Đinh Hải Đăng
Chào bạn,
Cũng đã khá lâu rồi tôi chưa viết thêm bài nào cho trang web. Lý do là vì tôi vừa mới nhận một công việc mới và cần khá nhiều thời gian để làm quen với nó, chính vì vậy nên thời gian để viết bài bị bóp hẹp và không được ưu tiên nhiều như trước. Hôm nay là một ngày hiếm hoi tôi có thời gian rảnh để viết bài cho trang web.
Đã từ rất lâu rồi tôi rất thích giúp đỡ cho các bạn trẻ trong độ tuổi 20 định hướng sự nghiệp của mình. Tôi vẫn nhớ như in lý do mình quyết tâm thi vào Sư Phạm, vì lúc ấy tôi nghĩ rằng nếu tôi là thầy giáo, chắc chắn học sinh của mình sẽ không khổ sở khi phải quyết định con đường mình đi.
Nguyên nhân là do từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã cảm thấy công tác định hướng sự nghiệp của nền giáo dục quá kém và thiếu sót. Hầu như có thể nói là định hướng trường học thì đúng hơn là định hướng sự nghiệp. Chúng ta quá chăm chăm vào việc thi trường gì, chứ chúng ta ít khi nào tự hỏi: “Mình là ai? Mình mạnh gì? Mình yếu gì? Mình có năng lực gì? Mình có ước mơ gì?” để từ đó định hướng cho mình một con đường đi rõ ràng.
Trong quá trình làm Career Coaching (Định Hướng Sự Nghiệp) với khách hàng của tôi, có một yếu tố rất quan trọng để giúp cho việc định hướng con đường tương lai của mình rõ ràng hơn rất nhiều. Yếu tố đó chính là Giá Trị Cá Nhân. Và đó chính là điều chúng ta sẽ bàn luận trong bài viết này.
Giá Trị Cá Nhân Là Gì?
Trước khi bắt đầu nói đến định nghĩa, tôi muốn hỏi các bạn một vài câu hỏi sau:
- Trong các hãng xe máy (hoặc xe hơi), bạn chọn hãng xe nào và tại sao?
- Đâu là yếu tố quan trọng nhất ở người bạn đời của mình?
- Hai người bạn thân nhất của bạn có đặc điểm gì?
- Giữa công việc lương cao nhưng bạn không yêu thích và công việc bạn yêu thích nhưng lương không cao, bạn sẽ chọn công việc nào?
- Nếu bây giờ bạn có 100 triệu trong tay thì bạn sẽ làm gì?
Và tôi dám chắc chắn với bạn một điều rằng câu trả lời của bạn sẽ khác 80% so với câu trả lời của tôi, hay của bất kỳ ai khác nếu bạn đưa cho họ danh sách câu hỏi này.
Đến đây bạn có thể lờ mờ đoán ra Giá Trị Cá Nhân là gì không?
Đúng vậy! Giá Trị Cá Nhân chính là những điều mà mỗi người chúng ta cho rằng là quan trọng, là ưu tiên cao nhất của chúng ta trong cuộc sống. Giá Trị Cá Nhân chính là nền tảng, là kim chỉ nam cho chúng ta, và nó dẫn dắt mọi hành động và lựa chọn của chúng ta trong cuộc sống này.
Tôi sẽ lấy một vài ví dụ:
- Nếu một người có giá trị là Sức Khỏe, nghĩa là đối với họ, mỗi lựa chọn đưa ra đều được cân nhắc dựa trên giá trị này. Nếu như họ được mời làm công việc mới lương rất cao nhưng lại không có thời gian để họ chăm sóc sức khỏe, nhiều khả năng họ sẽ lựa chọn không nhận công việc ấy.
- Tuy nhiên, cũng cùng trường hợp ấy nhưng một người có giá trị là Sự Công Nhận Xã Hội hoặc Sự Nghiệp thì rất nhiều khả năng họ sẽ lựa chọn nhận công việc ấy, dù cho nó sẽ có hệ quả với sức khỏe của họ.
- Hoặc giả sử như một người có giá trị Trung Thực, họ sẽ cảm thấy những công việc đòi hỏi phải “đi cửa sau” hay “phong bì” sẽ không phải là những công việc dành cho họ.
- Hoặc lấy trường hợp của tôi chẳng hạn. Một trong những giá trị quan trọng nhất của tôi là Phát Triển Bản Thân. Chính vì vậy nếu một công việc không còn khiến cho tôi cảm thấy mình có cơ hội được phát triển nữa, tôi sẽ cần phải xem xét việc không tiếp tục theo đuổi công việc này nữa. Đó là lý do vì sao tôi nghỉ việc và chuyển sang một công việc mới thử thách hơn và giúp cho tôi học hỏi được nhiều thứ hơn.
Điều Gì Tạo Nên Giá Trị Cá Nhân?
Giá Trị Cá Nhân được hình thành từ khi chúng ta còn bé cho đến khi trưởng thành, thông qua các nguồn khác nhau:
- Môi trường chúng ta được nuôi nấng
- Cha mẹ
- Ông bà
- Bạn bè
- Thầy cô
- Truyền thông xã hội
- Thời đại mà chúng ta sinh sống
- Những quyển sách chúng ta đọc
- Những người mà chúng ta ngưỡng mộ
Theo như nhà xã hội học Morris Massey, Giá Trị Cá Nhân được hình thành ở ba giai đoạn sau:
- Giai đoạn In Dấu (imprint period) xảy ra từ lúc ta sinh ra đến lúc ta 7 tuổi. Ở giai đoạn này chúng ta như bọt biển vậy. Chúng ta sẽ hấp thụ hết tất cả mọi thông tin diễn ra xung quanh mình và chấp nhận hầu hết chúng như sự thật, đặc biệt là từ cha mẹ của chúng ta.
- Giai đoạn Bắt Chước (modeling period) được hình thành từ năm 8 tuổi đến 13 tuổi. Ở giai đoạn này, chúng ta sẽ bắt chước mọi người, thường là cha mẹ chúng ta, và những người khác nữa. Thay vì chấp nhận mọi thứ một cách mù quáng, ở giai đoạn này chúng ta thử nghiệm mọi thứ và xác định cảm nhận của chúng ta về những điều này như thế nào. Bạn có nhớ rằng trong giai đoạn này, thường chúng ta bị ấn tượng và nghe lời thầy cô hơn cha mẹ không? Là bởi vì bạn thấy rằng thầy cô có nhiều kiến thức và bạn cảm thấy bị ấn tượng bởi điều ấy.
- Giai đoạn Xã Hội Hóa (socialization period) từ 14 tuổi đến 21 tuổi. Ở giai đoạn này chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn bởi bạn bè. Trong quá trình phát triển, chúng ta sẽ tìm kiếm những cách để giúp chúng ta thoát khỏi những niềm tin, giá trị mà chúng ta được lập trình từ nhỏ. Vì vậy, một cách tự nhiên chúng ta sẽ tìm đến những người có vẻ giống chúng ta. Các ảnh hưởng khác trong giai đoạn này còn bao gồm truyền thông, sách vở, công nghệ, thần tượng, thời đại chúng ta sống…
Bây giờ khi bạn đã hiểu tổng quan về Giá Trị Cá Nhân là gì, bạn cần phải biết lý do tại sao nó lại rất quan trọng trong quá trình định hướng sự nghiệp của mình.
Tại Sao Giá Trị Cá Nhân Lại Quan Trọng Để Định Hướng Sự Nghiệp?
Lý do là vì khác với các mục tiêu có thời hạn rõ ràng, Giá Trị Cá Nhân là những thứ sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời bạn.
- Một người có giá trị về Sức Khỏe sẽ khó có thể nói rằng: “Năm nay tôi sẽ tập thể thao đến tháng 6 thôi, sau đó tôi sẽ ngừng lại và xả láng nửa năm.”
- Hay một người có giá trị về Cống Hiến Xã Hội cũng khó mà nói rằng: “Năm nay mình chỉ đi làm từ thiện 1 lần rồi thôi.”
Giá Trị Cá Nhân không có điểm dừng, và nó sẽ kéo dài suốt đời bạn.
Và như Steve Jobs từng nói: “Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn và cách duy nhất để thành công thật sự là làm những gì mà bạn tin là những việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm những việc tuyệt vời là bạn phải yêu việc mình làm.”
Nhưng nếu như bạn phải làm một công việc mà không thích hợp với Giá Trị Cá Nhân của bạn, làm sao bạn có thể yêu công việc đó được? Hãy thử tưởng tượng xem:
- Một người có giá trị Sức Khỏe lại làm công việc liên quan đến ngành công nghiệp độc hại như thuốc lá, rượu bia… liệu họ có hạnh phúc và trọn vẹn không?
- Một người có giá trị Gia Đình lại làm các công việc lấy đi phần lớn thời gian của họ cho gia đình, liệu họ có cảm thấy mãn nguyện từ bên trong của mình?
- Một người có giá trị là Có Ích lại làm trong một môi trường nơi đồng nghiệp đấu đá, đâm chọc sau lưng nhau, liệu họ có thấy mình thanh thản hay không?
- Một người có giá trị là Phát Triển nhưng xung quanh là những người chấp nhận sự ổn định, liệu họ có cảm thấy thuộc về nơi ấy?
- Một người có giá trị là Đam Mê nhưng lại làm một công việc mà họ không yêu thích, liệu họ có làm công việc ấy với nguồn năng lượng dồi dào?
- Một người có giá trị Tự Do hoặc Sáng Tạo nhưng lại làm các công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, chi li, chi tiết và lập đi lập lại hết ngày này sang ngày khác, liệu họ có cảm thấy tiềm năng ở bản thân mình?
- · …
Nếu Giá Trị Cá Nhân kéo dài cả đời, điều đó đồng nghĩa rằng nếu bạn không làm công việc phù hợp giá trị của mình, bạn sẽ không cảm thấy trọn vẹn và hạnh phúc.
Đối với mọi khách hàng của mình, tôi luôn luôn đặt cho họ một câu hỏi coaching như sau: “Liệu công việc này có cho phép bạn được sống thật với giá trị của mình hay là không?”
Và tôi cũng muốn bạn hãy bắt đầu tự hỏi chính mình: Liệu ngành nghề mình đang theo đuổi có đúng với giá trị mà bạn mong muốn hay không? Liệu công việc bạn đang làm có cho phép bạn sống thật với giá trị của mình hay không? Bạn có được thể hiện Giá Trị Cá Nhân của mình trong công việc hay không?
Tới đây tôi sẽ tạm ngừng bài viết này để bạn có thời gian suy ngẫm về những điều tôi vừa chia sẻ. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách xác định Giá Trị Cá Nhân của mình. Còn nếu như bạn là tuýp người phải thông qua giao tiếp, thảo luận và chia sẻ thì mới xác định rõ được thì bạn có thể tham khảo dịch vụ Career Coaching (Định Hướng Sự Nghiệp) của tôi.
Cầu chúc những điều tốt lành nhất cho bạn!
Đinh Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét