Ngân, 20 tuổi, nữ sinh viên chuyên ngành tiếng Ý, nhỏ nhẹ và lặng lẽ như một bông hoa ở chân tường rào trong thế giới đầy đổ vỡ và bất an của người lớn quanh cô. Đằng sau cái bề ngoài "ngoan" của cô là những chấn thương của một đứa trẻ cô đơn và thèm khát được dìu dắt mà lại phải quay ra dìu dắt người khác.
Cuối tuần trước tôi lên nhà ông bà nội ở phố cổ để đưa bà đi dạo. Đang ở trên Hàng Đào thì chúng tôi gặp bố giữa đường. Rồi bố và tôi lượn phố bằng xe máy, loanh quanh, không có đích gì cụ thể. Tôi ngồi đằng sau, ôm con chó nhỏ của bố trong lòng, lắng nghe bố. Tôi hợp nói chuyện với bố. Bố hay nói những chuyện linh tinh, vui vui, chuyện ăn uống, rồi sức khoẻ của con chó, chuyện thời sự, phim ảnh… Nhưng bố không bao giờ nhắc tới chuyện quá khứ. Mẹ thỉnh thoảng hỏi tôi dạo này bố sống thế nào, ăn uống có tốt không. Còn bố thì không bao giờ nhắc tới chuyện gia đình nữa. Tôi có cảm giác bố ngại.
Thỉnh thoảng tôi lại tới nhà bố, bố ở cùng với ông bà nội, và kiếm cớ bảo bố đưa đi chỗ này chỗ khác, ra phố, siêu thị. Tôi hay làm vậy vì bố lười lắm, ít khi đi ra ngoài. Có giai đoạn bố mê máy khoan, bố mua một đống về, tháo tháo lắp lắp, khoan mấy cái lỗ, rồi đem đi bán lại. Cả ngày chỉ thế thôi.
Trên xe, tôi hỏi, "Bố ơi, dạo này chú Phương thế nào rồi?" Chú Phương là em trai bố, chú ở tù có tới bẩy, tám năm, hết cả tuổi thơ của tôi. Chú ấy phá phách, đi cướp xe SH, rồi đâm ra nghiện. Hiện ông bà nội thuê cho chú ấy cái nhà ở riêng, hy vọng chú ấy tự cai.
Nhưng bố tôi cũng không biết tình hình của chú. Nói chung là bố vô tâm. Bố rất hiền, tính nhẹ nhàng, nhưng không để tâm tới cái gì. Với bố thì không gì là quan trọng. Bố cứ sống vậy thôi, ngày qua ngày.
Tôi và mẹ ở với ông bà ngoại, có tới mười hai người ở trong cái nhà đó, nên là chúng tôi ở cùng phòng. Lớn thế này rồi nhưng tôi vẫn nằm cùng giường với mẹ, những tối bạn gái tôi qua chơi và ở lại qua đêm thì cả ba nằm trên một giường.
Nhà tôi đông người vậy nhưng mọi người cũng không sinh hoạt cùng với nhau. Tôi thích sống một mình, từ nhỏ đã như vậy. Tôi không nói chuyện được nhiều với ông bà. Họ chỉ quanh quẩn cả ngày trong nhà, rồi nói những chuyện loanh quanh, buồn chán. "Con đã ăn chưa? Tại sao lại không ăn, muốn giảm cân à?" Rồi ông bà hỏi, "Tại sao lại mặc quần rách?". Bây giờ xã hội người ta mặc quần rách, tôi cũng không thể trả lời được là tại sao.
Tôi mới học hết năm thứ hai đại học chuyên ngành tiếng Ý. Mùa hè, các sáng tôi hay tới quán cafe của mẹ, giúp mẹ ủ cà phê, dọn dẹp, quét sàn, gấp giấy nhét vào cốc… Mẹ còn dậy tôi pha chế nữa. Khoảng một tiếng rưỡi, hai tiếng thì xong, tôi về dọn dẹp nhà cửa. Thỉnh thoảng tôi ship hàng cho mẹ, mẹ bán mấy thứ tẩy hút mùi, tẩy lau vách kính trên mạng.
Gần đây tôi cũng làm gia sư tiếng Anh cho một em lớp Tám, một trăm nghìn cho hai tiếng, nhưng hiện nó đang nghỉ vì bị gãy tay. Mẹ đang để dành tiền để mua một cái chung cư về sau cho hai mẹ con tôi. Tôi không giúp được mẹ nhưng cũng cố gắng không xin mẹ nhiều. Tôi không tiêu pha gì nhiều, chắc một tuần hết khoảng ba trăm nghìn cho cafe, sách vở, quanh quẩn thế, thêm tiền xăng nữa thì thành bốn trăm nghìn. Quần áo thì thỉnh thoảng mẹ vẫn mua cho tôi. Tôi đang để dành tiền để học yoga.
Nhưng độ này mẹ không muốn tôi giúp dọn quán buổi sáng nữa. Mẹ mới cài một cái định vị vào xe máy của bạn trai. Bác ấy đi đâu, táp vô cây ATM nào, mẹ đều biết. Bác ấy tới quán cafe nhưng lại bảo là đi làm. Mẹ tới cái quán đó thì chỉ thấy xe máy mà không thấy người.
Cả sáng mẹ chỉ đi ra đi vào kiểm tra cái định vị. Chắc mẹ không muốn tôi nhìn thấy mẹ như vậy nên mẹ bảo tôi không phải ra quán nữa. Buổi chiều thì mẹ đánh cầu lông, nên tôi cũng không gặp. Thời gian này chúng tôi không nói chuyện được nhiều. Cả hai tuần nay rồi chúng tôi không đi với nhau nữa. Trước thì hay đi dạo quanh hồ hay đi cafe cùng nhau. Nhưng giờ thì mẹ không còn tâm trạng gì nữa.
Mẹ quen bác kia được ba năm rồi. Hồi đầu thì ngoài bác kia ra mẹ còn một người nữa, mẹ có hai người cùng một lúc. Tôi khuyên mẹ là không nên như vậy. "Mình cũng nên đặt mình vào tình cảnh của người ta mà hiểu suy nghĩ, cảm xúc của họ", tôi bảo mẹ, "nếu họ phát hiện ra thì làm thế nào?". Thế rồi cái người thứ hai kia cũng tự bỏ đi. Bác kia thì lúc đó cũng đang có vợ, và nói là chuẩn bị li hôn để tiến đến với mẹ. Tôi có cảm giác bác ấy không được thật thà lắm. Trong một thời gian dài bác ấy không nói rõ với chúng tôi là bác ấy làm gì. Gần đây tôi mới biết là bác ý tên là Tiến, mà bình thường tôi cứ hay gọi là bác ý là Tuấn. Bác ấy cho thuê ngựa ở công viên, tức là cũng có thu nhập, vậy mà tôi chưa thấy bác ấy giúp đỡ mẹ lúc khó khăn bao giờ.
Tôi, mẹ và bác ấy mới đi biển với nhau ba bốn ngày, và thực ra tôi cũng không cảm thấy ghét hay khó chịu gì với bác ấy. Thỉnh thoảng bác ấy nhờ tôi đón con bác ấy, và có lần còn chở tôi tới trung tâm học thêm để đăng ký.
Gần một năm nay mẹ phát hiện ra là bác ấy dùng một cái nick Zalo khác để nói chuyện với những phụ nữ khác. Từ đó mẹ lúc nào cũng ở trong trạng thái lo lắng, sợ hãi, không tập trung, cãi nhau với bác kia rồi lại quay ra vục vặc với tôi. Có hôm chúng tôi cùng nhau đi Tam Đảo thì bỗng nhiên bác ấy thoát khỏi Zalo. Thế là mẹ không vui cả một ngày. Mẹ bảo, Tại sao phải thoát khỏi Zalo? Tại sao lại phải mờ ám vậy, có gì phải che giấu đây?
Tôi khuyên mẹ là đã nghi ngờ vậy thì không nên yêu nữa. Đã ba bốn lần mẹ đòi chia tay mà vẫn không dứt được. Bác ấy năn nỉ mẹ quay lại.
Tôi chưa có quan hệ tình dục. Bạn trai tôi không muốn, vì cậu ấy muốn "giữ cho tôi." Phần tôi thì không phải là tôi không sẵn sàng. Khi yêu thì tôi thấy chuyện đó là bình thường. Tôi thấy mình sẵn sàng cho chuyện đó, mặc dù tôi cũng hơi sợ sợ vì tôi vốn nhát.
Mẹ tôi thì rất khắt khe trong chuyện đó, trước khi cưới thì không nên làm, mẹ vẫn bảo vậy. Nhưng gần đây tôi nói thẳng luôn, "Bây giờ xã hội khác rồi, nó không coi trọng cái chuyện đấy theo kiểu quá cổ hủ như hồi trước nữa đâu", tôi nói. "Tất nhiên là con sẽ giữ, nhưng mà con sẽ cho người mà con cảm thấy là xứng đáng".
Với bạn trai tôi, tôi là người nói thích trước. Chúng tôi nhắn tin qua lại được một thời gian thì một đêm, tôi đang ở chỗ học quân sự thì bạn ấy nhắn tin hỏi chỗ đi chơi ở đảo Cái Chiên, Quảng Ninh. Tôi có kể là tôi đã từng đến đó, nhưng tôi biết là bạn ấy chỉ lấy cớ để nói chuyện thôi. Bỗng nhiên tôi bị thôi thúc là mình phải nói ra bằng được là mình thích, nếu mình không nói thì sau này mình sẽ rất hối hận. Nhưng tôi phân vân mãi, vì trước kia bạn ấy yêu bạn gái của tôi, và tới giờ tôi vẫn chưa nói với người yêu cũ của bạn ấy là chúng tôi quen nhau các kiểu. Tôi vẫn ngại người yêu cũ của bạn ấy.
Mãi sau tôi mới nhắn được là:
"Tớ có chuyện này muốn nói với cậu được không? Cậu có rảnh không?"
Lúc đó muộn rồi, nên sáng hôm sau bạn ấy mới trả lời. Cả đêm đó tôi chờ tin, không ngủ được.
Buổi sáng hôm sau, khi tôi mới ngồi lên cái ghế nhựa ở ngoài sân để chuẩn bị học quân sự thì bạn ấy nhắn lại.
"Sao thế, có chuyện gì à?"
"Thật ra tớ thích cậu từ lâu rồi ý nhưng mà tớ không thể nói ra với cậu được". Tôi viết một tin rất dài. "Tớ có cảm giác là nếu mà tớ cứ giấu mãi thì tớ cũng không chịu được. Tớ chỉ muốn nói ra điều đấy thôi, tớ không có ý định là tớ bắt cậu phải yêu tớ lại hay như thế nào cả. Đây là lần đầu tiên tớ làm vậy, và chắc tớ là đứa con gái đầu tiên nói là tớ thích với con trai".
Lại mãi một lúc sau:
"Ừ, thế thì tớ hiểu rồi, có phải từ cấp Ba không?". Tôi và bạn ấy học cùng cấp Ba mà.
"Không, không, sao cậu lại nghĩ thế. Mà cậu chỉ hỏi thế thôi à?".
"Tại vì tớ không tin… tớ tưởng cậu sẽ thích một người hoàn hảo hơn tớ." Đúng là bạn ấy không có gì đặc biệt cả. "Tớ tưởng ngày xưa cậu yêu một bạn cùng lớp, bạn T ấy?".
"Không, đấy chỉ là quan hệ bạn bè bình thường thôi, sao cậu có thể nghĩ thế được".
Im lặng một lúc.
"Ừ, thế thôi, biết được như thế đã. Thôi cậu cứ học quân sự đi, tớ chờ, cậu về tớ đưa cậu đi chơi một hôm".
Bình thường thì các buổi tối bạn ấy làm trong một cái pub, từ bốn giờ chiều tới quá nửa đêm. Một rưỡi giờ sáng bạn ấy về đến nhà thì thường còn xem phim, hút cần, linh tinh tới năm giờ sáng thì mới ngủ tới trưa, rồi chiều lại chuẩn bị đi làm. Hôm tôi về thì bạn ấy đổi giờ làm lên buổi sáng để buổi tối đi chơi với tôi. Tối hôm đó bạn ấy chờ ở ngoài ngõ. Cả ngày tôi loay hoay chọn váy, tới lúc tuyệt vọng rồi thì bỗng nhiên mẹ đưa tôi một cái váy mà tôi thích ngay, mặc dù mẹ không biết buổi tối tôi đi chơi. Mẹ khen tôi xinh khiến tôi cảm thấy đỡ tự ti hơn chút. Tôi từ trong nhà đi ra, miệng cứ tự động mỉm cười mà không kìm được - tôi hạnh phúc mà.
Bạn ấy nghiêng xe máy cho tôi ngồi lên, rồi lấy cái áo phủ lên đùi tôi để cái váy không tốc lên. Chúng tôi đi trong im lặng. Hôm đó trời nóng kinh khủng, tối rồi mà vẫn còn ngoài bốn mươi độ.
Mãi tôi vẫn không đủ can đảm để nói được gì. Bạn ấy thì vẫn hỏi han bình thường, "Cậu ăn gì chưa? Học quân sự có vui không?" Nhưng chắc là cậu ấy run hay sao ấy, vì lúc dừng chờ đèn đỏ thì tôi thấy xe hơi rung rung lên, rất là tội. Bạn ấy không phải là người tiếp xúc nhiều với con gái.
Trước quầy bán vé, tôi lí nhí:
"Hay là để tớ chia tiền với cậu?"
"Thôi, lâu lắm rồi mới gặp có một hôm"
"Ok. Thế thì để tớ mua bỏng cho nhé?"
"Không tớ đặt hết rồi"
Chúng tôi vào rạp muộn, hết cả chỗ để nước, nên bạn ấy phải cầm trên tay. Tôi nghe thấy bạn ấy thở rõ là to, làm tôi cũng hồi hộp theo. Phim thì lại không phải phim tình cảm lãng mạn gì mà là phim hoạt hoạ gia đình siêu nhân. Bạn ấy không tập trung xem mà cứ lọ mọ, nhấp nhổm uống nước.
Rồi chúng tôi đi xe dọc hồ Tây. Lúc này trời đã dịu xuống. Bạn ấy nói, "Tớ không biết được, nhưng tớ rất lo sợ về tương lai, tớ không biết tớ nên làm gì…". Tôi cũng cảm thấy y như vậy, nhưng tôi vẫn trả lời, "Tuổi 20 đẹp nhất, cậu nên trân trọng từng ngày, rồi thế nào mọi thứ cũng sẽ ổn, cậu phải nhìn vào hướng tích cực thì mọi chuyện tích cực sẽ đến với cậu".
Hết phổ thông, tôi thi vào trường Thương mại, nhưng sau một năm thì thấy nó không thích hợp với mình. Tôi quyết định thi lại, vừa đi học vừa đi làm để không phải xin tiền của mẹ. Bây giờ người ta học tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn nhiều rồi nên tôi chọn tiếng Ý. Nhiều người khuyên tôi như vậy vì nó là ngôn ngữ hiếm và gần đây Ý liên kết với Việt Nam khá là nhiều.
Cái đợt ôn thi lại đại học thì bố tôi hay đón tôi. Một hôm, tôi đứng đợi bố ở cổng trung tâm học thêm mà mãi không thấy đâu. Tôi gọi năm, sáu cuộc thì bố mới bốc máy, giọng bố run run. Bố có tật hay nói run rẩy lắp bắp khi gặp khó khăn. Nghe vậy tôi biết là có vấn đề gì rồi. Bố nói, "Bố đang có việc, đừng gọi nữa nhé, con tự tìm cách đi về đi". Tôi bắt xe ôm về, trên đường gọi về nhà ông bà nội, "Bố con làm sao đấy?". Ông nói là bố bị bắt đưa lên trên phường vì tội dùng ma tuý, giờ ông phải lên đút lót để xin về.
Khi tôi học lớp Hai thì mẹ tôi đã định chia tay với bố tôi. Hồi đó, chúng tôi ở cùng ông bà nội và bố bắt đầu sa vào nghiện ngập. Trong trí nhớ lờ mờ của tôi, tôi nhớ có lần bố dẫn bạn bè về rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Hồi đó mẹ để dành tiền để mua xe đạp cho tôi, nhưng bố cũng lấy hết. Tôi có con chó bé tí, bố cũng bán đi lấy tiền mua thuốc. Lúc đầu, mẹ tôi nghĩ mình chịu đựng được, nhưng sau mẹ không muốn tôi phải chứng kiến những cảnh đó nên mẹ quyết tâm chia tay. Mãi tới khi tôi lớp Sáu thì bố mẹ mới chính thức ly hôn. Trước đó, bố tôi phải vào trại cai nghiện mất mấy năm gì đấy. Mẹ kể lại là hồi đó mẹ rất tức giận vì ông bà nội quyết định đưa bố vào trại mà không bàn gì với mẹ.
Từ cái đợt bị bắt lên phường lần cuối thì bố không động vào ma tuý nữa.
Kỷ niệm vui nhất của tôi với bố? Để tôi nghĩ… Tôi không nhớ, hình như không có kỷ niệm nào. Kỷ niệm buồn nhất? Hôm đó tôi, mẹ tôi, và em họ tôi lên trại thăm bố. Lúc đó tôi học lớp Năm. Tôi không nhớ tôi nói gì, nhưng đại loại tôi không đồng ý với bố. "Thôi, con không làm đâu". Bố tát tôi một cái. Từ trước tới nay chưa bao giờ bố đánh tôi, chưa bao giờ bố động chạm hay lăng mạ tôi, nên tôi bị quá bất ngờ. Đấy là kỷ niệm buồn duy nhất của tôi. Còn lại thì mọi thứ cứ bình bình vậy thôi.
Đa phần những gì tôi làm, tôi đều làm vì mẹ tôi. Tôi nghĩ tới mẹ đầu tiên. Tôi muốn sau này mẹ tôi không phải đắn đo khi mua sắm gì. Tôi muốn có thể lắng nghe mẹ nhiều hơn. Mẹ hay nói, "Mẹ chỉ cần con lắng nghe mẹ. Con có ý thức được là mẹ đang làm tất cả mọi chuyện là vì ai không?"
Bố mẹ tôi có yêu tôi không? Bố tôi thì… tôi không biết. Bố thì lúc nào cũng dửng dưng, chẳng bao giờ hỏi chuyện học hành hay yêu đương, chẳng dạy dỗ, khuyên nhủ gì. Chắc bố nghĩ là tôi được sinh ra rồi thì tôi tự lớn lên, thế thôi. Nhiều khi tôi quên đi mất là mình có bố.
Còn mẹ, tôi nghĩ là mẹ yêu tôi. Tôi rất trân trọng những gì mẹ dành cho tôi. Nhưng thú thực, nhiều lúc tôi thấy áp lực với tình yêu của mẹ. "Vì con mà mẹ không thể yêu ai nữa”. Mẹ nói vậy, "vì con mà mẹ hy sinh".
Tôi yêu mẹ nhưng tôi có một khoảng cách với mẹ. Mẹ tôi áp đặt, "Là con thì không bao giờ được cãi dù mẹ đúng hay sai". Hôm trước tôi để cái bông tẩy trang trên bàn. Mẹ cũng hay làm vậy. Mẹ sẵng giọng, "Tại sao con lại để như thế?" Tôi bảo, "Con tưởng mẹ cũng hay để ở đấy nên con cũng để đấy rồi vứt sau".
Mẹ tôi gừ lên, "Thế bây giờ tao để cái gì ở đấy thì mày cũng được để ở đấy à? Thế bây giờ mày còn cãi nữa à, còn đặt điều nữa à?".
Rồi mẹ lẩm bẩm, lẩm bẩm suốt, "Con với chả cái". Sáng hôm sau mẹ tôi vẫn nhắc lại, hôm qua mày cãi tao, bây giờ tao bằng vai phải lứa với mày à.
Thực sự là nhiều lúc tôi nhường mẹ.
Với bố thì tôi thương, không hẳn là yêu. Tôi rất lo cho bố tôi. Bố lười và ỷ lại. Tôi khuyên bố tôi đi làm nhưng bố không nghe, bố đã ở nhà năm, sáu năm rồi. Ông bà nội tôi đã gần tám mươi tuổi, không thể chu cấp cho bố tôi và ở bên cạnh bố lâu nữa. Ông bà nhờ bạn bố động viên bố đi làm, sau này ông bà mất thì còn tự lo được. Bố bảo, "Đến lúc đấy thì tính”. Sau này tôi phải lo cho cả mẹ lẫn bố chứ không thể chỉ lo cho một người được. Tôi cảm thấy gánh nặng ở phía trước.
Còn với mẹ thì tôi yêu, nhưng không hẳn là thương. Tôi không thấy xót cho mẹ tôi. Nhưng bố tôi thì tôi xót.
Cái gì bố tôi cũng kệ. Bố bị đau răng, nhưng đau đớn thế nào bố cũng chịu, mãi mới bảo tôi một câu. Tôi đi mua thuốc cho bố, rồi về cho bố uống, tôi phải chủ động chăm sóc bố. Khi bố còn ở trong trại cai nghiện thì mẹ đã làm đơn ly dị. Đến khi bố xuất trại thì bố ký vào đơn. Đợt đó tôi chả có cảm giác gì cả. Mẹ tôi hỏi, "Con có buồn không?" Tôi bảo, "Con biết chuyện từ lâu rồi". Bố nói với tôi, "Con đừng xa lánh bố…". Tôi trả lời, "Con không xa lánh bố, nhưng bố phải thay đổi đi".
Còn mẹ khi ốm thì nói rất nhiều, yêu cầu tôi rất nhiều, nên tôi không có cảm giác xót mẹ.
Tôi cũng không ngờ khi yêu vào tôi bị phân tâm như vậy. Lúc nào trong đầu mình cũng có những câu hỏi, "Hôm nay bạn ý làm gì?", rồi "Bạn ý đang ở đâu?", rồi kiểu "Gặp nhau thì nên làm gì, nói chuyện gì?" Đi qua cửa hàng quần áo thì mình không chọn xem quần áo cho mình nữa mà xem đồ cho bạn ý, kiểu đấy. Con trai thì không như vậy.
Khi mới quen tôi, Thắng, bạn ấy tên là vậy, rất vui. Nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng nhận ra lịch làm việc của cậu ấy khiến chúng tôi chả nói chuyện được với nhau gì cả. Thắng nói là mấy tháng nữa sẽ nghỉ việc, sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc tôi, nhưng chuyện không xảy ra.
Quan hệ của chúng tôi ngày một chuệch choạc. Có hôm đi chơi xong, Thắng định quay xe về luôn. Tôi buột miệng, "Chả ôm người ta gì cả!" Thế là nó ôm tôi. "Cái gì tớ cũng phải chủ động", tôi nói, "nhưng tớ sẽ không dỗi cậu đâu, tại vì hôm nay cậu cũng mệt, thôi cậu đi ngủ đi tớ không giận đâu". Hôm khác tôi nói, "Ê này, hay là chơi trò hỏi nhau đi, tớ cho cậu hỏi hai câu về tớ, những thứ cậu tò mò về tớ mà không tiện hỏi chẳng hạn thì bây giờ cậu hỏi đi”. Nó nghĩ một lúc rồi nói, "Nhưng mà tớ cũng không biết hỏi gì cả". Tôi nản. Đến đêm thì nó nhắn lại, "Tớ hỏi cậu có bao giờ thấy nản khi mà chờ đợi tớ như thế này không". Và câu thứ hai là, "Nếu tớ vẫn đặt mối quan hệ bạn bè với người yêu cũ lên trên thì cậu có chấp nhận không; tớ thấy tớ không xứng đáng với cậu".
Sáng hôm sau đọc được tin nhắn, tôi tụt cảm xúc, vứt điện thoại ra giường. Hôm đó trời lại còn mưa nữa chứ.
Sau khi yêu Thắng được mấy tháng thì tôi quen Minh, nó ít hơn tôi một tuổi. Hoá ra tôi và Minh rất hợp nhau. Lần đầu tiên tôi gặp một người hoàn toàn hiểu về mình và biết hết tất cả mọi thứ về mình, một sự gắn kết tâm hồn rất đặc biệt. Minh rất đàn ông, rất tinh tế, và cho tôi một cảm giác an toàn, được chấp nhận mà rất lâu rồi tôi mới có. Mấy lần Minh nói thẳng là em ấy thích tôi, nhưng lần nào tôi cũng nói nước đôi là "đang suy nghĩ".
Cái đêm trường tôi tổ chức prom, Minh tới đón tôi. Thắng biết chuyện và đoán được tình hình. Hôm sau, Thắng khó chịu lồng lộn lên, nó đón tôi ở nhà rồi phóng xe rầm rầm quanh hồ khiến tôi phải ôm chặt lấy nó. Tôi hỏi, "Ơ thế anh giận gì à?" Hết cả vòng hồ sau nó mới dừng lại, xuống xe. "Em làm cái gì đấy?". Nó lập cập móc bao thuốc trong túi ra. "Anh không nghĩ em lại làm như thế…" Tôi bảo, "Chỉ là bạn bè bình thường mà… Anh nên biết là em với nó chỉ nói chuyện hợp thôi". Thắng cầm điếu thuốc ném phiu vào tường làm tôi giật bắn mình. Lần đầu tiên tôi thấy nó văng tục với tôi. "Anh cần chó gì biết! Anh đ… cần biết cái gì luôn cả!".
Tôi ôm nó. Người nó nóng ran, hơi thở gấp gáp. Tôi nói dối để trấn an, "Không có chuyện gì đâu, chỉ là bạn bè bình thường thôi… Em đi tiệc với nhiều người mà".
Từ đấy Thắng lúc nào cũng sợ mất tôi. Nó tự ti và hay bảo là tôi nên chọn người khác, là nó không xứng đáng với tôi. Nhưng tôi không bỏ được Thắng. Một thời gian sau, Minh không đợi được nữa nên cũng bỏ đi. Tôi thấy tiếc.
Tôi gặp Minh là đúng người nhưng sai thời điểm. Minh tinh tế hơn, sâu sắc hơn, hiểu tôi hơn, không cục cằn như Thắng. Tôi kể một chuyện, Minh sẽ thấy dễ thương, còn Thắng sẽ thấy ngớ ngẩn, hoặc nó còn chẳng muốn nghe. Bên Minh, tôi thấy mình được trân trọng. Bên Thắng, nó làm tôi thấy bản thân và những thứ mình làm trở nên xấu xí. Minh mới được học bổng, nó đốc thúc tôi học, nó muốn cùng tôi cố gắng. Ngược lại, tôi là người đốc thúc Thắng, nó lúc nào cũng dậm chân tại chỗ, chả thi thêm được môn nào. Nhiều lúc tôi mệt mỏi, nó chẳng tỏ ra cần tôi gì cả, nhưng tôi không bỏ được Thắng.
Vì sao ư? Vì tôi thương cậu ấy. Có hôm tình cờ cả Thắng lẫn Minh đều bị đứt tay. Tôi nhìn Minh mà không thấy xót. Minh biết tự lo cho bản thân, nó vững vàng trong cuộc sống. Nhưng với Thắng thì tôi rất xót, tôi suy nghĩ phải mua thuốc gì, băng bó như thế nào. Lúc đó tôi quyết định nhanh lắm. Tôi biết mình cần chăm sóc Thắng.
Gần đây tôi cũng cố hình dung về tương lai… nhưng thực sự tôi không biết sau này tôi sẽ làm gì, sẽ sống ở đâu. Tôi bắt đầu nản với việc học trên trường. Tôi thấy mình không bắt kịp. Cứ đến gần ngày thi thì tôi có cảm giác tôi không muốn thi nữa, chuyên thế. Lúc đấy tôi có cảm giác mình không còn sức lực để ôn thi, cảm giác như là có ôn cũng thế thôi, kiểu thế, nên là tôi bỏ mặc dù tôi biết là rồi sẽ lại phải thi lại học lại. Tôi vẫn đăng ký thi, vẫn học bài, nhưng sáng hôm đó thì tắt điện thoại, không tới trường nữa, không ai liên lạc được. Tôi bỏ cuộc vào phút cuối. Sáng hôm sau tôi nói dối với giáo viên là nhà có việc.
Hiện tại tôi cố gắng bồi đắp, học làm những công việc nhỏ hàng ngày như nấu ăn, thay bóng đèn, rồi cố gắng học sử dụng máy tính. Nhưng tôi không tưởng tượng ra được mình sẽ thành như thế nào. Mỗi ngày tôi cố gắng nhưng tôi không biết mình cố gắng vì cái gì. Tôi cố gắng qua được một ngày, rồi lại qua ngày tiếp theo.
Tôi sợ mình sẽ có cuộc sống tương tự như mẹ. Cũng quá luỵ vào chuyện tình cảm, yêu đương. Khi yêu vào thì cả ngày tôi cứ loanh quanh không làm được gì, trong đầu lúc nào cũng hỏi sao bạn ấy không nhắn tin, bạn ấy đã về nhà chưa.
Tôi sợ vì thấy mình không có mục tiêu gì, không biết đường đi… Cả đời mẹ tôi chạy theo một cái gì đấy, tiền bạc, đàn ông, mà người ta lại không xứng đáng. Tôi sợ mình lặp lại số phận của mẹ, nên giờ tôi sợ yêu, sợ làm hỏng. Mẹ luôn nhắc, "Làm gì con cũng phải tính tới trường hợp xấu nhất". Điều đó làm tôi rất là rụt rè, chưa dám thử nhưng tôi đã nghĩ mình thất bại ngay từ đầu. Nhiều khi tôi thấy mình bỏ qua rất nhiều thứ kể cả yêu đương lẫn học hành, khác với Hà An. Hà An đang sống hết mình, nó không bỏ phí thời gian như tôi. Tuổi trẻ này đang vụt trôi qua trước mắt mà tôi lúng túng quá.
Tôi chưa bao giờ hình dung ra hôn nhân. Tôi thích sống một mình. Sau này nếu cô đơn thì tôi sẽ có con, chứ không lấy chồng. Chỉ cần nghĩ là sáng dậy mở mắt ra thấy một người lạ hoắc lạ hơ là tôi đã thấy khó chịu. Nhưng chủ yếu là tôi sợ bị phản bội, bị thất vọng. Tôi sợ là mọi cố gắng của tôi một ngày nào đó sẽ bị ai đó phá hết. Đấy là lý do mãi tôi không muốn yêu ai, tôi sợ khi yêu vui thì ít mà buồn thì nhiều. Mãi tôi mới nói với Thắng là tôi thích bạn ấy.
Có chứ! Tôi mong có người dìu dắt tôi chứ. Tôi luôn luôn cảm thấy như vậy, ngay từ nhỏ tôi đã cảm thấy mình cần một người. Tôi không phải là loại người dựa dẫm nhưng tôi muốn có ai đó cho tôi lời khuyên, ai đó đi trước rồi, đã trải nghiệm rồi, và sáng suốt hơn tôi.
Nhưng từ lâu rồi bố mẹ tôi không làm được cái điều ấy. Họ cần người dìu dắt chứ không dìu dắt được tôi.
Tôi chẳng có ai cả. Ai cũng lo việc của mình, không ai để ý đến tôi. Tôi không bấu víu được vào ai.
***
LỜI TÁC GIẢ:
Buổi đầu tôi gặp Ngân, trời ẩm ướt sau cơn mưa. Tay ôm cốc nước chanh, Ngân nhìn ra ngoài hồ bằng đôi mắt to và đẹp mà sau này tôi biết là cô cứ băn khoăn cho rằng chúng là "mắt cá vàng." Nhỏ nhẹ và lặng lẽ như một bông hoa ở chân tường rào, giọng của cô chỉ to hơn tiếng sột soạt của cái áo gió cô mặc một chút. Ở cô toát ra sự nhẫn nại và kiềm chế, chỉ có mái tóc highlight hung vàng và các móng tay được sơn các mầu khác nhau tiết lộ mong muốn được thể hiện bản thân, được chú ý, được trải nghiệm của cô gái hai mươi này.
Qua những buổi gặp gỡ, thế giới của những người lớn quanh cô hiện ra như một quang cảnh đầy đổ vỡ và bất an. Một người bố từng nghiện ngập và ở tù, không quát to một câu bao giờ, nhưng không có khả năng chăm sóc bản thân. Một người chú cũng nghiện ngập và phá phách. Ông bà nội vẫn phải chu cấp cho các con trai mặc dù đã gần tám mươi. Một người mẹ vừa bị lừa dối vừa đi lừa dối các bạn tình của mình, thấp thỏm triền miên trong hoài nghi và đau khổ.
Bề ngoài, Ngân có đủ các nét để được xã hội đánh giá là "ngoan". Đưa bà đi dạo, lấy cớ để bố chịu ra khỏi nhà, mua thuốc và bắt bố uống thuốc, giúp đỡ ở quán cafe của mẹ, tư vấn cho mẹ về chuyện yêu đương. Vấn đề nằm ở chỗ sự chăm sóc này chỉ một chiều. Người bố, vô tâm như cây cỏ, chưa bao giờ hỏi chuyện về cuộc sống của Ngân. Với Ngân, ông là một đứa trẻ và cần được chăm sóc như một đứa trẻ. Người mẹ quá bận rộn với những rối ren tình cảm của mình để lắng nghe tâm tư của con, dù hai người vẫn hàng đêm ngủ cùng giường. Ngân đã quen với việc bươn chải một mình tới mức cô phải thanh minh là mình không phải là người dựa dẫm, trước khi giãi bày rằng ngay từ nhỏ cô đã có cảm giác mình cần sự dìu dắt về tinh thần mà không bao giờ nhận được.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà tâm lý học bắt đầu chú ý tới những đứa trẻ như Ngân. Khái niệm "đảo vai" (role reversal) được dùng cho các hoàn cảnh đứa trẻ trở thành người chăm sóc cho cha hay mẹ, thay vì ngược lại như lẽ tự nhiên. Ở thập kỷ 70, chữ "phụ huynh hoá" (parentification) được đưa ra - parentified child là một đứa trẻ mà hoàn cảnh sống đã khiến nó cư xử như phụ huynh đối với cha mẹ của mình. "Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi", câu nói này của Ngân mô tả chính xác tình huống đổi vai này - đứa trẻ phải cung ứng cho những nhu cầu về tâm lý hay vậy chất cho người lớn trong gia đình, bởi họ không nhận được những điều này từ bạn đời hay từ những người lớn khác quanh họ.
Phụ huynh hoá là một trong những trường hợp của hiện tượng "rối loạn vai" (role confusion). Những trường hợp khác bao gồm việc đứa trẻ đóng vai trò bạn đời thay thế cho cha hay mẹ mình (spousification), hoặc cha mẹ trở thành bằng vai phải lứa với con (peer-like). Trong tất cả các trường hợp này, trong cái nhìn của người quan sát bên ngoài, ranh giới giữa cha (hoặc) mẹ và con bị xoá nhoà, quan hệ giữa hai thế hệ bị méo mó, các thành viên trong nhà không đóng vai trò thông thường của mình.
Đứa trẻ hoặc trở thành phụ huynh, người dẫn dắt, quyết định trong quan hệ với bố mẹ; hoặc trở thành bạn đời, là người đem lại sự gần gũi về tâm lý, tình cảm cho cha hay mẹ, thay cho vợ hay chồng họ, và lắng nghe những tâm sự vượt tuổi của chúng.
Trong tất cả những trường hợp này, cha mẹ không đủ khả năng giải quyết được các nhu cầu tinh thần hoặc vật chất của mình, và do đó tìm đến đứa con để thoả mãn chúng. "Mẹ cần mỗi khi mẹ buồn thì có con bên cạnh," mẹ Ngân yêu cầu rất rõ ràng; sự phục vụ của Ngân là để trả nợ cho việc cô được sinh ra. "Vì con mà mẹ không thể yêu ai nữa, vì con mà mẹ hy sinh."
Đứa con là người phụ thuộc vào bố mẹ, và để giữ được quan hệ và sự gần gũi với họ, đứa trẻ không có cách nào khác là tuân theo những đòi hỏi của họ, tâm niệm chúng (internalize), biến chúng thành lẽ sống của mình. "Đa phần việc gì tôi làm cũng vì mẹ," Ngân nói khi được hỏi về chữ hiếu, "làm gì tôi cũng nghĩ tới mẹ đầu tiên". Sự rối loạn vai xẩy ra mà các cá nhân liên quan không nhận ra được sự bất thường này.
Dù có thể nhận được nhiều lời khen ngợi từ xã hội, những đứa trẻ bị phụ huynh hoá như Ngân mang những vấn đề tâm lý bên trong. Mức độ của các tác động tiêu cực của quá trình phụ huynh hoá phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nó đặt gánh nặng nhiều hay ít lên đứa trẻ, nó bắt đầu lúc đứa trẻ sáu tuổi hay mười sáu tuổi, nó kéo dài một năm hay mười năm. Điểm chúng là những đứa trẻ này bị đánh mất một phần tuổi thơ của mình, mất một phần cơ hội tìm tòi, thử nghiệm để xác định cái tôi, để phát triển lên thành một cá thể độc lập, riêng biệt - một quá trình mà bất cứ người trẻ nào cũng phải trải qua.
Với Ngân, cuộc sống với người mẹ đòi hỏi và người bố con nít khiến cô thấy tương lai nặng nề và mù mịt, đơn độc trong hành trình đi tới. "Mỗi ngày tôi cố gắng nhưng tôi không biết mình cố gắng vì cái gì. Tôi cố gắng qua được một ngày, rồi lại qua ngày tiếp theo".
Giống nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh, dường như Ngân có xu hướng lớn lên thành một người một người chăm sóc cưỡng chế (compulsive caregiver). Những người như vậy thường "hy sinh bản thân", chăm lo vô độ người khác.
Họ có xu hướng tìm tới những bạn đời không tự lo được cho họ, không quản lý được đời mình, giống bố mẹ họ trước kia. Đó sẽ là những quan hệ một chiều, nơi họ không được tôn trọng, thậm chí bị bóc lột. Nhưng những người như Ngân bị hút vào đó để có thể đóng vai trò người chăm sóc và cảm thấy mình có giá trị. Che chở, chăm lo người khác để được họ ban phát tình cảm là cách kết nối duy nhất mà cô biết.
Ngân chọn Thắng, người cục cằn, lạnh lùng, luôn khiến cô cảm thấy bản thân và những thứ mình làm tồi tệ, chứ không chọn Minh, người tinh tế, lắng nghe, động viên, bởi Minh tự lo được cho bản thân, vững vàng trong cuộc sống, còn Thắng cần sự giúp đỡ của cô. Vai trò phục vụ, an ủi, vỗ về người khác, bỏ qua nhu cầu chính đáng của bản thân, là vai trò tự nhiên nhất với Ngân. Lúc nhìn thấy Thắng đứt tay là lúc cô thoát ra khỏi được sự do dự. "Lúc đó tôi quyết định nhanh lắm. Tôi biết mình cần chăm sóc Thắng".
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét