My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2018

Tưởng đã quên lãng - nhưng xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn

Xiếc trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi - những đứa trẻ của 10-20 năm về trước là những chú khỉ biết đạp xe, chú chó biết đếm số, là những chiếc moto bay lượn vòng quanh đến hoa cả mắt và cả chú hề luôn pha trò chọc cười. Đi xem xiếc - với chúng tôi là một phần thưởng rất to lớn mà đôi khi phải cố gắng cả một học kỳ mới "lãnh" được.

Có lần thằng hàng xóm (9 tuổi) cạnh nhà còn dõng dạc bảo sẽ từ bỏ ước mơ làm bác sĩ để đi làm diễn viên xiếc, vì nó mê tít "năng lực" bay trên không của các cô chú trong đoàn. Ngày đó xiếc huy hoàng lắm! Nhưng có lẽ đã xa lắm rồi. Tôi tự ngẫm không biết đã bao lâu rồi mình chưa ngồi xem một buổi biểu diễn xiếc, dù tiền vé cũng chẳng mắc hơn xem phim hay ca nhạc là bao nhiêu.

Thế mà những ngày gần đây, người trẻ Sài Gòn lại lục đục rủ nhau đi xem xiếc! Trên Facebook, người ta nhắc đến một buổi diễn xiếc hay ho, sôi nổi mà ở đó, chẳng hiểu sao những người trẻ tuổi vốn ưa sự náo nhiệt thời thượng của những buổi tiệc tùng - lại chịu khó ngồi dính vào ghế xem từ đầu đến cuối buổi với một sự thích thú đáng ngạc nhiên!


Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 2.
Giữa bãi đất trống của trường đua Phú Thọ (quận 11), một sân khấu hình tròn với những dải màu xanh trắng được dựng lên vô cùng hoành tráng. Đây là rạp của Đoàn xiếc Trung Ương 1 thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam, đoàn chuyên đi lưu diễn khắp các tỉnh thành để đưa xiếc gần hơn tới khán giả. Đây cũng là đoàn xiếc đang khuấy động Sài Gòn trong suốt những ngày vừa qua vì những buổi diễn cực kỳ ấn tượng của mình.

Khi bước chân vào đây, sự náo nhiệt, hào hứng hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của tôi mỗi khi nghĩ về các buổi diễn xiếc thời hiện đại, về những gương mặt buồn, chán, những sân khấu vắng tanh khán giả. Trẻ nhỏ háo hức khi được bố mẹ dẫn đi xem xiếc, chẳng khác tí nào với tụi con nít chúng tôi trước đây. Khi bước vào trong, tôi thật sự bất ngờ khi rạp với sức chứa hơn 1000 người gần như không còn ghế trống. Có một cảm xúc quen thuộc ngay lập tức ùa về khi đứng giữa khung cảnh này, những dãy ghế cũ kỹ, mép sân khấu cong vênh, hay rạp căng lên vẫn còn thấy những mép sờn, rách. Thật kỳ lạ, khi dù chỉ có đủ chi phí để duy trì một sân khấu xiếc cũ kỹ, tạm bợ như vậy, nhưng người ta vẫn nuôi một tình yêu với xiếc, vẫn nỗ lực để mọi giây phút khi bạn đặt chân vào đây, bạn đã được bước chân vào một thế giới xiếc trong sáng và đẹp đẽ nhất.

Đứng giữa hơn 1000 con người đang ổn định chỗ ngồi và háo hức chờ những tiết mục đầu tiên, tôi tự hỏi điều đặc biệt gì đã kéo khán giả đến xem đông như VẬY? Anh bạn ngồi cạnh bên nói với tôi: "Tết nhất ở thành phố tính ra cũng không có nhiều hoạt động vui chơi giải trí dành cho tụi nhỏ. Quanh quẩn cũng chỉ Đầm Sen, siêu thị hay rạp phim. Mà phim thì cũng ít phim dành cho thiếu nhi. Thấy mấy đứa em ở nhà cứ cắm cúi xem điện thoại cũng tội. Nên biết có rạp xiếc tui dẫn đi xem cho lạ".







Tiếng lành đồn xa, khán giả ngày một đến rạp đông hơn. Trong số đó đa phần là trẻ em, nhưng cũng không ít chàng trai, cô gái đã tìm đến để tìm lại cái cảm giác "đi xem xiếc" ngày xưa. Hùng (25 tuổi) là một chàng trai như thế, ngày nhỏ, mỗi lần được điểm 10, Hùng lại được bố hứa dắt đi xem xiếc. Đến bây giờ, cái cảm giác hào hứng như vậy mỗi khi đặt chân vào khu rạp xiếc vẫn chộn rộn lên trong lòng cậu, thế nên khi nghe đến có một đoàn xiếc đang diễn rất hay ở Sài Gòn, Hùng chẳng ngại xa lặn lội đi xem.

Hoá ra, người ta vẫn thích thú khi nhắc đến xiếc, vẫn dành cho xiếc một sự quan tâm đặc biệt trong trái tim mình và sẵn sàng chọn xiếc thay vì tấm vé xem phim, vé xem ca nhạc. Chỉ là, đã từ lâu, xiếc trong tâm trí nhiều người vẫn bị đóng đinh với những tiết mục cũ, cách làm cũ, chẳng đủ mới mẻ để kéo họ ra những thú vui rực rỡ và độc đáo xuất hiện mỗi ngày.

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 4.
Tối nào đoàn xiếc cũng có một suất diễn lúc 20h các ngày trong tuần. Vào thứ 7, Chủ Nhật, để phục vụ đông đảo người xem, mỗi ngày có 3 suất diễn vào lúc 9h, 16h và 20h. Đoàn sẽ ở lại Sài Gòn đến hết tháng 3 này để trình diễn phục vụ bà con một cách trọn vẹn nhất.

Chúng tôi chọn cho mình suất diễn vào chiều ngày Chủ Nhật. Mỗi buổi diễn sẽ được chia làm 2 phần, với 10 tiết mục chính, xen kẽ là những tiết mục hài nhẹ nhàng của các chú hề. Đúng 16h, màn diễn bắt đầu. Một nữ diễn viên xuất hiện ấn tượng với những động tác uốn lượn cùng chiếc vòng trên không trung. Những tiếng vỗ tay bắt đầu hâm nóng không khí của show diễn. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của khách mời đặc biệt - thần đồng xiếc Nhật Bản Agashi (9 tuổi), người lớn thì trầm trồ với màn diễn của cậu còn trẻ nhỏ thì tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ tài năng của cậu bạn bé xíu. Những tiếng hò reo, tán thưởng, những tràng pháo tay không ngớt dành cho Agashi khiến tôi nhớ lại cảm giác rộn ràng của nhiều năm về trước.

Những tiết mục được sắp xếp rất hợp lý, dẫn dắt cảm xúc người xem đi từ tò mò đến hồi hộp và rồi vỡ oà. Khán giả vỗ tay đến đỏ cả lòng bàn tay, rồi cười nghiêng ngã với màn pha trò của các chú hề. Mấy em nhóc thích thú chạy lên sờ vào chú trăn to đùng trên cổ của chàng người rừng "Tarzan". Những pha nhào lộn trên không vô cùng đẹp mắt nhưng cũng rất nguy hiểm khiến người xem nhiều pha thót tim.

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 5.
Nhưng với riêng tôi, màn trở lại đầy ngoạn mục của những chiếc moto bay trong lồng sắt mới là điều ấn tượng nhất show diễn. Khoảng 20 năm trước đây, nhưng chiếc moto bay được biểu diễn trong những sân khấu hình trụ, khán giả đứng phía trên để tiện theo dõi. Tuy nhiên để tăng thêm độ hấp dẫn của tiết mục, moto bay hiện nay được biểu diễn trong một lồng sắt hình cầu. Các diễn viên không chỉ chạy vòng quanh mà còn có những đường chạy cắt chéo, mạo hiểm đến nghẹt thở. Rõ ràng xem xiếc thì phải xem trực tiếp như thế này mới "phê".

Màn diễn này có lẽ cũng là màn trình diễn được nhiều bạn trẻ thích thú và hào hứng nhất. Phượng, một bạn trẻ đến từ Hà Nội, tìm đến đoàn xiếc qua lời giới thiệu trên Facebook của một người bạn, chia sẻ: “Chạy một chiếc moto tốc độ cao đã khó rồi, chạy hai chiếc cùng lúc thì khó gấp mười, nhưng chạy 3 chiếc một lúc thì quả thực mình không diễn tả được. Điều này đòi hỏi sự phối hợp cực kỳ ăn ý của các nghệ sĩ và một tinh thần thép bởi chiếc moto phi với tốc độ rất cao mà chiếc lồng sắt thì bé xíu xiu. Một trong những tay moto được điều khiển bởi một chị gái Nam Mỹ cực kỳ đẹp, điều này càng khiến mình nể phục hơn.”









1,5 giờ đồng hồ trôi qua cái vèo nhanh như người ta chưa từng đong đếm, mọi người đứng dậy vỗ tay cho những cống hiến hết mình của người nghệ sĩ. Các em nhỏ được bố mẹ dẫn lên sân khấu để chụp hình lưu niệm cùng nghệ sĩ. Những nụ cười, những cái ôm làm tôi tin khán giả chưa bao giờ quay lưng với xiếc.

Nhưng quan trọng nhất, là sự hào hứng từ chính những người trẻ. Chỉ khi đứng giữa cái không khí sôi sục trong rạp xiếc, chứng kiến những giọt mồ hôi và nguồn năng lượng đầy nhiệt huyết của các nghệ sĩ, họ mới thật sự hiểu được những cảm xúc thán phục và náo nhiệt mà xiếc mang đến cho người xem. Như Phượng, cô cảm thấy cực kỳ phấn khích sau khi bước chân ra khỏi rạp. Chỉ trong hơn có 1 giờ đồng hồ, Phượng và bạn đã được các nghệ sĩ đưa lên một chuyến tàu trở lại với tuổi thơ. "Một show diễn có vẻ ngoài khiêm nhường nhưng chất lượng dàn dựng cực kỳ công phu mà phải xem tận nơi, bạn mới hiểu được sự vất vả, khổ luyện bên cạnh niềm đam mê của các nghệ sĩ lớn đến nhường nào, đem lại cho khán giả một show diễn với chất lượng quốc tế, không hề kém cạnh những gì ta thường thấy trên TV.”

“Thú thực là trước khi đi xem, mình không hề kỳ vọng nhiều bởi đã lâu lắm rồi khái niệm “đi xem xiếc" mới được nhắc đến. Nhưng khi xem về, trước những tiết mục tuyệt vời và cảm giác vô cùng phấn khích đọng lại sau những gì mình được chứng kiến, mình thực sự thấy đây vẫn là một loại hình nghệ thuật biểu diễn vô cùng đặc sắc.”

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 7.
Chẳng khó để lý giải tại sao buổi diễn này vẫn tiếp tục cháy vé trong suốt những ngày qua. Khán giả sau khi chứng kiến những giây phút quá đỗi mãn nhãn, cùng trải qua những cung bậc cảm xúc từ hồi hộp, đến thăng hoa và vỡ oà cùng tiết mục - đều hào hứng về và chia sẻ những trải nghiệm của mình với bạn bè, người thân. Ai trong chúng ta cũng thèm một vé về tuổi thơ, và còn gì tuyệt vời hơn khi tấm vé đó lại đưa bạn vào rạp xiếc!

Để tạo ra được những màn diễn “ruột gan" đến mức khán giả phải tâm đắc tuyệt đối như vậy, đó là nhờ những nghệ sĩ, những người yêu xiếc bằng cả trái tim và theo xiếc với một niềm đam mê tuyệt đối. Mồ hôi vẫn rơi và máu vẫn đổ trên sàn tập, nhưng khi thu nhập không đủ thì đam mê là thứ duy nhất giữ chân người nghệ sĩ ở lại với nghề. Một cách âm thầm họ vẫn tập luyện, biểu diễn và mơ về một ngày xiếc trở lại thời hoàng kim.

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 8.
NSUT Đỗ Văn Hùng (Trưởng đoàn xiếc Trung ương 1) hào hứng kể: "Từ Tết đến nay lượng khách đến với rạp tăng liên tục. Khán giả ở Sài Gòn rất thích thú các tiết mục mà đoàn đã công phu chuẩn bị. Thông thường ở mỗi điểm lưu diễn chúng tôi chỉ ở lại từ 7 - 10 ngày nhưng ở Sài Gòn lượng khán giả yêu thích xiếc khá đông nên lần này đoàn quyết định kéo dài lịch diễn".

Năm nay các anh chị em nghệ sĩ trong đoàn đều phải đón tết xa nhà để phục vụ khán giả miền Nam. Thế nhưng họ chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng, bởi mỗi ngày họ đều được gặp khán giả, được nghe tiếng vỗ tay, với người nghệ sĩ chỉ cần như vậy cũng đủ đầy hạnh phúc.

Sau khi biểu diễn xong tiết mục nhào lộn trên không, Đức Huy và Hồng Hoa - hai diễn viên trẻ chỉ mới tròn 17 tuổi ngồi lại trong cánh gà để nghỉ ngơi. Cả hai đã theo nghề từ năm 11 tuổi. Từ khi còn rất nhỏ, đã luôn có những rạp xiếc lưu động ghé qua vùng quê của cả hai biểu diễn. Sự khéo léo, những màn diễn kịch tích đã nhen lên trong lòng cả hai một giấc mơ trở thành diễn viên xiếc. Và hôm nay, Huy và Hoa đều đã dắt tay nhau bước lên sân khấu xiếc, rong ruổi khắp Việt Nam để biểu diễn ở mọi miền đất mình đi qua.








Những buổi tập đầu tiên đầy gian nan, những lần vấp ngã không sao đếm cho xuễ. Thế nhưng chẳng ai từ bỏ. "Em phải giấu bố mẹ vì nếu bố mẹ biết tập luyện nguy hiểm như thế thì bố mẹ không cho theo nghề đâu" - Hồng Hoa nói. Có rất nhiều những đứa trẻ như Huy, Hoa hay cả thằng bạn hàng xóm lúc nhỏ của tôi vậy, họ đã nuôi giấc mơ xiếc từ những gánh xiếc đầy kỳ ảo của tuổi thơ. Và rồi họ hi sinh cả thanh xuân của mình trên sàn tập cho những giây phút toả sáng ngắn ngủi trên sân khấu.

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 10.
Chúng ta vẫn luôn nhắc đến xiếc với những câu chuyện man mác buồn về một loại hình chỉ còn le lói ở Việt Nam. Nhưng khi bước chân ra khỏi rạp xiếc ngày hôm đấy, tôi cảm thấy một niềm vui kỳ lạ trong lòng, nó thôi thúc tôi viết ra những câu chữ này để thông báo với bạn rằng: Không đâu, xiếc vẫn tồn tại mạnh mẽ, người ta vẫn làm xiếc với tình yêu trọn vẹn và mang đến những điều kỳ diệu trong cái rạp cũ kỹ kia!

Và như một lẽ tự nhiên, điều gì làm ra từ trái tim, từ tình yêu vô bờ bến và lòng đam mê mãnh liệt thì cũng sẽ thu hút được những trái tim đồng điệu. Tiếng ồn ào rộn rã từ buổi diễn xiếc ấy sẽ vang xa hơn nữa, gọi những đứa trẻ vẫn đang sống trong tâm hồn chúng ta - trở lại với nơi nuôi những giấc mơ tuổi thơ đẹp nhất.

Tưởng đã quên lãng, nhưng Xiếc vẫn trở lại mạnh mẽ giữa Sài Gòn: Khán giả ngồi kín rạp, tiếng vỗ tay không ngớt - Ảnh 11.
Bài viết: Nguyễn Toàn
Ảnh: Hữu Nghĩa, Nguyễn Đạt
Clip: Kinghub
Thiết kế: BiMaxx

Source: http://kenh14.vn/tuong-da-quen-lang-nhung-xiec-van-tro-lai-manh-me-giua-sai-gon-khan-gia-ngoi-kin-rap-tieng-vo-tay-khong-ngot-20180315223910456.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét