My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo

Người phương Tây hay các quốc gia phát triển chắc sẽ không tưởng tượng hình ảnh những người nhặt từng mảnh thức ăn thừa trong thùng rác hay các điểm tập kết rác thải, không phải cho vật nuôi mà cho chính bữa ăn thường ngày. Ở Philippines, điều đó không còn quá xa lạ tại các đô thị lớn như Manilla.

Những tiếng còi chói tai của dòng xe kẹt cứng vang khắp khu ổ chuột Payatas, thành phố Quezon, phía bắc của vùng đô thị Manila. 9 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời là 30 độ C và vẫn tiếp tục tăng lên. Một chiếc xe tải chở rác vừa ghé, những người công nhân nhanh tay lượm lặt xem có thứ gì dùng được từ đống rác ấy.

Payatas là một khu ổ chuột gần bãi rác; những cửa hàng phế liệu (hay “nhà hàng bãi rác”) là một phần quan trọng với cuộc sống người dân ở đây. Bên trong chất đầy rác thải, đồ ăn thừa, bánh ngọt đang chờ để phân loại.

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 1.
Joe Bolon là chủ của một “nhà hàng” kiểu vậy. Anh ta trả 6 peso (khoảng hơn 2 nghìn đồng)/1kg rác thải. Những chiếc xe đưa rác tới đây từ sớm rồi được những người làm công cho Joe Bolon phân loại. Người ta phân loại thức ăn, có những thứ được bán làm thức ăn cho lợn, còn những miếng thịt gà và thịt lợn - trông có vẻ còn tinh tươm, sẽ được rửa sạch, nấu lên và đem bán cho những người dân sống quanh khu vực, chủ yếu là dân sống trong khu ổ chuột. Họ bán một túi thức ăn thừa như vậy với giá 18 peso/1kg. Trong ngôn ngữ địa phương, đó chính là pagpag - “rũ sạch bụi bẩn”. Đó là một hành trình từ những bữa ăn của người giàu trong các quán đồ ăn nhanh, nhà hàng tới những khu ổ chuột. Có thịt để ăn, với người nghèo tại Philippines là một điều may mắn.

Những “bữa tiệc” đồ thừa tại bãi rác

Myrna Salazar là một phụ nữ đã làm công việc phân loại rác kiểu này gần 20 năm. Cô nói rằng mình có thể ngửi được mùi của thịt thiu, cái nào còn ăn được. “Nếu trông nó còn mềm thì ăn được”, Salazar chỉ vào đống đồ ăn đang phân loại.

“Tuy nhiên nếu là thịt lợn hoặc thịt gà mà cứng như vậy thì cũng vẫn dùng được”, vừa nói, Salazar vừa giơ một miếng ức gà lên vui mừng. “Chúng tôi quen ăn những thứ như vậy rồi. Cứ rửa sạch sẽ cho hết mùi là ăn ngon hết. Sau đó chúng tôi sẽ nấu hoặc rán, lũ trẻ ở nhà cũng thích”.

Salazar không mấy quan tâm đến vấn đề sức khỏe khi ăn pagpag. Cô cũng không có nhu cầu đi chợ dù chỉ cách nhà 5 phút, nơi người ta bán đầy những loại thịt và rau củ quả tươi ngon.

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 2.
Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 3.
“Bụng dạ mà khỏe thì cũng không mấy khi ốm được đâu”, Salazar nói. “Chúng tôi không phải tiêu tốn quá nhiều tiền đi chợ mua thức ăn. Thỉnh thoảng chúng tôi còn tìm thấy gạo, dầu và nước tương ở bãi rác nữa”.

Salazar có 4 người con. Chồng cô cũng đang làm việc tại cửa hàng của Joe. Mỗi ngày vợ chồng cô có thể kiếm được hơn 400 nghìn đồng - mức lương cao với người nghèo ở khu ổ chuột. Có khi nhiều hơn hoặc ít hơn, tùy thuộc vào lượng rác thải họ kiếm được trong ngày.

Salazar bắt đầu chuẩn bị pagpag ở trong một căn bếp nhỏ bên hông cửa hàng. Cô rửa sạch thịt trước khi tẩm ướp chúng với hành, tỏi, tiêu và nước tương. Tất cả được đổ lên chảo, đảo đều và thêm chút muối. Ở bên cạnh bếp có treo 2 tấm biển. Tấm biển đầu tiên viết “rửa sạch sẽ rồi hẵng đi” và tấm thứ hai “khi rời khỏi bếp, nhớ trình báo xem mang những thứ gì ra” - như một lời răn cho những kẻ định ăn trộm. Ở Payatas, cuộc sống có thể rẻ nhưng chẳng có thứ gì miễn phí.

Pagpag từ đâu?

Không khó để tìm được nguồn gốc của Pagpag, món ăn đã gắn liền với người nghèo Philippines. Theo chân đoàn làm phim của BBC, người ta thấy bóng dáng của những người thu gom các loại thịt thừa bên ngoài nhiều cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald’, Jollibee. Felipa Fabon là một trong số họ. Cô đứng bên ngoài cửa hàng đồ ăn nhanh mỗi đêm, không phải để gặp bạn bè hay đón con mà để lục những thùng rác tìm thức ăn thừa.

Felipa tự mình nhặt nhạnh pagpag bên ngoài các nhà hàng tại những thành phố lớn, không chờ rác thải đến điểm tập kết như Salazar. Những thứ cánh gà, thịt thừa mà người giàu bỏ đi hay những đứa trẻ vùng vằng không ăn sẽ trở thành món ngon cho người dân nghèo tại các khu ổ chuột.

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 4.
Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 4.
Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 4.
"Đây này, đây là thịt này", Felipa cầm lên một miếng ức gà. "Giờ việc của chúng tôi là rửa sạch chúng, cho vào túi nilon và bán nó vào sáng sớm. Dễ bán lắm vì nó rẻ mà, hàng xóm tôi ai cũng muốn đồ ăn rẻ. Chỉ tầm 20 peso - tương đương với 11 nghìn, một túi".

Khi trời tảng sáng, Felipa sẽ về lại khu ổ chuột và rao bán những túi pagpag mình kiếm được. Chẳng mất nhiều thời gian trước khi những túi pagpag được tiêu thụ hết. Không phải ai cũng có mức thu nhập “tốt” như Salazar tại các khu ổ chuột - một túi pagpag chỉ tầm 20 peso (khoảng 11 nghìn đồng) cũng ngang một phần ngày công của nhiều người. Có pagpag mà ăn, còn hơn là ôm bụng đói đi ngủ. Lũ trẻ cũng quá nhỏ để biết mình đang ăn gì, chỉ cần có thịt là đủ.

Đói nghèo tại Philippines

Theo Cristopher Sabal, một quan chức tại trung tâm phòng chống đói nghèo quốc gia, lượng tiêu thụ pagpag lớn là một vấn đề liên quan tới tình trạng suy dinh dưỡng đang diễn biến phức tạp tại Philippines.

“Rất nhiều người nghèo đô thị đang sống tại các bãi rác lớn một cách bất hợp pháp”, Cristopher nói. “Họ đang sống ở những vùng nguy hiểm và không được tiếp cận với những nhu cầu cơ bản. Tương lai bấp bênh và thực tại đầy biến động. Họ không tiếp cận được với những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, thậm chí họ không có tiền để mua thức ăn cho gia đình”.

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 5.
Dù cảm thông với người nghèo, Cristopher chưa bao giờ coi việc ăn pagpag là điều có thể chấp nhận được hay “an toàn”, dù bạn có hệ miễn dịch khỏe mạnh như thế nào. “Bạn không thấy vi khuẩn và không biết nó bẩn đến mức nào nếu chỉ nhìn thức ăn. Pagpag không có chất dinh dưỡng gì hết và nó sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngoài ra, trẻ em còn có nguy cơ nhiễm những căn bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A.

Tại Philippines, năm ngoái, có khoảng 2,4 triệu gia đình vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói, thậm chí là thiếu ăn cùng cực. Việc tiêu thụ pagpag đã trở thành một vấn nạn thực sự và không thể coi nó như một hiện tượng kinh tế đơn thuần. Đói nghèo thực sự là một vấn đề tại Philippines. Người dân tại các khu ổ chuột đã ăn những món như vậy từ rất lâu và họ coi pagpag như một “nét ẩm thực” của cuộc sống. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, vòng tròn đói nghèo và pagpag sẽ không bao giờ kết thúc”.

Cuộc sống cơ cực nơi xóm nghèo

Chiều đến, sau khi xong việc, Salazar gói phần pagpag còn lại mang về nhà. Gọi là nhà cho sang chứ thực chất, nó như một tác phẩm chắp vá từ mấy tấm ván, xi măng, bạt che các kiểu. Năm học vẫn chưa bắt đầu, trong nhà ngoài ngõ đầy ắp tiếng trẻ nhỏ.

Salazar đi đưa đồ pagpag cho vài nhà xung quanh, mỗi túi chứa đồ ăn cho một gia đình 4 - 5 người. Susana Abera, 60 tuổi là một khách hàng thường xuyên của cô. Susana mua đủ dùng cho bữa tối với chồng và 2 cô cháu gái Chuchai và Mariane. Bà Susana đã chuyển tới khu Payatas từ những năm 1990 và ăn pagpag từ đó tới giờ.

Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 6.
Bữa tiệc “thịnh soạn” của dân xóm ổ chuột: Những miếng thịt thừa từ bãi rác thành bữa ăn có thịt cho người nghèo - Ảnh 7.
“Tôi sẽ rửa sạch sẽ nó vài lần nữa rồi nêm nếm gia vị” - bà Susana vừa nói, vừa bắc bếp giữa nhà để nấu ăn. “Rửa sạch sẽ” với họ chỉ cần là nhìn bên ngoài không còn bẩn. “Chúng tôi cũng cẩn thận, nếu pagpag có mùi chua thì không ăn được nữa, đem cho chó hoặc lợn ăn. Nếu có bệnh thì chúng tôi ra trạm xá. Cứ nấu chín thức ăn là được”.

Susana nói rằng gia đình cô ăn pagpag 4 ngày/tuần. Hôm nào không có pagpag thì sẽ ăn cá khô với rau củ, mặc dù rau củ quả thì đắt hơn rất nhiều. Chuchai thích ăn pagpag với thịt gà. Mariane mới 10 tuổi, nhưng trông chỉ nhỏ như trẻ 7, 8 tuổi. Cô bé thích đi học nhưng muốn đi ra nước ngoài làm việc để gửi tiền về cho gia đình. Mariane thích sang Hàn Quốc làm người giúp việc.

“Cuộc sống ở đây rất vất vả, tôi muốn mấy đứa cháu có thể ra nước ngoài làm việc”, bà Susana nói. “Chúng tôi cũng già và không thể trông cháu khi qua đời”. Bà Susana vừa tâm sự, nước mắt rơi lã chã. “Tôi muốn các cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn, rời khỏi những khu ổ chuột như vậy. Tôi luôn nhắc chúng học hành chăm chỉ… và thỉnh thoảng, đừng ăn pagpag”.

http://kenh14.vn/bua-tiec-thinh-soan-cua-dan-xom-o-chuot-nhung-mieng-thit-thua-tu-bai-rac-thanh-bua-an-co-thit-cho-nguoi-ngheo-20190903110151453.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét