My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Làm sao để giỏi ngoại ngữ?

Trong thời hội nhập và phát triển này, muốn có nhiều cơ hội cần giỏi ngoại ngữ. Muốn nhanh học những kiến thức mới, phải giỏi ngoại ngữ. Muốn giao tiếp với sếp và đồng nghiệp nước ngoài, phải giỏi ngoại ngữ. Vậy, làm sao để giỏi ngoại ngữ? Bạn có thể nhờ giáo viên của mình hướng dẫn, hoặc Google được rất nhiều phương pháp học hữu ích; còn phía dưới đây là câu chuyện của chính tôi, không hẳn là kim chỉ nam đâu nhé!

Khi bắt đầu học tiếng Anh vào năm 8 tuổi, tôi phải vật lộn rất nhiều. Tôi lật giở những cuốn sách giáo khoa để ghi nhớ tất cả những quy tắc ngữ pháp và từ mới, hoàn thành hết bài tập, nghe các chương trình tiếng Anh trên TV, trò chuyện với người nước ngoài… Tuy nhiên, hầu như tất cả những bí quyết và lời khuyên về việc học tiếng Anh đều không phù hợp với tôi. Chúng chỉ là các chiến thuật nhỏ lẻ. Cái tôi cần là một chiến lược học lâu dài. Tôi muốn hấp thụ và thấu hiểu, rồi từ đó có thể suy nghĩ bằng tiếng Anh. Lúc nhập học Đại học Webster, với TOELF 577, vốn tiếng Anh của tôi cũng chỉ đủ để theo chương trình giảng dạy. Tôi đã dành hàng ngày hàng giờ ở thư viện để đọc thật nhiều sách viết bằng tiếng Anh. Tôi khao khát trở thành một người sử dụng tiếng Anh xuất sắc.

Dần dần, trong quá trình khám phá tiếng Anh, gặp phải thất bại và lại cố gắng, cuối cùng tôi đã có được phương pháp học ngoại ngữ của riêng mình. Chính nó đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc học tiếng Thái và tiếng Pháp sau này.

1- Tập trung vào trình độ của mình.

Quãng thời gian mới bắt đầu học ngoại ngữ thường khó khăn và mệt mỏi. Bạn vừa ngưỡng mộ, thèm thuồng, vừa sợ hãi, vô vọng khi lật những cuốn sách ở trình độ cao hơn. Làm sao đây khi bạn vẫn chưa thể nhớ được các cách phát âm, khi sử dụng các cấu trúc câu đơn giản mà vẫn sai? Đến bao giờ bạn mới giỏi? “Những cuốn sách này đầy những từ khó và những mẫu câu phức tạp. Liệu mình có bao giờ đọc được nó không? Mình thật là kém cỏi.” Nguyên tắc là cấm đứng núi này trông núi cao hơn. Những cuốn sách dày nặng và nhiều từ khó có thể là động lực, nhưng chính chúng cũng khiến bạn dễ thất vọng sâu sắc vào bản thân mình.

Tốc độ của quá trình học phụ thuộc vào năng lực trí tuệ và cá tính của riêng bạn. Một số người thành thạo ngôn ngữ mới rất nhanh, nhưng những người khác phải tốn nhiều năm. Đừng nhụt chí mà đánh mất sự chăm chỉ. Tăng trình độ từng bước một, và rồi một ngày bạn sẽ ngạc nhiên khi chính mình đang nói trôi chảy tiếng Anh (hay một thứ tiếng khác). Chắc chắn là vậy!

2- Phát triển toàn diện 4 kỹ năng.

Có bốn kỹ năng cơ bản trong việc học ngôn ngữ: đọc hiểu, viết, nghe và nói. Một số người có thể khuyên bạn rằng hãy dành nhiều thời gian và nỗ lực để nâng cao những kỹ năng bạn còn yếu, riêng tôi không đồng ý với quan điểm này. Bốn kỹ năng này có liên quan mật thiết với nhau. Khi bạn nghe tốt, bạn sẽ dễ dàng phát âm chuẩn hơn. Khi bạn đọc giỏi, những gì bạn viết sẽ trở nên trôi chảy hơn. Và khi bạn viết trôi chảy, bạn bắt đầu suy nghĩ bằng chính ngôn ngữ đó, và điều này lại hỗ trợ cho kỹ năng nói của bạn… Đây là một vòng tròn hoàn chỉnh.

3- Phải có sách ngữ pháp và từ điển.

Một số ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp rất phức tạp. Thì quá khứ, thì hiện tại, thì tương lai. Danh từ chỉ giống đực và giống cái. Rất nhiều và rất nhiều điều thứ phức tạp khác. Quy tắc ngữ pháp có thể trở nên linh hoạt trong các cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, trong văn viết hay các bài đọc, nếu bạn sử dụng sai ngữ pháp, câu chuyện có thể bị hiểu theo một hướng khác. Ví dụ trong tiếng Pháp, ‘la poste’ (bưu điện) và ‘le poste’ (vị trí công việc) trông sơ thì thật là giống nhau.

Từ điển đương nhiên là một thứ không thể thiếu của bất cứ người học ngoại ngữ nào. Hãy tìm lời khuyên từ giáo viên của bạn hoặc Google về những cuốn từ điển đáng tin cậy trước khi mua.

La lettre d'amour
La lettre d’amour

4- Mạng là một kho tàng.

Mạng và công nghệ giúp tiếp cận những tài liệu học dễ dàng hơn, và quá trình học cũng được đẩy nhanh hơn. Với điện thoại thông minh, máy tính kết nối Internet, bạn có thể học một cách linh động. Khi lúng túng về các quy tắc ngữ pháp hay ngữ nghĩa của một từ nào đó, bạn có thể đăng câu hỏi lên forum. Những người học khác, người bản xứ hay giáo viên sẽ sẵn lòng giúp bạn. Bạn tìm kiếm video trên YouTube với những chủ đề phong phú để nâng cao kỹ năng nghe. Bạn đọc tin tức được viết bằng ngôn ngữ mình học. Bạn tải về và cài đặt từ điển tương tác vào các thiết bị số để có thể tra mọi lúc mọi nơi. Bạn xem phim, nghe nhạc để học tập được thú vị, bớt khô cằn nhàm chán.

5- Nhờ người bản địa sửa lỗi cho mình.

Những người nước ngoài thường rất hào hứng nếu bạn cố gắng giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Tuy vậy, vì biết rằng bạn là một người học, họ sẽ không quá nghiêm khắc nếu bạn phát âm sai một vài từ hay nhầm lẫn về ngữ pháp. Trong hầu hết các trường hợp thông thường, họ sẽ không sửa cách nói của bạn nhằm giữ thể diện cho bạn. (Họ hiểu hoặc họ nghĩ rằng họ hiểu bạn đang cố gắng nói gì.) Tốt nhất là hãy chủ động đề nghị những người bản xứ giúp bạn sửa lỗi. Những tình huống hỏi-đáp trực tiếp thế này sẽ được khắc sâu mãi trong trí nhớ của bạn, và bạn sẽ không lặp lại những lỗi sai như vậy nữa.

6- Tìm hiểu về văn hóa.

Học một ngoại ngữ cũng chính là học hỏi về một nền văn hóa. Khi bạn có kiến thức về vùng đất mẹ của ngôn ngữ mà bạn đang học, nội dung trong các tài liệu học sẽ dễ hiểu và thú vị hơn nhiều. Vậy nên hãy tìm đọc và xem những video về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, xã hội và con người của những ngôn ngữ này. Ví dụ, “break a leg” là cách chúc may mắn dành cho các diễn viên, nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc trước giờ mở màn; lời chúc “good luck” dành cho họ lại bị xem là điềm xúi quẩy.

– LANA –

Source: http://www.lanasomething.com/?p=2630

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét