My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Tôn Nữ Tường Vy - Cô gái nhỏ mang hoài bão lớn lao



Bên trong một Tôn Nữ Tường Vy nhỏ nhắn là trái tim nhiệt huyết và tâm trí rộng mở. Với khao khát học hỏi, cô đã tham gia nhiều hội nghị, tập huấn quốc tế và sáng lập Câu lạc bộ Học thuật Lan Tỏa. Đến nay, Vy đã đi qua 13 nước, và hành trình này được cô kể lại trong cuốn sách “Bên kia ranh giới” vừa xuất bản tháng 1 năm 2017 vừa qua.
Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Vy như thế nào?
Đó là chuyến đi Qatar cho Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Đổi mới Giáo dục năm 2011. Chuyến đi này là cột mốc khiến mình quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, và được tiếp xúc với một nền văn hoá hoàn toàn khác lạ – văn hóa Hồi giáo Trung Đông. Cảm giác “sợ sợ” ban đầu đã biến thành tò mò, khiến mình dần tìm hiểu các vấn đề Hồi giáo nhiều hơn.
Tôn Nữ Tường Vy - Cô gái nhỏ mang hoài bão lớn lao
Tại sao Vy quan tâm đến giáo dục?
Đầu tiên là vì môi trường học thuật trong gia đình. Cả ba anh chị của mình đều là giáo viên nên từ bé, mình đã tiếp xúc nhiều với chuyện giảng giải, sách vở, chấm bài hay gặp gỡ đồng nghiệp của anh chị. Mình rất thích những điều đó. Thứ hai là từ tuổi thơ “oanh liệt” trên ghế nhà trường, mình thấy cách giáo dục thuộc lòng và một chiều của Việt Nam làm mình và nhiều người khổ sở vật vã.
Nếu tất cả mọi học sinh đều bị ép vào chung một phương pháp nặng nề, nó sẽ không tạo điều kiện để những cá nhân khác biệt phát huy đúng năng lực của mình. Lớp 12, mình “thăng hoa” cùng văn chương và thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn, nhưng chỉ có 6,25 điểm môn Văn trong kì thi Đại học. Tiêu chí chấm bài tôn trọng tính cá nhân và sáng tạo sẽ hợp với mình hơn là “ba rem”.
Tôn Nữ Tường Vy - Cô gái nhỏ mang hoài bão lớn lao
Còn về tôn giáo thì sao? Tôn giáo vốn là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của nhân loại, Vy thấy thế nào khi dấn thân vào tìm hiểu lĩnh vực này? 
Vy chỉ nghĩ đơn giản tôn giáo là thứ ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của từng người, và tò mò về sự khác biệt đó.
Khi mới bắt đầu tìm hiểu về Hồi giáo, mình liên tục bị tổn thương hết lần này đến lần khác. Ví dụ trong một lần ở Campuchia, mình đi với một nhóm bạn Hồi giáo Indonesia. Theo quy định, trưa thứ Sáu, tất cả người nam Hồi giáo sẽ phải tập trung đến thánh đường để cầu nguyện. Mình muốn tìm hiểu nên xin đi theo. Lên xe, mình vừa ngồi xuống cạnh một anh bạn thì anh bảo: “Em đừng có đụng vào người anh, ok?” Mình đơ người, sốc khủng khiếp. Chẳng lẽ sinh ra là con gái thì dơ bẩn lắm hay sao? Lát sau mình mới được cô bạn đi cùng giải thích, rằng có thể anh đã làm lễ tẩy rửa trước khi đi nên không được phép chạm vào người khác giới, dù vô tình hay cố ý. Và bạn đồng ý do cách nói không khéo nên anh khiến mình hiểu nhầm. Nếu không được chuẩn bị kiến thức và tâm lý trước, những khác biệt nho nhỏ như thế có thể sẽ biến thành vấn đề lớn trong giao tiếp.
Tuy nhiên, những tổn thương đó sẽ biến thành kinh nghiệm. Khi hiểu rồi thì mình sẽ đỡ buồn hơn, tập làm quen với nó.

“Mình đang đi theo thứ ‘tôn giáo’ mà Einstein trong quyển “Thế giới như tôi thấy” gọi là Đạo Vũ trụ. Mình theo đuổi những giá trị nhân văn phổ quát, ngưỡng vọng trật tự hài hòa kỳ diệu của vạn vật và thấy sự nhỏ bé của đời người, chứ không sùng bái một thực thể cao siêu hay giáo điều tốt xấu thưởng phạt nào cả.”

Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và chọn cách tiếp cận với nhiều hoàn cảnh từ góc nhìn sâu sắc như vậy, có khi nào Vy thấy khổ sở và bi quan không?
Là người có ý thức về xã hội thì đã vận vào người cái nghiệp hay trăn trở, đau khổ. Mình nghĩ vậy. Chính từ trong đau khổ, họ mới nhìn thấy vấn đề. Nhìn thấy vấn đề thì họ mới nói được. Họ nói thì vấn đề mới có hy vọng sửa chữa được.
Những lúc mệt mỏi, mình sẽ gặp, nói chuyện với những người trẻ khác đang nỗ lực làm một điều gì đó. Ví dụ một em bỏ Đại học để tự học, một anh bảo vệ rừng, một bạn thực hành thực dưỡng, bạn đi từ thiện và chụp ảnh lấy liền cho trẻ em nghèo, hay một chị đang phát triển một đề tài nghiên cứu độc đáo. Mình sẽ thấy mọi thứ xung quanh đều đang vận động, chỉ là nó lặng lẽ và ít người biết. Chính những điều đó sẽ tạo ra thay đổi từng chút một cho tương lai. Mình sẽ lại có niềm tin vào chính mình.
Tôn Nữ Tường Vy - Cô gái nhỏ mang hoài bão lớn lao
Trong cuốn sách của mình, Vy viết “ranh giới” có thể là về mặt địa lý, nhưng cũng có thể về mặt tâm tưởng. Vậy Vy nghĩ thế nào là một công dân toàn cầu?
Không hẳn cứ đi sang nước khác là thành công dân toàn cầu. Toàn cầu ở đây là ta bước qua cái ranh giới căn cước (identity) nhất định của bản thân, không bị phụ thuộc hay bám chấp vào một góc nhìn nào mà mình cho rằng đó là duy nhất đúng, như tôn giáo của mình là ưu việt nhất, đất nước mình là anh hùng, vĩ đại nhất. Phải va chạm, đối thoại và bước qua sự cục bộ như thế thì ta mới tiếp nhận được sự khác biệt trong cuộc sống. Nhờ vậy mà tư tưởng và hành động sẽ cẩn trọng, ôn hòa hơn.
Dù “xuất ngoại” hay ở trong nước, khi nào ta có đủ tinh thần học hỏi và sự chủ động để hiểu, tôn trọng sự khác biệt thì sẽ là công dân toàn cầu. Nhưng khi còn trẻ, đi đây đó thì vẫn tốt hơn. Ta sẽ thay đổi căn bản, lâu bền hơn qua các trải nghiệm tự thân, thay vì chỉ nghe hay đọc.
Tôn Nữ Tường Vy - Cô gái nhỏ mang hoài bão lớn lao
Vậy Vy thấy thế giới đang nhìn nhận như thế nào về người Việt Nam?
Đa phần người ta bảo người Việt cần cù, chịu khó học hỏi. Qua trải nghiệm ở một số chuyến đi theo đoàn thì mình thấy đúng. Chỉ riêng trong ASEAN, người Việt mình không quá sáng tạo và năng động xuất sắc như người Thái, Philippines, Singapore. Chính vì người trẻ Việt Nam ý thức được là còn thua người ta nhiều lắm nên mọi người rất cầu tiến. Tuy nhiên, trong thời đại bây giờ, cần cù không thể bù cho chất lượng giáo dục nền tảng tích lũy trong từng con người được. Nếu vừa được giáo dục tốt lại vừa chịu khó chăm chỉ, người Việt sẽ tiến rất xa.

Source: http://barcodemagazine.vn/article/advice/129/ton-nu-tuong-vy-co-gai-nho-mang-hoai-bao-lon-lao-923.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét