"Ở Stanford, tôi đi học và đi làm cùng những người xuất sắc nhất thế giới. Họ tập trung giải quyết những vấn đề có thể thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, thậm chí thay đổi lịch sử nhân loại, vì thế tôi thấy câu chuyện của mình thật… nhạt nhẽo. Việc tôi đi nhờ xe dọc châu Phi có nghĩa lý gì khi so với việc cậu bạn tôi nghiên cứu tìm cách ghép hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư với phương pháp trị liệu hiệu quả nhất? Sách của tôi là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam? Anh chàng học cùng lớp Toán với tôi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí lắp đặt và tiêu thụ năng lượng mặt trời và lọt vào danh sách “30 Under 30” của Forbes trên toàn thế giới. [...]
Mặc dù không có lý do để ra sách, tôi vẫn tiếp tục viết. Mỗi khi gặp ai đó thú vị, tôi viết về người đó. Mỗi khi nghe được điều gì mới mẻ, tôi ghi vội vào nhật ký. Những điều tôi làm có thể thật nhỏ bé nhưng câu chuyện của những người tôi gặp thì không nhỏ bé chút nào. Họ giúp tôi hiểu về giới hạn của bản thân, sự ích kỷ tưởng chừng vô hại, và trách nhiệm của mình với thế giới mình đang sống. Họ biến tôi từ con bé chán ghét một cuộc sống gò bó thành một đứa lên lịch đến từng giây, từng phút cho cuộc sống của mình. Họ biến tôi từ một người luôn chỉ nghĩ đến chuyện đi đây đi đó cho đỡ cuồng chân trở thành người không còn để ý gì đến việc mình sẽ ở đâu, trong bao lâu nữa, miễn là xung quanh tôi luôn có những người giỏi hơn tôi và có thể dạy tôi nhiều điều cả về học thuật và cuộc sống.
Nếu cho tôi quay ngược thời gian làm lại từ đầu, tôi sẽ vẫn cứ đi - ở tuổi mười tám - bởi mục tiêu hàng đầu của tôi là nhìn thế giới. Tuy nhiên tại thời điểm này, nếu bảo tôi làm một chuyến đi như thế, tôi sẽ không thực hiện. Đi thì rất vui nhưng việc đó chẳng mang lại giá trị gì cho ai ngoài tôi cả. Tôi muốn tạo ra sản phẩm gì đó có ích cho xã hội."
- Giấc mơ Mỹ-Đường đến Stanford | Huyền Chip -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét