CÁC GIẢ TRỊ CỦA BẠN ĐANG Ở CÂP ĐỘ NÀO?
Vấn đề của việc viết những bài phân bậc kiểu này là mỗi độc giả có xu hướng hình dung ngay bản thân họ đang ở trên nấc thang cao nhất, mừng thầm trong lòng và phán xét một loạt những tâm hồn nghèo nàn, bất hạnh đang mắc kẹt ở những nấc thang phía dưới.
Sự thật là nếu bạn đang đọc bài này, hầu hết các giá trị của bạn đều có khả năng đang trong gia đoạn vui sướng/đau khổ hoặc thương lượng mặc cả. Tôi biết điều này vì một lý do đơn giản rằng phần lớn dân số vẫn đang vẫy vùng trong giai đoạn này (kể cả tôi). Và nói thực thì đây là một trang web phát triển bản thân - bạn sẽ không đến đây nếu mọi chuyện không rối tung cả lên rồi.
Trên hết, những giá trị cao và trưởng thành là định nghĩa cho những gì ta cho là cao quý và có đạo đức. Đó là một CEO nhận lỗi vì sai sót của nhân viên. Đó là một giáo viên hi sinh kỳ nghỉ để hướng dẫn một học sinh đang gặp khó khăn. Đó là một người bạn mạo hiểm nói cho bạn biết rằng bữa tiệc của bạn đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta đều biết và kính trọng những câu chuyện ấy. Và lý do ta biết và kính trọng chúng vì chúng không phổ biến. Vì chúng ta hiếm khi, hoặc chẳng bao giờ có khả năng tự mình làm những điều đó. Hầu hết chúng ta phần lớn thời gian đều mắc kẹt ở cấp độ thương lượng, tự hỏi bản thân rằng, "Ừ thì chuyện này có lợi gì cho mình?" hoặc tệ hơn, ở cấp độ vui sướng của trẻ con và hét lên "Đưa đây, tôi muốn cái đó."
Sự thật là rất khó để phát hiện ra giá trị của ta đang ở cấp độ nào. Bởi vì ta nói với bản thân đủ loại chuyện được chau chuốt kỹ lưỡng để biện hộ cho cái ta muốn. Một tên nghiện cờ bạc sẽ cảm thấy thôi thúc muốn theo đuổi niềm vui sướng khi được và mất tiền, nhưng trong đầu anh ta đã sáng tạo ra một câu chuyện thuyết phục về việc anh ta sẽ thắng mọi thứ và cho mọi người thấy rằng mình không phải một kẻ thất bại (cấp độ thương lượng thiếu niên) hoặc anh ta thực sự làm thế vì lợi ích của gia đình (trách nhiệm của người trưởng thành).
Dĩ nhiên, đó chỉ là những lý do vớ vẩn. Đơn giản là anh ta không đừng được.
Rõ ràng là chúng ta chẳng thể tin được những diễn giải của bản thân cho hành động của mình. Có cả núi bằng chứng tâm lý học ủng hộ cho điều này: Trước tiên ta sẽ cảm thấy gì đó, sau đó ta biện hộ cho nó bằng một vài câu chuyện ta tự kể cho chính mình. Và câu chuyện đó thường thiên vị và đánh giá quá cao sự cao quý và quên mình của chúng ta.
Do đó ta phải học cách nghi ngờ những suy nghĩ của mình. Ta phải trở nên hoài nghi những diễn giải hành động của bản thân. Thay vào đó, ta phải tập trung vào bản thân những hành động đó.
Suy nghĩ có thể lừa dối ta. Những diễn giải có thể bị thay đổi và lãng quên. Song hành động thì tồn tại mãi mãi. Do đó, chỉ có một cách duy nhất tiến đến giá trị của mình - thực sự hiểu giá trị của mình - là quan sát hành động của bản thân.
Nếu bạn nói mình muốn quay lại trường học và lấy bằng, nhưng đã là 12 năm sau và bạn đang biện hộ lần thứ 57, thì không, bạn không thực sự muốn quay lại trường học. Cái bạn muốn chỉ là cảm giác rằng mình muốn quay lại trường. Đó là hai thứ khác biệt hoàn toàn.
Nếu bạn nói rằng mình đánh giá cao sự chân thành trong mối quan hệ trên tất cả những thứ khác, tuy nhiên lại thường xuyên giấu giếm hành động sau lưng người yêu của mình, luôn dò hỏi động cơ của họ và những nơi họ đến, lục lọi tin nhắn điện thoại lúc họ đang ngủ, thì bạn không hề đánh giá cao sự chân thành. Bạn nói thế chỉ để biện minh cho những giá trị cấp thấp của mình. Có thể bạn giữ được những giá trị bậc cao trong bối cảnh này và không giữ được trong bối cảnh khác. Có người là những người bạn tuyệt vời trong khi lại là những ông bố bà mẹ tệ hại. Có người là những kẻ đểu cáng, song họ lại làm việc siêu năng suất. Tất cả chúng ta đều có vùng trưởng thành và chưa trưởng thành riêng.
Hầu hết những vấn đề cảm xúc lặp đi lặp lại mà mọi người trải nghiệm chỉ đơn giản là các hệ thống cấp độ một và hai mà họ đang níu giữ dù cho chúng đang thất bại. Một người mẹ cáu kỉnh với con mình liên tục vì không gọi cho bà định kỳ là đang níu giữ cách tiếp cận trao đổi tình yêu thương - với suy nghĩ rằng tình yêu thương có thể đo đếm được. Một người bạn nói những lời nói dối vô hại có thể vì anh ta không muốn mất những gì anh ta sẽ có từ bạn. Một đồng nghiệp ăn cắp thành quả của bạn và coi đó là của họ đang lạm dụng thôi thúc mong muốn niềm vui (hoặc trong trường hợp này là thành công)
Cách duy nhất để xác định rõ giá trị của bản thân là học cách quan sát hành động của mình và quan sát chúng một cách độc lập như thể ta là người những ngoài cuộc trung lập:
Những hành động liên tục làm tổn thương bản thân và người khác, những cái bạn luôn tự biện minh hoặc nói dối để che giấu có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang sở hữu giá trị động lực thúc đẩy cấp độ thấp. Nói dối là tính ích kỷ cố hữu và được thiết kế để thực hiện những khao khát ích kỷ nhất của chúng ta. Nếu tôi nói dối vợ nơi mình đã qua đêm thì điều đó có nghĩa là tôi đang hành động một cách ích kỷ và theo thôi thúc bản năng. Nói chung, càng nói dối nhiều thì thôi thúc bản năng của ta càng mạnh.
Những hành động được tính toán trước với mong muốn đạt được một kết quả nhất định từ người khác là các giá trị thương lượng/trao đổi.
Có sự khác biệt giữa việc nói với người khác rằng bạn quan tâm đến họ vì bạn nghĩ họ muốn nghe điều đó, với việc nói rằng bạn quan tâm đến họ vì bạn đang bày tỏ suy nghĩ của mình một cách thoải mái. Cái sau là sự chân thành, cái trước là thao túng. Và ranh giới giữa chúng đối với nhiều người vô cùng mờ nhạt.
Các hành động được thúc đẩy bởi những nguyên tắc đạo đức sâu hơn, những thứ bạn sẵn sàng chịu khổ vì chúng bởi bạn tin rằng các nguyên tắc đó đúng trong mọi hoàn cảnh, thay vì có những kết quả đặc biệt dành cho mình, là biểu thị cho giá trị cấp độ cao.
Bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn khi đặt câu hỏi không chỉ về hành động mà còn về những diễn giải cho hành động đó. Bạn phải ngồi xuống và tự vấn về bản thân và những thứ bạn chọn quan tâm, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động.
Đến cuối cùng, điều này chỉ tóm gọn trong câu "biết chính mình" - biết giá trị thực sự của bản thân, có một hiểu biết rõ ràng về hành động và những gì thúc đẩy nó, thấu hiểu cấp độ trưởng thành mà bạn đang vận hành.
Bất cứ khi nào bạn ngồi xuống với một bác sĩ, gia sư tâm lý hay một người bạn, đây là quá trình sẽ diễn ra. Bạn mô tả hành động và những diễn giải về hành động đó. Với hướng dẫn từ bác sĩ tâm lý/bạn bè, bạn sẽ ngồi xuống và chọn ra phần nào trong những diễn giải kia hợp lý hay không. Hay bạn chỉ đang lừa dối bản thân? Hành động của bạn có phản ánh những gì bạn nghĩ là quan trọng không? Nếu không thì đâu là sự thiếu kết nối đó?
Đó là quá trình sắp xếp những diễn giải của bản thân bạn với hành động, sẽ giúp bạn điều khiển cuộc sống và hành vi của mình. Sự sắp xếp này cho phép bạn cảm thấy sự ý nghĩa trọn vẹn trong cuộc sống. Để trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh. Và sự sắp xếp này cho phép bạn trưởng thành.
KHỦNG HOẢNG TRƯỞNG THÀNH TRONG VĂN HÓA CỦA CHÚNG TA
Thể chế dân chủ hiện đại cơ bản được phát minh ra dưới giả định rằng con người bình thường là một lũ hoang tưởng và ích kỷ. Niềm tin đó dẫn đến cách duy nhất để bảo vệ chúng ta khỏi chính mình là tạo ra các hệ thống siêu ăn khớp và liên kết với nhau khiến cho không một ai hay tổ chức nào có thể phá được phần dân số còn lại tại bất cứ thời điểm nào.
Nói cách khác, những người đứng đầu và các nhà tư tưởng hiểu rằng trò chơi chính trị và pháp luật chắc chắn được chơi ở cấp độ các mối quan hệ thương lượng và trao đổi, và do đó các hệ thống cần được xây dựng theo cách không một cá nhân (hay tập thể) nào thắng quá nhiều và quá thường xuyên.
Hầu hết các chính trị gia tạo dựng tên tuổi và đời sống của họ bằng cách tồn tại trong một mạng lưới các mối quan hệ giao dịch rộng lớn. Họ thương lượng với các cử tri và các nhà tài trợ. Họ thương lượng với nhau để tạo nên các liên minh và quan hệ đồng minh. Họ thương lượng với các nhánh khác của chính phủ và đảng phái chính trị nhằm nâng cao vị thế. Chính trị là một trò chơi đổi chác và ích kỷ, và đảng dân chủ là hệ thống tốt nhất cho đến nay vì nó là hệ thống công khai thừa nhận điều đó.
Có một cách duy nhất để đe dọa hệ thống dân chủ: đó là đòi hỏi mong muốn và niềm vui của một người quan trọng hơn của những người khác. Và đó là những gì con nít vẫn làm.
Đó là bản chất của những kẻ cực đoan: trẻ con. Họ chỉ là một đám con nít. Bởi vì những kẻ cực đoan bất trị và không thể thương lượng được, do đó cực đoan được định nghĩa là trẻ con. Họ muốn thế giới này tồn tại theo một cách nhất định và từ chối tìm hiểu bất cứ thú vui hay giá trị nào vượt ngoài bản thân mình. Họ từ chối thương lượng. Họ từ chối vươn lên một đức tính hay nguyên tắc cao hơn mong muốn ích kỷ của bản thân. Do đó họ phá hoại mọi thứ quanh mình.
Những kẻ cực đoan rất nguy hiểm vì họ biết cách ngụy trang cho những giá trị ấu trĩ của mình bằng ngôn cứ của giao dịch hay nguyên tắc phổ quát. Một kẻ cực đoan cánh hữu sẽ tuyên bố ông ta mong muốn "tự do" hơn bất cứ giá trị nào khác và ông ta sẵn sàng hi sinh cho nó. Song điều ông ta thực sự muốn nói là ông ta muốn trốn tránh những giá trị khác. Ông ta muốn trốn tránh việc đối mặt với sự thay đổi hay xa lánh của người khác. Ông ta muốn tự do theo đuổi khao khát và động lực của bản thân.
Những kẻ cực đoan cánh tả cũng chơi tương tự, chỉ khác cách nói. Một kẻ cực đoan cánh tả sẽ nói bà ta muốn "bình đẳng" cho tất cả mọi người. Và bà ta sẵn sàng hi sinh mọi thứ cho nó. Song ý bà ta thực sự muốn nói là bà ta không bao giờ muốn có cảm giác bị hạ thấp hay tổn hại. Bà ta không bao giờ muốn có cảm giác bị đe dọa hay không an toàn. Về bản chất, bà ta không bao giờ muốn cảm thấy đau đớn. Và đòi hỏi mọi người phải cư xử bình đẳng mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh là một cách thoát khỏi nỗi đau đó.
Không thể phủ nhận những kẻ cực đoan, cả cánh tả và cánh hữu, đều đã tăng lên trong vài thập kỷ qua. Có nhiều lý do phức tạp và chồng chéo lên nhau. Nhưng tôi sẽ tung ra một giả định: rằng sự trưởng thành của dân số đi bỏ phiếu đang giảm đi. Văn hóa Mỹ dựa trên đam mê sự sung sướng và tránh né nỗi đau. Chủ nghĩa tiêu thụ của Mỹ trở nên quá giỏi trong việc nuông chiều những xung động trẻ con mà phần lớn dân số coi đó là những quyền lợi. Những kẻ cực đoan cánh hữu tuyên bố là họ tin biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa đảo hay thuyết tiến hóa là sai lầm, họ có quyền tin vào bất cứ điều gì họ muốn.
Những kẻ cực đoan cánh tả thì tuyên bố rằng người dân vốn tồn tại sự bất bình đẳng, và một xã hội tự do, năng động đòi hỏi có người thắng và kẻ thua bằng cách tuyên bố họ có quyền được đối xử bình đẳng như mọi người khác.
Đó đều là những góc nhìn trẻ con. Họ phủ nhận thực tế. Và khi bạn phủ nhận thực tế, những điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Vấn đề là truyền thông (một lần nữa, cả cánh tả và cánh hữu) đã phát hiện ra rằng củng cố những mong ước trẻ con trong những kẻ cực đoan ở mỗi bên có lợi cho việc kinh doanh của họ. Bởi vì những kẻ cực đoan, giống như trẻ con, đều mang cảm giác thôi thúc. Họ không biết cách để dừng lại. Họ đắm chìm vào nhu cầu của bản thân. Họ để bản thân trôi theo nó. Và bởi vì họ thả trôi cuộc đời mình theo nhưng ham muốn tưởng tượng, họ đã tạo nên những khán giả cuồng nhiệt nhất. Và việc internet đã vắt kiệt mô hình kinh doanh truyền thông, dần dần họ phải lang thang trên mạng để tìm kiếm những người có phản ứng mạnh nhất: những đứa trẻ cực đoan. Sự cực đoan thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Họ có nhiều like nhất. Và họ tạo ra nhiều tranh cãi nhất. Do đó họ điều khiển những cuộc thảo luận của giới truyền thông.
Chào mừng đến năm 2018. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ sống sót.
CÁCH ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
BƯỚC 1 - THẤT BẠI
Khả năng cao là nếu bạn đang đọc bài này và bạn vẫn đang mắc kẹt trong việc vận hành cuộc đời mình quanh các giá trị niềm vui/đau khổ, hoặc trao đổi/luật lệ, thì bạn không cần tôi phải giải thích thêm vì sao nó gây ra nhiều vấn đề - cuộc đời bạn đã là một đống tạp nham rồi.
Tuy nhiên phòng khi bạn cần tôi giải thích thêm, thì đây là lý do:
Các giá trị niềm vui/đau khổ thất bại vì lý do đơn giản là niềm vui và nỗi đau là những dự đoán tồi trong dài hạn về sức khỏe, sự trưởng thành và hạnh phúc. Ok, chạm vào lò nóng rất khó chịu và bạn không nên làm như vậy nữa. Nhưng nói dối một người bạn thì sao? Hay dậy sớm để đi làm? Hay là, không chơi thuốc. Đó chỉ là một vài trong rất hàng triệu ví dụ mà giá trị niềm vui/đau khổ sẽ khiến bạn lạc lối.
Các giá trị trao đổi/ luật lệ trói bạn vào lòng tin, sự thân mật và tình yêu cần thiết để duy trì một con người có cảm xúc lành mạnh và hạnh phúc. Đó là bởi vì khi bạn nhìn mọi mối quan hệ và hành động là phương tiện để đạt được mục đích, bạn sẽ nghi ngờ những động cơ ẩn giấu đằng sau tất cả những gì xảy ra và những điều người khác làm cho bạn.
Trước khi bạn có thể tiến lên và học hỏi từ những hệ thống giá trị lỗi này, bạn phải trải nghiệm nỗi đau thất bại do chúng mang lại. Có nghĩa là không phủ nhận các giá trị này đã thất bại, không tránh né nỗi đau thất bại. Nó cũng có nghĩa là đối mặt với thất bại phía trước và thừa nhận điều hiển nhiên là: bạn là một kẻ thất bại, và phải có một cách khác tốt hơn.
BƯỚC HAI - NHẬN RA TA KHÔNG CHỈ SỐNG CHO RIÊNG MÌNH
Những người vận hành trên giá trị vui sướng/đau khổ trẻ con thường để cho lòng từ trọng bị ảnh hưởng từ mức độ niềm vui và đau khổ mà họ cảm thấy. Do đó, khi cảm thấy vui, họ tự hào về bản thân, và khi buồn thì họ tự ti. Do đó khi một người ở cấp độ này gặp thất bại lớn trong đời, lời biện hộ đầu tiên của họ sẽ là, "Mình đúng là đồ bỏ đi, một đứa chẳng ra gì. Mình đã nghĩ gì vậy?"
Điều này gây hại vô cùng. Nó chỉ làm vấn đề tệ hơn. Vấn đề không nằm ở bạn, nó nằm ở việc bạn lựa chọn điều gì đáng để coi trọng, cách bạn nhìn nhận thế giới và cách mọi thứ vận hành. Không có gì sai trái với niềm vui. Cũng chẳng có gì sai với nỗi đau. Chỉ có lý do khiến nó xảy ra mới biến nó thành sai hay đúng.
Công nhận sự thật này sẽ từ từ nâng hệ thống giá trị của bạn lên một mức độ thương lượng/trao đổi trưởng thành hơn. Bạn không phải là đồ bỏ đi chỉ vì bạn gây ra nỗi đau. Bạn là đồ bỏ đi khi bạn gây ra nỗi đau vì những lý do tồi tệ. Lý do một tài xế say xỉn tông vào xe khác là vô đạo đức không phải vì nó làm người khác bị thương - đó là bởi vì người tài xế say xỉn ấy đã chểnh mảng hơn người kia - và đó là một giao dịch không công bằng.
Nhiều người cố "chữa" cho những người đang phải chịu đựng những hành động thôi thúc và mắc kẹt trong hệ thống giá trị vui sướng/đau khổ bằng cách đưa họ lên thẳng mức độ trưởng thành. Họ muốn dạy cho kẻ nghiện rượu về đạo đức của sự chân thành. Họ muốn thuyết phục những kẻ bạo lực về tầm quan trọng của sự rộng lượng và kiên nhẫn.
Nhưng chẳng làm như vậy được đâu. Bạn không thể đốt cháy giai đoạn. Giống như bỏ qua môn đại số cơ bản mà đi thẳng vào tích phân. Bạn không thể đi từ giai đoạn trẻ con đến người trưởng thành mà bỏ qua giai đoạn dậy thì ở giữa.
Những người bị mắc kẹt trong sự thôi thúc cần học cách nghĩ về những thứ trong điều khoản giao dịch trước tiên. Nghiện rượu không xấu vì cơ thể bạn là một ngôi đền và việc tự phá hoại nó về bản chất là sai lầm - những lý do đó là của giá trị của người lớn.
Không, nghiện rượu xấu vì nó là một thương vụ giao dịch tệ hại. Những người xung quanh bạn không đáng phải chịu đựng điều đó. Những người bạn yêu thương và muốn giúp đỡ. Nó phá hoại kế hoạch của những cuộc đời khác. Nó phá hoại gia đình, tài chính và lòng trung thành. Về bản chất là bạn đang từ bỏ những thứ quan trọng để thu về những thứ vặt vãnh.
Những kẻ nghiện ngập và tội phạm thường vượt qua điều này bằng cách bắt đầu hiểu ra một vài giá trị mang tính chất giao dịch. Ví dụ như tôn giáo. Song hầu hết thường là người thân yêu của họ. Tôi từng nói chuyện với một người nghiện ma túy đã cai nghiện, anh ta nói điều duy nhất giúp anh ta vượt qua được là con gái anh ta. Anh ta chẳng thèm quan tâm đến bản thân mình. Nhưng suy nghĩ về những mất mát mà con gái phải chịu khi không có cha, trong khi con bé không làm gì để đáng phải chịu điều đó, đã giúp anh ta đứng dậy và tỉnh ngộ.
Những người nghiện thường nói về "cảm giác chạm đáy". Đó là khi họ cảm thấy bị phá hủy hoàn toàn, tột cùng đau đớn, đến nỗi họ không còn tránh được sự thật đơn giản rằng hành vi của họ đang phá hủy cuộc đời của chính họ và người khác. Chỉ bằng những đau đớn này mới giúp người nghiện đối mặt với những giao dịch tự nhiên của đời sống. Rằng lựa chọn của họ chứa những hậu quả, không chỉ cho tương lai của nó mà còn ảnh hưởng đến người khác. Và những hậu quả đó phải được kiểm soát.
Chúng ta vượt lên những giá trị ấu trĩ khi ta nhận ra rằng ta không chỉ sống một mình - rằng có những hậu quả từ hành động của chúng ta vượt ra ngoài bản thân ta.
Đó là lý do nghiên cứu chỉ ra rằng cách hiệu quả nhất để từ bỏ bất kỳ thói quen xấu nào là thương lượng với nó. Thử xem: viết một tờ séc 3.000 đô cho bạn thân nhất của bạn và nói với anh ta rằng nếu bạn hút một điếu thuốc thì chỗ tiền kia thuộc về anh ta. Nó thực sự hiệu quả đến bất ngờ. Tạo ra hậu quả cho chính bạn. Tạo ra trách nhiệm.
BƯỚC 3 - SẴN SÀNG CHẾT VÌ MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ
Đứng vững trên những giao dịch thương lượng/trao đổi sẽ giúp bạn trở thành một người có ích. Song nó không biến bạn thành người trưởng thành. Bạn vẫn phải chịu đau khổ từ việc đổi chác, những mối quan hệ độc hại và khủng hoảng về ý nghĩa cuộc sống ngày qua ngày của mình.
Bí quyết khác biệt giữa một thiếu niên và một người trưởng thành là thiếu niên sợ phải làm mọi thứ, trừ phi là thứ họ cảm thấy tự tin là mình sẽ được đáp lại:
- Họ không muốn mạo hiểm từ bỏ công việc cho đến khi họ biết chắc mình sẽ vui vẻ hơn ở nơi khác.
- Họ không muốn nói ra cảm xúc của mình trừ phi họ có thể đảm bảo một mối quan hệ tốt đẹp sẽ diễn ra.
- Họ không muốn mạo hiểm chia sẻ ý tưởng của mình trừ phi họ biết chắc mình sẽ được người khác công nhận.
Với một thiếu niên, cách họ cảm nhận về bản thân được quyết định bằng vụ thương lượng giữa họ với thế giới diễn ra tốt đẹp đến đâu. Và nếu họ thất bại trong việc đàm phán với thế giới, họ sẽ tự trách mình. Vì lý do này, các thiếu niên khiếp sợ lời từ chối hay thất bại. Với họ, thất bại hay bị từ chối là một hình thức của cái chết vì mọi thứ họ muốn từ thế giới - mọi ý nghĩa, mọi mục đích - đều sẽ bị từ chối.
Tinh thần sẵn sàng chết sẽ đưa bạn đến cấp độ trưởng thành. Trưởng thành xảy ra khi một người nhận ra rằng cách duy nhất để chiến thắng khổ đau là dửng dưng trước đau khổ, rằng thà chịu đựng nỗi đau vì lý do chính đáng còn hơn cảm thấy vui sướng vì những điều giả dối. Trưởng thành xảy ra khi một người nhận ra thà yêu rồi mất đi còn hơn không bao giờ yêu.
- Một người trưởng thành nhìn thấy sự thay đổi nghề nghiệp trước mắt và nói, "Tôi thà chết còn hơn làm một cái xác sống bước vào một cuộc đời không phải của mình." Và anh ta từ bỏ.
- Một người trưởng thành sẽ nhìn vào người đàn ông khiến nàng rung động và nói, "Em thà chết còn hơn phải che giấu trái tim mình với thế giới này." Và rồi nàng sẽ thổ lộ tình cảm của mình.
- Một người trưởng thành sẽ nhìn vào những ý tưởng của mình và nói, "Tôi thà chết còn hơn phải kìm hãm tài năng và những tiềm năng của mình." Và rồi nàng hành động.
Một người trưởng thành chấp nhận rằng có nhiều cách sống tệ hại hơn việc không còn tồn tại. Và vì họ nhận ra điều đó, họ có khả năng can đảm đối mặt với nỗi xấu hổ hay sợ hãi của mình.
Trong cuốn sách của tôi, "Đếch quan tâm cũng là một nghệ thuật", tôi đã liệt kê một số những trải nghiệm đau đớn và khủng hoảng từ tuổi thiếu niên của mình: gia đình chia rẽ, xã hội từ chối, tình yêu đầu tan vỡ, cái chết của một người bạn.
Vì tôi trải nghiệm quá nhiều nỗi đau trong các mối quan hệ khi còn nhỏ cũng như giai đoạn đầu trưởng thành, tôi tiếp cận các mối quan hệ theo cách cứng nhắc: Tôi nghiên cứu sách vở liên quan đến con người và học cách thể hiện bản thân theo cách ít bị từ chối nhất, khiến tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ cách người khác nhìn nhận mình. Tôi không ngừng tìm kiếm tình dục, nhằm xoa dịu những tổn thương tinh thần phải chịu đựng từ những mối quan hệ hời hợt. Nhiều năm trong đời mình, tôi nhìn nhận tình bạn đơn giản là mối quan hệ lợi ích: Tôi làm một việc cho người khác và họ đáp trả tôi hành động tương tự. Và khoảnh khắc một mối quan hệ bắt đầu khiến tôi tổn thương, tôi sẽ tìm cách trốn tránh nó.
Tôi đã rất thành công trong việc này suốt nhiều năm. Tôi tạo ra nó và thoát khỏi - theo đúng nghĩa đen, tôi đã đi du lịch khắp thế giới thể thoát khỏi nó - hàng tá những mối quan hệ với những người nếu không tốt thì cũng thực sự quan tâm đến tôi, song tôi chưa đủ trưởng thành để gánh vác nó.
Tuy nhiên chủ nghĩa trốn chạy này là một giải pháp đau đớn chẳng kém gì vấn đề nó phải đối mặt. Điều duy nhất đau đớn hơn mất đi một mối quan hệ giá trị là không có lấy một mối quan hệ giá trị nào. Và nó bắt đầu khiến tôi nhận ra rằng hạnh phúc không phải cốt lõi của vấn đề, mà là nỗi đau. Đó cũng là cách những thách thức trong đời tôi khiến cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn, sự sẵn sàng đối mặt với nỗi đau và sự không thoải mái thực ra lại là thứ khiến cho mối quan hệ ý nghĩa hơn. Không phải sự quyến rũ, hưng phấn hay hài lòng.
Và do đó, tới gần tuổi 30, tôi cuối cùng cũng hiểu ra sống như một người trưởng thành là như thế nào. Đó là khả năng lựa chọn: niềm vui nào đáng để theo đuổi, nỗi đau nào đáng để chịu đựng, theo đuổi và yêu thương vô điều kiện, không phán xét hay ngại ngùng. Do đó tôi chọn việc ăn mừng. Tôi và 8 người bạn thân đã cùng nhau đến Las Vegas và uống hết 1000$ rượu trong một đêm. Và đó là một đêm tuyệt vời.
https://markmanson.net/how-to-grow-up
Người dịch: Hoàng Dung
Source: http://tamlyhoctoipham.com/truong-thanh-di-huong-dan-lam-nguoi-lon-phan-2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét