My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Những bài báo quá hay nhặt được trên tuoitre

Hủ tiếu gõ đêm mưa Sài Gòn của tôi

29/10/2013 20:05 (GMT + 7)
TTO - Bạn đọc Hoàng Hiền (TP.HCM) gửi đến Tuổi Trẻ Online những kỷ niệm về "hủ tiếu gõ" như một món ăn thân thiết từ khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đến khi tốt nghiệp ra trường đi làm.

Từ ngày có thông tin hủ tiếu gõ nấu bằng thịt chuột cống, người bán hủ tiếu này đành ăn hủ tiếu thay cơm vì ế ẩm - Ảnh tư liệu
Ngày bé ở ngoài Bắc chỉ khi nào ốm tôi mới được mẹ cho ăn mì tôm, những ngày mưa lụt, nấu một nồi cơm trắng pha loãng một gói mì tôm với nước sôi để chan cơm thay canh vẫn đánh bay mấy bát. Những ngày đi học dấm dúi bẻ vụng một góc gói mì tôm trần của mẹ mang vào lớp là đã xôn xao cả đám con gái giờ ra chơi.
Đám trẻ con quê nghèo chưa bao giờ dám mơ đến phở. Lớn lên  khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi chưa biết hủ tiếu gõ là gì cả. Các chị trong phòng rủ đi ăn cũng không dám đi dù hủ tiếu ngày ấy 2.000 đồng một tô, mà để dành tiền đi xe buýt. Một lần, theo các chị đi mặc áo thú quảng cáo cho sữa chua, lãnh 200.000 đồng tiền công tôi cùng các chị đi “ ăn chơi xả láng” ở quán hủ tiếu đầu hẻm.
Hôm ấy mưa, nước ngập đến mắt cá chân, mấy chị em hai tay cầm hai chiếc đũa gõ gõ vào nhau háo hức chờ chị chủ bưng tô hủ tiếu thơm phức, thịt trắng nõn, lá hành lá hẹ thơm lừng. Ngồi trên mấy chiếc ghế nhựa vuông, chân đặt trên mấy hòn gạch chỉ hít hà hương thơm lựng từ tô hủ tiếu, tóp mỡ giòn giòn, nước ngọt lịm tê người đi, quên cả đôi chân đang mấp mé trên những viên gạch nhỏ. Ăn xong tô đầu tiên vẫn thòm thèm, gọi ngay tô nữa. Đó là lần đầu tiên tôi tự cho phép mình xa xỉ. Ăn xong, mấy chị em khoác vai nhau về, tô hủ tiếu trở thành món tủ khi một người trong phòng vừa lãnh lương gia sư, nhận tiền phát tờ rơi quảng cáo hay vừa được lãnh nhuận bút xong.
Những hôm lành lạnh, ngồi ở lề đường hít hà mùi nước lèo quyến rũ, dưới ánh đèn vàng vọt của con hẻm nhỏ thấy cuộc sống sao mà bình yên. Người bán cũng nhẹ nhàng, dễ mến bởi quanh co mấy con hẻm nhỏ, hẻm nào cũng có xe hủ tiếu. Phải giữ khách bằng nụ cười niềm nở chứ. Dù khách hàng hầu như toàn là sinh viên, những người lao động nghèo, dù tô hủ tiếu chỉ có ngàn đồng thì vẫn đầy đủ chanh, tương, khăn giấy…
Tốt nghiệp ra trường, đi làm tôi biết thêm hủ tiếu Nam Vang, đắt gấp năm lần, biết Phở 24, biết bánh canh Trảng Bàng, bánh canh ghẹ Cầu Bông, nhưng cái vị ngọt của hủ tiếu gõ thì vẫn chưa quên được. Có những sáng ngủ lười không kịp đi chợ, tối đi làm về trễ vẫn ghé qua xe hủ tiếu đánh bay cả hai tô.
Chị hủ tiếu nhớ mặt còn hỏi: "Sao mấy bữa nay không thấy?" hay "Hôm này ra muộn thế, nước đáy nồi hơi mặn, em có ăn không?". Tôi gật đầu, chị làm cho tôi một tô nhiều mì cho đỡ mặn rồi cũng dùng cái vá nhôm vét nốt chút nước còn sót lại vào tô xì xụp húp…
Thi thoảng đi chợ vẫn gặp chị lúi húi lựa xương heo, vẫn nụ cười hiền khô giọng nói chân phương xứ Quảng, chợt thương sao những con người bé nhỏ đêm đêm luồn lách vào từng con phố nhỏ, những xóm trọ sinh viên nghèo vừa gõ lách tách vừa í ới “hủ tiếu đê”, thương những tấm lưng cong cặm cụi đẩy chiếc xe lóc cóc bàn ghế, bát đũa đêm đêm tất tả đi về.
******************


Những bài học tư duy tôi học từ Nepal

09/10/2013 18:53 (GMT + 7)
TTO - Diễn đàn Thanh niên châu Á - Thái Bình Dương chủ đề "Các vấn đề miền núi và kế hoạch phát triển đến năm 2015" vừa diễn ra tại Nepal cho tôi ba bài học về tư duy quý giá mà những ai khao khát làm gì đó cho cộng đồng cần có.

Tác giả bài viết Đặng Huỳnh Mai Anh - sinh viên ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - khi tham gia diễn đàn Thanh niên châu Á tại Nepal - Ảnh: nhân vật cung cấp
Chương trình do Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi (ICIMOD) tổ chức, diễn ra từ ngày 30-9 đến 5-10, với hơn 40 bạn trẻ từ 15 quốc gia.
1. Sự kết nối
Ngày đầu chương trình được dành riêng cho những bài thuyết trình từ các chuyên gia. Đôi khi cùng một vấn đề, chúng tôi đồng thời được nghe quan điểm từ rất nhiều phía khác nhau: chính quyền, các doanh nghiệp cho đến xã hội dân sự, từ nhiều khía cạnh: văn hóa, xã hội, chính trị và cả khoa học.
Bài thuyết trình qua mạng Internet về vấn đề tài nguyên, năng lượng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu miền núi của tiến sĩ Shobhakar Dhakal, Trung tâm Kỹ thuật châu Á - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh
Tôi rất thích một ý trong bài thuyết trình về vấn đề tài nguyên, năng lượng, đô thị hóa và biến đổi khí hậu miền núi của tiến sĩ Shobhakar Dhakal - Trung tâm Kỹ thuật châu Á. Đại ý bài thuyết trình là nguồn tài nguyên nước ở khu vực miền núi Himalaya không chỉ cung cấp nước cho khu vực miền núi mà còn cung cấp cho cả khu vực trung du và đồng bằng, tương tự với những nguồn tài nguyên khác. Như vậy, cần nâng cao nhận thức về mối liên quan đó để chia sẻ trách nhiệm bảo vệ và phát triển giữa cả đồng bào miền núi và các khu vực ngoài miền núi.
Tôi tin rằng trong thế giới ngày nay có rất nhiều sự kết nối nhau như vậy, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được. Và để phát triển bền vững thì điều cần thiết nhất là tất cả phải nhận ra được sự kết nối lẫn nhau tạo thành một mối quan tâm chung.
Khi được vinh dự đại diện cho các bạn trẻ đến từ ngoài khối nước thuộc khu vực các dãy núi châu Á Hindu Kush-Himalaya phát biểu bế mạc, tôi có nhắc lại ý này: “Tôi muốn đem về đất nước tôi thông điệp về sự kết nối. Trong thời đại toàn cầu hóa, giới trẻ cần quan tâm đến nhiều vấn đề hơn là chỉ những vấn đề xung quanh và có liên quan trực tiếp đến mình. Vấn đề miền núi ở Hindu Kush-Himalaya không chỉ là vấn đề của các bạn trẻ từ Hindu Kush-Himalaya mà là vấn đề của cả chúng tôi, của tất cả chúng ta”.
2. Phù hợp quan trọng hơn hiện đại
Hai ngày tiếp theo, chúng tôi đến tham quan công viên kiến thức Godavari. Công viên này được xây dựng bởi Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi với mục đích tạo không gian để thử nghiệm các mô hình phát triển và công nghệ miền núi.
Tôi vẫn tưởng tượng công viên kiến thức ắt hẳn phải rất hiện đại, với những công nghệ vô cùng tối tân để rồi bị bất ngờ khi bước vào công viên. Rất dân dã, rất thiên nhiên cứ ngỡ như mình lạc vào chốn làng quê nào đó! Ở đây vẫn có rất nhiều công nghệ nhưng không phải những công nghệ tối tân mà là những công nghệ rất gần gũi và thực tế: từ công nghệ ép giấy cũ và cây dại thành nhiên liệu đốt cho đến các công trình thủy lợi bơm nước bằng tay… Tất cả đều đơn sơ, dễ hiểu đến mức chỉ cần nhìn qua ta cũng hình dung nó sẽ được áp dụng thế nào trong thực tế, sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân.
Nguyên liệu đốt được ép từ cây dại phơi khô tại công viên kiến thức Godavari - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh
Ông Samden Sherpa - nhân viên quản lý công viên kiến thức Godavari, ICIMOD - giải thích về những công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp miền núi - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh
Tôi chợt nhận ra: một công nghệ hiệu quả không phải là một công nghệ hiện đại bậc nhất mà là một công nghệ phù hợp. Ở đây là phù hợp với điều kiện thiên nhiên miền núi, mức sống và trình độ phát triển của người dân. Phát triển công nghệ không phải là cuộc chạy đua mù quáng theo sự hiện đại mà là tập trung vào những công nghệ phù hợp với điều kiện từng quốc gia.
3. Nhà lãnh đạo của hiện tại, không phải tương lai!
Những ngày cuối cùng của diễn đàn, chúng tôi ngồi lại với nhau cùng trao đổi và xây dựng một bản kiến nghị về những vấn đề miền núi gửi đến Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi, gồm các nội dung về bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển kinh tế miền núi, nâng cao nhận thức và chất lượng sống.
Các bạn trẻ trong diễn đàn tìm hiểu công nghệ bơm nước tại công viên kiến thức Godavari, Nepal - Ảnh: Đặng Huỳnh Mai Anh
Sau khi bản kiến nghị được đọc lên trong buổi lễ bế mạc, tiến sĩ David Molden, tổng giám đốc Trung tâm Quốc tế hợp tác phát triển miền núi, nhắn nhủ chúng tôi: “Nhiều người vẫn hay gọi tuổi trẻ các bạn là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Nhưng tại sao phải chờ đến tận tương lai? Tôi coi các bạn chính là hiện tại của chúng ta. Hãy suy nghĩ và hành động với ý thức rằng các bạn chính là những nhà lãnh đạo của ngày hôm nay, không phải ngày mai”.
Tôi tin rằng tất cả những ý kiến của chúng tôi đã được lắng nghe. Nhưng tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ sẽ ghi nhớ nhiệm vụ của người trẻ không chỉ là cất tiếng nói, chờ ai đó lắng nghe và áp dụng những ý tưởng của bạn. Tại sao chúng ta phải chờ khi chính chúng ta có thể thực hiện. Người trẻ có nhiệm vụ trong việc thực thi chính những suy nghĩ của mình.
Nhiệm vụ của chúng tôi ở diễn đàn không kết thúc ở việc soạn ra một bản kiến nghị. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ bắt đầu khi mà diễn đàn đã kết thúc: đó là lan tỏa những ý kiến và từng bước biến nó thành hiện thực. 
ĐẶNG HUỲNH MAI ANH  
Đặng Huỳnh Mai Anh, 21 tuổi, hiện là sinh viên năm 4  khoa quản trị kinh doanh ngành kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM.
Cô là đại sứ môi trường Bayer Việt Nam năm 2012, từng đoạt Giải thưởng lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu (Global Bayer Young Environmental Leader Award) vào tháng 11-2012 tại Đức với dự án “Cẩm nang xanh cho bà nội trợ” (cẩm nang về bí quyết tiết kiệm điện, nước, gas, làm sản phẩm tái chế...).
Mai Anh cũng là đại biểu Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012 (Global Youth Summit 2012) tại London, Anh vào tháng 11-2012, là một trong 4 đại biểu Việt Nam tham dự chương trình tìm hiểu về nước Mỹ dành cho thủ lĩnh sinh viên về vấn đề môi trường toàn cầu (Study of The U.S. Institutes for Student Leaders) tại Mỹ vào tháng 7 và 8-2013.
Tại Diễn đàn thanh niên châu Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Nepal, Mai Anh là đại biểu Việt Nam duy nhất.  
TR.UYÊN
31
Ý kiến bạn đọc (1) Gửi ý kiến của bạn
  • 10/17/2013 4:29:39 PM
    Đọc bài viết của bạn, tôi cảm nhận cách tư duy và hành động mới mẽ, thông minh, bản lĩnh, quyết liệt... Hãy bắt đầu: khơi nguồn và đẩy mạnh nó lên, góp phần xây dựng đất nước, quê hương Việt Nam mình, bạn nhé.
    Duy Quyên
    ******************************

    Vượt qua “cái tát của cuộc đời”

    29/10/2013 07:11 (GMT + 7)
    TT - Nhiều bạn trẻ khi vừa ra trường, nghĩ về cuộc sống - môi trường làm việc với bao nhiêu mộng ước: làm việc đúng chuyên môn, được trân trọng, vào công ty gặp những nụ cười tươi... Nhưng cuộc đời không tươi hồng như thế.

    Nhiều năm làm công tác quản lý, ông Nguyễn Văn Khoa - tổng giám đốc Công ty Viễn thông FPT - ví von sinh viên ra trường hay gặp “cái tát của cuộc đời” mà nếu không vượt qua được, các bạn sẽ bị nhấn chìm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khoa nói:
    - Xin nói ngay đó không phải là cái tát vật lý vào mặt. Mình gọi là cái tát, dùng từ tượng hình để các bạn dễ hiểu. Ra trường, ngày đầu tiên đi làm có thể sẽ không là màu hồng như các bạn nghĩ. Sẽ có những vất vả, thử thách và cả những điều các bạn nghĩ không bao giờ xảy ra, lại xảy ra trong những ngày đầu tiên.
    * Cụ thể những điều không ngờ ấy là gì, thưa ông?
    - Đó là có những trường hợp các bạn nghĩ sẽ làm việc trong phòng máy lạnh, ngồi máy tính. Nhưng các bạn không hình dung phải đi xe máy 50km/ngày để tìm hiểu thị trường, khách hàng. Cũng có bạn nghĩ vào môi trường làm việc sẽ mặc comlê, tiếp xúc toàn khách nước ngoài... nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống khách hàng nóng tính, giận dữ vì dịch vụ không ổn định.
    Cũng có trường hợp các bạn không được làm ngay mà phải đọc sách, tiếp cận tài nguyên mới và không hình dung tại sao mình phải đọc những cuốn sách dày cộm như thế. Rồi ước mơ ra trường làm việc này nhưng bị phân công việc khác... Những lý do ấy khiến nhiều bạn sốc, rời bỏ công việc.
    * Nhưng không lẽ môi trường làm việc khắc nghiệt đến thế với sinh viên mới ra trường sao?
    - Đúng vậy. Thông thường một số công ty cho nhân viên mới vào làm việc ngay theo kiểu dùng công việc để đào tạo. Cũng có những nơi các bạn sẽ phải rót trà, làm những việc lặt vặt, bị sai vặt một thời gian mới được làm. Tôi quan sát thấy nhiều bạn rơi vào trạng thái hình dung công việc khác hoàn toàn với thực tế. Đó là chưa kể sau khi được tuyển dụng, các bạn vẫn phải phát huy hết năng lực, sáng tạo chứ không phải an phận thế là xong.
    * Trực tiếp tuyển dụng sinh viên, ông thấy các bạn có những vấn đề gì cần cải thiện?
    - Các bạn thiếu tự tin, chưa lựa chọn được cho mình hướng đi. Các bạn cũng đa mục tiêu, cái gì cũng thích một chút, cái gì cũng muốn thử một chút, cái gì cũng muốn làm một chút. Chỉ có những tổ chức nào đáp ứng được, cho các bạn thử như thế mới giữ chân các bạn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ thuần túy tuyển nhân viên vào làm ngay việc họ mong muốn. Họ chưa bỏ công sức ra tìm hiểu xem nhân viên của mình mạnh nhất ở điểm gì để sắp xếp vào vị trí phù hợp. Đó cũng là điều khó khăn cho các bạn.
    * Ông nhắn nhủ gì với sinh viên mới ra trường?
    - Bạn có quyền ước mơ nhưng đừng để nó chi phối đến công việc. Hãy chi tiết, rõ ràng kế hoạch của mình, những gì mình thích, mình cần và nói những điều ấy với nhà tuyển dụng. Ngoài ra, các bạn hãy chịu khó, hết sức chịu khó và kiên trì. Cuối cùng, nếu mình có cơ hội được chọn thì hãy sử dụng tốt cơ hội ấy, đừng đánh mất cơ hội chỉ vì chủ quan và nhận định sai.
    * Xin cảm ơn ông!
******************************************************

Trẻ, giỏi và một trái tim ấm

20/10/2013 10:35 (GMT + 7)
TT - Đó là hình ảnh của rất nhiều cô gái Việt Nam hiện đại.

Dưới đây là phác thảo chân dung của ba cô gái như thế.
Trần Thị Bảo Trân: “Cho là nhận đấy chứ!”
Đã rời trường một năm nhưng Trần Thị Bảo Trân (cựu học sinh chuyên Anh Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM) vẫn là một cái tên được nhiều học sinh trong trường nhắc đến, ngưỡng mộ. Ngoài thành tích học tập xuất sắc (giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 12, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh lớp 11, giải nhất cuộc thi viết luận toàn quốc 2010 của Trường Trinity, Úc...), Bảo Trân còn là điển hình của một 9X luôn nghĩ đến cộng đồng và không ngừng vươn lên.
Là người nhập cư lại có hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, Bảo Trân vẫn luôn nỗ lực nằm trong tốp đầu lớp suốt 12 năm học.
“Vào lớp 10, tôi chợt nhận ra cuộc sống sẽ thú vị hơn nếu tôi bớt thời gian chúi đầu vào sách vở để đi và cho nhiều hơn”, Bảo Trân nhớ lại. Bắt đầu bằng việc tham gia những chương trình cộng đồng cùng bạn bè trong trường, sau đó Bảo Trân dần góp mặt vào những dự án quy mô lớn hơn như: Sugar (dự án cộng đồng của học sinh trung học ở Singapore và Việt Nam nhằm giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật), VietAbroader, SEALNet... Đam mê tình nguyện quá lớn nên dù thi đậu vào ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Bảo Trân vẫn quyết định xin bảo lưu, dành hẳn một năm tham gia các hoạt động cộng đồng.
“Tôi nhớ mãi ánh mắt, cái nắm tay thật chặt và câu hỏi “Sao chị không quay lại?” của một em bé từng được tôi dạy học tại một mái ấm ở TP.HCM. Câu hỏi đó khiến tôi xúc động và biết rằng mình cần phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho những phận đời kém may mắn” - Bảo Trân giải thích về quyết định xin dừng học từng khiến nhiều người lắc đầu.
“Cho là nhận đấy chứ. Nhờ lăn xả vào các hoạt động cộng đồng mà tôi đã trở nên tự tin, chủ động hơn nhiều so với hình ảnh “mọt sách” trước đây”, Bảo Trân cười lém lỉnh.
Bảo Trâm (phải) cùng tình nguyện viên chương trình “Ước mơ của Thúy” cắt giấy trang trí cho ngày hội Hoa hướng dương - Ảnh: Công Nhật
Trần Ngọc Bảo Trâm: cô gái chăm vườn hướng dương
Gắn bó với chương trình “Ước mơ của Thúy” từ những ngày đầu, sáu năm nay Bảo Trâm là cô gái làm vườn tận tụy của cánh đồng hướng dương chăm lo những bệnh nhi ung thư. Mẹ mất cũng vì căn bệnh tai ác, ban đầu Trâm đến với chương trình vì muốn đối diện với nỗi sợ của bản thân. Rồi dần dà Trâm bắt rễ và trở thành một phần “Ước mơ của Thúy”. Một tuần của Trâm luôn có trung bình 3-4 ngày trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM với vai trò điều phối viên chương trình tại miền Nam. Lúc hướng dẫn các bạn tình nguyện viên cho bệnh nhi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, học chữ, học vẽ; khi liên hệ mạnh thường quân xin tài trợ cho chương trình; có bữa lại cắt cắt, dán dán mấy thứ xinh xinh trang trí cho phòng sinh hoạt chung của bệnh nhi ung thư...
“Ước mơ của Thúy” gần như chiếm trọn tình cảm, tâm hồn của cô gái. “Sáu năm nay, mình khóc nhiều. Mỗi khi có một bệnh nhi mà mình rất yêu thương qua đời, mình bị sốc, nhiều lần rất khó khăn mới vượt qua. Nhưng sau mỗi mất mát, mình thấy trưởng thành hơn, như tâm hồn chỉ có thể lớn khôn khi được tưới tắm bằng nước mắt, từ đó lại cố gắng làm nhiều việc có ích hơn cho cuộc sống ngắn ngủi của các em”, Trâm tâm sự.
Trâm cất tấm bằng cử nhân hóa ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM lẫn dự định làm cô giáo dạy hóa, bẻ lái đời mình sang một hướng hoàn toàn khác: thiện nguyện và vật phẩm handmade. Hiện nay, Bảo Trâm cùng một nhóm bạn đã mở cơ sở riêng, chuyên làm quà tặng thủ công và nhận trang trí đám cưới. Thời gian còn lại Trâm vẫn dành hết cho các hoạt động hỗ trợ bệnh nhi ung thư.
Nói về quyết định có phần liều lĩnh của mình, Trâm cười nhẹ: “Thật ra sau khi quyết định, mình thấy nhẹ bâng như buông bỏ được gánh nặng. Trước đó mình vẫn lo bạn bè sẽ nói gì, sợ “phí” tấm bằng cử nhân đổi bằng bốn năm công sức dùi mài... nhưng không ngờ cảm giác được làm điều mình thật sự thích thật tuyệt. Nhẹ nhõm, hứng khởi, tự do!”.
Ngô Tăng Huyền Trang: cô nàng 9X nhiều tham vọng
“Tôi muốn chia sẻ lại những cơ hội, trải nghiệm bản thân may mắn có được với giới trẻ trong nước”, bạn Ngô Tăng Huyền Trang (sinh 1991, sinh viên ĐH Bentley, Hoa Kỳ) chia sẻ về “đứa con tinh thần” là trại hè tiếng Anh TouchVN mà bạn đồng sáng lập và duy trì đều đặn suốt năm năm qua.
Khi còn học trung học tại Singapore với học bổng toàn phần A*STAR của Chính phủ Singapore, trong một buổi tối tại ký túc xá, Trang chợt ngồi thừ ra khi đọc được thông tin nhiều trẻ em Việt không thể đến trường vì gia đình không lo nổi học phí. Tìm hiểu sâu hơn, Trang nhận thấy giới trẻ Việt giỏi nhưng còn thiệt thòi, thiếu nhiều kỹ năng sống so với người trẻ ở các quốc gia phát triển. Từ đó Trang ấp ủ, tìm hiểu nhiều tư liệu về các kỹ năng mềm để mong giúp giới trẻ trong nước có thêm kiến thức về kỹ năng sống. Đến giữa năm 2009, dự án hỗ trợ kỹ năng cho giới trẻ phổ thông TouchVN chính thức được ra đời.
Nói là làm. Hè 2013, khi vừa hoàn thành kỳ thực tập tại London (Anh) và bận rộn chuẩn bị cho khóa học tại Tây Ban Nha vào tháng 9, Huyền Trang vẫn tranh thủ bay về TP.HCM và làm việc ngày đêm để điều hành, chuẩn bị cho TouchVN diễn ra tại Đà Lạt vào đầu tháng 8. Tiếng lành đồn xa, chương trình TouchVN dần trở thành một hoạt động quen thuộc của học sinh các trường lớn như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Phổ thông Năng khiếu TP.HCM... Chương trình hoành tráng, chỉn chu nhưng ít ai biết được “nhà tổ chức” Huyền Trang phải đau đầu trong việc kêu gọi tài trợ để giảm trại phí cho trại viên, phải nỗ lực thiết kế chương trình hiệu quả nhất... trong khi ban tổ chức mỗi người một nơi và phải làm việc chủ yếu qua Skype, điện thoại, email...
“Chúng tôi muốn TouchVN là sân chơi đúng nghĩa do người trẻ quản lý và dành cho người trẻ. Ngoài việc phổ biến các kiến thức cần thiết để cải thiện kỹ năng sống, chúng tôi cũng mời nhiều diễn giả có tiếng tham gia để sẻ chia trải nghiệm với trại viên. Chúng tôi quyết duy trì đều đặn hoạt động này dù có rất nhiều áp lực về bài vở, khoảng cách địa lý” - Trang không giấu tham vọng.
CÔNG NHẬT - HẢI THI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét