My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Người cảm hóa giang hồ

Lòng tốt của ông Sáu Thượng đã thật sự đánh thức lương tri những con người từng xem thường lẽ phải và đánh mất đi niềm tin yêu cuộc sống.
Lòng tốt của ông Sáu Thượng đã thật sự đánh thức lương tri những con người từng xem thường lẽ phải và đánh mất đi niềm tin yêu cuộc sống.

Mở quán cơm chay miễn phí…

Đúng là không quá khó để gặp được người đàn ông mà nhiều tay anh chị trong giới giang hồ rất nể trọng, thường gọi bằng bố này. Khi tôi đến đường Hoàng Sa gần khu vực cầu Lê Văn Sỹ, rẽ vào con hẻm nhỏ của xóm chùa Miên, khu phố 3, P.7, Q.3 (TP.HCM) hỏi ông Sáu Thượng thì dường như ai cũng biết, ngay cả những người chạy xe ôm, bán vé số dạo, trẻ đánh giày… ở các khu vực lân cận cũng đều nắm rất rõ địa chỉ nhà ông, xem ông như vị ân nhân đặc biệt.

Người cảm hóa những đại ca giang hồ - ảnh 1
  Với việc phục vụ cơm chay miễn phí, ông Sáu Thượng đã cảm hóa được nhiều người lầm lỡ - Ảnh: Đ.P

Không giàu có sung túc gì nhưng tâm niệm ông thì luôn hướng đến người nghèo. Ông cho tiền người khác dễ như trở bàn tay còn riêng bản thân ông thì luôn chi tiêu dè xẻn, chừng mực. Ông bảo sức ông ăn một ngày được 3 trái chuối “nhưng nín nhịn 2 trái để dành cho những người khác có sức ăn mà lại không có của”. Từ lối nghĩ suy đó, ông Sáu Thượng chủ trương mở quán cơm chay Thiện Tâm nằm sát bên chùa Miên nhằm phục vụ miễn phí bà con nghèo ở khu vực cầu Lê Văn Sỹ vào trưa thứ ba, năm, bảy hằng tuần suốt 5 năm nay.

 
Là cảnh sát khu vực, thiếu úy Hồ Triệu Quốc (Công an P.7, Q.3) khẳng định: “Trước đây giang hồ xóm chùa Miên tiếng tăm lắm. Nay thì bình yên hơn rất nhiều rồi, một phần là nhờ sự cảm hóa của ông Sáu Thượng đối với những anh em có máu mặt. Ông đã tiếp sức cho nhiều phạm nhân mãn hạn tù, người nghiện ma túy... không chỉ ngụ ở xóm chùa Miên trở lại cuộc sống hoàn lương”.
Những ngày đầu mới mở quán, thực khách chỉ vài ba chục người. Tiếng lành sớm vang xa, lượng khách ngày càng đông đúc. Hiện bình quân mỗi bữa quán phục vụ từ 400 - 500 suất cơm chay miễn phí.

Lòng tốt của ông Sáu Thượng được nhiều người cảm phục. Một doanh nhân nghe tiếng đã đến tặng cho ông số tiền 5 tỉ đồng để duy trì quán cơm chay miễn phí và cưu mang người nghèo. “Người nghèo đến mức nào thì cũng phải biết tự lo làm lụng kiếm sống, không thể cứ mãi ỉ lại vào lòng tốt người khác được. Mình giúp là để cho họ bớt cơ cực và cảm nhận được tình cảm sẻ chia và sự quan tâm của cộng đồng để rồi tự nỗ lực mà vươn lên”, ông Sáu Thượng nói lý do vì sao khi có thêm số tiền lớn như thế nhưng quán không tăng tần suất ăn miễn phí liên tục 7 ngày trong tuần mà vẫn duy trì lịch phục vụ như lâu nay.

Đến cảm hóa đại ca giang hồ

Hiếm có người nào làm việc thiện theo cách đặc biệt như ông Sáu Thượng. Ông không chỉ hướng đến những người bình thường hằng ngày cật lực mưu sinh nhưng vẫn không thoát được nghèo mà lòng tốt của ông còn thể hiện với những đại ca giang hồ từng một thời tung hoành ngang dọc.

Trong số những tình nguyện phục vụ ở quán cơm chay Thiện Tâm có V. Ngày người thanh niên có biệt danh “V. chùa Miên” này bỗng dưng xuất hiện ở quán kê dọn bàn ghế, bưng cơm, xếp xe cộ… thì ai biết cũng đều rất ngạc nhiên. Nhớ lại một thời nông nổi, V. tự nhận là “không ghê gớm lắm nhưng thuộc thành phần quậy”. Vì có “số má” và uy tín trong giới giang hồ, V. từng đứng ra giảng hòa nhiều vụ ân oán có thể mất mạng như chơi. “Con chim bay mãi cũng mỏi cánh”, một hôm V. quyết dừng bước giang hồ. Trong 2 ngày hoàn lương thì ngày đầu V. bị chém, ngày hôm sau tiếp tục bị đâm xuyên đùi vì “tội bất ngờ tự động gác kiếm”. Không bà con thân thuộc gì nhưng chính ông Sáu Thượng đã ra tay cưu mang, tận tình lo giúp đỡ điều trị. V. bảo rằng lúc đó mà không có bác Sáu thương giúp thì chắc cũng tiêu đời rồi. V. giờ đã có bạn gái. Khi được dẫn về nhà giới thiệu thì bố mẹ bạn gái bỏ qua mọi chuyện trước đây và “đồng ý cho hai đứa đến với nhau”.

Ở quán cơm chay Thiện Tâm, tôi còn được nghe kể nhiều về chuyện “đại ca của lòng tốt” mà ông Sáu Thượng thể hiện với những tay giang hồ. Khi có “thành phần bất hảo” đến quán ăn cơm, ông Sáu Thượng không bao giờ tỏ vẻ ái ngại mà chủ động hỏi thăm hoàn cảnh để có cách giúp đỡ. Ông lấy những tấm gương vượt khó thường đến quán ăn cơm chay, như chú Dũng (53 tuổi) bị cụt 1 tay, 1 chân vẫn cố đi xe lắc bán vé số, tối nào cũng ngủ tạm vỉa hè vì không nơi nương tựa; hay như cháu Thủy Chung dù bị yếu tứ chi, đi lại rất khó khăn vẫn ngày ngày miệt mài đi bán dạo card điện thoại để nuôi cha mắc bệnh tâm thần hoang tưởng… để chia sẻ cho các đại ca giang hồ.

Ông vẫn luôn nhớ những cái tên: Sang, Thức, Thành, Tin… vốn là những tay giang hồ có máu “chơi hàng nóng” mà ông từng mua cho xe máy để làm phương tiện mưu sinh lúc hoàn lương. Cứ mỗi lần cho xe, ông Sáu Thượng còn cho thêm mỗi người vài triệu đồng gọi là tiền làm vốn và không quên “dằn mặt”: “Nếu mà bán đi xe máy thì mang đến tôi mua lại giá gấp đôi để cho người khác. Tôi chỉ gặp lại anh khi anh thành công, nếu còn ngựa quen đường cũ thì đừng có bén mảng gì nữa. Có đến thì cũng không được phép bước vào nhà”.

Tấm lòng của ông Sáu Thượng đã đánh thức nhiều tay anh chị. Ông bảo: “Tụi nó giờ biết sống hơn, chí thú làm ăn, đứa thì làm nghề cắt tóc, đứa thì chạy xe ôm. Cuộc sống có đứa vẫn còn vất vả nhưng điều quan trọng nhất là hòa nhập sống lương thiện với mọi người. Thỉnh thoảng nghe tụi nó gọi điện hỏi thăm tui thấy cũng an lòng”.

Ông Sáu Thượng năm nay đã 73 tuổi, sức khỏe không được tốt lắm vì mắc bệnh cao huyết áp. Nhiều người bất hạnh mong ông sống đại thọ để có cơm chay ăn miễn phí, đỡ đần phần nào cho cuộc sống mưu sinh còn lắm nhọc nhằn. Tôi cũng mong ước nguyện đó của họ sẽ thành hiện thực. 

 Đình Phú

Source: https://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-cam-hoa-nhung-dai-ca-giang-ho-73185.html

***********************************

Tình yêu chân thành của vợ là niềm khích lệ lớn nhất để Mỹ tìm về với nẻo thiện, về với con đường mà trước đây anh chưa một lần nghĩ là sẽ đi đến.
Nhiều năm trước, Mai Xuân Mỹ (tức Mỹ Đen, 52 tuổi, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được xem là nỗi khiếp sợ của những người dân trong vùng. Với thân hình cao to, vẻ mặt hung dữ cùng những chiến tích bất hảo, Mỹ Đen được biết đến như một tay anh chị khét tiếng trong giới giang hồ ở Đà Nẵng...

Sau khi thi hành án phạt 4 năm 6 tháng tù ở trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), bản tính của Mỹ vẫn không thay đổi, suốt ngày chìm ngập trong rượu. Cuộc đời Mỹ chỉ thực sự thay đổi khi nhận được tình cảm và sự sẻ chia của người vợ hiện tại. Tình yêu chân thành đó đã giúp anh ta quyết tâm làm lại cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Hường (50 tuổi, quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình), vợ của Mỹ hiện nay đã trải qua một lần đò. Kể về chồng, chị bảo: “Anh thường tới các quán nhậu trong chợ gần chỗ tôi bán ngồi suốt ngày. Lúc đó tôi thấy anh bê tha lắm. Mọi người ở chợ thấy thế ai cũng bàn tán về quá khứ của anh. Cũng có nhiều người ái ngại hay sợ sệt khi phải giáp mặt". Tuy nhiên, chị thấy tội nghiệp anh nhiều hơn là sợ, bởi nghĩ con người ai cũng có lúc này lúc khác, người ta đã biết quay đầu thì chẳng ai lại hắt hủi.

Ban đầu chỉ là sự đồng cảm với nỗi buồn mà Mỹ đang chịu đựng, sau đó chị bắt đầu mạnh dạn bắt chuyện làm quen. Sau vài lần nói chuyện với nhau, chị hiểu được trong con người tưởng chừng như không còn thiết tha gì với đời đó còn âm ỉ một niềm khát khao cháy bỏng về một cuộc sống hạnh phúc. Từ đó chị cố gắng động viên và giúp Mỹ vượt qua những mặc cảm để bắt đầu một cuộc sống mới.

Chị Hường chia sẻ: “Càng nói chuyện, tôi càng hiểu anh nhiều hơn. Thực ra lúc đó anh ấy không hề muốn như thế nhưng không ai chịu hiểu cho anh ấy cả. Tâm sự với tôi, anh không hề giấu giếm quá khứ tội lỗi. Anh còn kể cho tôi nghe về cuộc đời cũng như những sai lầm mà anh mắc phải trước đó. Anh cũng muốn có một mái ấm gia đình nhưng lại sợ không đem lại cho vợ con một cuộc sống sung túc khi chỉ có hai bàn tay trắng".

Thời gian khiến cho cả hai người càng xích lại gần nhau và tình cảm mỗi lúc lớn dần lên. Ngày anh chị chính thức công khai quan hệ tình cảm với gia đình, tất cả mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên. Ai cũng không tin rằng sau bao nhiều lần mai mối chị Hường đều từ chối, mà lại chọn Mỹ là người để gửi gắm đời.

“Nhiều người hỏi tôi tại sao lại quyết định như thế. Khi đưa anh về giới thiệu với gia đình thì mọi người trong nhà ai cũng cấm cản. Họ không thể tin rằng con gái mình lại muốn lấy một người có quá khứ không mấy tốt đẹp và không có công ăn việc làm như anh", chị Hường kể lại.

"Ngay cả bên gia đình anh cũng bảo với tôi rằng nếu lấy anh thì cuộc đời tôi sẽ khổ và khuyên tôi suy nghĩ lại. Nhưng tôi vẫn quyết làm theo những gì mình cảm thấy đúng, vì tôi nghĩ nếu nghe theo họ bỏ mặc anh thì không biết anh sẽ buồn đến thế nào. Đến giờ tôi vẫn không hề hối hận về quyết định của mình", chị nói.

Năm 2000, một đám cưới nhỏ và giản dị được tổ chức để hai người chính thức thành vợ chồng. Không có vốn trong tay, anh Mỹ thuê xe máy rồi lên các bến xe để chở khách còn chị Hường tiếp tục buôn bán ở chợ. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng anh chị vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên nhau. Hạnh phúc nhân đôi khi đến năm 2002 đứa con gái đầu lòng của anh chị ra đời.

Được sự động viên của vợ, Mỹ trả nợ đời bằng việc tham gia lực lượng dân phòng và giúp công an phá nhiều vụ án. Những "tỳ vết" trước đó của anh giờ không còn ai nhắc lại nữa. Bây giờ mỗi khi nhắc đến anh, ai cũng thấy cảm mến và kính phục.

Hiện anh chị cũng đã có với nhau hai người con gái xinh xắn và học giỏi, con gái út sinh năm 2006. Cuộc sống hai người vẫn còn vất vả khi cả gia đình đang ở trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2, nhưng mái ấm nhỏ này luôn tràn ngập niềm vui. Đó là tài sản quý giá nhất mà Mỹ có được sau những năm tháng khắc khoải làm lại cuộc đời. Tình yêu chân thành của chị là niềm khích lệ lớn nhất để Mỹ tìm về với nẻo thiện, về với con đường mà trước đây anh chưa một lần nghĩ là sẽ đi đến.

Theo An ninh thủ đô

*****************
“Ác lai, ác báo là bể khổ trầm luân, tôi chỉ mong họ quay đầu. Phật dạy quay đầu là bờ” - đó là cách ông Lê Công Thượng, chủ quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm, nói về việc thu phục giới giang hồ TPHCM hoàn lương của mình.
Với việc làm đầy ý nghĩa đó, ông Lê Công Thượng được giới giang hồ đặt cho cái tên mộc mạc “ông Sáu hoàn lương”.




Ông Lê Công Thượng (phải) khuyên nhủ “đại ca” V. “chùa Miên” hoàn lương.


Giới giang hồ “tâm phục khẩu phục”



Một ngày cuối tháng 8, tôi gặp Trịnh Hoàng V. (trú Lê Văn Sỹ, Q.3) đang say sưa chăm sóc chim tại nhà. Nhìn cái dáng nhỏ thó của anh, ít ai biết V. từng là một đại ca trong giới giang hồ với biệt danh “đại ca V. chùa Miên”.



Chỉ cần V. quét mắt hay gật đầu là đám đệ tử bu vào chém người hoặc dựng sới gà đỏ đen khắp TPHCM. Từ ngày “gác kiếm” giang hồ, anh say mê nuôi sóc và chim. Không chỉ vậy, mỗi tuần đều đặn ba ngày anh đi phụ giúp bưng bê tại quán cơm chay từ thiện Thiện Tâm. Việc V. “rửa tay gác kiếm” làm không ít anh chị trong giới giang hồ “ngứa mắt” và họ không để anh yên.



“Tháng trước, liên tiếp hai ngày liền tôi bị giang hồ chém suýt chết vì chuyện hoàn lương. Nếu không nhờ có “ông Sáu hoàn lương” thương tình giúp đỡ tiền thuốc men, chắc tôi đi gặp ông bà rồi”. V. nói rồi kéo áo chỉ những vết chém, vết đâm chí tử trên người.



Lý giải về chuyện hoàn lương của mình, V. xúc động: “Từ ngày gặp và nghe ông Sáu khuyên nhủ tránh xa con đường tội lỗi, tôi hứa với lòng là giã từ kiếp giang hồ. Giờ tôi xem ông Sáu như cha”.



Nếu V. là đại ca thì “Sóc Đen” ở “xóm chùa Miên” là “đại ca của các đại ca” ở TPHCM. Nhiều đại ca trong giới giang hồ ở TPHCM đâm thuê, chém mướn không run tay nhưng khi ngồi đối diện lại không dám nhìn thẳng mặt “Sóc Đen”.



Trong người “Sóc Đen” lúc nào cũng kè kè cây lê mà chỉ cần “ngứa mắt” là đối thủ bỏ mạng. Thành tích bảo kê, chém giết khiến “Sóc Đen” vào ra trại giam như đi chợ.



Từ ngày ra tù, “Sóc Đen” lê la đến quán cơm từ thiện Thiện Tâm. V. “chùa Miên” nói: “Khi còn sống anh “Sóc Đen” tâm sự rằng, mang ơn ông Sáu nhiều. Ông khuyên anh nên cố gắng tránh xa con đường tội lỗi. Ông giúp anh miếng ăn và tiền bạc. Anh hứa sẽ cố gắng làm theo lời ông Sáu”.



Trong đời “Sóc Đen” chưa từng biết dạ thưa ai, chưa từng biết phục tùng bất cứ đại ca nào, nhưng trước ông Sáu, anh phải “tâm phục, khẩu phục”. Tiếc rằng, ý định “quay đầu là bờ” của “Sóc Đen” chưa thành. Gần một năm trước, “Sóc Đen” bị tai nạn, rơi xuống dòng kênh Nhiêu Lộc tử nạn.



Cái tình thắng cái ác



“Năm 2007, tôi mở quán cơm chay Thiện Tâm (Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TPHCM), giới anh chị tới rất đông, trong đó có cả “Sóc Đen”. Tôi bảo họ rằng, đây là nơi làm từ thiện. Thích chém giết thì đi nơi khác, còn muốn hoàn lương thì mời đến chơi”, ông Sáu nói.



Không ngờ họ đến với ông thật. Với lai lịch đầy những vết “trầy xước” nhưng ông tin rằng: “Dù độc ác, tội lỗi thế nào thì trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người cái thiện vẫn tồn tại”.



Chính vì vậy mà ông khơi gợi chút lương tâm còn sót lại trong mỗi con người các đại ca giang hồ. Ròng rã suốt bốn năm trời, ông giúp cho gần 20 đại ca đâm thuê, chém mướn, buôn bán ma túy, cướp giật… “quay đầu vào bờ”. Có người sau khi mãn hạn tù đến xin ông giúp đỡ để hoàn lương.



“Một phạm nhân vừa mãn hạn tù đã đến đây xin tôi bộ đồ, đôi dép, thậm chí cả điện thoại để đi xin làm bảo vệ. Tôi cho và khuyên nhủ thật nhiều. Thật mừng, anh ta đã xin được một chân bảo vệ và đến giờ đã trở thành người lương thiện”, ông Sáu kể.



Một cán bộ ở địa phương cho biết đối với những đại ca giang hồ mà ông Sáu giúp, trong đời họ chẳng biết sợ là gì kể cả trại giam hoặc cơ quan thực thi pháp luật. Thế nhưng họ lại “sợ” cái tình của ông Sáu.



Ông Đào Công Thức, cảnh sát khu vực P.7, Q.3 cho biết ông Sáu làm rất tốt công việc cảm hóa những đối tượng tội phạm, phạm nhân mãn hạn tù. Ông tạo công ăn việc làm, hỗ trợ tiền bạc để họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định đời sống, từ bỏ con đường phạm tội.



“Tôi biết có phạm nhân khi mãn hạn tù về địa phương được ông Sáu cho tiền mua xe máy để chạy xe ôm, thuê nhà cho gia đình ở, cho tiền học lái xe… Ông đang làm một công việc rất có ích cho xã hội, rất đáng trân trọng”, bà Hoàng Thị Thêm, Tổ trưởng tổ 40, P.7, Q.3 tự hào khi nói về ông Sáu.



Theo Báo Đất Việt
Source: http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-co-tai-cam-hoa-cac-dai-ca-giang-ho-1283495252.htm
*****


Cuộc sống sau ngày ra trại không dễ dàng. Đối mặt với hàng loạt khó khăn: không tiền, có khi bị kì thị, xa lánh… anh có lúc mất phương hướng. Chính những tháng ngày hành nghề xe ôm, rong ruổi chở khách, anh đã chứng kiến không ít những thanh thiếu niên giật đồ, trộm cắp, lang thang… Bản tính nghĩa hiệp nổi lên.
“Đại ca” hoàn lương chuyên cảm hóa “giang hồ nhí”
Không chỉ cảm hóa trẻ em hư, anh Lợi còn dạy các em biết nghề làm lồng chim
Đọc ngay
Cụ ông U90 bị tố làm hại bé gái 9 tuổi
Hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu làm rõ việc bé gái bị nhốt trong chùa
12.000 phụ nữ sẽ được tầm soát ung thư miễn phí
Một thời dọc ngang quậy phá từ Bắc chí Nam, để rồi trả giá bằng những bản án, anh Nguyễn Văn Lợi (43 tuổi, ngụ phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) quyết rũ bỏ quá khứ, quay đầu hướng thiện trở thành Đội trưởng Đội dân phòng Cơ động phường.
Lấy “kinh nghiệm” từ chính bản thân, biết “đi guốc trong bụng” nhiều “đám nhóc”, anh đã gom nhặt những thiếu niên lang thang, sa vào ma túy, trộm cắp… trên địa bàn đem về dạy dỗ, tạo công ăn việc làm từ chính cái nghề anh đã học được trong trại giam.
Một thời “chọc trời, khuấy nước”
Những năm 1990 về trước, giới giang hồ Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ai cũng biết “anh Sáu Đà Nẵng” (biệt danh của anh Lợi), người chuyên dẫn đầu hàng chục “đệ tử” đi bảo kê, đòi nợ thuê kiếm tiền. Tuổi đời lẫn “tuổi nghề” của Lợi khi ấy còn “non choẹt”, song nhờ biết cách đãi ngộ đàn em, lại có độc chiêu dùng “đệ” toàn đám choai choai, vô công rồi nghề, tiền án tiền sự “trĩu vai”… nên Lợi nhanh chóng có đám tay sai đông đảo.
Cùng độ liều lĩnh, manh động “không hề biết pháp luật là gì”, không ít thành phần bất hảo phải nghiêng mình kiêng nể. Để “dằn mặt” các nhóm đối thủ trên địa bàn, Lợi thường mang quân đi gây hấn, sẵn sàng trấn áp bằng nắm đẫm. Với các con nợ, phương châm hành động của nhóm Lợi bấy giờ là “động thủ trước, nói chuyện sau”, nhiều nạn nhân bị hành hung cũng không dám hé răng nửa lời.
Có điều lạ, cái tên “anh Sáu Đà Nẵng” nổi như vậy, nhưng hễ ai gọi Lợi như vậy đều bị thẳng tay “đấm cho vỡ miệng”, kể cả đám đàn em. Đến giờ Lợi mới tâm sự, “anh Sáu” thực ra là một ông lão hàng xóm đáng kính mỗi sáng thường hay cùng Lợi uống cà phê. Ông Sáu khi đó biết Lợi đang “dấn thân” vào tội lỗi nhưng không thể khuyên can nên chỉ còn cách đi theo bên cạnh để khuyên rắn. Một già, một trẻ “cặp” nhau thường xuyên, đám đàn em thấy thế mới chọn “anh Sáu” làm biệt danh gọi Lợi, đồng thời cũng cho ra dáng… giang hồ.
Lợi là con thứ hai trong gia đình đông con. Người mẹ qua đời sau ca sinh khó lần thứ năm. Cha đi bước nữa, Lợi có thêm ba người em. Ở với mẹ kế, tuy bà rất thương anh em Lợi nhưng do kinh tế quá khó khăn, tất cả đều phải nghỉ học giữa chừng. Chàng thiếu niên bỏ nhà đi bụi, ngang tàng, liều lĩnh khi mới 16 tuổi.
Sau khi gây ra nhiều vụ tai tiếng khiến cơ quan chức năng gọi hỏi, mang lại không ít phiền phức cho người thân, Lợi quyết đi xa lang bạt kỳ hồ. Cả bọn cùng nhảy lên xe, hết ra Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi vào Quy Nhơn, Bình Dương, TP.HCM. “Thấy đứa nào hư hỏng, mình tìm cách lôi kéo. Đứa nào chống trả, mình đánh nó khiếp nên phải tham gia, thành ra băng nhóm có đến cả trăm người”, anh Lợi hồi ức.
Không nhớ nổi mình đã lang thang bao nhiêu nơi, gây hại cho bao nhiêu nạn nhân, chỉ nhớ bước ngoặt cuộc đời đến với Lợi vào năm 1997. Khi ấy vừa từ Tây Nguyên về thăm nhà, Lợi bị một “đại ca” khác kéo quân đến thị uy. Lợi trực tiếp vác kiếm ra đánh lộn khiến đối thủ ngã lăn bất tỉnh. May mắn nạn nhân giữ được tính mạng, Lợi chịu án bốn năm tù giam, thụ án tại Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế)
Bốn năm trong trại giam, khoảng thời gian không phải quá dài so với những tội lỗi Lợi đã gây ra, nhưng cũng đủ để đối tượng “giang hồ” này thấm thía nhiều điều. Hằng đêm gặm nhấm quá khứ, Lợi nhận ra một điều, cuộc sống rất công bằng, “ác giả, ác báo”.
Đặc biệt hơn, khi người thân của Lợi lúc bấy giờ vì nghèo khổ mà tạm quên đứa con trong trại, ông Sáu hàng xóm lại lần mò đi thăm. Chính tình thương và niềm mong mỏi của hàng xóm muốn anh làm lại cuộc đời đã khiến Lợi quyết từ bỏ con đường tội lỗi.
Đêm đi tuần, ngày cảm hóa thanh niên hư
Cuộc sống sau ngày ra trại không dễ dàng. Đối mặt với hàng loạt khó khăn: không tiền, có khi bị kì thị, xa lánh… anh có lúc mất phương hướng. May có nguồn “Quỹ hoàn lương” của TP.Đà Nẵng, anh vay 3 triệu, mượn thêm bạn bè, mua được chiếc xe máy về chạy xe ôm. Chính những tháng ngày rong ruổi chở khách, anh đã chứng kiến không ít những thanh thiếu niên giật đồ, trộm cắp, lang thang…
Bản tính nghĩa hiệp vốn có, nhiều lúc anh đề nghị khách xuống xe giữa chừng để đuổi theo bắt kẻ xấu. Anh đã tóm không ít đối tượng trộm, cướp lưu manh chuyên nghiệp mang về giao cho công an xử lý. Từ việc làm này, một năm sau ngày ra tù, anh được động viên tham gia Đội dân phòng cơ động của phường.
Năm 2002, anh lấy vợ, sinh con, cuộc sống càng khó khăn. Thời gian trong trại giam, từng được học cách làm lồng chim, nay thấy thú chơi chim đang thịnh ở Đà Nẵng, anh sắm ít dụng cụ, ngoài thời gian công tác xã hội lại làm lồng chim. Một mũi khoan, một cái cưa nhỏ, thấy “tạm sống được”, anh bắt đầu nghĩ đến những đứa trẻ lang thang, những “giang hồ nhí” anh từng bắt gặp.
Ngôi nhà chỉ có 25m2 nhưng anh kêu đám trẻ đến ở cùng, có khi chỉ vàiđứa, có đợt lên đến 20. Hàng ngày anh vừa dạy nghề, vừa khuyên nhủ, vừa truyền dạy kinh nghiệm, khuyến khích đám trẻ tự đi làm kiếm sống lương thiện. Anh tâm sự: “Do tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ nên các em mới bị lôi kéo vào những việc làm phi pháp. Có được việc làm ổn định, có thu nhập, nhất định các em sẽ rời xa thói hư tật xấu”.

Anh Lợi luôn giữ tờ giấy mãn hạn tù trong người như một lời tự nhắc nhở tránh xa quá khứ lầm lỗi
Thực tế đúng như lời anh nói, nhiều em đã có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng với nghề làm lồng chim cảnh. Một số đối tượng nghiện hút được Lợi cảm hóa, mỗi sáng còn đi uống thuốc Methadone theo chỉ dẫn của bác sĩ để cai nghiện, sau đó quay về “nhà anh học nghề.
Một số trường hợp như Nguyễn Văn Hùng (18 tuổi, quê Hội An, Quảng Nam), Hồ Văn Cảnh (16 tuổi,Sơn Trà, Đà Nẵng), Lê Văn Cương (18 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng)… đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lang thang sinh hư hỏng, bị lôi kéo nghiện hút, anh đều tỉ tê tâm sự những sai lầm của đời mình để các em lấy đó làm bài học. Khoảng gần 50 thanh niên như thế đã được anh giúp đỡ, cảm hóa, dạy nghề.
Anh Lợi tâm sự, có thể giúp ích cho xã hội nhiều hơn thế, nếu không gặp eo hẹp về kinh tế, nếu có tiền mua máy móc, mở rộng cơ sở hiện tại để tạo thêm công ăn việc làm cho các anh em. Tham gia Đội dân phòng cơ động ba ngày/tuần, đi suốt đêm được phụ cấp 50 ngàn đồng/đêm, số tiền không đủ trang trải cuộc sống, khó có thể làm thêm những việc nghĩa hiệp.
Xưởng sản xuất lồng chim vì thế hoàn toàn chỉ dựa vào sự khéo léo của đôi tay. Tỉ mẩn, “lấy công làm lời”, bốn ngày một người cho “ra lò” một chiếc lồng chim bán với giá 700 ngàn, trừ đi tiền vật liệu, số còn lại không bao nhiêu. Để có thể giúp các em nhiều hơn, anh Lợi phải đi phụ vợ bán bánh mì, nhặt ve chai cùng người mẹ kế đang ở với vợ chồng anh.
Trung tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an phường Hải Châu 2 nói về anh Lợi: “Đêm đi tuần, sáng phụ vợ dọn hàng, đưa con đi học, sau đó lại quay về dạy các em làm lồng chim, tìm mối tiêu thụ, không rượu chè, cờ bạc, anh Lợi đã thực sự đoạn tuyệt hẳn với quá khứ bất hảo”./.

http://baophapluat.vn/con-duong-hoan-luong/dai-ca-hoan-luong-chuyen-cam-hoa-giang-ho-nhi-232862.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét