Những ngày này, khắp mạng xã hội đều chia sẻ câu chuyện một cậu học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP.HCM) chọn cách quyên sinh vì "con đã không đáp ứng kỳ vọng của gia đình...".
Dư luận quy trách nhiệm cho nhà trường vì áp dụng "kỷ luật sắt", người thì đổ lỗi do bố mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con, cũng có ý kiến cho rằng chính nam sinh ấy vì không đủ mạnh mẽ để vượt qua chính bản thân nên mới chọn cách giải thoát như thế.
Thế nhưng bản chất của vấn đề này là gì? Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn chia sẻ của chị Thanh Hương (Hà Nội), một người mẹ có cậu con trai trạc tuổi nam sinh xấu số kia. Và những điều mà Hữu Đức - con của chị ấy làm thực sự rất lớn lao so với độ tuổi đó.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 1.
Hữu Đức và mẹ của mình. (Ảnh: Kang Tran)
Năm lớp 7, Hữu Đức khi mới 13 tuổi đã có thể tự tổ chức một hội chợ ăn chay bằng song ngữ Anh - Việt thu hút 1000 người tham gia. Cậu bé này cũng đã ăn chay trường nhiều năm nay. Ở độ tuổi 15, khi bạn bè cùng trang lứa vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn, cậu đã dám dứng ra thực hiện một dự án kết nối với ĐSQ Mỹ về việc nên thắt chặt luật sử dụng súng tại Mỹ, giảm thiểu tối đa việc xả súng vào các trường học, gây ra những tai nạn thương tâm cho các học sinh.
Mỗi lần nhắc đến con mình, chị Thanh Hương vẫn thường tự hào: "Chị thực sự may mắn, rất may mắn vì có một đứa con trai như Đức."
Những chia sẻ về câu chuyện dạy con dưới đây của chị ắt hẳn rất nhiều ông bố bà mẹ và cả những người trẻ sẽ nhìn thấy mình ở trong đó.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 2.
Hai mẹ con rất thân nhau nên có thể chia sẻ và thấu hiểu mọi chuyện.
Không thể đổ lỗi việc này cho bất cứ ai cả. Điều cần làm là bố mẹ nên xem lại cách giáo dục con mình
Khi đọc được tin cậu bé tự tử vì áp lực học hành, cảm giác của mình rất buồn và nặng nề. Thậm chí mình phải để đến hôm sau mới đọc chứ không dám đọc một mạch hết câu chuyện.
Mọi thứ phải là một quá trình, bố mẹ nên làm bạn với con để hiểu con sâu hơn. Nhưng không phải để con tự do muốn làm gì thì làm. Con cái phải được tự do trong khuôn khổ. Chính chúng ta ra ngoài xã hội phản ánh tại sao bắt học sinh học thêm nhiều thế nhưng về nhà, cũng chính họ ép con cái đi học rất nhiều. Điều đó thực sự đã cướp mất tuổi thơ của con. Con cái không có lối thoát nào để cân bằng mọi thứ.
Sự việc xảy ra không thể đổ lỗi cho gia đình, nhà trường, thầy cô giáo hay bất cứ ai cả. Chính bản thân các em không thể vượt qua và phải tìm đến cái chết. Nhiều em gặp phải tình trạng tương tự nhưng đủ mạnh mẽ, đủ tỉnh táo để biết mình phải làm gì. Mà những điều này, gia đình, bố mẹ phải rèn luyện từ bé cho con. Giáo dục gia đình là cội nguồn, nền tảng.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 3.
Mọi người chỉ nghĩ đến việc đưa con vào nhà trường, thầy cô phải có trách nhiệm dạy dỗ và nuôi dạy con thành người. Một đứa trẻ sinh ra, mình nuôi nó bao nhiêu năm, nó đã định hình tính cách từ nhỏ, không thể đùng một cái đưa con vào trường học và trường có thể dạy con thành một người khác được.
Không phải cứ có nhiều tiền, vứt con vào một ngôi trường tử tế là xong. Không thể nghĩ mọi trách nhiệm là do nhà trường, con hư là do nhà trường. Bố mẹ phải dành thời gian cho con. Đừng để khi ngoảnh lại con không còn bên mình nữa.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 4.
Trường hợp này không phải trường hợp đầu tiên, đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trước đây. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh thực sự cho các ông bố bà mẹ. Thay vì chúng ta chờ đợi xã hội thay đổi thì chính bố mẹ phải tự thay đổi tư tưởng trong gia đình, tự thay đổi quan điểm cá nhân. Chính bố mẹ là người có thể hành động đầu tiên, giúp các con có một cuộc sống thoải mái để tìm kiếm những đam mê thực sự.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 5.
Sự việc này là hệ lụy của rất nhiều thứ. Nhưng chung quy lại chính là cách dạy dỗ của bố mẹ. Các con thường có một tâm lý sợ hãi, không dám làm bạn với bố mẹ, không dám chia sẻ vì càng chia sẻ bố mẹ càng kỳ vọng. Giáo dục gia đình là nền tảng, giúp đứa trẻ hình thành nhân cách, tư tưởng. Bố mẹ phải rất hiểu con, nâng đôi cánh của con lên. Để các bạn ấy tự bơi trong quãng thời gian trưởng thành, các bạn ấy sẽ loạng choạng và ngã ngay.
Ở Việt Nam, bố mẹ thường chia thành 2 phái: Một là kỳ vọng, áp đặt, bắt buộc con làm theo ý mình. Hai là thả cho con muốn làm gì thì làm. Cả 2 cách này đều rất nguy hiểm. Phải thực sự bên con để hiểu con, để kịp thời giúp con khi con có những bước đi sai lầm.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 6.
Việc con học trường gì, chọn nghề gì, làm gì sau này là tương lai, là lựa chọn của con. Chỉ đơn giản, mẹ ở bên con đủ lâu thì mẹ nghĩ là sẽ hợp với cái gì. Đó giống như định hướng. Nhưng nếu con không thích, thì bố mẹ không nên áp đặt.
Bố mẹ đang để những giấc mơ dang dở của bản thân thành những kỳ vọng trên cuộc đời của chính những đứa con
Khi một đứa con ra đời, chắc chắn ai trong chúng ta cũng mang trong mình tình yêu vô bờ bến với các con. Và dồn hết tình yêu đó vào yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ chúng, nó không chỉ là tình yêu, mà còn là những khát khao, hoài bão của chính cuộc đời của chúng ta ở trong đó. Những ước mơ chưa thành, những con đường chưa đi hết. Và vô hình chung, những giấc mơ đó được tiếp tục kỳ vọng trên cuộc đời của chính những đứa con.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 7.
Ngày nhỏ, con trai mình - Ổi (tên ở nhà của Đức) - từng rất nhút nhát. Vì biết đấy là điểm yếu của con, nên mình đã cùng con tham gia rất nhiều các CLB MC, vẽ, múa hát, thậm chí dance sport…. Mình cũng mong muốn con sẽ là người thông minh, đàn hay, nhảy đẹp. Đúng chuẩn một chàng trai đa tài. Khi tham gia các hoạt động như vậy, dần dần con không còn nhút nhát nữa, thậm chí rất dạn. Nhưng trong quá trình bên con, mình phát hiện ra Ổi không có thích đàn hát. Mình cho nghỉ học piano. Ổi không thích học vẽ. Mình cho dừng lớp vẽ. Nhưng Ổi lại đặc biệt thích tiếng Anh, và cùng với đó, mình phát hiện khả năng ngôn ngữ của con rất tốt. Tuy còn nhỏ, nhưng Ổi ăn nói rất lưu loát, biết diễn đạt rất tốt những mong muốn của mình, và thể hiện tình cảm với người khác. Vậy là mình cho con tập trung học tiếng Anh và các kỹ năng mềm.
Sau đó, mình cho Ổi học trường Quốc tế. Ngày đấy rất nhiều người hỏi mình, cho con học trường Quốc tế thì thế nào? Liệu sau này nếu không học nữa thì ra các trường Việt Nam học được không? Và có một bộ phận không nhỏ nghĩ học trường quốc tế là dốt, học nhàn lắm…Mọi người đừng suy nghĩ thế. Không chính xác. Tất cả là sự lựa chọn. Và tất nhiên trước khi lựa chọn, bạn phải biết bạn muốn gì ở con bạn.
Với Ổi, vì mình đã song hành cùng con và đủ lâu để biết Con sẽ phát triển được tốt nhất trong môi trường học mở, khuyến khích sự sáng tạo. Và tất nhiên, ngay từ đầu mình lựa chọn là con sẽ đi du học. Vậy thì trường quốc tế là môi trường tốt nhất (chứ không phải là duy nhất) để con phát triển theo hướng mình chọn. Tiếp theo lựa chọn là sự kiên định với lựa chọn đó. Tại thời điểm đó, gia đình mình cũng có nhiều người không đồng ý với việc Ổi học Quốc tế. Thứ nhất là chi phí đắt, thứ 2 mọi người không thấy yên tâm.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 8.
Trong những lần trao đổi có cậu còn hỏi mình "Thế nếu sau này chẳng may vì lý do gì đó, Ổi không đủ khả năng học đại học, thì cháu sẽ quyết định như thế nào?". Mình rất tự tin trả lời "Cháu sẽ cho Ổi học cao đẳng, hoặc học nghề". Mà mình sẽ làm thế thật. Nếu một đứa trẻ không có khả năng học, mà biết đâu nó có khả năng bóng đá, bơi lội hay đầu bếp…thì hãy cho các con cơ hội để được phát huy tốt nhất các thế mạnh của mình. Ở Việt Nam mình, khoa học căn bản luôn được tôn vinh, nên cứ phải giỏi Toán Lý Hóa mới là giỏi. Đâu có phải thế.
"Mẹ ơi, làm ơn đừng bắt con phải thành bản sao của một bạn nào đấy"
Ổi không thích Toán và Khoa học, mặc dù điểm vẫn đạt A nhưng con luôn nói con không hứng thú. Nhưng con lại luôn đạt A+ ở các môn liên quan đến sáng tạo (Công nghệ thông tin, lập trình, Nghệ thuật…) hoặc liên quan đến ngôn ngữ. Ổi là người không chịu được gò bó, mà con sẽ chỉ phát triển tốt nhất trong một môi trường đủ cởi mở, thoải mái để con có thể thỏa chí phát huy năng lực của mình. Mình cũng đã từng ngồi trao đổi với Ổi là tại sao con không tham gia kỳ thi toán này, toán nọ như bạn A, bạn B… Và đã từng bị Ổi ngồi "góp ý" rất thẳng thắn: "Mẹ, làm ơn đừng bắt con phải thành bản sao của bạn nào đấy. Con không tham gia vì con không thích toán. Cũng như các bạn có thể không tham gia được vào các hoạt động mà con đang làm, vì các bạn không thích. Mẹ đừng kỳ vọng và bắt ép con phải thích những thứ con không thích." Và đấy là lúc mà mình nhận thức được sâu sắc về khái niệm yêu thương không kỳ vọng.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 9.
Khi bạn yêu con bạn, nghĩa là bạn hãy dành thời gian cho con, hiểu được con; để phát huy điểm mạnh và giảm thiểu điểm yếu. Để cho con được là con nhưng ở phiên bản tốt nhất của chính con, chứ không phải đào tạo và kỳ vọng con thành một ai đó khác. Đừng kỳ vọng con sẽ trở thành ông nọ bà kia, vì suy cho cùng hạnh phúc của con người đơn giản lắm. Nó không nằm ở việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, bạn làm chức vụ gì, hay bạn có bao nhiêu nhà xe. Mà nó thực sự nằm ở việc bạn đã sống một cuộc sống thế nào. Bạn chỉ có một cuộc đời để sống, nên hãy sống cuộc đời đó một cách trọn vẹn nhất, có ý nghĩa nhất, làm những điều bạn mơ ước nhất; chứ đừng lãng phí nó chỉ để làm hài lòng người khác. Và giống như bạn, con bạn cũng cần được như thế.
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 10.
"Con phải bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng"
Hôm vừa rồi mình được nghe bài phát biểu của ông John Roberts là thẩm phán cao nhất của Mỹ trong buổi dự lễ tốt nghiệp của con trai. Bỏ qua việc ông ấy là ai, mình chỉ nhìn thấy đây là một người cha tuyệt vời và cảm thấy sự sâu sắc trong từng lời ông dạy con: "Ta hy vọng con sẽ bị đối xử bất công, bởi chỉ có như vậy con mới có thể cảm nhận được giá trị của sự công bằng. Ta hy vọng con có thể nếm trải một chút mùi vị của sự phản bội, bởi chỉ có như vậy con mới có thể lĩnh hội được tầm quan trọng của sự chân thành. Ta hy vọng con có thể gặp xui xẻo liên tục, bởi chỉ có như vậy con mới hiểu được ý nghĩa của may mắn trong đời, hiểu được sự thành công mình có lẽ chỉ là do vận may, và sự thất bại của người khác cũng không phải là đáng đời...".
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 11.
Thực ra đó cũng là những gì mẹ con mình thường nói, về những bài học cuộc sống. Và làm thế nào để ta có sống một cuộc sống của chính ta, mà không phải chỉ để hài lòng ai đó. Khi con ngày càng trưởng thành, những câu chuyện của mẹ con mình hàng ngày đều là những câu chuyện cuộc sống và những người xung quanh. Mẹ không muốn dạy con những bài học cao siêu, về một thế giới toàn người tốt và những điều ngọt ngào. Bởi điều đó không có thật. Mẹ luôn muốn con - bằng chính trái tim nồng hậu, đầy yêu thương của con, hãy tự cảm nhận và khám phá thế giới theo cách của riêng mình.
Con có thể thành công, con có thể thất bại, nhưng quan trọng là con hãy sống cuộc sống của chính con, theo cách của con; mà không phải chỉ đơn thuần là làm bố mẹ hay bất cứ ai hài lòng. Hãy làm những gì con thực sự mong muốn, với tất cả đam mê cháy bỏng và sự kiên định của mình. Chỉ có thế con mới thực sự trưởng thành, và có thể thành công trong lĩnh vực con yêu thích. Chỉ có thế con mới có thể là chính con, mà không phải là bất cứ ai trong cuộc sống bao la này - một cách trọn vẹn hạnh phúc nhất.
Con có là ai với mẹ không quan trọng, điều quan trọng nhất là hãy trở thành một người mà con thực sự mong muốn và cảm thấy hạnh phúc khi là chính mình
Nhớ lại có lần hồi cấp 1, Ổi hỏi "Mẹ ơi con làm gì để mẹ hạnh phúc?". Mình trả lời "Mẹ sẽ chỉ hạnh phúc khi thấy con hạnh phúc". Ổi hỏi tiếp "Thế nếu sau này lớn lên con chỉ làm đầu bếp thì mẹ có vui và tự hào không?". Mình nhớ rất rõ lúc đó mình ôm Ổi vào lòng, "Ổi ngốc nghếch của mẹ, con có là ai với mẹ không quan trọng, điều quan trọng nhất là hãy trở thành một người mà con thực sự mong muốn và cảm thấy hạnh phúc khi là chính mình; làm nghề gì cũng không quan trọng, quan trọng là con hãy làm công việc đó bằng tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết và sức lực của mình. Hãy sống mà không bao giờ phải hối tiếc".
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 12.
Bố mẹ đang đặt gánh nặng Danh dự gia đình, Thể diện xã hội lên vai con
Mình thấy có rất nhiều bố mẹ đang mắc một sai lầm rất lớn, là quàng lên vai con gánh nặng của chính bản thân họ. Gánh nặng mang tên Danh dự gia đình, gánh nặng mang tên Thể diện xã hội. Nhiều khi mọi người mải miết chạy theo xu hướng cho con học trường chuyên lớp chọn, rồi đàn ca sáo nhị, rồi bóng rổ bóng đá,... Nếu như điều đó là mong muốn thật, là sở thích thật của các con thì không nói. Nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta đã dám tự dừng lại để tự hỏi chính mình, và các con mình "Đâu là điều con thực sự mong muốn? Giấc mơ của con là gì? Hay chúng ta cứ lái các con trên cánh diều mang tên Ước mơ mà chúng ta còn đang lỗi hẹn? Đặt lên vai các con gánh nặng mang tên Kỳ vọng mà chính chúng ta còn đang dang dở?".
Chia sẻ của một người mẹ về áp lực học đường: Đừng để giấc mơ dang dở của chính mình thành kỳ vọng trên cuộc đời những đứa con - Ảnh 13.
Nói thế mình mới lại thấy, không phải vì chúng ta là cha mẹ, mà chúng ta luôn đúng và áp đặt được các con. Chính bản thân mình phải học rất nhiều từ Ổi. Từ góc nhìn nhân sinh quan còn vô cùng trong sáng và rộng mở của con. "Mummy, mẹ phải biết ai cũng có những điểm mạnh của mình, họ luôn có điểm giỏi theo cách họ mong muốn, không phải cách chúng ta nhìn thấy. Nên đôi khi mẹ chỉ cần nhìn một con người qua một cách khác khác, mọi thứ đã không như mẹ nghĩ." Hoặc giả, Ổi thường xuyên phê bình mình vì tội khen ai đó giỏi chơi bóng, hoặc kém chơi đàn. Vì theo Ổi, mỗi người có một sở trường riêng: "Mẹ đừng bắt ai cũng biết chơi bóng rổ, hoặc ai cũng phải giỏi đàn. Vì đấy không phải sở thích của họ. Khi ai đó thực sự thích điều gì, họ tự sẽ biết cách để giỏi nhất".
Cha mẹ phải thực sự làm bạn và dành thời gian cho con nhiều hơn. Chăm sóc một mối quan hệ cũng cũng giống như chăm sóc một cái cây. Phải có thời gian để nó lớn lên, không thể sau một đêm cây lớn lên được.
Giữa bố mẹ và con cái có khoảng cách quá lớn về tuổi tác, quan điểm, thế hệ, việc làm bạn với con không phải là việc ngày 1 ngày 2. Bố mẹ phải kiên nhẫn, từng bước một gần với con hơn, hiều con hơn. Khi bố mẹ chủ động chia sẻ với con thì tự khắc con cũng sẽ chia sẻ với bố mẹ.
Source: http://kenh14.vn/chia-se-cua-mot-nguoi-me-ve-ap-luc-hoc-duong-dung-de-giac-mo-dang-do-cua-chinh-minh-thanh-ky-vong-tren-cuoc-doi-nhung-dua-con-20180413205020939.chn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét