Hành trình châu Âu như mơ của chàng trai 23 tuổi
30 ngày, 18 thành phố, 8 quốc gia, 65 triệu đồng... là những con số đã làm nên chuyến 'bụi' châu Âu của Nguyễn Hải Nam.
Chuyến đi của Nam sẽ không có gì đáng nói nếu cậu không phải mới 23
tuổi, vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, đi làm một năm, lương dưới 10
triệu đồng mỗi tháng, hộ chiếu trước đó chỉ có dấu nhập cảnh Lào và
Campuchia. Và điều quan trọng hơn, Nam đi hoàn toàn tự túc, từ xin visa,
lên kế hoạch lịch trình, mua vé máy bay và tàu, tìm bạn đồng hành...
Chuyến đi trong mơ từ một câu nói đùa
Từ khi còn là sinh viên, mỗi năm Nam đều cố gắng "off" một tuần, thậm
chí cả tháng, và đầu tư kha khá để thực hiện những chuyến đi đến nơi
chưa từng đặt chân tới. Và cuối năm 2011, trong một lần tình cờ ngồi
cùng nhóm bạn để bàn bạc tìm điểm đến mới, Nam chợt thốt ra: "Mình sẽ đi
châu Âu".
Nam đã tham khảo các diễn đàn, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi
trước, nhất là lịch trình, vấn đề tài chính và nhận thấy điều này hoàn
toàn khả thi. Thế là, câu nói vui giữa cuộc "chém gió" với bạn bè đã trở
thành sự thật sau đó một năm.
Bản đồ chuyến đi qua 8 nước và 18 thành phố của Nam cùng các bạn.
|
Chuyến đi kéo dài trong 30 ngày từ 26/10 đến ngày 25/11/2012 qua 8 quốc
gia gồm Pháp - Hy Lạp - Italy - Áo - Hungary - CH Czech - Đức - Thuỵ Sĩ
và 18 thành phố gồm Paris - Blois - Tours (Pháp); Athens - đảo
Santorini (Hy Lạp); Rome - Pisa - Florence - Venice (Italy); Salzburg -
Hallstatt - Vienna (Áo); Budapest (Hungary); Praha (CH Czech); Munich
(Đức); Zurich - Interlaken - Bern (Thuỵ Sĩ). Hành trình được thực hiện
theo một vòng khép kín để tiết kiệm thời gian di chuyển.
Hiện nay chỉ có Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Hà Lan trong khối Schengen
chấp nhận cấp visa du lịch cho người Việt Nam. Đoàn của Nam có 4 người
(1 nam, 3 nữ) tuổi từ 23 đến 26, tất cả đều độc thân, đã quyết định chọn
Pháp vì biết quốc gia này đang khuyến khích du lịch và đây cũng là nơi
đoàn ở lâu nhất.
"Em đã tham khảo các diễn đàn, hỏi nhiều người trẻ, những trường hợp
như em, diện có nguy cơ bị từ chối visa cao nhất và nhận thấy mình có
tới 90% khả năng trượt. Nhưng hy vọng của em vẫn còn vì biết từng có một
bạn sinh viên Việt Nam đã được cấp visa vào Pháp để du lịch tự túc",
Nam kể.
Nam cho biết, sứ quan Pháp kiểm tra rất nghiêm ngặt các vấn đề liên
quan đến tài chính, lịch trình, lý do vào Pháp, các thành viên đi cùng
sẽ bị kiểm tra chéo nhau rất ngẫu nhiên để đảm bảo sự quen biết, liên hệ
với nhau. Vì khả năng có visa không cao, Nam chỉ book vé máy bay tại
đại lý mà chưa dám mua, khách sạn, vé tàu... cũng đều chỉ là đặt trước
qua mạng rồi in chứng từ trình sứ quán. Duy nhất bảo hiểm du lịch
(760.000 đồng) thì Nam phải mua thật. Ngoài ra, lịch trình của Nam dài 7
trang giấy, rất chi tiết, thậm chí tới từng giờ.
Theo kế hoạch, 26/10/2012 đoàn lên đường thì ngày 13/7, Nam cùng các
bạn khởi động chiến dịch xin visa bằng việc đặt hẹn qua điện thoại. Sứ
quán Pháp chỉ nhận hồ sơ trước tối đa 3 tháng. Ngày 30/7, hồ sơ được nộp
cho sứ quán. Các thành viên cùng có mặt để phỏng vấn. Ngày 1/8, sứ quán
yêu cầu bổ sung giấy tờ là lá thư nêu rõ mục đích chuyến đi. Nam tiết
lộ, lá thư này được cậu dành hết tâm huyết, chia sẻ tình cảm thật của
mình đối với nước Pháp. Ngày 3/8, sứ quán lại tiếp tục gọi điện lần hai,
yêu cầu bổ sung bản tổng hợp chi phí và nêu rõ nguồn tài chính để thực
hiện chuyến đi. Và ngày 15/8, buổi sáng Nam vẫn đi làm và như thường lệ
vẫn vào link để kiểm tra tiến trình làm visa với rất ít hy vọng. Hôm đó
sứ quán thông báo mọi quá trình đã hoàn tất nhưng không hề nói visa có
được cấp hay không. Chỉ khi đến tận nơi, Nam và các bạn mới nhận được
niềm vui quá bất ngờ và ngay lập tức chia sẻ trên Facebook. "Với người
không giàu và còn trẻ như em đó là điều hết sức tuyệt vời", Nam nói. Sau
nhiều hồi hộp, đoàn chính thức có visa du lịch vào Pháp.
Chuẩn bị lên đường
Ngay sau khi có visa, việc đầu tiên Nam và các bạn làm là phải ngay lập
tức đặt toàn bộ khách sạn và các loại phương tiện di chuyển như vé máy
bay, vé tàu hỏa, tàu thủy... theo như lịch trình đã vạch ra vì càng để
muộn, vé sẽ càng đắt. Lợi thế của nhóm Nam là visa có trước ngày lên
đường hơn 2 tháng nên cơ hội mua vé rẻ rất lớn. "Chát" nhất là vé máy
bay khứ hồi chặng Hà Nội - Paris (transit ở Bangkok và Dubai) của Qatar
Airways trị giá 21 triệu đồng.
Cả nhóm trong rừng lá vàng ở Blois - Tours miền đồng quê thanh bình nước Pháp.
|
Vào giờ chót, hành trình đã có một chút thay đổi so với ban đầu. Cả
nhóm đã quyết định chọn hòn đảo đẹp như mơ Santorini (Hy Lạp) thay vì
đến Barcelona. Cho đến bây giờ, sau chuyến đi gần một năm, Nam khẳng
định đó là quyết định rất đúng đắn.
Trong quá trình đặt vé, Nam nhận thấy việc di chuyển bằng tàu rất thuận
tiện vì nhiều lý do. Trước hết, đi tàu sẽ không phải đến sớm (như ra
sân bay). Thứ hai, ga tàu thường nằm ở trung tâm các thành phố nên chi
phí đi lại tiết kiệm kha khá (sân bay thường xa). Thêm nữa, theo kinh
nghiệm của những người đi trước, tàu của châu Âu rất hiện đại, thường
không đông nên có thể ngồi ở hạng business sướng như tiên. Ngoài ra, tàu
thường chạy với tốc độ trung bình hơn 150 km/h nên thời gian di chuyển
không quá dài.
Chỉ có những chặng dài hoặc qua biển (như Paris - Athens và Athens -
Rome), đoàn phải bay. Nam đã chọn Easyjet, hãng hàng không giá rẻ hàng
đầu châu Âu. Theo kinh nghiệm, Easyjet, Ryan Air và German Wings là
những hãng hàng không có vé rẻ nhất châu Âu. Tuy nhiên không phải chặng
nào các hãng này cũng có đường bay. Vì thế, bạn có thể linh hoạt lựa
chọn sao cho hợp lý nhất.
4 điểm đến đẹp và ấn tượng nhất chuyến đi
Đảo Santorini (Hy Lạp) nổi bật với những ngôi nhà như những viên đường
nằm bên vách đá sát bờ biển, thật sự rất đáng yêu và nổi bật trên nền
trời mùa thu xanh ngắt. Đi ra đảo rẻ nhất là bằng phà. Mùa hè có chuyến
đi từ chiều hôm trước đến rạng sáng tới nơi, còn mùa đông thì hàng ngày
chỉ có chuyến duy nhất. Giá vé là 37,5 Euro một chiều. Mùa cao điểm nên
đặt trước qua mạng, còn không, có thể hỏi lễ tân khách sạn.
|
Căn hộ xinh xắn ở Paris, tuy không rẻ nhưng nhóm của Nam rất hài lòng. |
Budapest (Hungary) là một thành phố về đêm rất đẹp, lung linh, nổi bật
với những cây cầu bắc qua sông Danube nối liền hai bờ Buda và Pest.
Thị trấn yên bình Hallstatt (Áo) nằm bên hồ, nổi tiếng khắp thế giới
với cảnh vật thơ mộng và yên bình, được đánh giá là một trong 20 thị
trấn đẹp nhất châu Âu. Với Nam, nơi đây là địa điểm thư giãn rất lý
tưởng.
Núi tuyết Jungfraujoch (Thụy Sĩ) với con tàu leo núi có cửa sổ rộng
bằng kính để nhìn rõ cảnh vật bên ngoài. Nổi bật nhất ở đây là khu nhà
băng và điêu khắc, phòng panorama view có thể ngắm toàn cảnh đỉnh núi
với 4 bề là màn hình lớn kết hợp âm thanh, khu vui chơi và trượt tuyết
ngoài trời. Thời điểm lý tưởng nhất là từ tháng 5 tới tháng 10.
Những con số làm nên hành trình trong mơ
- Nơi ở lâu nhất: Paris (Pháp): 5 ngày (4 ngày đầu và 1 ngày cuối hành trình)
- Nơi ở ngắn nhất: Pisa centre (Italy): 2 tiếng 30 phút chỉ để ngắm tháp nghiêng.
Ngủ tổng cộng 18 đêm tại hostel, 9 đêm nghỉ nhờ nhà người quen và 2 đêm trên xe bus + tàu hoả trong đó:
- Đắt nhất là căn hộ tại Paris: 27 Euro/ đêm/ người
- Rẻ nhất là hostel ở Athens - Hy Lạp: 10,375 Euro/ đêm/ người
- Hài lòng nhất là căn hộ tại Paris và hotel Vila Manos tại Santorini Hy Lạp
Sử dụng đa dạng các phương tiện gồm hai chặng bay bằng hàng không giá
rẻ Easyjet, 11 lần bằng tàu hoả, 2 lần xe bus và 1 lần tàu thuỷ. Trong
đó:
- Đắt nhất là chuyến tàu: Bern (Thụy Sĩ) - Paris (Pháp): 90 Euro/ người
- Rẻ nhất là chuyến tàu: Florence - Venice: 9 Euro/ người (đặt trước 2 tháng)
- Rẻ nhất là chuyến tàu: Florence - Venice: 9 Euro/ người (đặt trước 2 tháng)
- Bị delay lâu nhất là chuyến bay của Easyjet từ Athens về Rome: hơn 3 tiếng
- Bữa ăn đắt và ngon nhất là bữa thịt bò bít tết tại nhà hàng Hippopotamus - Paris: 13,5 Euro/ người còn thông thường mỗi bữa chỉ 5-6 Euro/người.
- Bữa ăn đắt và ngon nhất là bữa thịt bò bít tết tại nhà hàng Hippopotamus - Paris: 13,5 Euro/ người còn thông thường mỗi bữa chỉ 5-6 Euro/người.
- Vé tham quan đắt nhất là lên đỉnh núi tuyết Jungfraujoch cao nhất châu Âu ở Thuỵ Sĩ: 81 Euro/ người (đã được giảm nửa giá).
- Bảo tàng duy nhất vào thăm trong cả chuyến đi là: Sex machine museum tại Praha: 10 Euro/ người
- Tổng chi phí của Nam gần 65 triệu đồng (bao gồm tất cả các chi phí
trừ mua sắm cá nhân), rẻ hơn nhiều so với khoảng 80 triệu đồng của một
tour chuẩn ở các công ty du lịch ở Hà Nội, mà thời gian dài hơn và các
điểm đến nhiều hơn.
Lời khuyên sau chuyến đi của Hải Nam và các bạn
- Đừng đi quá lâu cho một hành trình châu Âu nếu bạn không có mục đích
khác như thăm người thân hoặc học hành... 3 tuần là thời gian lý tưởng
để bạn vừa đảm bảo sự háo hức, vừa đảm bảo sức khỏe. Nên lựa chọn hợp lý
để đừng chạy theo số lượng điểm đến mà bỏ lỡ cơ hội tận hưởng những
điều đặc biệt ở những nơi đặc biệt. Nếu đi quá lâu và phải di chuyển
nhiều, có thể bạn sẽ chán.
- Để tránh việc phải bỏ vé máy bay hoặc vé tàu, không nên book các
chuyến bay hoặc chuyến tàu tiếp nối quá liền nhau. Chuyện tàu và máy bay
chậm, hủy chuyến khá phổ biến ở bất kỳ đâu, nên đặt vé của hành trình
tiếp theo cách hành trình trước ít nhất 5 đến 6 tiếng.
- Vé tàu hay máy bay nên book trước ít nhất 2 tháng để được giá tốt
nhất, Italy là 2 tháng, Pháp có thể đặt sớm 3 tháng. Tuy nhiên, cần lưu ý
Thụy Sĩ không có sự khác biệt khi đặt vé gần hay xa thời gian khởi
hành. Thụy Sĩ chỉ có ưu tiên cho người có quốc tịch Thụy Sĩ hoặc người
có visa từ 1 năm trở lên (giá giảm 50%).
- Khi lên núi thì tốt nhất là nước nôi và bánh mỳ nên chuẩn bị sẵn.
Nhiệt độ ngoài trời khi lên đến gần đỉnh núi khi đoàn đi ngày 21/11/2012
là khoảng -4 độ. Ngoài ra, chơi ở độ cao trên 3.000 m nên mất sức khá
nhanh, vì thế cần mang gói kẹo gừng ngậm cho ấm họng.
- Nếu di chuyển nhiều, hãy mang ít quần áo để hành lý nhẹ nhàng. Lưu ý
trong hành lý cần có 2 quần, 2 áo (một mỏng, một dày) và nhất thiết phải
có đồ chống nước.
- Nên đổi tiền từ Việt Nam, nhất là euro và các tiền có mệnh giá cao
như Franc Thụy Sĩ. Tỷ giá tương đối tốt và giúp bạn tiết kiệm được thời
gian.
- Nơi mua sắm lý tưởng cho hàng hiệu là Pháp và Đức. Ở Italy và Hy Lạp
bạn có thể mua được nhiều đồ lưu niệm và các đồ có giá cả bình dân.
- Cần chuẩn bị trước số điện thoại liên hệ của đại sứ quán Việt Nam tại
các nước để đề phòng những trường hợp khẩn cấp như mất hộ chiếu hay lạc
nhau.
- Hãy chuẩn bị túi đựng đồ cá nhân thật chu đáo, cẩn thận tiền nong và điện thoại. Trộm cắp ở châu Âu khá nhiều và tinh vi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét