My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Hoàng Lê Giang - chàng trai muốn chinh phục Bắc cực

Source: http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20161208/hoang-le-giang-chang-trai-muon-chinh-phuc-bac-cuc/1232671.html  
TTO - Tóc dài cột thành búi, cách nói chuyện lẫn ngoại hình đậm chất “trải đời” và bụi bặm, đó là hình ảnh của Hoàng Lê Giang (28 tuổi) - chàng phượt thủ đang tham gia giành suất chinh phục lộ trình 300km ở Bắc cực.
Hoàng Lê Giang - chàng trai muốn chinh phục Bắc cực
Giang trên đường đi đến hồ Gokyo vào tháng 10-2015 - Ảnh: NVCC
Hoàng Lê Giang đang là cái tên được cộng đồng mạng chú ý hiện nay khi rất nhiều Facebookers và bạn trẻ nhắc đến anh và kêu gọi mọi người bình chọn giúp Giang giành vé chinh phục lộ trình 300km ở Bắc cực vào tháng 4-2017 (có thể tham gia bình chọn cho Giang TẠI ĐÂY).
Hoàng Lê Giang từng học ngành marketing tại ĐH Jokoping (Thụy Điển). Điều khá thú vị là chàng trai có thân hình rắn rỏi này từng có tuổi thơ bị hen suyễn, béo phì… nhưng gắn bó với môn leo núi từ năm 2011. Anh từng bảy lần leo núi tại dãy Himalaya và đặt chân đến 30 quốc gia. 
Chàng phượt thủ thích bài hát It’s my life của Bon Jovi, một ca khúc với ca từ thể hiện cái tôi mãnh liệt. Giang kể: 
"Tôi từng rất nổi loạn. Khi học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, tôi từng giơ tay trả lời “không” lúc cô giáo dạy văn hỏi có thấy tác phẩm văn học nào hay hay không như một cách bày tỏ cảm xúc thật của người học... Sau này nhờ những chuyến leo núi mà tôi đã bớt nổi loạn, suy nghĩ mọi thứ thấu đáo hơn. Thời gian leo núi thường rất lâu, đủ để mình tự soi xét lại".
Trèo lên núi, thấy mình bé nhỏ
Tháng 4-2015, khi đang leo núi tại Chhomrong, tôi gặp trận động đất lớn. Mọi thứ lúc đó diễn ra quá nhanh, nói thật lòng thì tôi không sợ nguy hiểm cho bản thân nhưng bất chợt nghĩ nhiều đến gia đình, nghĩ đến việc mọi thứ sẽ ra sao nếu chúng ta chỉ vì thỏa mãn đam mê bản thân mà để nỗi đau lớn cho người ở lại?
Nên sau này tôi quan điểm đi du lịch mạo hiểm chứ không phải nguy hiểm, phải chuẩn bị tốt nhất trong mức có thể. Những đoàn phượt sau này đi chung, tôi kiểm tra, cương quyết bắt các bạn đồng hành phải luyện tập rất nhiều.
Có nhiều bạn chưa đi Nepal nhưng lại đưa ra những lịch trình rất tham vọng, tôi phải khuyên và buộc họ điều chỉnh lộ trình cho phù hợp.
Và tôi cũng nhận ra rất rõ rằng không phải cái gì cũng dùng tiền mua được, số đông chưa chắc đúng và hầu hết người ta sẽ cố gắng làm bạn nhụt chí trước cái họ không làm được.
Chẳng hạn như khi còn trẻ ai cũng muốn giàu, nhưng những cái quan trọng và đẹp nhất trong cuộc đời thì lại thường không liên quan quá nhiều đến tài chính. Ví như cảm giác đi dọc bờ biển đẹp, chinh phục được một đỉnh núi cao, được một người đến chia sẻ lúc mình cần hay đơn giản là có được một giấc ngủ ngon…
Hoàng Lê Giang - chàng trai muốn chinh phục Bắc cực
Giang Hoàng trên cung đường đi giữa Kashmir và Ladakh - Bắc Ấn tháng 2-2016 - Ảnh: NVCC
* Giang có nghĩ là bạn trẻ nào cũng có thể xách balô lên và “phượt”? Những điều căn bản cần cân nhắc, chuẩn bị trước khi đi phượt?
Dù có thâm niên nhưng tôi nghĩ đi phượt cần hai người trở lên vẫn tốt hơn, an toàn hơn và chia sẻ  được kinh phí. 
Những người trẻ chưa có nhiều ràng buộc (ví dụ hôn nhân gia đình) nên càng đi càng nhiều càng tốt để mở mang thế giới quan, thu nhập ít thì đi gần, thu nhập cao thì đi xa.
Tuy nhiên, ai cũng phải nhớ một điều quan trọng là phải luyện tập thường xuyên để có sức khỏe tốt, phải luôn đảm bảo là nghiên cứu kỹ càng lộ trình, bạn đồng hành, cung đường…
Bạn phải biết một số câu giao tiếp căn bản nếu đi du lịch ở một đất nước xa lạ nào đó, cần thiết nhắn lại cho bạn bè, người thân thời điểm đi và về dự kiến để phòng khi có chuyện gì xảy ra…
Dĩ nhiên tôi nghĩ người trẻ cũng như mình, từng thích cảm giác được mất tích một vài ngày, nhưng một lần nữa tôi muốn nhắc về câu chuyện đừng để thỏa mãn cái tôi mà để nỗi đau người ở lại.
Hoàng Lê Giang - chàng trai muốn chinh phục Bắc cực
Giang Hoàng đi trek trên sông băng tại dọc đường ở Bắc Ấn tháng 2-2016 - Ảnh: NVCC
* Nếu chiến thắng trong việc giành được suất phiêu lưu Bắc cực thì điều này có ý nghĩa như thế nào với Giang?
- Tôi cũng muốn truyền thông điệp đến nhiều bạn trẻ khác: khi muốn làm gì đó quá khó mà có đam mê, có kế hoạch thì sẽ thành công dù bản thân không phải là người quá ghê gớm. Cá nhân tôi cũng là một người chẳng có gì đặc biệt, chỉ như bao người.
Nếu không may mắn trong dịp này tôi tin sẽ vẫn có những chuyến đi khác chờ đợi mình phía trước.
* Giang khá trăn trở về câu chuyện sống và tồn tại. Giang có thấy nhiều bạn trẻ quanh mình đang chỉ tồn tại chứ không phải sống?
- Có nhiều người bạn của tôi từng khẳng định họ rất thích leo núi nhưng lại nói từ từ, nhưng khi hỏi chính xác thì họ... không có kế hoạch.
Ai cũng có đam mê, cũng muốn có sức khỏe, muốn chơi thể thao, đàn giỏi… nhưng có phải ai cũng có nỗ lực, chịu “trầy da tróc vẩy” để có được những điều mình cần?
Với tôi, sống là sống cho bây giờ, báo hiếu là báo hiếu cho bây giờ, muốn nói lời thương yêu cũng nên nói bây giờ… mọi thứ đều không nên trì hoãn. Vì chẳng ai biết ngày mai mình ra sao, cuộc sống vốn vô thường mà.
Hoàng Lê Giang - chàng trai muốn chinh phục Bắc cực
Giang Hoàng trên đường đi đến hồ Gosaikunda thuộc vùng Langtang ở Nepal - Ảnh: NVCC
* Thành công gặt hái khá nhiều, Giang có ngại chia sẻ về thất bại và những bài học từ thất bại?
- Có những chuyện xảy ra chưa chắc là hên hay xui, cũng khó thể gọi là thất bại… vì nó lại dẫn mình đến những con đường, lựa chọn mới bất ngờ nhưng thú vị.
Chẳng hạn tôi từng không đạt học bổng đi Singapore nhưng sau đó lại có cơ hội đi du học với sự tài trợ của Chính phủ Thụy Điển.
Hay như trước đây tôi từng mở một quán sinh tố ở quận 1 song song với đi làm văn phòng. Bản thân chưa có kinh nghiệm mà lại “ngựa non háu đá” nên kinh doanh không tốt. Có lúc tôi phải ôm thùng sinh tố đi bán nước dạo bù lỗ và cuối cùng phải đóng cửa tiệm sau một năm.
Thất bại sớm đó giúp tôi tránh những cái tổn thất lớn hơn sau này, bớt quá tự tin vào bản thân mà đặt mình vào trạng thái luôn cầu thị, học hỏi.f

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét