My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

Những kẻ ngây thơ

Tôi thường thích tin vào mấy chuyện “như phim”. Tin vào bản chất tốt đẹp và khả năng hướng thiện trong mỗi người, vào sự cống hiến không vụ lợi, vào những cuộc gặp gỡ định mệnh, vào “hai trái tim vàng dưới túp lều tranh”… Mẹ bảo tôi ngây thơ và dễ dụ. Tôi thì thích nghĩ đấy là sống lạc quan.
Nhưng đâu phải tôi vô cớ mà ngây thơ. Những bộ phim nổi tiếng tưởng chừng quá kịch tính, quá hoang đường như Bắt tôi nếu có thể, 12 năm nô lệ, 21, 127 tiếng, Cuộc gọi hồn… đều được dựng từ chuyện có thật còn gì. “Phim như đời” chẳng phải là bằng chứng rõ ràng nhất cho chuyện “đời như phim” đấy sao? Chuyện thật hơn phim cũng thiếu gì. Chăm đọc báo, xem thời sự là thấy nhan nhản học sinh đem trả lại 40 triệu đồng nhặt được, người đàn ông ngày ngày nhặt đinh trên đường quốc lộ, bà cụ già cho sinh viên ở trọ miễn phí trong 23 năm,…
Cuộc đời thích vùi dập sự lạc quan, và mẹ tôi cũng vậy.
Vào đại học, cứ thấy câu lạc bộ làm tình nguyện, bảo vệ môi trường hay từ thiện là tôi lao đầu vào tham gia, bận còn hơn đi học. Mẹ cười nhạt, phải rồi, tham gia đi cho biết, càng những nơi như vậy bản chất con người càng lộ rõ. Tôi dấm dẳng phớt lờ.
Mà rồi có những thứ lờ không được. Tôi dần nhận thấy chẳng mấy người cùng câu lạc bộ làm vì họ quan tâm, mà làm để làm đẹp hồ sơ, để đến gặp bạn tán dóc, hoặc vì… tham gia đại rồi ở lại do… lười thay đổi. Rồi lại nghe chuyện thủ quỹ biển thủ, nghe các trưởng nhóm giải thích rằng chọn làm từ thiện “cho dễ, chả nghĩ ra gì khác để làm”, nghe một trại trẻ mồ côi nổi tiếng từ chối khoản quyên góp từ câu lạc bộ của mình vì quá “vụn vặt”.
Đỉnh điểm là một lần câu lạc bộ nhận được tài trợ từ một tổ chức xã hội khá lớn, tôi phụ trách phần báo cáo tài chính nhưng nộp trễ giờ do khu nhà tôi cúp điện không báo trước, báo cáo lại lưu trong máy tính để bàn. Vội vã gọi điện xin lỗi và giải thích với tổ chức, tôi nhận lại một tràng xối xả những lời nặng nề vì “làm ăn không ra hồn, đâu phải ngậm tiền rồi là xong”, và “xin cho lắm tiền rồi không biết điều”. Tối ấy tôi về phòng khóa cửa, tiếng khóc cố nén nhỏ để mẹ không nghe thấy lại thành ra những tiếng nấc không kiểm soát được. Chưa bao giờ tôi thấy vụn vỡ đến vậy. Không phải vì những câu nhiếc móc xúc phạm chưa từng phải nghe trong đời, mà vì ngọn lửa lòng tin vào nhân loại đã lụi tàn. Trong tôi trống rỗng.
Tôi cố giấu để không phải thừa nhận rằng mẹ đã đúng về sự ngây thơ của mình, nhưng có lẽ mẹ đoán được. Sau buổi tối đó, tôi thẫn thờ hẳn. Bớt háo hức trông đợi, bớt hào hứng say mê. Vẫn chăm chỉ lặn ngụp trong các hoạt động thiện nguyện, thức khuya dậy sớm làm cho tốt, nhưng thôi không còn quá vui mừng khi được mạnh thường quân giúp đỡ, cũng không quá u sầu với những cái lắc đầu. “Hãy thôi đam mê vấn vương buồn thương, từng nỗi đau trong đời sẽ qua…”* là vậy đấy. Tôi chẳng còn tìm kiếm gì trong những hoạt động ấy, như kẻ lang thang trong sa mạc, vẫn cứ mải miết đi, nhưng đi đâu thì chẳng biết.

Hè năm nay, câu lạc bộ môi trường tên GG mà tôi tham gia quyết định đi từ thiện đến Tiểu học Ka Đô ở Lâm Đồng – một hoạt động chẳng ăn nhập gì với sứ mệnh của mình – kết hợp đi team-building ở Đà Lạt. Tôi mừng là mình không nằm trong ban quản lí, để không phải nghe thấy những lí do “cho dễ”, “cho tiện” và “có cớ đi chơi” dẫn đến quyết định này. Câu lạc bộ dựng một quầy kêu gọi quyên góp ngay trong trường. Tôi có thể hình dung ra những gì mẹ sẽ nói, và quả thực đấy cũng là phần nào những gì tôi nghĩ, rằng làm vậy thì được mấy đồng. Túm tay, níu áo người ta năn nỉ, may ra mới đủ nửa số tiền cần có.
Thế mà không. Bao nhiêu bạn bè và giáo viên, đi ngang nhìn thấy biển “từ thiện” là tự rẽ vào, mạnh tay quyên góp rồi mới hỏi tiền này sẽ dùng làm gì. Có những bạn không có nhiều thì ghé đều đặn, mỗi ngày bỏ vào năm, mười ngàn. Có những bạn hào hứng hỏi không phải thành viên câu lạc bộ nhưng đi cùng đến Lâm Đồng được không vì thích đi từ thiện lắm. Có bạn khệ nệ xách một bao tải 200 quyển vở đến tặng, trán mướt mồ hôi mà miệng vẫn tươi cười hỏi thăm, xem còn thứ gì mình có thể quyên góp. Có cô lao công cũng rụt rè hỏi chuyện, thủ thỉ rằng vẫn muốn góp tiền từ hôm đến giờ mà thấy đông người quá nên ngại. 2 tuần, chúng tôi quyên góp được 25 triệu, gần đủ số tiền cần dùng cho chuyến đi.
Kết thúc dựng quầy ở trường, nhóm Tài chính thì chạy đôn chạy đáo xin tài trợ để có đủ phần quà đã đề ra, chúng tôi thì bắt đầu chuẩn bị những phần quà đã có. Theo kế hoạch, GG sẽ đến Ka Đô vào ngày 1/6, tổ chức Lễ Thiếu nhi cho các bé học sinh, trao quà cho 100 em thuộc diện hộ nghèo, sau đó xây dựng một sân chơi bằng vật liệu tái chế cho ngôi trường khó khăn. Để làm sân chơi, Câu lạc bộ tự tìm thiết kế trên mạng, mua gỗ, xin lốp xe cũ, đem về sơn sửa khoan cắt loạn xị để làm thành bập bênh và cầu khỉ. GG “âm thịnh dương suy”, đám con gái chúng tôi lo việc chà rửa và sơn bánh xe, vừa làm vừa rôm rả tám chuyện, vài cậu con trai hiếm hoi lo khoan cắt cùng Sạ.
“Sạ” là cách chúng tôi thường gọi chị Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ. Khi mới tham gia GG, tôi sợ chị lắm. Dáng người nhỏ nhắn, tóc ngắn ngang vai không kiểu cọ, quần áo giản dị và mặt rất nghiêm, ít cười. Tướng đi chị ung dung thong thả, lại hay chắp tay sau lưng hệt dáng đứng hoàng thân thời xưa nên mọi người gọi đùa chị là “Pị Sạ”, hay gọi tắt là Sạ.
Chị có cái uy của một người lãnh đạo rất dễ thấy. Ngồi nói chuyện với các anh chị quản lí trong lúc sơn bánh xe, nhiều bạn cũng thắc mắc về vẻ ngoài xa cách của Sạ. Anh Bảo Phó Chủ tịch cười lớn: “Ai cũng thấy vậy hết. Nó trông vậy thôi chứ hiền khô à. Chọc nó vui lắm.” Chị Trâm Anh, người thân thiết với Sạ nhất nên thường được gọi là Hoàng Hậu phản đối liền: “Hiền hồi nào, khó tính thấy mồ. Bả mắng em miết mà.” Vừa lúc đó thì đám con trai mang qua một bọc to củ sắn muối ớt Sạ vừa mua cho cả nhóm để ăn giải lao. Chị Trâm Anh gỡ ngay găng tay quăng một góc, la lớn: “Pị Sạ vạn tuế!” Anh Bảo liếc chị một cái muốn rách mắt: “Mới vừa nói xấu nó dứt miệng ha.” Chị vừa nhai sắn rồm rộp vừa quay qua chúng tôi trả lời: “Ừa, chị quên nói tụi em, hay mắng mỏ nhưng cứ mắng xong là dẫn đi ăn hà. Nhìn chị vầy là em biết chị hay bị mắng cỡ nào nè.”
Đống tro tàn trong tôi lại bập bùng rợn hồng. Bầu không khí này, những con người này, sự tận tâm mà họ đang bỏ vào công việc mình làm, tôi không thể ngăn mình vui nỗi vui của một kẻ lạc quan. Tôi phải liên tục dặn bản thân giữ mình tỉnh táo và thực tế về thế giới u ám này.

Sau gần hai tuần hì hục với các phần quà và sân chơi, ngày nào cũng chân tay rã rời, quần áo nhếch nhác, sơn dính lem nhem, chúng tôi tập trung ở trường vào 11h đêm 31/5 để chất đồ lên xe sao cho 9h sáng 1/6 kịp có mặt ở Lâm Đồng. Xe đến trễ một tiếng. Câu lạc bộ lật đật lập dây chuyền vận chuyển 15 bánh xe ô tô, 3 cây gỗ 10m, 100 túi đồ dùng học tập, 100 thùng mì và một tấn gạo lên xe. Hầm xe không đủ, 3 cây gỗ được đặt dưới sàn xe và 100 thùng mì ở 4 hàng ghế cuối. Hẳn là ban quản lí đã tính đến chuyện này nên thuê xe 45 chỗ cho 20 mạng người, đội giá tiền của chuyến đi lên khá cao, khiến tôi ban đầu có chút ngần ngại khi tham gia, sợ rằng khoản tiền của mình lại trôi vào túi một thủ quỹ nào đấy.
Vừa buồn ngủ, vừa mệt lăn từ bài tập thể dục lúc nửa đêm, cả đám lên xe là ngáy o o. Khoảng 7h sáng thì chúng tôi vào địa phận Lâm Đồng, dừng chân ăn sáng tại một trạm nghỉ. Tiết trời se se của cao nguyên và sự ấm nóng của tô phở thơm lừng làm nhẹ bớt những cái lưng đau cứng vì ngồi xe cả đêm. Tiếp tục lên đường, mọi người có vẻ tỉnh táo hơn, xe nhộn nhịp hẳn. Pị Sạ bỗng đứng dậy đi về phía đầu xe tìm micro. Chị Trâm Anh vỗ tay đốp đốp, giọng lảnh lót: “Tiếp triều! Tiếp triều nè! Chiếu chỉ xuống!” Xe lắng lại đôi chút. Sạ lại chắp một tay sau lưng – dáng đứng thương hiệu, tay kia cầm mic, chậm rãi bắt đầu: “Cảm ơn Hậu. Trước hết, xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ tối qua, khiến cho kế hoạch sáng nay cũng bị ảnh hưởng. Mọi người chắc cũng mệt mỏi khi phải di chuyển xa như vậy vào khung giờ bất tiện. Mình còn cả một ngày dài phía trước. Vậy nên hôm nay hãy cố gắng làm việc tốt, tối nay khi về đến Đà Lạt, Thanh sẽ mời mỗi người một cái bánh tráng nướng để tạ lỗi và cảm ơn.”
Cả xe rầm rộ như vừa thắng World Cup, chưa đầy 3 giây Hậu đã đứng bật dậy gào át tiếng mọi người: “Ê!!! Tụi bay!!! Dễ dãi vừa thôi, có một cái bánh tráng đã hài lòng hả?” Cả đám lại nhao nhao hùa theo: “Thêm cái nữa, cái nữa đi Sạ!” Sạ nhìn lên trần xe, mặt cam chịu: “…hai cái bánh tráng nướng.” Hậu tiếp lời luôn: “Và một li sữa đậu nành!” Cả xe đồng thanh: “Sữa đậu nành! Sữa đậu nành!” Sạ thở dài: “Và một li sữa đậu nành.” Hậu lại chen vào: “Gần đó có quán chè!” Lần này cả xe chưa kịp hưởng ứng thì Sạ đốp lại: “Rồi từ mai ngày ba bữa mì gói nha.” Và cuộc đối thoại dừng ở đó.
9h30 sáng, xe xịch đỗ trước cổng trường Tiểu học Ka Đô, trễ một tiếng rưỡi so với dự kiến. Xuống xe, chúng tôi tiếp tục lập dây chuyền dỡ đồ, các cô chú phụ huynh đưa con đến dự lễ cũng lao vào giúp. Phải chờ lâu, chẳng ai trách một câu, mọi người còn cười như pháo rang: “Trời đất con ơi, tụi cô toàn dân lao động không chứ đâu. Mấy đứa ôm bao gạo đi liêu xiêu thấy tội. Tránh sang để cô làm cho.” Vèo một cái mọi thứ đã đâu vào đấy.
Buổi lễ bắt đầu. Các em được chơi trò chơi tập thể, nói cười rổn rảng. Ngồi dưới thì ngại ngùng bẽn lẽn, nhưng chơi thắng được quà là cười tít mắt, chạy lên nhận như tên bắn, mang về đến chỗ là cả chục đứa bu lại ngó nghiêng sờ soạng. Đám nhỏ vùng núi đứa nào trông cũng già hơn tuổi, nhưng hồn nhiên và tươi mát hiếm thấy.
Sau sinh hoạt tập thể là phần trao quà. Câu lạc bộ đã đưa sẵn phiếu trao quà cho nhà trường, nhờ trường phát cho các em thuộc diện hộ nghèo, em nào có phiếu thì mới được nhận quà, nhưng rồi vẫn rối tinh rối mù. Có em làm mất phiếu; em thì chạy chơi tận đâu tìm mãi không thấy; em thì không có tên trong danh sách nhưng vẫn lên đứng cùng các bạn. Kết thúc lễ, chúng tôi vỡ lẽ mình quên tính đến chuyện phần quà quá nặng so với một học sinh tiểu học, một phần ba các em lại đi bộ đến trường, một phần ba khác đi xe đạp. Cả câu lạc bộ lại tản ra phụ các em vác 10 kí gạo và thùng mì tôm về nhà, giúp các em sắp đồ lên xe đạp, buộc dây cho chắc chắn, hoặc gọi ba mẹ đến chở về.
Mê mải chạy tới lui, một rưỡi chiều vẫn chưa ăn cơm mà chẳng đứa nào buồn đói. Lết được về đến trường tập trung, cô Hiệu trưởng dẫn chúng tôi vào một phòng học đã quét dọn sạch sẽ, trên bàn có sẵn 20 hộp cơm nóng hổi mà cô kiên quyết không lấy tiền. Cả đám ngấu nghiến trong vòng một nốt nhạc. Sau khi cân nhắc và biểu quyết, chúng tôi lại ùa ra sân trường để xây dựng sân chơi tái chế mà không nghỉ trưa với tâm trí hướng về chiếc giường ở Đà Lạt cũng như hai chiếc bánh tráng nướng giòn rụm Sạ đã hứa.
Mọi vật liệu đã được chuẩn bị sẵn ở nhà, giờ chỉ cần lắp ghép, tưởng độ 1 2 tiếng là xong, chẳng dè lại gặp phải đủ trở ngại mới. Phía dưới nền cát của sân trường lại là một lớp xà bần, đào xới tay muốn lìa làm đôi vẫn chưa chôn được bánh xe xuống đất. Bắt vít cây gỗ vào lốp xe để làm bập bênh hóa ra cũng khó hơn chúng tôi tưởng, nào khoan sai vị trí, nào vít quá ngắn, nào lốp xe quá cứng. Lần đầu tổ chức và thực hiện chương trình lớn và phức tạp như thế này, cũng đã cố gắng tính xa, nhưng tính sao cho hết những rắc rối dưới đất chui lên như vậy. Mọi người vừa mệt vừa nản. Cô Hiệu trưởng ghé qua xem tình hình, thấy đám nhỏ vật lộn với sân trường của mình, lẳng lặng gọi thêm 5 chú phụ huynh đến giúp. Có “dân chuyên” ra tay, mọi chuyện bỗng bớt bế tắc, mọi người hăng hái làm việc hơn. Một tiếng sau chúng tôi đã hoàn thành sân chơi. Đám nhỏ nhà gần trường lân la qua chơi, vừa xong là leo lên nhảy nhót thử chẳng đợi ai mời. Bập qua bập lại bốn năm lần mà cái bập bênh vẫn chưa xúc khỏi bệ, cả đám đập tay ăn mừng. Đám nhỏ chạy chơi không biết chán, có ba đứa mà nhộn nhịp cả sân trường. Anh Bảo chộp được vài tấm hình đám nhỏ cười rạng rỡ trên cầu khỉ, cả đám xúm lại xem, thấy mãn nguyện kì lạ dù mình mẩy ê ẩm, đầu quay mòng mòng, tưởng như nhắm mắt lại là gục xuống ngủ được ngay.
Vừa hoàn thành sân chơi được năm phút, một cơn mưa ập xuống ào ạt, bất thình lình như trời nhỡ chân đá đổ xô nước. Cả đám rúc vào nhà giữ xe trú, co cụm lại cho ấm, tiếc nuối nhìn chiếc xe buýt ấm cúng êm ái của mình đang đậu cách đó chỉ chục mét giữa trời nước. Mấy đứa nhỏ thì ào ra giữa sân la hét té nước làm các anh chị phát thèm, nhưng cố “giữ mình” cho mấy ngày team-building sắp tới. Chờ hoài mà chẳng hết mưa, trời thì dần tối, đường về Đà Lạt còn xa. Các chú phụ huynh lại nhào ra mưa, leo lên cổng trường gỡ luôn tấm băng rôn chào mừng bằng vải bạt xuống cho chúng tôi che đầu để ra xe. Lột dép, xắn quần, một lượt bảy đứa chui dưới bạt, líu ríu nép sát vào nhau cho khỏi ướt. Đám nhỏ đầu trần chạy bên cạnh chọc ghẹo, cổ vũ.
Cả xe đã yên vị, chuẩn bị xuất phát, Pị Sạ nán lại cửa xe tạm biệt đám nhỏ: “Tụi chị về đây. Ở lại học giỏi và nghe lời ba mẹ nhé. Hôm nay tụi em có vui không?” Anh cu răng sún, loắt choắt nhất đám cười toét: “Dạ vui! Hôm nay sinh nhật em đó. Năm nay được quà bự ghê, bự nhất từ trước đến giờ luôn, vui ơi là vui!” Sạ thò tay ra màn mưa xoa đầu thằng bé. Nó vẫn cười, háo hức: “Năm sau anh chị lại đến nữa nha, tặng quà sinh nhật cho em nữa nha?” Nghĩ đến việc tổ chức và tham gia một chuyến đi “bão táp” thế này lần nữa làm tôi muốn phì cười. Sạ lặng đi một khắc, rồi chìa ngón út ra cho cậu nhỏ: “Ừ. Chị hứa. Móc ngoéo nhé.”

Cả xe nhoài người ra cửa sổ vẫy chào cô hiệu trưởng, các chú phụ huynh và đám nhỏ tắm mưa. Anh cu răng sún vẫy lại nhiệt tình nhất, nhảy nhót tưng tưng khiến nước bắn tung tóe, nụ cười vẫn rộng ngoác đến mang tai.
Phải rồi, nhỏ ơi, hãy giữ lấy nụ cười đó, và cả lòng tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống nữa, em nhé.
Sài Gòn, 23/5/2016

* Lời bài hát “Thiên đường mong manh” – Nguyễn Đức Trung.
Source: https://nguyenvuhuongmai.wordpress.com/2017/04/12/nhung-ke-ngay-tho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét