Source: http://kenh14.vn/chuyen-trong-chung-cu-co-can-nha-nam-nghe-nang-mua-cu-ba-giup-viec-60-nam-o-sai-gon-cuoi-doi-duoc-nguoi-dung-cham-soc-20170522205804711.chn
Sau hơn nửa cuộc đời "ở đợ cho người", bà Nuôi chẳng có gì trong tay, không chồng, không con, không tiền bạc và người thân. Nhưng thật may, bà còn vẫn còn bà Cúc - người hàng xóm "bao đồng" cũng sống trong chung cư nơi được lấy bối cảnh bộ phim "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa"
Không biết chữ, nghèo đói, bà Nuôi được người quen dẫn vào làm giúp việc cho một gia đình ở Sài Gòn từ khi con của họ chỉ mấy tháng tuổi. Khi ông bà chủ mất, bà lại sang nhà khác tiếp tục số kiếp osin. Đến cuối đời, bà về chung cư Trúc Giang - cũng chính là nơi được quay bối cảnh của bộ phim "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa" - để nuôi người chị tâm thần của mình. Hai chị em già yếu sống trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 4m2. Rồi cuối cùng, chị bà mất. Bà Nuôi cứ thế nhốt mình trong căn nhà nhỏ cho đến khi người láng giềng tốt bụng đánh tiếng muốn chăm sóc và đỡ đần cho bà trong những tháng ngày về sau.
Sinh ra trong bối cảnh lịch sử khác nhau con ta lại mang những số phận, những cuộc đời khác nhau. Thời loạn lạc, kiếp người dạt trôi, may mắn thì có miếng ăn tấm áo, còn bạc phước thì khi chết chẳng có lấy tấm chiếu đắp thân. Năm 1954, theo dòng người di cư từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp, bố con bà Nuôi đã tìm đến Sài Gòn với mong ước có được một cuộc sống no đủ hơn. Thế nhưng giữa đất khách quê người, những biến cố liên tục ập đến khiến cuộc đời người phụ nữ ấy chưa bao giờ thôi sóng gió.
Những dòng ký ức nhạt nhoà chảy dài trong mớ trí nhớ hỗn độn còn sót lại của bà Nuôi. Ở cái tuổi gần đất xa trời này, bà chẳng còn đủ minh mẫn để có thể nhớ hết những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Những điều còn sót lại thoáng mỏng manh mà đắng nghét tựa như làn khói thuốc.
Bà Nguyễn Thị Nuôi sinh năm 1931 trong một gia đình nghèo ở Hà Đông. "Ông bà bảo đặt tên là Nuôi cho dễ nuôi" - bà lý giải cho chúng tôi về cái tên đặt biệt của mình. Nạn đói kinh hoàng xảy ra vào năm 1945 khiến cả gia đình bà Nuôi phải ly tán. Để có thể vượt qua nạn đói, người mẹ đã quyết định đưa con gái lớn lên Lạng Sơn làm mướn, còn bố con bà Nuôi thì ở quê vài năm rồi theo dòng người di cư vào Nam lập nghiệp.
Vào Sài Gòn không bao lâu, cha bà Nuôi qua đời vì bạo bệnh bỏ lại đứa con gái nhỏ bơ vơ giữa xứ người. Sống những ngày tháng lạc lõng, bà Nuôi chỉ nhớ rằng lúc đó có một người quen đã đưa bà đến một gia đình khá giả trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) để làm người giúp việc. Kể từ đó bà Nuôi bắt đầu những ngày tháng của đời Osin.
"Ông chủ là một người rất giỏi, ông ấy là tiến sĩ, vừa đi học vừa đi làm để nuôi vợ nuôi con. Ông bà sinh ra 4 người con, một người tuổi mèo, một người tuổi ngọ, một người tuổi gà và một người tuổi tuất. Khi tôi đến ở thì cậu út chỉ mới 8 tháng tuổi" - bà Nuôi khó khăn nhớ lại những ký ức về chủ nhà đầu tiên.
Hằng ngày bà Nuôi phải chăm sóc cho các con của ông bà chủ, lo các việc vặt trong nhà như nấu cơm, rửa chén, lau nhà...Đổi lại bà được nhà chủ cho ăn cơm 3 bữa, cho quần áo mặt và thi thoảng cho tiền nhưng chẳng đáng là bao.
Chủ nhà chưa bao giờ ngược đãi với bà, có đôi lúc cũng lớn tiếng, nhưng phận tôi tớ và vì sợ cái đói nên cũng phải nhẫn nhịn mà để ngoài tai. Cuộc sống chỉ quanh quẫn trong 4 bức tường, bà Nuôi chẳng mấy khi được bước ra ngoài để gặp gỡ mọi người. Mọi thứ gói ghém trong những công việc vặt vãnh dành cho những người ít học.
Là phụ nữ, ai chẳng mong tìm được người đàn ông của đời mình, để chăm sóc, được ở bên và nương tựa. Thế nhưng với một người giúp việc nghèo hèn như bà Nuôi thì điều đó thật sự vô cùng khó. À, là không bao giờ có thể. "Vì mình nghèo, mình xấu, mình dốt nên chẳng ai thương mình, đành ở vậy thôi" - bà cười nhẹ tênh mà nghe tê tái.
Bà Đông (chị gái của bà Nuôi) sau khi theo mẹ lên Lạng Sơn làm mướn thì lập gia đình với một người đàn ông địa phương. Họ có với nhau một người con, nhưng do bất cẩn bà Đông để con bị cảm lạnh rồi chết. Thầy bói phán bà là người xui xẻo, chỉ đem hoạ đến cho gia đình, nên nhà chồng liền đuổi bà ra khỏi nhà. Gạt đi nước mắt, bà Đông chôn vùi tuổi thanh xuân của mình vào những tháng ngày hành khất từ Bắc vào Nam.
Hơn 10 năm sau bà Đông vào đến Sài Gòn, và bất ngờ bà gặp lại cô em gái thất lạc của mình sau bao tháng ngày xa cách. Họ chuyển về ở trong một căn phòng tạm bợ vỏn vẹn có 4m2 ở chung cư Trúc Giang (quận 4). Rồi bà Đông đi bán chuối sống qua ngày, còn bà Nuôi thì tiếp túc đi làm giúp việc cho gia đình chủ.
Năm 1975, đất nước giải phóng, gia đình chủ gặp biến cố, nên bà Nuôi chuyển sang làm cho một gia đình khác ở quận 1. Kể từ đó bà gắn bó với gia đình này cho đến khi tuổi đã ngấp nghé con số 80.
Những ngày cuối đời, bà Đông ray rứt chuyện của quá khứ mất con, mất chồng đến nỗi bị trầm cảm rồi phát bệnh tâm thần. Thế nên bà Nuôi đành nghỉ việc để về Trúc Giang chăm sóc cho chị. Hai người phụ nữ - một người phụ nữ bị chồng chối bỏ, còn một người phụ nữ không chồng, họ che chở cho nhau, dìu nhau đi qua những ngày cuối đời bạc bẽo.
Những cơn đau thể xác lẫn tâm hồn rồi cũng đưa bà Đông về trời. Năm 2016, người thân duy nhất còn lại cũng qua đời để lại bà Nuôi một mình ở chung cư Trúc Giang. Một lần nữa bà Nuôi lại bơ vơ giữa cái phố thị ồn ào này. Nhưng lần này mà đón nhận mọi chuyện bình thản hơn. Bà cười nhẹ nhàng: "Tôi đã quen với sự cô đơn rồi".
Ít người biết rằng, chung cư Trúc Giang là bối cảnh chính trong bộ phim điện ảnh "Có căn nhà nằm nghe nắng mưa". Bộ phim đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả về tình mẫu tử thiêng liêng, cũng như tình lối xóm ấm áp. Bà Tư đợi con trong căn nhà cũ kỹ suốt 30 năm trời, mãi đến khi chung cư giải toà, thì vì tình lối xóm ông Phát, ông Được và bà Diễm vẫn bám trụ lại chỉ để chăm lo cho bà Tư những ngày cuối đời.
Ngoài đời thật, tại chung cư Trúc Giang, câu chuyện lối xóm ấm tình ấy vẫn ngày ngày diễn ra trong câu chuyện của bà Nuôi. Sau những ngày tháng truân chuyên sóng gió, có lẽ món quà quý giá nhất và cũng là duy nhất dành cho bà Nuôi chính là người bạn lối xóm - bà Cúc.
Bà Cúc năm nay đã 67 tuổi, chồng mất sớm, các con đều lập gia đình ra ở riêng nên bà cũng chỉ sống một mình ở chung cư. Chẳng máu mủ ruột rà, nhưng thương hoàn cảnh đơn chiếc của người phụ nữ bất hạnh nên bà Cúc xem bà Nuôi như người thân của mình.
Hôm đó, trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với bà Nuôi, thì bất ngờ nghe tiếng ai đó nói: "Bà ới" và ngay sau đó có một ly nước mía chìa vào sau cánh cửa. Là bà Cúc, lần nào cũng thế hễ mua cái gì bà cũng mua 2 phần, cho mình một phần và cho bà Nuôi một phần. "Bà thích ăn gì thì nói cô, cô sẽ đi mua về cho bà ăn. Còn hàng ngày cô vẫn nấu thức ăn rồi đem qua cho bà, vì bà tự nấu không ngon. lâu lâu cô phải đổi món, bữa ăn cá, bữa ăn lươn, bữa ăn thịt cho lạ miệng. Bà giờ lớn tuổi rồi đi đứng khó khăn, phòng ốc thì chật chội mà bà bày biện đủ thứ chai lọ trong phòng nên nấu nướng không vệ sinh đâu".
Những lúc buồn, bà Nuôi đi bộ sang phòng bà Cúc để tâm sự hoặc đơn giản là hai bà cháu nằm dài trên giường cùng xem ti vi. Mọi những ngày cuối cùng trôi qua lặng lẽ mà bình yên.
"Năm sau là chung cư này giải toả. Cô có nói với bà là nếu không có ai nương tựa thì sang sống với cô, có bà có cháu hủ hỉ với nhau. Nhưng thôi kệ, tới đâu hay tới đó, giờ thì mình giúp được gì cho bà thì giúp thôi" - Cô cười.
Giờ đây sau hơn nửa cuộc đời "ở đợ cho người", bà Nuôi chẳng có gì trong tay, không chồng, không con, không tiền bạc và người thân. Nhưng thật may, bà còn vẫn còn bà Cúc, ở Sài Gòn, tình người vẫn cứ ấm nồng trong những căn chung cư cũ, ấm nồng qua những ngày nắng mưa bên khung cửa cũ. Bình yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét