Fulbright Experience Sharing Series #3: Ngành Education Management
August 10, 2013 at 8:50am
Nhận
lời mời viết bài của tôi cho Fulbright’s Weblog, anh Phạm Ngọc Duy –
Fulbrighter ngành quản lý giáo dục (Education Management) cùng khóa với
tôi đã “hy sinh” một ngày cuối tuần nắng vàng để viết bài chia sẻ với
các bạn về những kỷ niệm của anh ấy với học bổng Fulbright. Tôi xin đặt
tựa đề bài viết này là“Phạm Ngọc Duy – cơ duyên với học bổng Fulbright và giáo dục Việt Nam”.Mục đích của bài viết không để nhằm “đào tạo gà nòi”, “học tủ” để đi phỏng vấn, mà để chia sẻ với các bạn về những câu chuyện thành công để các bạn có thể vận dụng trong hoàn cảnh của chính mình. Nếu bạn muốn chia sẻ điều gì đó hoặc muốn liên lạc với anh Duy, địa chỉ email của anh ở cuối bài viết này. Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn anh vì đã ủng hộ ý tưởng và tâm huyết của tôi, và đã dành thời gian để biến sự ủng hộ đó thành hành động. Vì một tinh thần Fulbright của Việt Nam.
—- Trần Ngọc Thịnh –
“FULBRIGHT PROGRAM 2009, NHỮNG ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI”
Cho những điều tốt đẹp sẽ mãi được nhân lên…
Hôm nay trời nắng. Đáng ra trong thời tiết thế này đi bơi là tuyệt nhất. Nhưng nhớ tới lời hứa viết bài ghi lại kinh nghiệm phỏng vấn với anh bạn nên lại chịu khó ngồi lạch cạch bàn phím vậy.
Mường tượng lại buổi phỏng vấn Fulbright của tôi năm trước, trời cũng nắng như thế này. Được sắp xếp phỏng vấn vào giữa buổi sáng, tôi thấy khá hồi hộp. Nắng vàng làm cho mọi thứ tươi sáng. Tôi đến buổi phỏng vấn với phong thái khá tự tin. Dù gì thì mình cũng đã chuẩn bị cho đợt phỏng vấn khá kỹ rồi. Trước khi kể chuyện về buổi phỏng vấn, tôi muốn dông dài với các bạn về cơ duyên của mình với Chương trình Fulbright cho sinh viên Việt nam.
Ngọn nguồn cảm hứng
Tôi biết đến Fulbright Program lần đầu tiên có lẽ khi đang ngồi trong một căn phòng nhỏ ở rất xa Việt nam và đọc báo vietnamnet. Vào khoảng thời gian đâu đó những năm 2005-2006, tờ báo mạng này đăng tài một loạt bài có liên quan đến kế hoạch xây dựng trường Đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt nam nhân chuyến thăm Mỹ của Cựu thủ tướng Phan Văn Khải. Qua loạt bài báo đó tôi biết được một vài cựu sinh viên của chương trình Fulbright. Tôi bắt đầu tìm đọc các bài báo về họ và thầm mong muốn một ngày nào đó mình có dịp được tiếp chuyện họ. Lúc đó tôi nghĩ, hẳn họ sẽ cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Tiếp đó, tôi bắt đầu tìm hiểu các thông tin về chương trình này. Tôi vào website của chương trình, tải tài liệu về, đôi khi in ra một số tài liệu quan trọng và bắt tay vào ngâm cứu. Tôi vẫn còn nhớ, tiêu chí mà tôi khó thỏa mãn nhất đó là ứng viên phải có ít nhất là 3 năm kinh nghiệm làm việc tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ (tiêu chí này, giờ đã thay đổi- Click vào đây để xem những thông tin cập nhật nhất của chương trình). Tôi biết lúc đó mình chưa có đủ từng ấy năm kinh nghiệm, nhưng tôi đã bắt đầu nghĩ đến ngành mình sẽ xin học, nghĩ đến những kinh nghiệm mình cần tích lũy và nghĩ đến những người mình sẽ xin thư giới thiệu. Những khi có thời gian rảnh rỗi lướt web, những trang web về TOEFL, GRE hay SRO (Study Research Objectives) hay PS (Personal Statement) là những địa chỉ viếng thăm ưa thích của tôi. Có những khi tôi nghĩ về dàn ý cho cái SRO hay PS ngay khi đang ngồi trên tàu đi đến một nơi nào đó.
Tình cờ tôi biết đến Fulbright Program nhưng ngày qua ngày tôi biết giấc mơ được trở thành một Fulbrighter đang lớn dần lên trong tôi.
Đường dài không ngại bước chân
Xem trên website của chương trình, tôi biết hạn nộp hồ sơ thường rơi vào tháng 4 hàng năm. Trong suốt hơn 1 năm trước đó, tôi đã bắt tay vào những công việc chuẩn bị thực sự cho việc làm và hoản thiện hồ sơ. Trong vòng hơn 1 năm đó, tôi đã chủ động học và thi TOEFL ITP hai lần và GRE một lần. Thử thách thực sự đến từ việc viết các bài luận theo yêu cầu của Chương trình. Tôi không nhớ là đã viết những bài luận đó bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng, chắc mỗi bài thường lấy đi của tôi ít nhất là 1 tháng. Tôi lập dàn ý (outline) cho bài viết, viết từng đoạn. Viết xong gửi bạn bè, cô giáo và học sinh của mình xin nhận xét và góp ý. Dựa trên các góp ý này tôi viết lại các bài luận rồi sau đó nhờ những người có kinh nghiệm giúp mình diễn đạt lại các ý cho sáng sủa và ‘to-the-point’ hơn.
Tôi nhớ, khi tôi bắt đầu lập dàn ý cho các bài viết, tôi đã gạch chân từng yêu cầu của các bài luận do chương trình đưa ra trong application form. Tôi chọn sử dụng các câu ngắn để làm các câu chủ đề (topic sentence) của các đoạn nhằm trả lời các câu hỏi hoặc các thỏa mãn các yêu cầu mà chương trình muốn các ứng viên thể hiện qua các bài luận. Ví dụ, SROs yêu cầu giải thích “…how your background fits your study research objectives”, tôi đã viết cả 1 đoạn để giải thích điều này với câu chủ đề:’My background of education perfectly fits my study objectives…’.
Checklist của Bộ hồ sơ là công việc cuối cùng tôi hoàn thành trước khi đóng gói và mang nộp. Tôi nộp hồ sơ vào cuối giờ sáng của ngày cuối cùng trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Đưa xong túi hồ sơ cho anh bảo vệ của Đại sứ quán, tôi đứng lại một hồi chỉ để chắc chắn rằng anh ta sẽ chuyển túi hồ sơ của tôi vào cho mấy anh bảo vệ ngồi phía sau ô cửa kính J
Chờ đợi và tiếp nhận
Sau khi nộp hồ sơ, tôi tự nhủ mình đã cố gắng hết sức bằng tất cả sức lực và trí tuệ bình sinh mình sinh ra được trời ban phát. Lúc này tôi không thể làm gì để thay đổi hồ sơ đã gửi cho Chương trình. Tôi thậm trí đôi khi đã chuẩn bị tinh thần trong trường hợp không được mời phỏng vấn. Tôi sẽ ở nhà, tiếp tục công việc yêu thích hiện tại và nếu có cơ hội sẽ ổn định cuộc sống. Suy cho cùng cuộc sống như thế cũng không phải là không hay!
Nếu tôi nhớ không nhầm, thông tin về chuyện tôi được chọn qua vòng sơ loại để được tham dự vòng phỏng vấn đến với tôi qua email. Tin vui đó đến với tôi vào cuối giờ chiều khi tôi đang làm việc ở Trường và nhìn thấy Yahoo báo có email mới từ Fulbright Program. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi đó. Run run khi click vào dòng thông báo để mở thư. Tôi cố gắng kìm nén sự quá khích của mình để không làm xao động các bạn đồng nghiệp đang ngồi bên cạnh. Tôi đã được lựa chọn để tham dự phòng phỏng vấn.
Tôi biết lần này mới là thử thách thực sự. Tôi không biết ai sẽ cùng với tôi được chọn đợt này. Và hẳn là Chương trình sẽ chẳng bao giờ thông báo cho tôi biết ai sẽ là người phỏng vấn tôi. “Họ sẽ hỏi mình những câu gì? Mình sẽ trả lời các câu hỏi của họ ra sao?…” là những câu hỏi xuất hiện trong tâm trí tôi một vài ngày sau khi biết mình được qua vòng sơ loại.
Bài học từ thuật thuyết phục người khác.
Tôi đã nghĩ thế này: “Dù có cố gắng đến thế nào, tôi cũng chẳng thể làm rõ được các phỏng vấn viên sẽ hỏi gì mình, và mình sẽ trả lời ra sao.” Sự thực là tôi đã viết email hỏi một số cựu sinh viên của chương trình về kinh nghiệm phỏng vấn và các câu hỏi họ đã phải đối mặt. Nhưng đa số những người tôi quen đều là Fulbrighter từ những năm đầu của chương trình. Hầu hết họ đều nói với tôi rằng họ không còn nhớ nhiều về kinh nghiệm phỏng vấn từ rất lâu đó. Quay lại với suy nghĩ của tôi lúc đó, tôi đã không dành nhiều thời gian nghĩ về những câu hỏi mà các phỏng vấn viên sẽ đặt ra cho tôi. Tôi dành thời gian để một lần nữa làm rõ về những gì mình đã có và những gì mình muốn làm.
Tôi đã dành nhiều thời gian soạn ra một cái slide giúp tôi sâu chuỗi lại tất cả những chi tiết được trình bày trong hồ sơ của mình. Tôi nói về ước mơ một ngày nào đó sẽ làm được gì đó có ý nghĩa cho hệ thống giáo dục của Việt nam. Tôi nói về những gì tôi đã làm để hiện thực hóa ước mơ đó. Mục đích (goals) và các mục tiêu (objectives) cũng như các kế hoạch trong ngắn hạn cũng như dài hạn của tôi được trình bày ngắn gọn qua một slide. Thậm trí tôi còn tải về nhạc của bài hát “I have a dream” để chèn thêm vào trình chiếu.
Tôi gửi slide của mình cho bạn bè xem và góp ý kiến. Tôi rất cảm ơn những người bạn quý báu của mình vì đã cho tôi những ý kiến đóng góp xác đáng. Có người bảo tôi thay đổi một chút layout của slide để làm cho mọi thứ sáng sủa hơn. Có người bảo tôi diễn đạt lại một số ý cho cô đọng hơn. Có bạn bảo tôi nên thêm 1 vài slide nói về trọng trách (mission) của chương trình Fulbright và cố gắng kết nối mục đích này với những kế hoạch của mình. Tôi thực sự đánh giá rất cao ý tưởng đó. Chính nó đã làm tôi tìm hiểu kỹ hơn về chương trình Fulbright và nó giúp tôi tự tin hơn trong cuộc phỏng vấn sau này.
Soạn slide xong, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện sử dụng nó như thế nào. Tôi gọi điện cho trợ lý của chương trình, chị ấy bảo là trong phòng phỏng vấn sẽ không có máy chiếu và thời gian phỏng vấn sẽ không có nhiều để ứng viên trình bày quá nhiều. Tôi hiểu chuyện đó và không có gì thất vọng cả. Tôi quyết định sẽ in cái slide ra giấy và mang đến phòng phỏng vấn để dùng khi cần.
Tại một nơi đẹp
Vào ngày phỏng vấn, như thường lệ, tôi thức dạy và bắt đầu chuẩn bị. Mặc quần âu giày đen thì rõ rồi. Nhưng còn áo, tôi phân vân không rõ nên mặc cái áo trắng mới mua hay mặc một cái áo kẻ quen thuộc. Tôi quyết định chọn cái áo kẻ. Mặc nó tôi cảm thấy thoải mái.
Theo như đã được thông báo, tôi đến khách sạn sớm khoảng tầm 20 phút trước cuộc phỏng vấn. Gặp trợ lý của chương trình và Vị giám đốc chương trình, tôi cố gắng nở một nụ cười thật tươi để dấu đi cái vẻ tương đối căng thẳng của mình. Sau khi làm xong các thủ tục hành chính, tôi cố gắng đi loanh quanh khu phía ngoài mấy phòng phỏng vấn một chút. Nhìn Hà nội từ trên cao tôi thấy đẹp. Nắng vàng trải dài trên những khu phố và nhảy nhót trên những tán lá xanh cuối hạ.
Trả lời bằng bản năng gốc
Đang thả hồn trên những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ Công viên Thủ lệ thì chị trợ lý chương trình gọi tôi chuẩn bị vào phòng phỏng vấn. Mở cửa mời tôi vào phòng phỏng vấn là một cô người Việt đã trung trung tuổi. Tôi được mời xuống ngồi trên một cái ghế khá đẹp đối diện với hai vị phỏng vấn viên. Vị giáo sư người Mỹ là một học giả mà sau này tôi hỏi và biết được ông nghiên cứu về lĩnh vực nhân chủng học. Ông ăn mặc khá giản dị và có gương mặt thanh thoát. Sau khi ngồi xuống, tôi cố gắng nhìn và nở nụ cười thật tươi với hai vị sẽ phỏng vấn mình và bắt đầu màn chào hỏi và giới thiệu bản thân.
Tôi nói nhanh một số thông tin về bản thân như tên, nơi công tác hiện tại và một số thông tin về công việc tôi đang phụ trách ở Trường. Thật may cho tôi, cả hai vị phỏng vấn viên đều có vẻ thân thuộc với công việc của tôi nên tỏ ra khá hứng thú với những thông tin mà tôi cung cấp. Tôi còn nhớ là, sau khi nghe tôi trình bày sơ qua về công việc hiện tại của mình và những vấn đề tôi quan tâm, hai vị phỏng vấn tôi đã cùng muốn là người đầu tiên đặt câu hỏi cho tôi. Cuối cùng, ông giáo sư về nhân chủng học đã nhường cô người Việt nam.
Cô hỏi tôi: “Em đã làm việc cả trong môi trường giáo dục nhà nước cũng như môi trường làm việc tư nhân, theo em đâu là sự khác biệt giữa hai môi trường này…?” (tất nhiên là hỏi bằng Tiếng Anh nhé J)
Tôi bắt đầu suy nghĩ để trả lời. Câu hỏi này với tôi không xa lạ, nhưng quả thật tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Tôi sợ rằng mình sẽ trả lời lan man. Tuy nhiên, sau vài một thoáng suy nghĩ, tôi bắt đầu trình bày. Tôi cố gắng làm sao để mình trình bày vấn đề sáng sủa và thuyết phục nhất có thể. Tôi đi vào hai vấn đề chính, đó là chính sách tài chính và môi trường, cơ chế làm việc. Trong suốt quá trình trả lời, tôi luôn cố gắng đưa ra một số ví dụ cụ thể để minh họa cho luận điểm của mình. Tôi kể về những trải nghiệm thực tế của mình ở trong hai môi trường giáo dục tôi đã trải qua. Kể về cảm xúc của tôi khi nhận được tháng lương đầu tiên lúc vừa mới ra trường và đi dạy cho một trường Sư phạm ở Hà nội. Tôi cũng minh họa cụ thể về sự khác nhau về chính sách lương bổng, đãi ngộ của một trường dân lập và các trường công lập. Tôi cũng phân tích thêm ảnh hưởng của các chính sách đó tới thái độ và hiệu quả làm việc của nhân viên trong 2 hệ thống.
Câu trả lời của tôi cho câu hỏi đầu tiên có vẻ hơi dài dòng. Tôi nói liên tục có lẽ trong suốt 5 đến 7 phút. Tôi biết mình đang nói quá nhiều. Tôi nói chậm dần lại và bắt đầu để ý tới vẻ mặt và ánh mắt của hai vị đang ngồi trước mặt tôi. Thật may, tôi cảm thấy họ chăm chú và tán thưởng những luận điểm tôi đưa ra. Có lẽ họ đánh giá cao kinh nghiệm và những trải nghiệm mà tôi có được.
Đến lượt vị giáo sư người Mỹ hỏi tôi: “What would you like to do when you are in the U.S if….?” Thực ra, như đã nói ban đầu, tôi không dành nhiều thời gian để tượng tượng ra những câu hỏi có thể được hỏi khi phỏng vấn. Do vậy, trước những câu hỏi như thế này tôi lại nghĩ. Tôi lục lọi nhanh trong tâm trí mình những trải nghiệm của mình qua những cơ hội học tập mà tôi đã trải qua. Tôi bắt đầu trả lời bằng cách kể lại câu chuyện tôi đã làm gì khi tôi đi du học ở Pháp 2 năm trước đây.
Tôi nói rằng, thực ra kiến thức thu lượm được trong quá trình đi học chỉ là 1 phần. Tôi muốn nhân cơ hội đi học này có thể hiểu hơn về nền văn hóa, giáo dục, kinh tế của Mỹ (có liên quan đến mutural understanding của Fulbright nhé J). Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ, việc có thêm bạn bè khắp năm Châu cũng là điều sẽ giúp tôi rất nhiều trong những gì tôi muốn làm (ý này có liên hệ tới SRO và PS nhé). Tôi phân tích thêm, hiện giờ tôi vẫn giữ liên hệ với một số bạn bè đang học tập, làm việc tại Pháp hoặc châu Âu. Tôi thường hay xin ý kiến hoặc nhờ họ hỗ trợ những khi cần tìm hiểu hoặc làm một việc gì đó có liên quan tới các vấn đề cần tham khảo các mô hình quốc tế.
Tôi biết mình đang trình bày mọi chuyện một cách tương đối dài dòng, có thể là ‘not-to-the-point’- điều mà người phương Tây tương tối kỵ. Sau khi trình bày khá nhiều, tôi dừng lại và hỏi hai vị phỏng vấn viên: “Does my answer address your question? I make it pretty long and may be not straight to the point.” Vị giáo sư già người Mỹ nhìn tôi cười và bảo “I like your way of answering my question.” Tôi giải thích thêm là tôi vốn là 1 một người được đào tạo để giảng dạy, tôi thích dẫn dắt vấn đề để mọi người tự tìm ra câu trả lời. Ông giáo sư cười và tỏ ra hứng thú với cách trả lời câu hỏi của tôi.
Sau khi trả lời xong câu hỏi thứ hai và có trao đổi một chút với hai vị phỏng vấn viên về cách thức trả lời. Tôi nghĩ là mình cần điều chỉnh đôi chút. Có lẽ tôi nên trả lời ngắn gọn và đi vào trọng tâm vấn đề hơn. Tuy nhiên, tôi biết có 1 thứ tôi cần giữ suốt cuộc phỏng vấn này. Đó là sự “CHÂN THÀNH”. Và tôi đã làm điều đó trong suốt những câu trả lời còn lại.
Tôi không còn nhớ thật chi tiết những câu hỏi tiếp theo, nhưng tôi nhớ câu hỏi gần cuối cùng.
Vị giáo sư người Mỹ có hỏi 1 câu đại ý như là “Why do you think that Fulbright Program is suitable for you?” Câu này tôi cũng chưa nghĩ đến trước khi tôi tham dự vào cuộc phỏng vấn này. Ngay khi nghe câu hỏi, tôi đã nhớ đến anh bạn tôi. Người đã khuyên tôi nên tìm hiểu sâu hơn về mission của Fulbright Program và tạo một vài slide để kết nối những gì thuộc về tôi với trọng trách của chương trình này. Tôi nói rằng, trong quá khứ đã có rất nhiều điều đáng tiếc xảy ra, rất nhiều sinh mạng đã ngã xuống chỉ vì thiếu “mutural understanding among human being.” Và tôi dẫn câu chuyện quay lại với lĩnh vực giáo dục.
Tôi đưa ra luận điểm rằng, giờ đây thế giới đang trong tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Những lĩnh vực như kinh tế, hay khoa học công nghệ đã có những bước đi rất vững chắc trong tiến trình đó rồi. Tiến trình này trong giáo dục cũng cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để bắt kịp và đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế. Tôi nói tiếp:”nếu muốn giáo dục đóng góp tích hơn vào quá trình toàn cầu hóa thì bản thân các nền giáo dục ở các nước khác nhau phải hiểu nhau, phải làm việc được với nhau cái đã.” Và do vậy, tôi thấy việc Fulbright Program tạo cho tôi cơ hội đi học về Quản lý giáo dục (Educational Administration) tại Mỹ giúp tôi hiểu hơn về nên giáo dục của Mỹ và điều đó giúp tăng “mutural understanding” giữa các dân tộc cụ thể ở đây là giữa Việt nam và Mỹ.
“When I know the time is right for me. I’ll cross the stream- I have a dream…”
Trước khi buổi phỏng vấn kết thúc, tôi có nói chuyện với hai vị phỏng vấn tôi về cái slide mà tôi đã chuẩn bị. Tôi lấy tờ giấy in cái conclusion của bài trình bày. Trong slide đó, tôi để 1 bức ảnh một chàng thanh niên mang trên vai một cái balo to, tay cầm bản đồ và mắt đang chăm chú nhìn bản đồ để tìm đường đi. Tôi giải thích rằng, chàng thanh niên kia giống như tôi vậy. Cái ba lô của anh ấy giống như cái “dream” mà tôi đã ấp ủ trong mình từ lâu lắm rồi. Và Fulbright Program chính là cái bản đồ giúp tôi tìm ra con đường để thực hiện giấc mơ đó. Và tôi biết khi “the time is right for me, I’ll cross the stream, I have a dream…” Đó là những hình ảnh cuối cùng có lẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi về cuộc phỏng vấn. Tôi nhớ là cả hai phỏng vấn viên đã tiễn tôi ra ngoài cửa, bắt tay và chúc tôi may mắn. Tôi trân trọng họ.
Và những gì còn đọng lại
Tôi đã không nghĩ đến hoặc tìm hiểu nhiều về những câu hỏi mình có thể phải đối mặt trong cuộc phỏng vấn. Đôi khi tôi nghĩ nếu tôi để tâm hơn đến việc hình dung về những câu hỏi đó và thử trả lời chúng trước, có khi tôi sẽ ấn tượng hơn trong suốt buổi phỏng vấn và có thể tôi sẽ tự tin hơn vào kết quả cuối cùng. Điều đó thì cũng có thể. Dù gì chuẩn bị tốt hơn, ôn thi chúng tủ kiểu gì cũng giúp mình đạt kết quả thi chắc chắn hơn! Tuy nhiên tôi nghĩ, cho dù các câu trả lời của tôi có đôi khi vòng vèo, không được tổ chức thật tốt, nhưng tôi đã thực sự “CHÂN THÀNH” và “TRUNG THỰC” trong mọi câu trả lời của mình. Tôi nghĩ cuộc phỏng vấn của tôi mộc mạc, không nhiều kỹ thuật và giàu cảm xúc.
Điều đọng lại mãi cho tôi tới tận bây giờ về những trải nghiệm của mình đối với Fulbright Program đó là “Bạn muốn thuyết phục người khác, trước hết bạn phải thuyết phục mình đã!”Bạn phải có niềm tin, và phải thuyết phục được chính mình rằng mình đã chuẩn bị rất kỹ cho cơ hội này rồi, mình xứng đáng với nó và bản thân bạn có thể nắm bắt được cơ may này. Một khi đã xác định như vậy, đã chuẩn bị hết mình, đã suy nghĩ nghiêm túc về SRO của mình rồi, chuyện bạn có nghĩ trước ra những câu hỏi và chuẩn bị sẵn phương án trả lời từ nhà hay không trước khi dự phỏng vấn theo tôi không còn quan trọng nữa.
Cuối cùng, chúc các bạn nhiều sức khỏe và gặp nhiều may mắn. Rất mong được có dịp làm quen và chia sẻ với những ai đã đọc qua bài viết này của tôi.
Chân thành,
Phạm Ngọc Duy ( duyk11@yahoo.com hoặc phamduy.edu@gmail.com )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét