My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Experience (E2)


1.


Tôi gặp mẹ của bé lần đầu tiên ở trường học. Hôm ấy nghỉ giải lao giữa giờ của ngày thứ năm, ngày mà tôi gọi „NGÀY SẤM SÉT“. Đang chạy xuống căng tin để lấy cốc cà phê, gặp chị đi cùng một người đàn ông trẻ. Trên đà bước nhanh lên cầu thang, nhưng vẫn kịp nghe họ nói tiếng Việt. Cười rạng rỡ, mặc cho nhiều sinh viên hối hả lên xuống bậc thềm, tôi quay người lại hỏi theo:


„Ôi, anh chị người Việt?“.


„Úi, bọn chị cũng đang ngờ ngợ, vì em không giống người Tàu“.


Gặp đồng hương đầu tiên của trường, tôi mải mê nói chuyện đến cả nửa tiếng và bước vào lớp muộn. Cầm trong tay ID yahoo và số điện thoại, cảm thấy phấn chấn hẳn cho ngày học dài.


Họ, nhìn rất giản dị, kiểu cách ăn mặc chân phương, người mà bạn có thể bắt gặp ở Hà Nội hay thậm chí một tỉnh lẻ nào đấy. Cách nói chuyện không ngoại giao, không khoảng cách. Còn tôi, tự cảm thấy buồn cười cho tính „tự nhiên như ruồi“ của mình. Có thể với một số đàn ông, tôi là kẻ kiêu ngạo, nhưng với những người Việt xa xứ, không hiểu sao, tôi có cảm giác họ rất gần gũi với mình vậy. Đặc biệt là phụ nữ.



2.


Nói vậy thôi, để gặp nhau cũng chẳng phải dễ dàng. Mỗi người một việc. Nhưng lần thứ hai gặp chị ở chợ cuối tuần trong trung tâm. Tôi giật mình khi nghe tiếng Việt hỏi sau lưng. Càng ngạc nhiên hơn khi thấy chị đi với một bé trai. Bé lắm, tôi đoán chừng 6 tuổi, bằng nửa số tuổi thật. Cháu giơ tay bắt và giới thiêu tên, lịch thiệp, chững trạc quá so với vóc dáng. Mời hai mẹ con về phòng chơi, bé gây ấn tượng tốt bởi sự lễ phép và nhanh nhẹn.


Chị kể về cuộc đời của chị, của một du học sinh ra đi từ độ tuổi 20, 21 và sau hơn 15 năm chị vẫn chưa một lần về thăm quê. Chị kể chuyện làm tôi ngỡ ngàng. Tại sao một người phụ nữ nhỏ bé thế có thể chịu sự xa cách với gia đình lâu vậy?!?.


Chị lên đường với nhiều hoài bão. Ai chẳng thế, nhất là thời gian của mười mấy năm trước, không dễ dàng có cơ hội ra nước ngoài học. Rồi chị yêu và có thai. Cuộc tình không êm ả, nhưng chị vẫn giữ quyết thai nhi. Để bây giờ chị có một cậu con trai đẹp, thông minh và ngoan ngoãn. Câu chuyện chị kể luôn bị ngắt giữa chừng vì chị không muốn cho bé nghe. Bé thì say sưa với mảnh giấy và cây bút chì. Sau hơn nửa giờ, bé đưa ra bức họa vẽ tôi. Tôi ngạc nhiên quá cỡ bởi khả năng của bé. Chị bảo, chị dạy con theo kiểu cổ điển: cầm, kì, thi, họa.


Vẽ xong rồi câu chuyện của chị còn dang dở. Chị nói với bé: „thôi, con đi tìm ai để luyện tiếng Anh đi!“. Bé cứ đi ra, đi vào tìm ai đó, nhưng chẳng gặp, vì cuối tuần họ đi chơi cả. Suốt cả buổi, không hề nghe thấy bé than phiền chán nản, hay cau có khi mẹ bảo đi tìm bạn. So với những trẻ khác, đã thấy sự khác biệt.


Chị nói rằng chính vì sự lỡ làng của mình, chị không dám về nhà. Chị sợ những cuộc họp gia tộc. Chị sợ bị lên án và sợ bố mẹ mang tiếng khi có con gái chưa chồng mà chửa. Chỉ vì sợ, mà ông bà nội, ngoại chưa từng gặp mặt đứa cháu đã ra đời cách đây 12 năm. Chị biết mình suy nghĩ ấu trĩ, nhưng bản thân không vượt qua được rào cản.


Chị dạy con tiếng Việt, chị nắn nót sửa từng từ, từng câu cho bé, nhưng chị lại sợ về nơi chính mình sinh ra. Chị sợ chị không còn hợp với thời thế ở nhà. Mặc cho ông bà nội ngoại của bé luôn sẵn lòng đón hai mẹ con, mặc cho những giọt nước mắt của bà ngoại, mặc cho hờn giận… Chỉ vì sợ, chị làm khổ chính mình, chính người ruột thịt và đem cả thiệt thòi cho cậu con trai yêu.


Hai mẹ con chị ra về để lại cho tôi nhiều cảm xúc.



3.


Cuối tuần rồi chị rẽ qua nhà rủ tôi sang chơi. Chị ở chung với người bản địa. Mẹ và con, mỗi người căn phòng nhỏ. Nhỏ lắm, mà lại nhiều quần áo, sách vở làm tôi không biết ngồi vào đâu, ngoài chiếc giường kê tạm. Chị cho xem ảnh của chị hồi đôi mươi. Tôi đã không thể nhận ra chị, một cô gái xinh đẹp, duyên dáng trong bộ váy múa ballet. Chị, vào thời ấy, duyên dáng và kiêu sa. Giờ, tóc chị không dám cắt ngắn, chỉ để dài lưng lửng, không chăm chút. „Tóc ngắn thì làm gì có điều kiện hàng tháng đi cắt hả em. Mình còn cần tiền vào bao nhiêu việc khác“.


Tôi ngồi chơi với bé trong khi chị tắm. Bé đưa tôi xem những huy chương bạc, vàng khi bé đi thi đấu Kungfu ở trong nước và châu Âu. Chiếc trống xinh xắn, cái quạt có đề tên bé bằng tiếng Trung… Rồi bé chỉ cho tôi những bức tranh bé vẽ. Bé vẽ tất cả những gì bé quan sát. Lúc bé hơn, bé vẽ với sắc màu sặc sỡ. Những nhân vật của phim hoạt hình, hay cả những lâu đài. Bé vẽ cả những ngôi nhà lớn nhà và viết „voor mami“ (tặng mẹ).


Bé cho tôi xem ảnh ở Pháp vào mùa hè cùng gia đình người bạn. Gia đình họ phải quý mến bé lắm, nên họ thường năn nỉ chị cho bé đi 3, 4 tuần mỗi năm. Và 5 năm liền họ chỉ sang Pháp, lần nào cũng có bé. Bé nói với tôi: „Tại mẹ đẻ cháu ra ở Pháp, nên cháu muốn biết hết mọi thứ ở Pháp.“ Những bức ảnh cho tôi biết em được đi nhiều nơi, có nhiều điều lạ mà tôi chưa được biết và nghe tới. Giữa bé và gia đình cậu bạn không có khoảng cách. Trong những bức hình, bé có vẻ hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn ước, giá như em có thể đi cùng bố và mẹ. Điều đơn giản, mà không thể thực hiện.


Bé dạy tôi học tiếng Hà Lan. Một lần nữa bé làm tôi phục vì phong cách sư phạm của bé. 12 tuổi, nhưng bé đã biết giải thích sự khác biệt của ngôn ngữ. Thấy tôi phát âm chưa đúng vần „gee“, bé viết nhanh bảng chữ cái và hướng dẫn, có kèm ví dụ.


Bé làm tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi bé đánh đàn keyboard cho tôi nghe. Căn phòng nhỏ, quần áo bừa khắp nơi, bụi phảng phất không làm giảm độ hay của bản nhạc „Nine million Bicycles“.


Để được cư trú hợp pháp, chị xin visa du học. Và để được ở đến bây giờ, chị đã hoàn thành bằng Master. Khó có thể tin nổi rằng chị làm được nhiều việc môt lúc đến vậy. Đành rằng Master cứ học là ra được trường. Nhưng chị còn phải kiếm tiền chứ, mọi chi phí của chị và của bé, chị tự trả. Một mình với con nhỏ, kiếm tiền, học xong Master và nuôi dạy bé với nhân cách thật tuyệt.


Chị vẫn đưa bé đi tập đàn, tập Kungfu, đi bơi hàng tuần nhưng tôi cảm thấy những hoạt động ấy vẫn chưa đủ cho cậu bé nhỏ người lắm tài, ưa hoạt động, thích giao tiếp này. Bé mừng rỡ khi biết tôi đến chơi nhà, để bé có cơ hội thể hiện tài magic với những quân bài.


Đến giờ phải về. Tôi hẹn với bé cuối tuần sau đi chơi. Không chỉ vì tôi muốn bé rời xa máy tính, mà thật sự tôi thích trò chuyện với bé.


Đạp xe về, trời mưa nhẹ. Tôi nghĩ mãi về hai mẹ con chị. Hai con người nhỏ bé, tha phương. Có thể lúc nào đấy, chị và bé sẽ mang quốc tịch khác. Có thể chị sẽ không bao giờ về hẳn Việt Nam, dù rằng chị có bằng Master, chị nói được tiếng Anh, Hà Lan, tiếng Pháp. Và nếu chị có ở lại, chị chỉ làm việc tay chân trong một cửa hàng hay siêu thị nào đấy. Tôi thấy tiếc cho chị. Nhưng tại sao lại phải tiếc nhỉ? Khi chị đang rất bằng lòng với cuộc sống của mình, và Bé con là cả thế giới của chị.


Frau_Do


27/12/07 - Entry LHQ


Chúng tôi - Pikachu, KiKim, KatyKaty, Frau_Do, Tâm Phan... những người Việt ở các Quốc gia khác nhau trên Thế Giới cùng làm chung 1 entry "Liên Hiệp Quốc". Mục đích của chúng tôi là đề cao Tình Người & Tinh Thần Dân Tộc trong cộng đồng Người Việt ở Nước Ngoài: Phê Phán cái Xấu và Ca Ngợi việc Tốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét