PV: Từng là một giảng viên xinh đẹp nổi tiếng trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, giờ lại làm việc và định cư tại Ý - một đất nước nổi tiếng sống thọ. Đi nhiều và quan sát nhiều, chị thấy sức khỏe quan trọng thế nào?
KTS Đặng Tố Nga: Sức khoẻ là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một con người. Hầu như ai cũng biết vậy nhưng tiếc rằng không có nhiều người có ý thức giữ gìn sức khoẻ.
Tôi quan sát xung quanh và nhận thấy phần lớn những người khoẻ mạnh không chú ý tới việc chăm sóc sức khoẻ. Chỉ đến khi bị bệnh rồi mới nhận ra giá trị của sức khoẻ thì đã muộn.
Khi có sức khoẻ tốt, chúng ta sẽ hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu. Một đứa con sẽ hạnh phúc nếu cha mẹ khoẻ mạnh và ngược lại, một người vợ hạnh phúc khi có người chồng khoẻ mạnh và ngược lại.
Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi bị ốm, khi kiểm tra nhiệt độ của tôi mẹ tôi thường nói "Nào, xem có yêu mẹ không nào?". Nếu tôi đỡ sốt mẹ tôi sẽ nói "Vậy là con yêu mẹ rồi đấy!". Đó chỉ là cách nói đùa nhưng tôi hiểu, tôi khoẻ mạnh có nghĩa là tôi thương mẹ, không để mẹ phải lo lắng. Chính vì thế mà tôi có ý thức giữ gìn sức khoẻ ngay từ nhỏ.
Khi có sức khoẻ tốt, chúng ta có thể làm được mọi việc, từ việc chân tay đến việc trí óc. Một cái cây khoẻ mới cho nhiều trái ngọt. Cây bệnh làm sao có trái ngọt? Tôi nhận thấy rõ điều này khi tôi bị ốm, hiệu quả công việc giảm đi rất nhiều.
Khi ta không khoẻ, ta không thể giúp đỡ mọi người xung quanh, thậm chí không thể yêu thương vì yêu thương không chỉ thể hiện ở ý nghĩ và lời nói, mà phải thể hiện ở sự có mặt và hành động của bạn. Nếu bạn ốm yếu, bạn làm sao có thể chạy tới bên người thân khi họ cần có bạn? Làm sao bạn có thể giúp đỡ chăm sóc họ khi họ ốm đau?
PV: Có câu nói nổi tiếng "Một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh", nhấn mạnh rằng phải có thể lực tốt thì chúng ta mới có suy nghĩ sáng suốt để thực hiện những việc lớn lao. Chị thấy điều này đúng không?
KTS Đặng Tố Nga: Nhìn chung xã hội hiện nay thường ỷ lại vào thuốc, vào bác sĩ. Họ coi cơ thể mình như một cỗ máy, hỏng bộ phận nào thì có thể đến thợ cơ khí thay hoặc sửa bộ phận đó. Nhưng thực tế không phải vậy.
Bác sĩ nổi tiếng của Ý Umberto Veronesi đã nói: "Ai cũng nghĩ rằng y học hiện đại kéo dài tuổi thọ của con người, thực tế là y học hiện đại chỉ kéo dài được thời gian bệnh tật do xã hội hiện đại gây ra mà thôi. Chính tôi là một bác sĩ và tôi có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học trong suốt 30 năm nay và tôi hiểu rằng: Nếu chúng ta có một cuộc sống lành mạnh hạnh phúc, gần gũi với thiên nhiên, suy nghĩ lạc quan, ăn sạch uống sạch thì chúng ta không cần đến bác sĩ và chúng ta có thể sống đến 120 tuổi."
Tôi rất thích câu "Một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khoẻ mạnh" (Mens sana in corpore sano - trong cuốn Satire X của nhà thơ La Mã Juvenal). Cơ thể phải khoẻ mạnh thì trí tuệ mới minh mẫn được. Khi cơ thể ốm yếu mệt mỏi ta không thể suy nghĩ một cách sáng suốt được. Chỉ đơn giản như đau đầu, đau bụng hay đau răng thôi ta đã thấy rõ lúc đó trí tuệ bị suy giảm như thế nào.
Tôi là người làm việc trí óc rất nhiều, nên tôi hiểu sự cần thiết phải có một cơ thể khoẻ mạnh để vận hành trí não được tốt nhất. Chính vì vậy việc chăm sóc sức khoẻ là quan trọng hàng đầu đối với tôi.
PV: Nhìn ngắm chị, nhiều người khen rằng chị đang là "phiên bản" tốt hơn chính mình của 20 năm trước: Khỏe mạnh hơn, quyến rũ hơn, cơ thể đẹp hơn, cuộc sống tròn trịa hơn… Kết quả này dựa trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe nào?
Tôi có 3 nguyên tắc để giữ sức khoẻ, đó là:
(1) Thực phẩm tốt cho sức khoẻ
Hippocrates, nhà bác học Hy lạp đã nói rằng "Hãy để thức ăn là thuốc, và thuốc chính là thức ăn của bạn". Tôi thường chọn thực phẩm hữu cơ, tôi không ăn đường, không ăn thịt đỏ, nói chung là hạn chế ăn thịt. Ăn nhiều rau quả tươi nhất có thể. Tôi không ăn thức ăn nhanh, các loại thức ăn chế biến sẵn...
(2) Tinh thần vui tươi lạc quan
Stress là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nhiều bệnh, nhất là bệnh ung thư. Vì vậy tôi không bao giờ để mình rơi vào tình trạng căng thẳng. Kiếm tiền không phải là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời tôi. Tôi không có nhiều nhu cầu cần đến nhiều tiền nên tôi không cố hết sức để kiếm tiền.
Đi dạo trong công viên, chạy thể dục quanh hồ, leo núi...cùng với những nụ cười, tất cả đều miễn phí và rất tốt cho sức khoẻ, làm cho ta có một tinh thần sảng khoái. Tôi luôn tránh những người có tâm lý tiêu cực vì tâm lý tiêu cực có khả năng lây nhiễm rất cao.
(3) Hoạt động thể chất ở ngoài thiên nhiên
Với tôi, thiên nhiên vô cùng quan trọng cho cả thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy tôi luôn chọn các môn thể thao ngoài trời như: Cưỡi ngựa, leo núi, chạy bộ, đi bộ, bơi lội, tennis... Vừa rèn luyện thể chất, vừa vui chơi giải trí và hít thở không khí trong lành. Thiên nhiên luôn mang lại cho ta rất nhiều năng lượng.
PV: Người ta nói rằng nhìn vào lịch trình mỗi ngày của một người có thể thấy được dự báo về sức khỏe của họ trong tương lai. Vậy, một ngày của chị diễn ra như thế nào?
KTS Đặng Tố Nga: Mỗi đêm tôi ngủ 8 tiếng, từ 10.30 tối đến 6.30 sáng. Làm việc 7 tiếng. Vậy là mất 15 tiếng mỗi ngày rồi. 9 tiếng còn lại tôi dành riêng cho con cố định 2 tiếng (có thể nhiều hơn chứ không ít hơn). 3 bữa ăn (kể cả nấu nướng) 3 tiếng. Vậy tôi có 4 tiếng cho các đam mê của mình, luân phiên nhau mỗi ngày: Đọc sách, thể thao, cưỡi ngựa, khiêu vũ, cắm hoa, đi dạo trong thiên nhiên.
Cuối tuần tôi thường đi dã ngoại với gia đình. Nói chung là tôi ưu tiên cho các hoạt động ngoài trời.
Hiện tại tôi là một kiến trúc sư tự do, tôi nhận các công việc thiết kế rồi làm việc ở nhà và trao đổi qua internet chứ không phải thường xuyên đến văn phòng. Vì vậy, nếu trời không mưa, tôi mang máy tính ra công viên sau nhà để ngồi làm việc. Tôi cảm thấy khi ở ngoài trời, tôi suy nghĩ và sáng tạo nhiều hơn khi ở trong nhà.
Bạn bè gọi tôi là "Kiến trúc sư sống ở ngoài trời" với ý trêu tôi là: Người thiết kế nhà nhưng lại không thích ở trong nhà.
Mỗi buổi chiều, tôi thường cùng với chồng tôi đi bộ dọc bờ sông ít nhất 1 tiếng. Chúng tôi cùng nhau cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên với nhiều âm thanh và màu sắc khác nhau.
Chúng tôi nói chuyện với nhau về cuộc sống, trao đổi với nhau về những cuốn sách mà mỗi người đã đọc... Chỉ có một giờ đồng hồ thôi thấy mình thật hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
PV: Các bác sĩ nói: Khi ăn, nếu tất cả các giác quan của bạn đều hoạt động thì mới là một bữa ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Đó có phải là lý do chị dành nhiều thời gian để nấu nướng, bày biện món ăn đẹp mắt như vậy?
KTS Đặng Tố Nga: Thực ra thì tôi không dành nhiều thời gian để nấu ăn đâu. Mỗi bữa tôi thường nấu từ 30-45 phút. Đặc thù nghề nghiệp giúp tôi có thể "thiết kế" bữa ăn của mình sao cho hợp lý về thời gian, đầy đủ về dưỡng chất và bài trí đẹp mắt.
Tôi rất thích nấu ăn nên khi đi trên đường, lúc đợi taxi hoặc trước khi đi ngủ, tôi thường tranh thủ nghĩ trước xem bữa tới nấu món gì, sắp xếp ra sao...
Tôi rất thích bài trí món ăn hài hoà về màu sắc, vì sự ngon miệng đến từ cái nhìn đầu tiên cũng có tác dụng sản sinh ra hormone hạnh phúc. Tuy nhiên tôi không cầu kỳ tỉa hoa lá như ở nhà hàng, mà tôi chỉ dùng chính món ăn đó cùng với bát đĩa để sắp đặt sao cho hấp dẫn và sinh động thôi.
PV: Là một kiến trúc sư - công việc tưởng chừng như thuộc về nam giới, nhưng chị lại sở hữu vẻ bề ngoài nữ tính, vóc dáng gợi cảm như "hoa hậu". Chị có phải nỗ lực lắm không?
KTS Đặng Tố Nga: Thực sự là tôi không nỗ lực duy trì vóc dáng, không nỗ lực tập luyện cho dáng đẹp mà tôi chỉ rèn luyện sức khoẻ thôi. Nhưng nhờ bản tính thích hoạt động của tôi mà cơ thể tôi không có nhiều mỡ thừa.
Quan điểm của tôi là muốn giải phóng mỡ thừa thì phải giải phóng tâm hồn trước. Ai cũng biết rằng về mặt sinh học stress là nguyên nhân số 1 gây béo phì. Đấy là chưa kể về mặt tâm lý, khi stress, từ vô thức chúng ta luôn tìm một cái gì đó để ăn nhằm quên đi sự việc mà ta cảm thấy khó chịu. Để giải toả stress thì vận động thể chất là cách tốt nhất.
PV: Chị có cuộc hôn nhân hạnh phúc gần 2 thập kỷ, theo chị thì tình dục có vai trò thế nào trong đời sống vợ chồng, tác động tới sức khỏe tinh thần ra sao?
KTS Đặng Tố Nga: Theo tôi, tình dục rất quan trọng trong đời sống hôn nhân. Tình yêu và tình dục có một mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Để có một hôn nhân hạnh phúc lâu bền thì tất nhiên cần phải có tình yêu. Nhưng tình yêu ấy cần phải được tình dục nuôi dưỡng. Một đời sống tình dục hoà hợp sẽ giúp vợ chồng gắn bó chặt chẽ hơn.
Các khảo sát của Tiến sỹ Geoff Hackett - chuyên gia hàng đầu trong tình dục học và cựu chủ tịch của Hiệp hội tình dục học Anh (BSSM) cho thấy, việc thiếu tình dục trong quan hệ là nhân tố hàng đầu của sự đổ vỡ hôn nhân. Đời sống tình dục lành mạnh là một trong những nhân tố quan trọng nhất làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền lâu.
Tình dục thăng hoa làm sản sinh ra endorphin, là một loại hormone hạnh phúc, có tác dụng tạo ra những cảm xúc tích cực, giúp cải thiện tâm trạng và đặc biệt là liều thuốc giảm đau hoàn toàn tự nhiên cho cơ thể. Endorphins làm giảm nhận thức của bạn về nỗi đau và tạo ra một cảm giác hưng phấn, vui vẻ, với những suy nghĩ tích cực và niềm tin về cuộc sống.
Trong quá trình xây dựng niềm hạnh phúc, chất này sẽ giúp con ngươì củng cố thể lực và cảm thấy tràn đầy năng lượng.
PV: Cuộc sống của chúng ta không nằm ngoài hai chữ "Tình yêu" ở mọi thời điểm và góc độ khác nhau trong đời. Chị có nghĩ rằng tình yêu giúp cho mình sống khỏe mạnh và tích cực hơn không?
KTS Đặng Tố Nga: Tình yêu cũng sản sinh ra các hormones hạnh phúc. Đó là Oxytocin và Serotonin.
Serotonin được kích hoạt khi con người nhận được lời khen, được công nhận, được tin tưởng. Ai cũng muốn được trọng dụng, ai cũng muốn làm cho những người đã yêu thương và tin tưởng mình được tự hào và hạnh phúc. Vì vậy khi có tình yêu, mỗi người sẽ cảm thấy mình có giá trị với người kia.
Oxytocin là một loại hormone mà não sẽ tự động sản sinh bất cứ khi nào bạn thực hiện hành vi âu yếm, ôm ấp và các tương tác gần gũi khác về mặt cơ học.. Vì vậy oxytocin còn được gọi là hormone của tình yêu.
Serotonin và Oxytocin kết hợp cùng nhau sẽ cho con người cảm giác được sống trong một mối quan hệ đầy tình yêu và niềm tin tưởng. Cảm giác này đưa họ đến một trạng thái hạnh phúc tột độ, hình thành sự đồng cảm và gắn kết sâu sắc giữa hai phía.
Mục đích cuối cùng của cuộc sống là hạnh phúc. Mọi nỗ lực của con người đều xuất phát từ khát vọng đạt được hạnh phúc. Có tất cả 4 loại Hormones hạnh phúc: Endorphin, Oxytocin, Serotonin và Dopamine thì tình yêu và tình dục đã chiếm 3 loại rồi. Qua đây chúng ta thấy tầm quan trọng đối với sức khoẻ tinh thần của tình dục và tình yêu như thế nào.
PV: Nhiều ngôi sao nổi tiếng giữ cho mình "già đi một cách tự nhiên" trong khi nhiều cô gái trẻ lại rất "tích cực" phẫu thuật thẩm mỹ. Chị có khuôn mặt đẹp vô cùng tự nhiên, liệu có bao giờ chị nghĩ đến việc thay đổi dung nhan nhờ dao kéo?
KTS Đặng Tố Nga: Tôi là người yêu thiên nhiên và theo chủ nghĩa tự nhiên. Bao nhiêu năm tôi chỉ có một kiểu tóc, không bao giờ uốn nhuộm hay làm bất cứ điều gì trừ việc cắt đi 30-40cm mỗi năm. Tôi thậm chí còn không tỉa lông mày.
Trước đây tôi thắc mắc không hiểu phụ nữ làm phẫu thuật thẩm mỹ là để làm gì và cho ai? Liệu với mi giả, môi giả, ngực giả thì phụ nữ có tìm được người đàn ông đích thực hay không?
Nhưng khi phong trào phẫu thuật thẩm mỹ lên cao với nhiều công nghệ mới, nhiều bạn bè xung quanh tôi bắt đầu thử nghiệm thì tôi nhận thấy rằng phẫu thuật thẩm mỹ làm họ trở nên tự tin hơn dù với cách nhìn của tôi họ không đẹp hơn.
Tôi nghĩ sự tự tin làm phụ nữ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Có nhiều người phụ nữ không đẹp, nhưng họ rất tự tin và có nhiều đàn ông theo đuổi. Paris Hilton nói rằng "Một người phụ nữ trông như thế nào không phải là vấn đề, chỉ cần cô ấy tự tin thì cô ấy sẽ luôn gợi cảm bất chấp tuổi tác".
PV: Khi sống và làm việc tại nước ngoài, chị thấy việc chăm sóc sức khỏe của họ có khác người Việt chúng ta nhiều không?
KTS Đặng Tố Nga: Trước đây thì có sự khác biệt rõ rệt về sự chăm sóc sức khoẻ giữa phụ nữ châu Âu và phụ nữ Việt Nam. Nhưng hiện nay phụ nữ Việt Nam đã để ý chăm sóc sức khoẻ hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, phụ nữ châu Âu họ có cái gốc, cái truyền thống về bổ sung kiến thức sức khoẻ nên họ không bị hoang mang giữa hàng trăm nghìn thông tin khác nhau như chúng ta. Các phương pháp chăm sóc sức khoẻ được kiểm chứng qua nhiều đời nên họ tự tin đi theo. Chính vì vậy mà họ rất năng động và linh hoạt trong việc rèn luyện thể chất.
Ở công viên, tôi nhìn thấy nhiều lứa tuổi khác nhau từ thiếu niên cho tới người già chạy thể dục, trong khi ở ta thì đa số là những người tầm tuổi trung niên trở lên, tức là những người bắt đầu nhận thấy dấu hiệu của sự đi xuống của sức khoẻ thì họ mới ráo riết và chăm chỉ tập luyện hơn.
PV: Cuối cùng, chị có gợi ý gì để chúng ta có thể cùng khỏe mạnh hơn mỗi ngày?
KTS Đặng Tố Nga: Như ý chính của tôi, xuyên suốt từ đầu bài cho tới giờ: Điều quan trọng nhất là phải có một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khoẻ mạnh.
Muốn vậy, chúng ta cần cân đối thời gian cho hoạt động thể chất và công việc. Tôi nhớ mãi lời của Bác sĩ Samuel Hahnemann (1755-1843) là người phát minh ra phương pháp chữa bệnh "Vi lượng đồng căn".
"Chúng ta cần bao nhiêu tiền cho cuộc sống? Cần bao nhiêu đồ ăn thức uống để không chết đói chết khát? Bao nhiêu quần áo để đủ ấm? Ít hơn nhiều so với những gì chúng ta lo lắng. Sự khôn ngoan sẽ đem lại cho chúng ta sức khoẻ mà không cần tới sự giúp đỡ của thuốc men".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét