Khuyên tôi như khuyên một đứa trẻ
November 1, 2013 at 10:02pm
Ngày còn học mẫu giáo,
tôi là học sinh kém, thuộc vào tầng lớp “thấp cổ bé họng”. Không chỉ
rất vất vả trong giờ tập viết khi không thể phân biệt dấu hỏi và dấu
ngã, dấu sắc nghiêng phải, dấu huyền nghiêng trái. Tôi bị bạn bè coi
thường vì trình độ học vấn có hạn. Tôi nhút nhát và hay bị ăn hiếp. Tôi
không được tham gia vào nhóm học sinh giỏi, các “hotgirl lớp mầm” lúc
nào cũng xúng xính áo hoa. Chẳng ai chơi với tôi. Ngày nào, trước khi đi
học, tôi cũng đòi ba mua cho cái bánh, cây kẹo cầm theo. Vì có bánh kẹo
cống nạp, tôi mới có được một nhóm “đầu gấu trường mẫu giáo” cho vào
chơi chung, làm tay sai. Mỗi lần đến giờ chơi “đồ hàng”, lớp của tôi lại
chia thành nhiều nhóm và đó như thể là định hướng nghề nghiệp đầu tiên
nhất, chúng tôi sẽ tự hỏi: mình thích làm gì? Bác sĩ, thiết kế thời
trang, bộ đội, xây dựng hay thích đi bán hàng ăn… Tôi thì không có sự
lựa chọn nào! Tôi luôn được phân vai “ô-sin” chuyên làm theo sai bảo của
bạn bè và… cũng đôi khi chúng nó còn chẳng cho tôi làm “ô-sin”. Tôi
nhìn các nhóm chơi với nhau, say sưa với những giấc mơ nhỏ bé. Tôi lang
thang giữa các nhóm hoặc đứng tựa mình lẻ loi vào một góc và thấy mình
lạc lõng. Tôi thuộc về nhóm nào?Tôi về nhà và hỏi mẹ: “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ làm nghề gì?”
Mẹ cũng biết khả năng chữ nghĩa khủng hoảng của tôi. Mẹ cúi xuống nhìn vào vẻ mặt non nớt nghiêm trọng và âu sầu của tôi, vỗ vỗ má và nói:
- Nếu con đã không có duyên với học hành thì lớn lên mẹ sẽ sắm cho một cái máy hình rồi ra Thung Lũng Tình Yêu chụp hình dạo cho người ta.
Thế là tôi tin mình sẽ thành một nhiếp ảnh gia lang thang. Lúc đi chợ, tôi đòi mẹ mua cho một cái máy hình nhựa đủ màu sắc và từ hôm sau đến giờ chơi “đồ hàng”, tôi chẳng thèm làm ô-sin hay quanh quẩn nhìn bạn bè nữa. Tôi tự tạo ra một trò riêng cho mình là xách máy ảnh đi làm “nhiếp ảnh gia mẫu giáo”.
Vào tiểu học, tôi vẫn là một học sinh không được giỏi giang mấy. Vẫn vấn đề với dấu hỏi và dấu ngã, mỗi lần tôi đứng lên đọc bài thì cả lớp đều phá lên cười. Nhưng, tôi được cái là không ngại ngùng gì, những trận cười của lũ bạn cũng chẳng làm tôi tự ti vì thật ra tôi cũng chẳng biết chúng nó cười cái gì. Tôi vẫn đang tâm niệm là mình đọc bài rất chuẩn, rất hay.
Đường học hành gian nan từ lớp một khiến tương lai của tôi trông có vẻ u ám. Trong khi bạn bè đã bắt đầu hình thành những giấc mơ bác sĩ (đứa trẻ nào cũng mơ làm bác sĩ) và kỹ sư thì tôi không biết mình sẽ làm nghề gì mà chuyện lẫn lộn dấu má sẽ không thành vấn đề. Giấc mơ “nhiếp ảnh gia ở Thung lũng Tình yêu” của tôi đã tiêu tan từ cái dạo chiếc máy ảnh mẹ mua cho tôi bị hư và ba tôi không cách nào sửa nó lại được.
Một ngày nọ, tai vạ ập xuống đầu tôi, trong giờ chơi, tôi đang chạy nhảy với một nhỏ lớp bên cạnh thì vô tình níu tay khiến nó bị té. Nhỏ lớp bên khóc ầm lên và nhất quyết lên tận phòng hiệu trưởng để mách tôi dù tôi có xin lỗi, nản nỉ, xuống nước cỡ nào. Hết giờ chơi, cô giáo lớp bên cạnh dắt nhỏ sang lớp tôi mắng vốn với một cái trán sưng u đã được đắp muối lấm tấm trắng. Chẳng hiểu, nhỏ nghĩ gì mà lại xấu tính bảo tôi cố tình xô ngã nhỏ… một cách vô cùng ác ý.
- Tại sao con lại xô bạn? – Cô giáo hai lớp nhìn tôi nghiêm khắc.
- Con không xô bạn. Tụi con đang chơi với nhau và con chỉ vô tình khiến bạn ấy té trong lúc chơi thôi.
Tôi tường thuật lại đầy đủ các chi tiết chúng tôi chơi với nhau. Mô tả cả bằng hành động là tôi đã níu bạn tôi thế nào và nhỏ đã ngã xuống ra sao. Tôi nói rất hùng hồn và hợp lý đến mức ánh mắt của các cô giáo đã dịu đi và bắt đầu gật gù:
- Nếu là vô tình thì không sao, nhưng lần sau các con phải cẩn thận khi chơi nhé!
Tôi có ngờ đâu là học sinh tiểu học không có nghĩa là ngây thơ như nai, nhỏ bạn lớp bên tráo trở vào phút chót:
- Tụi con không có chơi với nhau! Con không có quen bạn này, con không có biết bạn này là ai hết.
Tôi ngơ ngác nhìn nhỏ vì không ngờ người ta có thể nói dối trắng trợn như vậy. Nhưng tôi đáp trả ngay:
- Tụi con hay chơi với nhau từ hồi đầu năm…
Tôi lại kể tiếp về những lần chúng tôi chơi với nhau, đi học về cùng nhau chốt lại bằng một luận điểm không thể sắc sảo hơn:
- Mỗi lần con đem bánh kẹo đi học thì bạn này bao giờ cũng tới ăn với con. Có bạn bè trong lớp làm chứng…
Đám bạn cùng lớp tôi bắt đầu xôn xao rồi ào lên ủng hộ tôi: “Đúng rồi đó cô, đúng rồi đó cô”.
Nhỏ lớp bên quê độ bỏ về lớp của nhỏ với cái trán đầy muối. Tôi chiến thắng trong oanh liệt. Cô giáo nhìn tôi cười cười:
- Khi con nói con không bị lẫn lộn dấu “hỏi”, dấu “ngã” như khi đọc…
Tôi cũng cười cười lại nhìn cô. Mấy tháng nay, cô giáo cố giúp tôi sửa mà mãi chưa sửa được.
- Cố gắng học nhe! Lớn lên làm luật sự.
Tôi đang học lớp một. Tôi biết bác sĩ là ai, nhưng tôi không biết làm luật sự là làm gì. Nhưng hai chữ “luật sư” nghe rất bảnh. Bảnh y như lúc tôi hùng hồn nói giữa sự chứng kiến của cô giáo và tất cả bạn bè trong lớp. Luật sư nghe như một anh hùng đấu tranh lại sự tráo trở bằng những chứng cứ và cuối cùng là chiến thắng vẻ vang trong sự ủng hộ của mọi người.
Tôi về nhà, hỏi mẹ tôi làm luật sư là làm gì. Rồi tuyên bố giữa bữa cơm gia đình rằng: “Sau này, con sẽ làm luật sư”. Giấc mơ luật sư khiến tôi chăm chỉ tập đọc hơn, chỉ 3 tháng sau tôi đã không nhầm dấu hỏi – dấu ngã nữa.
Giấc mơ luật sư rồi cũng lại tiêu tan khi lên lớp cao hơn, thay cho vấn đề dấu má, tôi lại gặp chuyện với chữ nghĩa. Bài tập làm văn đầu tiên trong đời mình, tôi được 4 điểm – nỗi đau trong thời đi học của tôi.
Bài tập làm văn đầu tiên: “Em hãy tả con heo (lợn) nhà em!”
Nhà tôi không có nuôi con heo nào (dù thỉnh thoảng mẹ vẫn gọi tôi là heo). Nhà tôi chỉ có nuôi một con mèo trắng có vá màu vàng. Tôi có biết mặt con heo trông ra sao vì tôi có xem TV và thỉnh thoảng thấy hình nó trong sách. Nhưng, tôi không biết con heo sống thế nào? Thích ăn gì? Ngủ ở đâu? Thế nên, đặt bút viết bài văn đầu đời, tôi mang hết tập tính sống của con mèo nhà tôi cho con heo mà tôi sẽ tả. Tôi lập luận rằng chắc là vật nuôi nào cũng sống như nhau cả. Niềm tin trong veo đó khiến cho con heo trong bài văn của tôi thành một con heo lạ nhất hành tinh khi nó sống trong cái hộp giấy trên mái nhà, ngủ suốt ngày và thỉnh thoảng vẫn lẻn xuống bếp để ăn vụng đồ ăn của mẹ (may mà tôi còn đủ tỉnh táo để không thêm chi tiết con heo meo meo khoái trá sau khi lủm được cái đầu cá).
Từ sau bài văn con heo, tôi không bao giờ phải làm văn nữa. Mẹ và chị tôi thay phiên nhau làm văn cho tôi, từ bài tả ngôi nhà đến tả cách gấp quần áo. Rồi mẹ đọc, tôi chép. Đến thi cử thì tôi sẽ học thuộc lòng “tuyển tập các bài làm văn” do mẹ và chị biên soạn, rồi vào phòng thi chữ nghĩa cứ tuôn trào.
Văn chương của tôi nằm hết ở chị và mẹ và tôi tự mặc định rằng tôi không viết được cái gì ra hồn. Mà mẹ tôi bảo: luật sư là phải giỏi văn, giỏi chữ nghĩa. Thế nên, tôi không thể đi làm luật sư được.
Tôi lên cấp 2 và chuẩn bị phải đối mặt với lựa chọn tiếp theo: thi vào cấp 3 sẽ học chuyên gì? Chuyên Toán, chuyên Lý, chuyên Hóa hay chuyên Sinh, chuyên Anh?
Cho đến một ngày, mẹ tôi có việc phải đi xa. Tôi phải tự làm bài tập môn vẽ của mình. Bình thường, bên cạnh việc làm văn dùm thì mẹ cũng vẽ cho tôi. Ấy thế mà hôm đó chấm bài, cô giáo gọi tôi lên và hỏi:
- Bài này ai vẽ cho em?
- Dạ em tự vẽ.
- Thiệt không?
- Dạ, thiệt…
Nếu mà cô hỏi mấy bài hôm trước thì tôi đã chẳng dám chân thành khẳng định như thế. Mẹ tôi vẽ cho tôi bao nhiêu năm nay chưa bao giờ bị nghi ngờ mà đến ngày tôi tự vẽ bài lại bị nghi vấn. Bài vẽ đó của tôi được 9 điểm, cao nhất từ trước đến nay. Sau đó, tôi tự vẽ bài của mình không cần nhờ mẹ nữa. Những bài tiếp theo điểm vẽ của tôi vẫn cao và cô giáo bắt đầu chú ý đến tôi.
Trong một lần tôi ngồi hì hục vẽ cách điệu con cá trên lớp, cô giáo của tôi đã nói:
- Sau này em đi học kiến trúc đi!
Từ một lời gợi ý ấy, giấc mơ kiến trúc sư đi theo tôi suốt những năm trung học. Tôi đã rất nhiều lần ngồi mơ mộng về những tòa nhà cao đẹp trong tương lai mà tôi sẽ vẽ lên bằng đôi tay của mình. Giấc mơ đó dẫn tôi đi qua lựa chọn tiếp theo. Tôi thi vào chuyên Lý để sau này đi học kiến trúc.
Tôi học chuyên Lý để đi làm kiến trúc sư nhưng chính cái môi trường trường chuyên, lớp chọn lại cướp mất giấc mơ vẽ nhà, vẽ cửa của tôi. Lên cấp 3, không còn môn vẽ trong chương trình học nữa, tôi cũng không đụng vào hộp màu, cây cọ nữa. Tất cả xếp lại cho lịch học điên cuồng, cho những nỗ lực để giữ thứ hạng, để không thua kém bè bạn, cho những lao đao cho các môn chính. Tôi đã xa cây cọ quá lâu để nhớ ra rằng tôi đã từng yêu thích vẽ đến mức nào, đã từng mê mẩn với những sắc màu vạch ra trên nền giấy trắng ra sao. Tôi vẫn mơ đi học kiến trúc nhưng lại để rơi mất khả năng vẽ của mình. Chỉ đến năm 12, khi phải đứng lựa chọn tiếp theo: thi đại học nào? Thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng kiến trúc không còn là sự lựa chọn của tôi nữa, đã quá trễ để tôi làm quen lại với bút vẽ, với việc vạch ra những đường nét và định hình những nét chì cho ra một hình thù nào đó.
Suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, rồi thì: tôi đi thi Ngoại Thương.
Tôi đang học năm tư Ngoại Thương, vừa thấy mình đã già, vừa thấy mình còn non. Tôi không cảm thấy hối tiếc vì đã chọn thi và học tại ngôi trường này. Đó vẫn là sự lựa chọn đúng đắn. Điều duy nhất tôi thấy mình tiếc nuối là tôi đã bước vào Ngoại Thương với suy nghĩ từ đầu rằng mình không hợp với ngôi trường này. Tôi thấy các bài giảng rất chán từ trước cả khi tôi kịp nghe xem nó nói gì. Tôi đang mặc một chiếc áo với suy nghĩ và cảm giác nó thật chật chội mà không chịu nhìn gương xem tôi mặc nó đẹp biết bao.
Đến năm tư, tôi mới chịu học hành cho nghiêm túc hơn. Mới cố định hướng xem tôi có thể làm gì về kinh doanh. Nhưng tôi lại mắc sai lầm tiếp theo, tôi đang cố tìm cách cho mình hợp với kinh doanh chỉ vì tôi đã học nó 4 năm. Và cho dù có tìm mãi, tìm mãi, tôi sẽ không bao giờ tìm thấy được. Bởi càng đi tìm, tôi lại càng nhận ra rằng mình thiếu một điểm gì đó trong tính cách, trong suy nghĩ, trong con người khiến tôi không bao giờ đi theo kinh doanh được. Và cái thiếu đó cũng là lý do cho việc kinh doanh hết lần này đến lần khác đã không chọn tôi, như đã thành cái lệ: không có cuộc thi nào về kinh doanh hay kinh tế, tôi tham gia mà đậu cho dù là tôi đầu sư tâm sức đến mức nào, cho dù là đi được rất xa thì tôi cũng sẽ dừng lại ở vòng phỏng vấn tính cách.
Tôi lại hỏi câu hỏi khi tôi còn học mẫu giáo: “Mình sẽ làm nghề gì?”.
Nhưng mẹ tôi không còn có thể cho tôi câu trả lời. Thầy cô chẳng thể bảo tôi hay tôi nên làm gì.
Nỗi sợ lớn nhất khi làm người lớn là tôi phải tự đi tìm lời giải cho mình. Tôi đã lớn. Mọi người e dè hơn trong việc đưa ra một định hướng: “Sau này, hãy…” cho tôi vì sợ nếu tôi lầm lỡ thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm ngay cả khi tôi không hề bắt đền họ. Vì khi ta càng lớn, mọi lựa chọn đều trở nên nghiêm trọng hơn. Đôi khi, tôi chỉ ước ao có một ai nói với tôi rằng: “Sau này, em hãy làm việc này xem”. Tôi chỉ ước ao ai đó cho tôi một gợi ý thật cụ thể, thật chi tiết, thật sống động như là nhiếp ảnh gia, như là luật sư, như là kiến trúc sư và tôi giữ lấy nó như một giấc mơ để thấy mình bớt chông chênh giữa tương lai và hiện tại, giữa những lựa chọn trước mắt. Tôi đã không trở thành nhiếp ảnh gia, đã từ bỏ giấc mơ luật sự và không bao giờ trở thành kiến trúc sư nhưng đó mãi là những mảng ký ức tuyệt đẹp và tôi biết ơn những ai đã cho tôi những gợi ý đó.
Nhưng, người ta không khuyên một người lớn 21 tuổi đơn giản và cảm tính như khuyên một đứa trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét