Cảnh sống 'ác mộng' của giới trẻ tại địa ngục trần gian Syria
Giới trẻ Syria suốt 7 năm qua chỉ có hai con đường sống: rời bỏ quê hương để lánh nạn hoặc chấp nhận chung sống với bom đạn chiến tranh.
Tối ngày 13/4 giờ địa phương, tổng thống Mỹ - Donald Trump - ra lệnh không kích Syria nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thành phố Douma, Syria diễn ra vào ngày 8/4. Tuyên bố của ông Trump đã dấy lên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng quốc tế khi Anh, Pháp hết sức ủng hộ quyết định tấn công, còn Nga và Israel thì phản đối kịch liệt.
Trước khi làm dậy sóng đấu trường chính trị, Syria được cả thế giới biết đến với cuộc nội chiến thảm khốc bắt đầu từ năm 2011 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nguyên nhân của những cuộc chiến tranh tàn khốc ở đất nước Trung Đông này bắt nguồn từ những tranh chấp về quyền lực và quan điểm của các giáo phái Hồi giáo.
Sau khi thánh Mohamed quy tiên, các tín đồ Hồi giáo nảy ra cuộc tranh cãi về việc bố vợ và con rể của Mohamed, ai xứng đáng trở thành người "nối ngôi". Do không bên nào chịu nhượng bộ, Hồi giáo chia ra làm hai bè phái chính. 90% tín đồ Hồi giáo lựa chọn đi theo bố vợ của nhà tiên tri và lập ra giáo phái Sunni, những người đi theo con rể của Mohamed lập ra giáo phái thứ hai tên là Shia.
Tổng thống Syria, Bashar al-Assad.
Ngoài hai giáo phái chính, Hồi giáo cũng phân ra rất nhiều các nhánh nhỏ. Ở Syria, đa số người dân thuộc phái Sunni trong khi đương kim tổng thống Bashar al-Assad lại là tín đồ của giáo phái Alawite, một nhánh của Shia. Bất mãn với chế độ độc tài của Assad và những xung đột liên quan đến tôn giáo, một số tín đồ cực đoan bên giáo phái Sunni đã nổi dậy hòng lật đổ chính quyền Assad.
Từ đó, cuộc nội chiến Syria với sự đối đầu căng thẳng giữa phe cầm quyền thuộc phái Hồi giáo Shia dòng Alawite và phe nổi dậy thuộc giáo phái Sunni chính thức bắt đầu và kéo dài cho đến tận ngày nay, gây ra bao hậu quả khủng khiếp với người dân vô tội của đất nước này mà trong đó nạn nhân khủng khiếp nhất chính là các thanh thiếu niên, những đối tượng "sinh ra ở thời bình, nhưng sống trong thời loạn".
Làm bạn với bom đạn, bị thương nhiều như cơm bữa
Vùng Đông Ghouta ở Syria được xem là thánh địa tử thần của Syria, nơi diễn ra hàng loạt cuộc chiến giữa hai phe phái Sunni và Shia. Để bảo toàn tính mạng của bản thân và gia đình, nhiều người dân đã chọn cách rời bỏ quê hương và sống tị nạn ở nước ngoài. Những người còn lại do một vài lý do cụ thể vẫn tiếp tục bám trụ ở chảo lửa khắc nghiệt này và sống chung với làn mưa bom bão đạn hàng ngày.
Một quả bom chùm nằm trên con đường của thị trấn Douma, thuộc vùng Đông Ghouta. Bức ảnh do phóng viên Bassam Khabieh (Reuters) chụp vào ngày 5/11/2015.
Những mảnh vỡ của một đầu đạn tên lửa hạt nhân hay một quả bom chùm khổng lồ nằm rải rác trên đường phố là cảnh tượng quá đỗi quen thuộc đối với các bạn trẻ ở thị trấn Douma, thành phố Aleppo hay thủ đô Damascuscho, những vùng chiến sự khốc liệt nhất. Âm thanh dữ dội từ máy bay trực thăng, tiếng súng đạn nhả ra liên tục ngoài đường và hình ảnh đổ vỡ của các tòa nhà khi bị đánh bom đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Thay vì được tận hưởng một cuộc đời bình thường như bao người khác, giới trẻ ở các tử địa này ngày nào cũng sống trong sợ hãi, lo lắng liệu hôm nay có phải là "ngày giỗ" của mình và người thân hay không nếu chẳng may một quả bom nguyên tử vô tình rơi trúng nhà mình hay chỉ đi ra đường vài phút thôi cũng dễ dàng bị trúng một viên đạn đi lạc.
Thanh niên Syria được người dân cứu hộ sau một vụ đánh bom trên không nhằm vào thành phố Aleppo, Syria.
"Chúng tôi đang đợi đến lượt mình chết. Đây là điều duy nhất tôi có thể nói vào lúc này". Bilal Abu Salah, một thanh niên Syria 22 tuổi chia sẻ với Business Insider. Anh hiện đã kết hôn và có con nhỏ, vợ anh đang mang thai em bé thứ hai được 5 tháng.
Vật lộn mưu sinh thay vì cắp sách tới trường
Chiến tranh đã tàn phá nhà cửa, bệnh viện và trường học, khiến kinh tế của Syria rơi vào khủng hoảng. Trẻ em ở những vùng chiến sự không thể đến trường mà phải sống quanh những khu hầm dưới lòng đất để bảo toàn tính mạng. Không đi học, các em phải phụ giúp bố mẹ lao động vất vả để kiếm miếng ăn trong thời buổi loạn lạc. Trường học cũng buộc phải đóng cửa do bị tấn công hoặc trở thành căn cứ quân sự.
Một em bé bán bánh trên một con phố ở Aleppo.
Những người trưởng thành cũng phải chịu cảnh thất nghiệp, không thể kiếm nổi một công việc tử tế ở cái nơi đầy rẫy máu và súng đạn. Họ phải ra chợ bán hàng rong, lao động chân tay hay đi lính để kiếm miếng ăn nuôi miệng.
Giống như nhiều bạn trẻ ở vùng Đông Ghouta, Syria, Muhammad Najem phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ.
Cậu bé Muhammad Najem, 15 tuổi, đang sống ở vùng Đông Ghouta đã gây chấn động thế giới khi đăng tải nhiều hình ảnh và clip mô tả cuộc sống khốn khó mà những đứa trẻ như cậu đang phải chịu đựng tại nơi đây. Nổi bật trong đó là bức ảnh Muhammad đang đẩy một bao tải gỗ với dòng chú thích: "Giống như bao đứa trẻ khác ở Ghouta. Thay vì tới trường, cháu đang đi mua gỗ cho mẹ để nấu bữa trưa. Hy vọng chiến tranh kết thúc và chúng cháu sẽ được đi học trở lại".
Chịu đựng điều kiện sống khắc nghiệt
Đã phải làm quen với cảnh đầu rơi máu chảy, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng phải đối mặt với cuộc đua sinh tồn do khan hiếm nước, thực phẩm và thuốc men. Các cửa hàng rau, quả, thịt hay các tiệm thuốc, bệnh viện đều trở thành đống đổ nát hoang tàn do sức tàn phá chiến tranh. Các nguồn cung cấp viện trợ cũng khó lòng tiếp cận với những khu vực dân sinh gần chiến tuyến. Chính phủ thì mải mê dồn lực đầu tư vào quân đội và các vũ khí chiến tranh để chống lại phiến quân nổi loạn và khủng bố, để lại dân đen phải tự xoay sở từng ngày với câu hỏi ăn bằng gì, uống bằng gì.
“Các cửa tiệm bị bỏ hoang, đường phố bị tàn phá, bom đạn thì nã khắp nơi", Mohamad, một thanh niên 20 tuổi hiện đang thất nghiệp chia sẻ. "Đôi lúc tôi thấy như mình đang sống trong một bộ phim Hollywood, nhất khi tôi học được cách con người sinh tồn trong tình cảnh này".
Thịt là thực phẩm quý hơn vàng ở Syria hiện nay.
chiến tranh ở Syria
Cuộc sống của người dân vùng Đông Ghouta, Syria qua lời kể của cậu bé Muhammed Najem, 15 tuổi.
Tảo hôn và nỗi lo không chồng của các cô gái Syria
Tại Syria, tỷ lệ đàn ông con trai đang ngày càng giảm dần. Hầu hết nam giới nếu không chết trong các vụ đánh bom cảm tử cũng đều phải tham gia quân ngũ, bỏ mạng trên chiến trường. Các cô gái Syria ngoài nỗi lo bị xâm hại bởi những kẻ tàn bạo thuộc phiến quân IS còn rơi vào thảm cảnh không chồng dù đã ngoài 30 tuổi. Hôn nhân trở thành một điều xa xỉ với phụ nữ nơi đây bởi hàng ngày, họ còn phải vật lộn với nhiều vấn đề liên quan đến sống chết và miếng ăn sinh tồn.
Người dân Syria sống tại trại tị nạn Yarmouk, nơi được gọi là "địa ngục trần gian", là địa điểm tồi tệ nhất Trái đất với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
Hoàn cảnh của những cô gái Syria chọn cảnh sống tị nạn ở nước ngoài cũng chẳng sung sướng gì hơn khi đại đa số phải chấp nhận bị gả bán cho những người đàn ông ngoại quốc, thậm chí là đáng tuổi ông mình dù các cô bé chưa đủ tuổi vị thành niên. Chiến tranh đã khiến nhiều gia đình Syria phải bỏ quê để sống tị nạn ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan.
Một cuộc tảo hôn giữa bé gái Syria 12 tuổi và một người đàn ông trung niên Lebanon.
Với các gia đình có con gái, sống lưu vong ở nơi đất khách quê người thực sự khó khăn, họ chỉ có thể trông chờ vào phiếu lương thực và khoản tiền trợ cấp nhỏ nho từ Liên Hợp Quốc, người lao động chính trong nhà đa phần là đàn ông. Các bé gái tị nạn cũng hiếm khi được đến trường vì cha mẹ lo sợ các em sẽ trở thành đối tượng bị xâm hại tình dục ở xứ lạ. Không được đi học, cũng chẳng thể kiếm tiền để phụ giúp gia đình, các cô bé miễn cưỡng đồng ý kết hôn với những người đàn ông nước ngoài với hy vọng kiếm được chỗ dựa cho mình, đồng thời giúp gia đình thoát khỏi gánh nặng tài chính.
Vẫn phải tiếp tục sống và hy vọng
Đang ở độ tuổi trẻ trung, khỏe mạnh, tràn đầy sức sống nhưng phải chịu cảnh "sống không bằng chết", tương lai mù mịt, các bạn trẻ Syria vẫn không hề mất đi niềm tin và hy vọng vào một ngày mai tương sáng hơn. Làm bạn với thuốc súng, bom đạn, bị thương nhiều như cơm bữa, thiếu nước dùng và phải lao động vất vả để nuôi miệng, các bạn trẻ này vẫn cố gắng duy trì cuộc sống sinh hoạt như bình thường. Họ vẫn thức dậy vào mỗi buổi sáng, lao động chăm chỉ để kiếm cơm nuôi miệng và không quên tìm trò giải khuây để xua tan cảm xúc tiêu cực mà chiến tranh mang lại. Hình ảnh các thiếu niên Syria vui vẻ chơi đùa bên nhau, phía sau là đống đổ nát của những ngôi nhà cao tầng chính là minh chứng cho nghị lực phi thường của thế hệ trẻ Syria.
Người dân Syria ăn mừng khi đội bóng quốc gia gỡ hòa tỷ số với Australia tại lượt play-off để giành vé tham dự World Cup 2018.
Cậu bé Muhammad Najem đã thể hiện được ý chí kiên cường và tinh thần lạc quan của giới trẻ Syria khi đăng tải bức hình đang ngồi nấu ăn trong một ngôi nhà hoang tàn, đổ nát minh họa cho dòng trạng thái đầy tích cực: "Đây là những chàng trai của Ghouta! Bất chấp mưa bom bão đạn, bất chấp cái chết, bất chấp việc thiếu ăn, thiếu thuốc men, chúng tôi vẫn luôn mỉm cười".
Muhammad Najem thể hiện nghị lực sống mạnh mẽ.
Source: https://ione.vnexpress.net/projects/canh-song-ac-mong-cua-gioi-tre-tai-dia-nguc-tran-gian-syria-3736984/index.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét