quay cuồng. Ba mẹ là những màn hình chat facebook, skype, những cú điện thoại viễn liên, đôi khi là những lời thẽ thọt, “Con hết tiền rồi…”
Cho đến mùa hè năm nay, có lẽ bắt đầu từ lúc Texas hăm he đổ lửa, tầm tháng Năm, tháng Sáu. Đó là thời điểm ông ngoại cô bạn thân của tôi ở bên Mỹ qua đời. Cô bé tâm sự với tôi, “Vậy là mẹ em (mẹ cô bé vẫn ở Việt Nam) 18 năm rồi chưa được gặp ông đến một lần.” Với đầu óc non nớt ít khi đối diện sinh tử của những đứa tuổi 20, con số 18 đó là cả một nỗi bàng hoàng. 18 năm chưa hề có cơ hội nhìn mặt ba mẹ một lần, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó, nhưng bây giờ đó lại là chuyện có thể sẽ xảy ra. Với bất kỳ ai.
Cuối tháng Sáu tôi về Việt Nam. Tháng Bảy tôi bắt đầu đau bụng, sốt, viêm họng, nằm trên giường gần hai tuần lễ. Bệnh tật ở nhà được mẹ chăm từng li từng tí.
Tôi bắt đầu cảm thấy buồn. 22 tuổi, bạn bè ở Việt Nam đã tốt nghiệp ra trường, chuẩn bị đi làm. Tôi bây giờ mới chuyển tiếp lên Đại học, học phí ăn ở vẫn còn là gánh nặng trên vai ba mẹ. Nhìn mẹ tôi chừng này tuổi vẫn phải tất bật đi làm, về nhà lại quày quả hâm nóng đồ ăn, đắp khăn ướt cho con, canh từng chút một, tôi không biết đến bao giờ ba mẹ mới có thể yên lòng vì mình.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình nhớ ba mẹ. Là nhớ người, không nhớ đồ ăn hay mái nhà hay Đà Nẵng gì cả, chỉ nhớ ba mẹ thôi. Cứ thế ngồi ngay dưới mái nhà tuổi thơ mà tôi đi biền biệt ba năm mới trở về, ngay lúc tưởng chừng ít nhớ nhất và ít tiếc nhất, tôi thấy mình vừa nghe “Đêm thấy ta là thác đổ” vừa khóc nức nở. Tôi nhớ ba tôi, hơi thấp người, mập mạp, da ngăm ngăm; tôi giống ba đến mức hồi còn nhỏ người ta bảo thả tôi ra đầu đường cũng biết là con nhà ai. Tôi nhớ mẹ, tóc thưa, dáng gầy nhỏ, lúc nào cũng tất bật đủ chuyện. Tôi nhớ lại bài viết đọc được cách đây hai năm, “20 năm nữa, chúng ta còn gặp bố mẹ bao nhiêu lần?” Tôi nhớ lời thầy giáo chủ nhiệm cấp III từng nói, “Lúc mẹ thầy mất, cụ cũng đã có tuổi. Thầy cũng đã lớn, cũng đủ hiểu lẽ sinh tử trong đời. Nhưng nó vẫn khác lắm các em à. Dù mình bao nhiêu tuổi, trưởng thành đến thế nào, đến ngày ba mẹ mất đi, mình vẫn thấy như vừa đi lạc, thấy bơ vơ lắm.” Tôi thử hình dung cảm giác “đi lạc” ấy, và thấy nước mắt chảy hoài không thôi.
Đây có lẽ là những dòng “ít nước Mỹ” nhất. Tôi vẫn nghĩ mình nên viết về một điều gì đó khác: chuyện tôi ngủ trong xe hơi đậu đọc đường cao tốc khi lái xe xuyên bang (tôi tự hào chuyện đó lắm), chuyện đi bộ lạc trong rừng lúc 10 rưỡi tối, chuyện thức trắng đêm uống hai cốc café đen viết bài luận để sáng hôm sau nộp cho thầy xong là nằm vật ra ngủ ngay giữa thư viện, chuyện bị hai bạn Mỹ trắng hấm hứ nguýt ngáy chỉ vì một con bé châu Á nói tiếng Anh còn sặc accent Việt Nam lại chơi thắng trò Webster,… Nhưng lúc này đây, viết về nước Mỹ, tôi chỉ có thể nghĩ đến ba mẹ của mình – những người đã và có lẽ sẽ giành hết cuộc đời họ ở Việt Nam, để rồi từ nơi đó, ba mẹ đã đưa tôi đến nước Mỹ, để tôi biết ước mơ của mình là gì và mình có thể làm gì.
Lâm Vị Quân (Rio Lâm)
Chú thích:
*Nhan đề bài viết là tên một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Phong Việt
*Webster: trò chơi liên quan đến việc đoán nghĩa của từ tiếng Anh.

[HTNM] Bước khỏi vùng êm ái

Bước khỏi vùng êm ái

0
Vùng êm ái của tôi là vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp mà bao năm qua tôi chẳng muốn rời xa. Tôi cũng ngại sự thay đổi. Nhưng khát khao được trở thành nhà báo chuyên nghiệp lại cháy bỏng trong tôi.
Đêm 28-7-2011, máy bay Japan Airlines cất cánh khi 15 phút nữa ngày mới bắt đầu. Một thoáng rùng mình khi đó là lần đầu tiên tôi rời xa quê hương, bắt đầu hành trình 730 ngày du học với bao gian khó đang chờ phía trước.
Sau chuyến bay dài quá cảnh ở Tokyo và Chicago, tôi đặt chân đến thị trấn Easthampton, miền Tây bang Massachusetts khi trời còn hửng nắng dù đã 19 giờ. Theo lịch trình, tôi ở Easthampton một tháng trước khi chuyển lên Đại học Emerson ở Boston.
Gần 30 đêm trắng
Khi chiếc ô tô 7 chỗ của Viện Ngôn ngữ Massachusetts (ILI) đỗ trước ngôi nhà hai tầng nằm giáp ba mặt đường, một chị trung niên với gương mặt thanh tú nhưng ánh mắt buồn chạy ra đón tôi. Đó là Janice, người đầu tiên trả lời thư tìm chỗ trọ cho sinh viên Fulbright đến từ Việt Nam của ILI. Tôi là sinh viên đầu tiên ở nhà Janice.
Mắt mở không lên sau gần 20 giờ không ngủ trên máy bay, tôi định trò chuyện đôi ba câu với Janice trước khi lên phòng đánh một giấc. Vừa ngồi xuống đối diện chị ấy trong phòng khách rộng thênh thang dưới ánh đèn vàng ấm áp, tôi bỗng lạnh sống lưng.
-   Ed ở phía lưng sau em?
Tôi biết Ed (Edward), chồng của Janice, qua đời trước đó vài tháng do bệnh ung thư gan. Tôi biết sau lưng tôi không có ai ngoài chiếc ghế đẩu, ngọn đèn vàng rọi xuống phím đàn piano như thể có ai đang lướt tay trên đó. Tôi biết mình không thể làm ngơ trước lời giới thiệu của chị ấy.
Tôi xoay người lại và thấy phía trên hộp đàn khung hình người đàn ông trung niên đặt cạnh hủ tro cốt và cạnh bên là hai cây đèn cầy đã tắt. Hình ảnh và di vật của Ed tràn ngập không chỉ phòng khách, phòng làm việc của Janice, phòng ăn, nhà bếp – tất cả liên thông với nhau -  mà cả phòng vệ sinh, phòng tắm trên lầu và phòng ngủ của tôi.
Đêm đầu tiên ở Mỹ, tôi không tài nào chợp mắt dù đã quay khung hình của Ed vào tường.
Những đêm sau cũng thế. Mọi âm thanh lạ ban đêm đều khiến tôi nghĩ hồn ma Ed đang về. Tôi mua thêm mềm, tôi mang thêm vớ, tôi mở nhạc, tôi bật hết đèn trong phòng. Nhưng vẫn không ngủ được. Tôi sống trong sợ hãi, không dám chia sẻ với ai. Với Janice thì càng không. Tôi không muốn gợi lại nỗi đau của chị ấy.
 
Janice đang ướm thử khăn choàng tôi tặng nhân sinh nhật chị ấy tháng 11 năm ngoái.

Đêm thứ 27. Tôi quyết định đối mặt nỗi sợ của mình. Lúc đó gần 3 giờ sáng. Tôi cảm nhận rõ có ánh mắt hướng vào phòng mình. Tôi bước khẽ ra khỏi phòng vì sợ làm Janice thức giấc – phòng tôi và phòng chị ấy đối diện nhau, từ khi Ed mất, chị ấy uống thuốc an thần mỗi đêm. Tôi bước đến gần cầu thang vì tôi cảm nhận ánh mắt đang ở đó. Không sai có cặp mắt ngước lên nhìn tôi. Tôi suýt la toáng lên. Tôi cố gắng đưa cánh tay run lập cập về phía công tắc đèn.
“Ily, con làm dì giật cả mình?”
“Châu, con muốn đi tiểu.”
Ily, 4 tuổi, là cháu ngoại duy nhất của Janice. Tôi quên rằng đầu hôm Ily và Sally, con gái lớn của Janice, đến chơi và ngủ lại dưới tầng hầm.
Từ đêm đó, căn bệnh sợ ma từ nhỏ trong tôi tan biến. Tôi nhận ra chính tôi làm mình hoảng sợ chứ không ai khác. Tôi vượt qua được chính mình.
Một tháng sống ở nhà Janice tuy sợ hãi nhưng tôi đã học được rất nhiều về văn hóa Mỹ.
         
  Sự thúc ép lễ phép
Salem nổi tiếng là thị trấn ma ở bang Massachusetts và được ví như kinh đô của Lễ hội Người chết (Halloween) vào ngày 31-10 hằng năm. Một tuần trước Halloween, giáo sư Jerry dạy môn viết phóng sự yêu cầu chúng tôi viết bài xoay quanh lễ hội này. Bài viết tốt sẽ được ông gửi đăng trên boston.com, website của Boston Globe, nhật báo lớn nhất ở Boston và đứng thứ 26 tại Mỹ về lượng độc giả. Hạn nộp bài đúng ngày Halloween nhưng nếu muốn được đăng trên boston.com, ông yêu cầu nộp trước hai ngày.
Tuy ở Boston một năm nhưng tôi chưa từng tham gia lễ hội Halloween. Trong khi lớp chọn đề tài ở Boston, tôi đăng ký đi Salem. Giáo sư Jerry tán thành nhưng lưu ý Boston Globe đã khai thác rất nhiều về Halloween ở Salem.
Sau hai ngày đọc hơn 40 bài viết về Halloween trên boston.com, sáng thứ Sáu (26-10), tôi bắt xe lửa đến Salem. Điểm đến là đường Essex, trung tâm Halloween ở Salem. Đến nơi, đập vào mắt tôi là hình ảnh cô gái mặt bê bết máu, cổ và ngực bầm tím, rốn và ba sườn lò ra ngoài trông như vừa bị băng đảng thanh toán. Người biến cô thành thân tàn ma dại là anh chàng trông khá ngỗ nghĩnh: đầu trọc, râu bồm xồm, mũi mang khoen nhọn, tai khoét hai lỗ to cỡ ngón cái, mắt trái đeo kính sát tròng trắng giống như ma. Tên anh là Choquette, một trong hai chuyên gia hóa trang kinh dị của công ty Nightmare Factory. Khách kéo đến nhờ anh ta và đồng nghiệp Tobias hóa trang không ngơi tay. Vừa quan sát, tôi vừa Google xem có báo nào viết về cả hai và email hỏi ý kiến giáo sư. Trong khi chờ đợi, tôi tranh thủ tác nghiệp. Khoảng hai giờ sau, giáo sư Jerry đồng ý, và chúc tôi viết tốt để được đăng trên boston.com.
 
Choquette chăm chút thêm tác phẩm kinh dị nữa.
Về đến Boston gần nửa đêm, mệt rã rời nhưng tôi bắt tay viết không nghỉ đến gần 0 giờ Chủ nhật 28-10. Bài viết hoàn thành sớm hơn 2 ngày so với yêu cầu. Tôi nộp bài qua email với hy vọng nhận được phản hồi vào đầu tuần. Đến tối thứ Hai, không thấy hồi âm của giáo sư Jerry, tôi email hỏi và ông trả lời không nhận được email của tôi. Tá hóa, tôi gửi lại ngay. Tối thứ Ba, ông cho tôi điểm 9 và đề nghị tôi tự chỉnh lại bài viết để đưa lên báo mạng của trường. Ông tuyệt nhiên không đề cập gì đến Boston Globe.
Hụt hẫng, tôi liền hỏi có phải bài viết không đạt chuẩn đăng trên Boston Globe. Ông trả lời do thời gian quá cận nên không thể gửi bài đi, rằng ông không chắc boston.com có trang cho thị trấn Salem không, rằng ông không biết biên tập viên phụ trách các vấn đề về Salem.
Tôi sốc vô cùng.
Phải chi ông nói bài viết không đạt yêu cầu, tôi sẽ dễ chấp nhận hơn. Nước mắt tuôn rơi. Chưa biết phản ứng thế nào, tôi nhận liên tiếp 3 email của ông, nói rằng do bão Sandy nên Boston Globe không làm việc cuối tuần – một điều cực kỳ vô lý – và rằng ông rất tiếc không nhận được bài viết của tôi, và rằng sáng giờ ông quên bẵng việc biên tập bài của tôi. Nhắn tin chia sẻ với Erin, cô bạn thân người Mỹ học giỏi nhất lớp thì được biết học kỳ trước, cô ấy cũng từng được giáo sư Jerry khuyến khích viết bài đăng trên boston.com nhưng cuối cùng chẳng thấy bài nào. Tôi quyết tâm không bỏ cuộc.
Email cho giáo sư Jerry, tôi nói rằng việc được đăng bài trên boston.com là ước mơ của tôi nhưng không quan trọng bằng việc tôi mong chờ bài viết được ông biên tập vì tôi học rất nhiều từ cách biên tập của ông, rằng tôi luôn ngưỡng mộ sự nghiêm khắc của ông vì nhờ đó tôi tiến bộ rõ rệt. Và cuối cùng nếu ông hài lòng về bài viết, xin hãy gửi đến boston.com vì thời gian cận quá tôi không thể tự liên hệ với Boston Globe. Ông liền trả lời nếu tôi có thể gọt giũa bài viết và gửi lại trước 2 giờ sáng thì ông sẽ cố gắng thử nhưng không hứa trước điều gì.
Lúc đó đã gần nửa đêm. Dù rất mệt sau một đêm không dám ngủ vì bão Sandy, tôi căng mắt ra tự biên tập và gửi lại bài viết cho ông đúng 2 giờ sáng kèm theo bằng chứng tôi đã gửi bản thảo lần đầu qua Yahoo! Mail cuối tuần trước.
10 giờ sáng thức dậy, tôi mở email của ông: “Điểm lần hai: 9.7. Tôi đã gửi bài đến Boston Globe” kèm theo bản chuyển tiếp email ông gửi bài đến biên tập viên Boston Globe. Trưa ngày Halloween hôm đó, trên đường trở lại Salem, tôi nhận được email của giáo sư Jerry gửi cả lớp thông báo bài Halloween của tôi vừa được đăng trên boston.com.
Bài viết đầu tiên của tôi trên boston.com.
Không thể diễn tả hết niềm vui của tôi. Tôi rung tay email cảm ơn giáo sư Jerry và chúc mừng Halloween. Ít phút sau, ông phản hồi: “Chúc Halloween vui vẻ Châu. Cảm ơn em đã thúc ép tôi hôm qua. Tôi đoan chắc em là nhà báo không khoan nhượng (mặc dù rất lịch sự).”
Giờ đây, gần 2/3 hành trình đã qua. Khó khăn vẫn bủa vây lấy tôi nhưng tôi không còn e ngại, không còn sợ thất bại. Bước khỏi vùng êm ái, tôi tự tin và mạnh mẽ hơn rất nhiều./
Mai Ngọc Châu (TNSV Boston)

[HTNM] Thiếu quê hương


Thiếu quê hương

0
Nguồn: http://blog.chaobuoisang.net/
Nguồn: http://blog.chaobuoisang.net/
Tối nay ngồi một mình, sau một ngày rất dài, sau rất nhiều tiếng phải nói thứ ngôn ngữ mãi mãi không bao giờ là của mình, thấy “thiếu quê hương” vô cùng… Và hẳn  là, mình không phải người duy nhất đang thiếu quê hương…
Ngày xưa còn bé, đọc Nguyễn, học được cụm từ Thiếu Quê Hương của cụ, hí hửng lắm, cứ thích lôi ra dùng mãi, vì nghe nó rất “cao siêu,” mà có lẽ theo kiểu Tây nói thì là “cool.” Bây giờ lớn rồi, mới hiểu thế nào là “thiếu quê hương,” mới hiểu cảm giác mẹ miêu tả là, một đêm trăng sáng, nhìn ra ngoài trời, tự nhiên nghĩ muốn về quê, ngồi bên ruộng lúa nghe ếch nhái kêu dù rằng mình cũng không hẳn có quê mà về….
Thiếu quê hương là một buổi sáng thức dậy, mắt nhắm mắt mở bật nói bằng tiếng Việt với cô bạn cùng phòng người Mỹ để rồi ngơ ngác khi bạn hỏi, “Are you speaking in Vietnamese to me?”
Thiếu quê hương là một hôm lang thang đi du lịch, bỗng nghe có ai đó nói tiếng mẹ đẻ, tự nhiên thấy lòng ấm áp chi lạ, dù rằng họ chẳng nói chuyện với mình…
Thiếu quê hương là  những lúc chợt nhớ ra một bộ phim nào đó chiếu trên TV hồi còn bé tí, quay sang hỏi đứa bạn đi cùng chỉ để chợt nhớ ra là, “A, có nói hắn cũng không biết…”
Thiếu quê hương là khi ngồi nói chuyện với tụi bạn Mỹ và chúng nó ngạc nhiên hỏi, “You’ve never watched that TV show before?” “No, because I did not grow up here.”
Thiếu quê hương là những lần chỉ muốn gào lên một bài hát nhạc Trịnh với một ai đó, nhưng nhận ra rằng trong bán kính 100 m chỗ mình ngồi, không có một ai nói cùng ngôn ngữ  với mình…
Thiếu quê hương là những ngày mưa ôn đới ảo não mệt mỏi, khi mình lẻ loi trên con đường vù vù những ô tô cửa đóng kín mít, lại nhớ cơn mưa nhiệt đới  dữ dội, hết mình, nhớ chiếc áo mưa hai chị em trùm chung và lưng chị gày gò đạp xe…
Thiếu quê hương là một sáng mùa đông ảm đảm, đi bộ đến trường, nhìn những cành cây trơ trụi, và vài chiếc lá vàng quắt queo lăn lạo xạo trên đường nhựa xám xịt, tự nhiên ao ước màu xanh quanh năm của nhiều loài cây xứ nóng…
Thiếu quê hương là một hôm ốm, chỉ muốn trùm chăn xem ti vi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, nhưng cuối cùng cũng là tự mình lồm cồm bò dậy uống viên thuống đắng ngắt mẹ gói cho trước hôm bay…
Thiếu quê hương là những ngày Tết âm lịch ngồi thức thâu đêm làm đồ án, ao ước được ăn xôi chè mẹ nấu, được nũng nịu đòi tiền lì xì của anh chị vì dù sao cũng là bé nhất họ, lại cùng theo chị đi hái lộc, để cười ngặt nghẽo vì chị, với tinh thần bảo vệ môi trường, chỉ hái một chiếc lá, để ngày mùng hai theo mẹ đi đền Bà Chúa Kho bốc thẻ, hít hà mùi hương khói, và chăm chú nghe sư thầy giải quẻ thẻ dù chẳng hiểu được bao nhiêu…
Thiếu quê hương là những hôm đi giày bước ra khỏi nhà, bất chợt chỉ mong được nhìn thấy xe máy, xích lô, được hít mùi khói bụi, hay đơn giản là tạt vào một quán cóc bên đường rồi về đau bụng, mẹ nhăn mày thương xót mắng…
Thiếu quê hương là những sáng đi chạy, gặp toàn những cổ cồn xách ca táp, chợt mong nhìn thấy bóng các mẹ, cái chị tung tảy  bộ đồ, tay vung vảy cái làn, vừa đi vừa buôn dưa lê dưa chuột…
Thiếu quê hương là  những lần gọi điện về nhà, thấy mẹ kể Hà Nội hôm nay lụt, lại ao ước những ngày còn bé trốn mẹ đi lội nước, tắm mưa, lại bật cười vì thành phố yêu thương của mình bị gọi lái đi là Hà Lội…
Thiếu quê hương là lúc đi siêu thị, nhìn quả chuối được đựng trong cái khay xốp và quấn ba lớp ni lông, lại thấy như mình đang tung tăng đi chợ Ngọc Hà với bác, nhớ đủ thứ mùi lẫn lộn, nhớ màu sắc, nhớ tiếng nói cười ồn ào, có khi cả tiếng chửi nhau, nhìn bác nâng lên hạ xuống một nải chuối tiêu, vừa buồn cười vừa thương chi  lạ, và nghĩ muốn cô cashier kia hãy cầm lấy một tờ giấy đốt lên mà huơ huơ xua vía ai đó, mình cũng được….
Nguyễn Yến Phi