My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Định Hướng Sự Nghiệp Với Giá Trị Cá Nhân (Phần 2)



Chào các bạn, Ở bài viết trước của tôi, tôi đã chia sẻ với các bạn về việc định hướng sự nghiệp với giá trị cá nhân quan trọng như thế nào. Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ với bạn cách thức để xác định giá trị cá nhân của mình. Đây là quy trình mà tôi đúc kết lại được từ quá trình tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau, cũng như đã qua thực nghiệm với các khách hàng làm career coaching với tôi.

Quy Trình Bốn Bước Để Xác Định Giá Trị Cá Nhân

Đây là bốn bước khái quát trong quy trình này, sau đó tôi sẽ dẫn bạn đi qua cụ thể hơn từng bước một:
  • Bước 1: Liệt kê giá trị cá nhân của mình
  • Bước 2: Sắp xếp thứ tự ưu tiên các giá trị của bạn
  • Bước 3: Mô tả giá trị của bạn
  • Bước 4: Liên tục xem lại, đánh giá và cập nhật giá trị của mình
Trước khi bắt đầu, tôi khuyến nghị bạn nên để sẵn giấy, bút trên bàn và dành cho mình một khoảng thời gian từ 30-60 phút vì quá trình này sẽ không đơn giản mà nó đòi hỏi bạn phải là người trực tiếp bắt tay vào làm. Bên cạnh đó nó cũng đòi hỏi bạn phải chiêm nghiệm khá sâu về bản thân mình để biết đâu là giá trị cá nhân của mình. Còn bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào chi tiết hơn trong từng bước. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nếu đã sẵn sàng thì chúng ta cùng bắt đầu.

Bước 1: Liệt kê giá trị cá nhân của mình

Sau đây là 3 bài tập để giúp bạn xác định giá trị cá nhân của mình. Bạn hãy lần lượt thực hiện cả ba bài tập ấy để có được một bức tranh tổng quát về giá trị cá nhân của bản thân mình.
Bài tập 1: Bạn sẵn sàng đánh đổi điều gì?
Trước khi làm các bài tập này, bạn cần cho phép mình ở trong một không gian yên tĩnh, một mình và đảm bảo rằng không có bất kỳ điều gì làm xao nhãng đến bạn trong quá trình thực hiện bài tập. Nên nhớ bài tập này chỉ hiệu quả khi bạn thực hiện nó mà không phán xét gì cả. Hãy cứ trải nghiệm bài tập này. Trải qua nó trước một cách đầy đủ, sau đó bạn hãy nghiệm lại sau cũng chưa muộn. Bây giờ, tôi muốn bạn hãy tưởng tượng ra một thanh sắt có chiều dài khoảng 40m.
Bây giờ bạn hãy tưởng tượng thanh sắt này đang nằm trên sàn nhà. Và hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở một đầu của thanh sắt này, còn tôi đang đứng ở đầu còn lại của thanh sắt. Trên tay tôi là một tờ 100 đô la (tương đương khoảng 2,2 triệu đồng) dành cho bạn. Tất cả những gì bạn cần làm đó là bước trên thanh sắt này và đến chỗ tôi đang đứng. Bạn sẽ làm chứ? Gần như chắc chắn là bạn sẽ làm mà không phải suy nghĩ nhiều.
Tiếp theo, tôi và bạn đang đứng trên một thanh sắt ở độ cao khoảng 2 mét. Trên tay tôi là 1.000 đô la. Bạn chỉ cần bước qua thanh sắt này là bạn sẽ có được số tiền trên. Bạn sẽ làm chứ? (Tôi đang loại bỏ trường hợp bạn có hội chứng sợ độ cao). Tôi nghĩ là bạn sẽ bước qua. Bây giờ chúng ta hãy thay đổi khung cảnh một chút. Bạn hãy tưởng tượng lúc này có hai tòa tháp cao một trăm tầng ở kế bên nhau. Bây giờ chúng ta sẽ lấy trực thăng đưa thanh sắt này lên và thả vào giữa hai tòa tháp này, khoảng cách 2 tòa tháp là 20 mét. Tôi đang đứng ở đầu bên kia với 10.000.000 đô la. Liệu bạn có bước qua thanh sắt để lấy 10.000.000 đô la này không? Gần như là không.
Chúng ta lại tiếp tục thay đổi bối cảnh một chút. Trời bắt đầu mưa lất phất và có gió thổi. Hiện tại tôi đang giữ 1 va li tiền 50.000.000 đô la. Lại một lần nữa tôi hỏi bạn: “Bạn có bước qua thanh sắt này hay không?” Có thể có, có thể không phải không? Bây giờ, giả sử như ở đầu bên kia của thanh sắt là một người thân mà bạn yêu thương nhất trên đời này, và nếu bạn không nhanh chóng bước qua thanh sắt để cứu người này, tôi sẽ đẩy họ ngã khỏi tòa tháp. Liệu bạn có bước qua thanh sắt để cứu họ không? Nếu như bạn giống với đa số mọi người, chắc chắn rằng bạn sẽ không do dự trả lời câu hỏi này. Dĩ nhiên là bạn sẽ băng qua thanh sắt rồi.
Điều thú vị ở chỗ trong cuộc sống này, ngoài người thân ra thì cũng có những giá trị, những ưu tiên khác mà bạn sẵn sàng tranh đấu tới cùng để bảo vệ cho nó (Ví dụ: bảo tồn động vật, hòa bình dân tộc, sự công bằng, lẽ phải, kiến thức nhân loại… chẳng hạn). Và đây chính là điều mà bạn phải tự hỏi chính mình:
  • Có điều gì trong cuộc sống này cũng đáng giá như vậy? Cũng có giá trị quan trọng như vậy khiến bạn sẵn sàng bước qua thanh sắt?
  • Điều gì bạn yêu quý nhất và sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình cho nó?
Đó có thể là những người bạn/người thân hoặc những người thật sự có giá trị trong cuộc đời bạn. Hoặc cũng có thể đó là những thứ hay tính chất như: thành công, hạnh phúc, sự bình an, công bằng, trí tuệ, tình yêu, dũng cảm, thông minh, năng lực… mà có thể đáng để bạn bước qua thanh sắt? Hãy dành một khoảng thời gian để viết xuống những điều mà bạn nghĩ là quan trọng với bạn.
Bài tập 2: Họ sẽ nói những gì?
Bây giờ, bạn hãy từ từ nhắm mắt lại, cho phép mình tưởng tượng ra những hình ảnh trong đầu mình, cho phép mình cảm nhận không khí xung quanh mình, cho phép mình được thư giãn. Bây giờ bạn nhìn thấy bản thân mình đang đến dự lễ tang của một người thân. Hãy hình dung mình đang lái xe đến nơi cử hành tang lễ, đậu xe và bước ra ngoài. Trong lúc bạn bước vào bên trong tòa nhà, bạn để ý thấy những bông hoa trắng và tiếng đàn êm dịu. Bạn nhìn thấy gương mặt của bạn bè và những người trong gia đình bạn. Bạn cảm thấy một không khí nuối tiếc ảm đạm khắp căn phòng khi một người đặc biệt với mình mất đi. Bạn cũng đồng cảm với niềm vui của mọi người khi đã từng được biết và làm bạn với người này.
Khi bạn bước đến giữa phòng và nhìn vào trong quan tài, bạn bất ngờ đối diện với chính bản thân mình. Người nằm ở trong đó chính là bạn, và đây là tang lễ dành cho bạn. Tất cả mọi người hôm nay đến đây là để tưởng nhớ bạn. Họ ở đây để thể hiện tình cảm và sự trân trọng dành cho cuộc đời bạn đã sống. Trong lúc bạn ngồi và chờ đợi buổi lễ bắt đầu, bạn nhìn vào khung chương trình trong tay mình. Có tất cả bốn người sẽ phát biểu.
  • Người thứ nhất là một người từ gia đình của bạn – có thể là cha, là mẹ, là anh chị em, cô, chú, một đứa cháu hay ông bà.
  • Người thứ hai là một trong những người bạn thân của bạn.
  • Người thứ ba là người làm chung công ty/tổ chức với bạn, hoặc là một người thầy/cô trong trường của bạn.
  • Và người cuối cùng là một người đến từ nhà thờ, hoặc một tổ chức cộng đồng mà bạn đã tham gia.
Bây giờ bạn hãy suy nghĩ thật kỹ.
  • Bạn muốn những người này sẽ nói gì về bạn và cuộc đời bạn? (4 người riêng biệt)
  • Bạn muốn họ nói rằng bạn là người con như thế nào?
  • Bạn muốn họ nói bạn là một người bạn như thế nào?
  • Khi họ cần bạn, bạn có mặt ở đó hay không?
  • Bạn có quan tâm, tin tưởng và thật sự tôn trọng họ hay không?
  • Người bạn thân của bạn sẽ nói gì về bạn tại lễ tang của chính bạn?
  • Bạn muốn họ nói những đóng góp của bạn cho cuộc đời người khác như thế nào?
  • Những thành tựu nào bạn đã đạt được mà bạn muốn họ ghi nhớ?
Hãy ghi lại câu trả lời của bạn, bạn muốn họ nói về bạn là một con người như thế nào sau khi bạn ra đi?
Bài tập 3: Rokeach Values Survey
Phần dịch thuật các giá trị của bài tập này thuộc quyền sở hữu của www.unity.com.vn
Bạn vui lòng tải về bài tập Rokeach Values Survey trong link này: Bài Tập Rokeach Values Survey.
Sau khi làm xong ba bài tập này, bạn sẽ có ba danh sách các giá trị khác nhau. Bây giờ bạn hãy nhìn vào ba danh sách này và xem có những giá trị nào lặp đi lặp lại trong cả ba danh sách, đó có thể là những ưu tiên quan trọng nhất của bạn. Hãy khoanh tròn những giá trị trùng lặp đó lại. Bên cạnh đó, bạn hãy xem thử có những giá trị nào nữa mà quan trọng với bạn hay không. Mục tiêu của bước này là lọc làm sao cho bạn chỉ còn khoảng 5-8 giá trị ưu tiên nhất mà thôi.

Bước 2: Sắp xếp thứ tự ưu tiên các giá trị của bạn

Bây giờ bạn hãy lấy danh sách các giá trị và sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng với bạn. Giá trị quan trọng nhất sẽ nằm ở trên cùng. Giá trị quan trọng kế tiếp sẽ nối tiếp theo, và cứ tiếp tục như thế.
Hãy so sánh từng giá trị với nhau, và bạn phải làm quá trình này càng nhanh càng tốt. Không nên để cho bản thân có thời gian suy nghĩ quá lâu, bởi vì câu trả lời phải đến từ trực giác của bạn. Nếu để quá lâu, bạn sẽ bắt đầu phân tích từng giá trị và cuối cùng bạn sẽ có một bản danh sách những giá trị mà bạn nghĩ là bạn “nên” có, thay vì là cái bạn “thật sự” ưu tiên.
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao bước này lại quan trọng. Câu trả lời đó là: Nếu bạn thật sự rõ về thứ tự các giá trị của mình, bạn sẽ rất dễ dàng trong việc ra quyết định.
Lấy ví dụ, hãy tưởng tượng rằng giá trị cao nhất mà bạn có đó chính là tìm kiếm sự thú vị và bạn là người thích cảm giác mạnh. Bạn cũng có giá trị là an toàn và bền vững, nhưng bạn cũng đã xác định giá trị này không quan trọng bằng giá trị đầu tiên. Nếu bạn đang học để trở thành một kế toán, một nghề mà bạn phải dành rất nhiều thời gian của mình ngồi ở bàn làm việc tính toán số liệu, thì nhiều khả năng là bạn sẽ không cảm thấy thỏa mãn trong con đường sự nghiệp của mình.
Một ví dụ khác cho việc biết thứ tự giá trị của mình ứng dụng cả vào những quyết định nhỏ như sau. Hãy tưởng tượng rằng một trong những giá trị của bạn là sức khỏe tốt và cơ thể khỏe mạnh. Một giá trị khác của bạn đó là tương tác xã hội và thời gian vui vẻ cùng bạn bè. Một trong những người bạn của bạn gọi cho bạn và bảo rằng thứ sáu này anh/cô ta sẽ chiêu đãi một buổi tiệc lớn. Bạn biết chắc chắn rằng buổi tiệc này sẽ có nhiều thức uống có cồn. Việc bạn đi hay không sẽ là một lựa chọn rất đơn giản dựa trên việc bạn đánh giá giá trị nào cao hơn. Nếu giá trị tương tác xã hội cao hơn sức khỏe tốt, thì rõ ràng bạn sẽ lựa chọn đi dự tiệc. Ngược lại, nếu giá trị sức khỏe cao hơn, bạn sẽ không có mặt tại bữa tiệc.
Hãy tưởng tượng bạn được nhận một công việc trả lương rất cao và nó yêu cầu bạn phải sống ở một đất nước khác mà bạn không biết tiếng và cũng không biết ai ở đó cả. Việc bạn nhận công việc này hay không sẽ hoàn toàn dựa trên giá trị mà bạn sắp xếp. Nếu bạn lựa chọn giá trị phiêu lưu và liều lĩnh cùng với việc nâng cao thu nhập của mình hơn các giá trị khác, thì có lẽ bạn sẽ cân nhắc về đề nghị này. Nếu bạn lựa chọn giá trị an toàn, ổn định và cuộc sống gia đình thì bạn sẽ bỏ qua lời đề nghị này.
Bạn ưu tiên giá trị nào là quyền của bạn. Đây phải là lựa chọn của bạn. Thứ tự giá trị cá nhân của bạn có thể thay đổi theo từng giai đoạn cuộc sống bạn. Ví dụ, khi còn ngồi ghế nhà trường và chưa kết hôn, giá trị gia đình có thể không được xếp hạng cao bằng thành tích học tập của bạn. Nhưng về sau này, có thể bạn đã có gia đình và đang phát triển sự nghiệp, những giá trị này lại sẽ trở thành quan trọng với bạn. Có thể các giá trị này đã nằm trong danh sách của bạn, nhưng có điều chúng không được ưu tiên cao thôi.

Bước 3: Mô tả giá trị của bạn

Tại bước 3, bạn sẽ xác định xem từng giá trị cá nhân này có ý nghĩa gì với mình. Bạn sẽ mô tả ý nghĩa của việc sống với những giá trị này như thế nào. Một gợi ý dành cho bạn đó là hãy viết những đoạn văn mô tả giá trị dưới dạng câu khẳng định. Một lời khẳng định bao gồm 3 yếu tố:
  • Nó phải được viết dưới dạng khẳng định.
Giả sử bạn có giá trị là giữ gìn sức khỏe, thì câu khẳng định của bạn có thể là: “Tôi ăn những thức ăn dinh dưỡng cho cơ thể mình, tôi luyện tập thể thao thường xuyên, và tôi sẽ cho cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ để làm mới và nạp năng lượng cho bản thân.” Bạn không nên viết như sau: “Tôi không ăn thức ăn có hại. Tôi sẽ không trải qua một ngày mà không tập thể thao và tôi sẽ không để căng thẳng lấn át mình.” Có thể bạn nghĩ rằng đây là một câu khẳng định hữu ích. Nhưng thực chất là tiềm thức của bạn không hiểu những từ như “không,” “không bao giờ,” “sẽ không,”…
  • Sử dụng đại từ ngôi thứ nhất.
Hãy để ý ví dụ ở trên “Tôi ăn những thức ăn dinh dưỡng cho cơ thể mình, tôi luyện tập thể thao thường xuyên, và tôi sẽ cho cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ để làm mới và nạp năng lượng cho bản thân.” Chúng ta sẽ không nói: “Những người khỏe mạnh là những người ăn thức ăn dinh dưỡng và tập thể thao đều đặn.” Khi chúng ta tự đưa mình vào trong lời khẳng định, chúng ta sẽ định hướng hành vi của mình trùng với các giá trị. Nếu lời khẳng định của chúng ta phản ánh hành vi của người khác, tâm trí của ta sẽ khó bị thuyết phục hơn.
  • Được viết dưới thì hiện tại, như thể nó đang diễn ra.
Chúng ta hãy đọc lại ví dụ một lần nữa: “Tôi ăn những thức ăn dinh dưỡng cho cơ thể mình, tôi luyện tập thể thao thường xuyên, và tôi sẽ cho cơ thể nghỉ ngơi đầy đủ để làm mới và nạp năng lượng cho bản thân.” Bạn sẽ thấy rằng nó không được viết là: “Tôi sẽ ăn những thức ăn dinh dưỡng. Tôi sẽ tập thể thao. Tôi sẽ kiểm soát mức độ căng thẳng của mình.” Nguyên lý này cũng giống như hai nguyên lý trên. Khi chúng ta nói với não bộ mình một điều gì đó lặp đi lặp lại, rằng điều này đang thật sự diễn ra, thì chúng ta sẽ có xu hướng tin vào nó và hành động theo hướng đó. Sau đây là một ví dụ về mô tả giá trị cá nhân Gia Đình của một người: “Tôi trân trọng giá trị gia đình của mình. Tôi đảm bảo rằng dù có thể tôi không thể luôn dành thời gian cho gia đình, nhưng tôi luôn tìm mọi cách để các thành viên trong gia đình của mình được hạnh phúc. Mỗi khi có thời gian bên nhau, tôi tập trung toàn bộ cho gia đình của mình.” Bạn có thể tham khảo ví dụ này và từ đó viết lên bản mô tả giá trị của riêng mình. Có một điều bạn cần lưu ý là bạn không nên thấy nản chí nếu như bạn viết một đoạn mô tả và nhận ra rằng bạn chưa làm được gì để hiện thực hóa giá trị này. Không sao cả. Benjamin Franklin phải mất 50 năm luyện tập cho đến khi ông thừa nhận rằng mình đã hiện thực hóa các giá trị của mình. Chúng ta cũng không cần phải vội vã làm gì. Như Lão Tử đã từng nói: “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước đi.”

Bước 4: Liên Tục Xem Lại, Đánh Giá Và Cập Nhật Giá Trị Của Mình

Đây là bước cuối cùng, và là bước mà bạn cần phải làm một cách thường xuyên và đều đặn. Bởi vì trong những lần đầu tiên khi thực hiện việc xác định giá trị cá nhân của mình, có thể bạn vẫn chưa thật sự định nghĩa rõ ràng và có cảm giác chắc chắn về thứ tự ưu tiên của các giá trị. Không sao cả, đó là điều hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là bạn cần phải luôn xem xét lại, đánh giá và cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa danh sách giá trị của mình. Hãy nhớ rằng mỗi lúc bạn đang gặp băn khoăn trong cuộc sống, đó là lúc bạn cần phải xem xét lại thật kĩ những giá trị cá nhân của chính mình để đưa ra một lựa chọn sáng suốt dựa trên những giá trị mà bạn luôn tuân thủ.
Giá trị cá nhân sẽ như là chiếc la bàn chỉ đường, dẫn dắt cho bạn vượt qua những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc sống này. Bạn hãy luôn tự hỏi chính mình rằng: “Liệu mình có đang được sống thật với những giá trị của mình hay không?” Bởi vì chỉ có khi ta được là chính mình, ta mới có thể phát huy hết tất cả mọi tiềm năng bên trong con người của chúng ta.
Tôi chúc cho bạn luôn luôn sống mạnh mẽ với những giá trị của mình.
Đinh Hải Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét