My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Phương trình hạnh phúc - Lời cuối

MỘT LẦN TRÒ CHUYỆN VỚI ALI


Khi tôi hôn lên trán cậu con trai vừa qua đời, một cảm giác bình yên chiếm trọn tâm hồn tôi. Tôi không thể giải thích nổi điều này. Liệu đó có đơn giản là sự trút bỏ nỗi lo lắng trong lòng Nibal và tôi khi chúng tôi thức suốt đêm mà không biết được điều gì sẽ xảy ra với con trai yêu dấu của mình? Liệu đó có phải là cảm giác nhẹ nhõm khi được giải thoát khỏi nỗi đau lòng khi chúng tôi ngồi bên ngoài phòng cấp cứu và biết rằng sự sống của con trai chúng tôi chỉ có thể được duy trì bởi những máy móc hỗ trợ sự sống trong khi chúng tôi hi vọng rằng thuốc mê sẽ giúp cho thằng bé không bị đau? Hay đó chính là sự thanh thản khi biết được rằng thằng bé sẽ không phải chịu đựng một cuộc đời vật lộn với những hệ quả của việc các cơ quan nội tạng đã bị hư hỏng nặng?

Những suy nghĩ ấy có thể đã làm chúng tôi nhẹ lòng, nhưng không một cái nào trong số đó là một lý do tốt để cảm thấy thanh thản cả. Làm thế nào mà, trong trái tim tôi, tôi lại không cảm thấy giận dữ trước một loạt những sai lầm có thể tránh được đã lấy đi mạng sống của người bạn thân thiết nhất của mình?

Tôi nghĩ rằng tôi sẽ điên mất – nhưng có lẽ là điên cũng tốt. Việc điên cũng là một sự thanh thản. Và rằng cảm giác thanh thản ấy đã giúp tôi trấn tĩnh lại và bước ra khỏi phòng cấp cứu để đến bên người mẹ đang chịu nhiều xúc động của thằng bé, để mà tôi có thể nhẹ nhàng thông báo với cô ấy về cái tin tức khủng khiếp này. Dù rằng cái chết của thằng bé đã được tuyên bố một cách chính thức, tôi vẫn cố gắng làm dịu mọi chuyện đi một chút. “Nibal,” tôi nói, “có vẻ như Ali không thể qua khỏi.” Phản ứng của cô ấy còn đáng ngạc nhiên hơn nữa. Cô ấy nói, “Hãy đưa em đến bên thằng bé.” Tôi lùi lại, tôi không chắc là Nibal, với một trái tim đau đớn của người mẹ, có thể chịu đựng được việc nhìn thấy Ali ở tình trạng đó hay không. Nhưng cô ấy mỉm cười tự tin và nói, “Em biết thằng bé đã ra đi, nên hãy cho em gặp con. Em muốn được nói lời từ biệt.”

Ali nom thật đẹp, ngay cả khi ở trong tình trạng ấy. Thằng bé đã cạo râu vào ngày hôm trước và cắt ngắn mái tóc xoăn của mình. Khuôn mặt thằng bé nom thật thanh thản, cũng bình yên như mỗi khi tôi nhìn thấy thằng bé. Nibal mỉm cười thật tươi, chạm vào khuôn mặt của Ali, và nói điều mà tôi không ngờ tới nhất: “Habibi[1], con cuối cùng đã về nhà.” Điều ấy thật rõ ràng. Cảm giác đầu tiên sưởi ấm trái tim chúng tôi là thằng bé đã ổn rồi – mà thậm chí còn hơn cả ổn nữa. Ali đã thực sự ở nơi mà thằng bé thuộc về.

Cho tới ngày hôm nay chúng tôi vẫn cảm thấy như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng như thế cả. Ngay khi chúng tôi rời khỏi bệnh viện, gánh nặng của sự kiện ấy đổ xuống và sự thanh thản mà chúng tôi cảm thấy ban đầu biến mất. Chúng ta đã phải đánh đổi mọi thứ mới có thể giành lại được nó.

Suốt nhiều năm mô hình hạnh phúc của tôi đã dạy tôi cách kiểm soát những suy nghĩ nằm trong đầu mình. Tôi có thể yêu cầu bộ não của mình phong tỏa một ý nghĩ tiêu cực và mang đến cho tôi một ý nghĩ khác tốt đẹp hơn. Với rất nhiều sự luyện tập, tôi thậm chí còn có thể yêu cầu bộ não của mình hoàn toàn im lặng và để cho tôi được thanh thản. Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của Ali đã đẩy tôi ra khỏi sự cân bằng này. Sự thanh thản điên rồ mà tôi cảm thấy ban đầu nhanh chóng chuyển thành những suy nghĩ độc địa và hung hãn. Tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái hỗn loạn.

Nước mắt tôi không ngăn lại được. Nỗi đau mất đi Ali giống như có một mũi dao đâm vào tim tôi vậy. Sự nhiễu loạn của những dòng suy nghĩ trong tôi khiến tôi không còn nghe thấy được điều gì khác nữa. Tôi cảm thấy mình như điên mất – theo đúng nghĩa đen của từ này – đặc biệt là khi tôi bắt đầu nghe thấy những giai điệu arpeggio xa lạ, vui tươi một cách kỳ cục cứ lặp đi lặp lại liên hồi trong tâm trí mình. Tôi không tài nào ngăn nó lại được. Như thế mới thật điên rồ làm sao.

Cảm giác ấy thật tàn nhẫn. Cái con người duy nhất mà tôi vẫn thường tìm tới để xin lời khuyên về việc làm sao thoát ra khỏi những vòng xoáy như vậy lại chính là người giờ đây đã ra đi. Tôi cực kỳ muốn hỏi thằng bé rằng, “Ali, làm sao ba có thể đối mặt với việc mất đi con đây?”

Khi tôi trở về nhà sau khi đưa thằng bé đến nơi an nghỉ cuối cùng, tôi rơi vào giấc ngủ đầy mệt mỏi trong vòng vài phút và thằng bé xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Tôi nhìn thấy thằng bé ngồi đó bên chiếc bàn mổ và quay mặt về phía tôi. Thằng bé nhìn tôi, mỉm cười, rồi nhìn ra phía sau tôi và chạy vội về phía đó như thể muốn ôm lấy một ai đó đang đứng tại nơi ấy, một ai đó mà thằng bé vô cùng yêu quý.

Hình ảnh của thằng bé khiến tôi bật dậy khỏi giường. Trái tim tôi đập thình thịch, nhưng tôi cảm thấy bình yên trong một vài giây phút. Rồi tôi lại nhớ ra mọi chuyện. Tôi khóc. Tôi nhận thấy mình muốn được gặp lại thằng bé xiết bao, ngay cả nếu như chỉ là trong mơ, tôi ước gì được kể với thằng bé tất cả những điều này. Trong vài ngày sau đó, tôi thường nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng thằng bé sẽ đi về phía tôi – có lẽ là trong chuyến bay dài nào đó của tôi – cùng với cái nụ cười ấy, những lọn tóc cuốn dài mà thằng bé từng bện thời thiếu niên, chiếc áo phông in hình ban nhạc có màu đen, và chiếc quần jean của thằng bé.

Tôi sẽ nhảy dựng lên từ chỗ ngồi của mình và ôm lấy thằng bé. Ali, con đã về, ba nhớ con lắm. Và như thằng bé vẫn thường làm, thằng bé sẽ nói rằng, Ezayak ya abuya. Dạo này ba sao rồi? Có lẽ lần này đó không phải là câu hỏi thích hợp nhất. Bởi vì tôi sẽ bật khóc tức tưởi và bộc bạch hết tâm can mình.

Mệt mỏi lắm, Ali ạ. Thật sự rất mệt mỏi. Chúng ta nhớ con và không biết phải sống thế nào nếu thiếu con.

Hãy nói cho con nghe về điều ấy đi, Phat Hobbit. (Thằng bé gọi tôi như thế kể từ ngày nó cao hơn tôi .) Ta có cả một chuyến bay dài phía trước và hàng giờ để mà trò chuyện.

Trí óc ba hoạt động điên cuồng, Ali ạ. Mọi chuyện không còn nghĩa lý gì nữa. Suy nghĩ của ba trở nên thật độc địa: bác sĩ đã giết chết con trai của ba; không một ai lại đáng phải chết đi khi tuổi đời còn trẻ thế; cuộc đời thật là bất công; chẳng có nghĩa lý gì khi phải sống thêm một ngày nữa cả; và hàng triệu những ý nghĩ khác.

Các ảo tưởng đẩy ba đến mức độ gần như bị hoang tưởng. Ảo tưởng về Bản thân khiến cho ba nghĩ rằng tất cả những điều này đều là lỗi của ba, rằng cuộc đời đang trừng phạt ba vì những việc mà ba đã từng làm. Cái tôi của ba bị tổn thương. Ba cứ tự hỏi, Tại sao lại cướp đi con trai của tôi từ tay tôi? Ảo tưởng về Tri thức khiến ba nghĩ rằng đáng lẽ ra ba phải biết được nhiều hơn thế khi đưa con tới cái bệnh viện ấy. Tại sao ba lại không chọn một ê kíp mổ khác? Đáng lý ra ba phải biết chứ. Ảo tưởng về Sự kiểm soát dày vò ba, phá vỡ niềm tin của ba vào cuộc sống. Tại sao ba lại không dự liệu trước được điều này? Ba còn không dự liệu trước những điều gì nữa đây? Ảo tưởng về Thời gian làm cho thời gian chậm lại, khóa chặt ba vào những giờ phút của sợ hãi, tội lỗi, và tức giận về quá khứ, cũng như lo lắng về một tương lai dài còn ở nằm phía trước mà ba phải sống thiếu con. Những ngày tháng dài lê thê không tài nào chịu đựng nổi. Ba chết lặng trước thế giới xung quanh, chỉ biết sống trong cái tâm trí chất đầy những suy nghĩ và cảm xúc vô tận của riêng mình. Và cuối cùng, nỗi sợ hãi nhấn chìm ba. Nỗi sợ về những gì có thể xảy ra với Aya, với Nibal, và tất cả những điều khác mà cuộc đời có thể lấy đi.

Trong khi tôi mơ màng nghĩ về Ali và việc thằng bé sẽ sử dụng ‘phép thuật’ của mình và chấn chỉnh lại đầu óc tôi cho đúng đắn – như thằng bé vẫn thường làm vậy – tất cả những gì mà tôi nghe thấy được chỉ là thứ giai điệu kia cứ vang vọng mãi trong đầu. Và rồi thông điệp đầu tiên xuất hiện.

Liệu Điều Này Có Mang Ali Trở Lại?
Tin tức lan đi thật nhanh. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một quan chức cấp cao của chính quyền Dubai. Ông đã nghe về chuyện xảy ra và hứa rằng sự sơ suất trong y tế ấy sẽ không bị bỏ qua. Ông thông báo rằng có một cuộc điều tra đang được tiến hành. Ông hỏi rằng liệu tôi có thể tham gia và liệu chúng tôi có đồng ý cho khám nghiệm tử thi hay không. Tôi quay sang Nibal và hỏi cô ấy rằng cô ấy muốn làm gì. Cô ấy đã nói ra điều đưa chúng tôi đến với sự thật tuyệt đối: “Liệu điều này có mang Ali trở lại hay không?”

Câu nói ấy giống như ánh sáng của ngọn hải đăng chiếu rọi qua biển sương mù. Câu hỏi của Nibal ngay lập tức chấn chỉnh lại suy nghĩ của tôi. Sự thật thật là đơn giản. Con người tử tế nhất mà tôi được biết đã ra đi trong thanh thản. Chúng tôi chẳng thể làm gì – không một điều gì – để đưa thằng bé trở về. Mọi suy nghĩ nào vượt ra ngoài cái sự thật ấy đều thật độc địa, vô nghĩa, và đơn giản là không đúng sự thật.

Liệu Điều Này Có Đúng Không?
Kể từ đó, những cuộc đối thoại lầm lạc trong đầu tôi được cân bằng với sự tỉnh táo. Mỗi khi một suy nghĩ độc địa xuất hiện, tôi lại có thể nghe thấy tiếng nói của Ali, Liệu điều này có đúng không?

Bác sĩ đã giết con trai tôi. Liệu điều này có đúng không, hả ba? Có vị bác sĩ nào lại thức dậy vào mỗi sáng và nói rằng, “Ngày hôm nay là ngày mà tôi sẽ giết một ai đó và hủy hoại sự nghiệp của mình?”

Không một ai lại đáng phải chết đi ở cái tuổi đó. Liệu điều này có đúng không? Hàng ngàn người trẻ tuổi vẫn chết đi vào mỗi giờ trong mỗi ngày đấy thôi.

Cuộc đời ba sẽ kết thúc cùng với cuộc đời con. Ôi, liệu điều này có đúng không? Cuộc đời không dừng lại vì một ai hết cả. Ba vẫn còn ở đây cho tới lúc cần phải ra đi. Ba nên cư xử tốt hơn với ý nghĩ đó.

Đây là điều tồi tệ nhất xảy ra với ba. Liệu điều này có đúng không, hả ba? Sự việc còn có thể tồi tệ hơn rất nhiều, ba biết đấy. Con có thể bị chuẩn đoán với một căn bệnh ung thư kéo dài hay rơi vào những cuộc chiến điên rồ ở Trung Đông thay vì ra đi thanh thản trong giấc ngủ của mình.

Nhưng tự ba đã đưa con tới đó. Liệu điều này có đúng không? Làm sao mà ba có thể biết trước được? Ba làm những gì mà ba cho là đúng. Ba muốn làm con hết đau. Ba muốn con khỏe lại. Không một ai có thể biết trước được mọi việc sẽ chuyển biến như thế nào. Tri thức chỉ là một thứ ảo tưởng. Đừng để nó làm ba hoang mang.

Ba thậm chí không thể sống như vậy trong vài ngày. Điều này sẽ hành hạ ba nhiều năm nữa. Liệu điều này có đúng không? Ba sẽ sống, và thời gian sẽ trôi đi. Ngày thì dài, còn năm thì ngắn. Vào một lúc nào đấy khi ba nhìn lại tất cả những điều này và sẽ tự hỏi, “Thằng bé thực sự đã ra đi lâu đến thế rồi ư?” Cuộc sống chỉ gói gọn tới ngày hôm nay mà thôi. Thời gian là một loại ảo tưởng. Thay vì nghĩ về những năm tháng sắp tới, ba hãy tập trung vào hiện tại. Ba hãy làm những gì tốt nhất mà mình có thể. Hãy khiến cho con được tự hào. Ba hãy sống trọn cuộc đời trong mỗi ngày mà thôi. Hồi con còn ở Boston, ta chỉ gặp nhau có một lần mỗi năm và mọi chuyện vẫn ổn cả. Hiện con chỉ đi xa hơn chút ít trong khoảng thời gian dài hơn một chút. Chẳng có gì để phải chờ đợi hết. Thời gian tự nó sẽ lo liệu hết thảy. Còn ba phải tự quan tâm đến bản thân mình.

Nhưng tại sao cuộc đời lại làm thế với ba? Nó đã cướp đi con trai của ba. Liệu điều này có đúng không? Với tất cả lòng kính trọng của mình, Ba ạ, con chưa bao giờ thuộc về ba hết cả. Con chỉ luôn là của bản thân con mà thôi. Đây là bộ phim của riêng con, và giờ là lúc để con thay đổi phân cảnh của mình.

Hẳn là ba có thể làm được điều gì đó để thay đổi điều này. Ba vẫn luôn kiểm soát được mọi chuyện. Haha! Liệu điều này có đúng phần nào không, hả ba? Không ai có thể kiểm soát được mọi thứ cả. Ta chỉ có thể cố gắng hết mức có thể mà thôi. Ta hành động đúng đắn và giữ thái độ tốt nhất. Còn kết quả không phụ thuộc vào ta. Sự kiểm soát là một loại ảo tưởng. Hôm nay ba sẽ thực hiện những hành động nào, và ba sẽ giữ những thái độ nào nếu như ba biết chắc rằng không một điều gì có thể mang được con trở lại? Ba hãy nghĩ về điều đó mà xem.

Ba biết. Cái chết của con khiến tất cả những điều này đều trở nên rõ ràng, nhưng mà ba sợ lắm. Liệu Nibal có được bình yên không? Điều gì sẽ xảy ra với Aya? Sợ hãi cũng là một thứ ảo tưởng, ba ạ. Điều gì xảy ra rồi cũng sẽ xảy ra, bất kể là ba có sợ hay không. Và rốt cuộc, tất cả chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Thực ra chẳng có gì phải sợ hết.

Ổn ư? Con có ổn chăng? Giờ con ở đâu? Con có được an toàn không? Liệu ba còn có thể gặp lại con nữa hay không?

Cuộc nói chuyện trong đầu tôi dường như kéo dài bất tận. Khi mà tiếng nói của thằng bé giúp tôi làm sáng tỏ một suy nghĩ trong đầu, thì một vấn đề khác lại nảy sinh. Ali vẫn giúp đỡ tôi, nhưng bộ não của tôi lại hoạt động quá nhanh khiến cho tôi khổ sở, cho tới khi tôi có thể nghe thấy Ali nói rằng, Ba ạ, ta sẽ không bên nhau trong một thời gian, Như thế là không đủ hay sao? Tại sao ba lại để cho những suy nghĩ của mình mang tới cho ba những tháng năm đau khổ mà chẳng thể thay đổi được điều gì? Ba có biết con muốn ba làm gì không? Con muốn ba hạnh phúc! Những suy nghĩ chỉ là ảo tưởng. Ba có thể bảo với bộ não của mình cần phải suy nghĩ về điều gì. Ba hãy yêu cầu nó tìm kiếm sự thật.

Sự Thật
Trong quan niệm nổi tiếng của Elisabeth Kübler-Ross[2] về đau khổ, tất cả đều được bắt đầu từ sự phủ nhận. Và rồi chúng ta chuyển sang các giai đoạn thương lượng, tức giận, và tuyệt vọng, trước khi tiến tới được sự chấp nhận[3]. Nibal và tôi thật may mắn khi không phải trải qua giai đoạn phủ nhận. Không hề có sự bóp méo về sự kiện trong tâm trí chúng tôi. Vào thời điểm mà sự ra đi của Ali được tuyên bố, sự tiếp cận của chúng tôi với cái tin tức ấy hoàn toàn gắn liền với thực tế. Ali đã ra đi. Chẳng việc gì phải bàn cãi về điều đó, và chẳng có cách nào mang thằng bé quay về với chúng tôi. Nhưng rồi sự chấp nhận mà chúng tôi cảm thấy nhanh chóng bị bóp méo bởi suy nghĩ, và đau khổ xuất hiện. Chúng tôi, như là một gia đình, cần phải có được sự thanh thản mà chúng tôi cảm thấy khi còn ở trong phòng cấp cứu. Bởi vì các nghiên cứu trước đó của tôi về hạnh phúc, tôi biết rằng điểm đầu tiên và điểm cuối cùng để tìm được nó chính là sự thật.

Trong trường hợp này, sự thật thật là đơn giản. Ali đã sống một đời trọn vẹn. Thằng bé hoàn toàn hiện hữu. Thằng bé sống trọn từng phút giây, và thằng bé luôn hạnh phúc. Theo một cách nào đó – khi không có sự hiện diện của những suy nghĩ độc địa – tôi cảm thấy an ổn.

Tôi bắt đầu điều hướng sự tập trung của mình từ chỗ Ali không còn nữa sang việc thằng bé từng là ai. Ali từng là một khách nhân tốt bụng mang ánh sáng và hạnh phúc tới ngôi nhà của chúng tôi. Nhưng những vị khách thì không thể ở lại được lâu. Thằng bé cũng không hề rời đi quá sớm. Tôi nhớ về cái ngày mà thằng bé mang hạnh phúc đến cho chúng tôi với sự hiện diện của mình, tròn hai mươi mốt năm về trước, và nghĩ rằng thời gian thật sự trôi nhanh quá. Ngay cả khi tôi có thêm được hai mươi mốt năm nữa ở bên thằng bé, thì thời gian vẫn cứ trôi nhanh như vậy. Thay vì nghĩ đến việc mất đi thằng bé, tôi học được cách nghĩ về sự thật đẹp đẽ này: chúng tôi đã từng có được thằng bé. Trong suốt những năm tháng ấy thằng bé đã mang niềm vui tới cuộc đời chúng tôi. Thay vì cảm thấy buồn bã trước sự ra đi của thằng bé, lần đầu tiên tôi thấy hạnh phúc rằng thằng bé đã từng có mặt trong cuộc đời chúng tôi.

Và rồi tôi dựa vào một niềm tin mạnh mẽ được xây dựng trên hai sự thật khó có thể chấp nhận nhất: cái chết và sự kiến tạo. Tôi nhớ về cuộc nghiên cứu mà tôi từng thực hiện khi còn trẻ về quan niệm về tạo hóa, về những thông điệp đã được mã hóa, mà đôi khi vẫn thường bị bóp méo trong những bài giảng về tôn giáo, và tôi nhận ra rằng có một điểm chung giữa nhiều đức tin về một thông điệp cốt lõi đơn giản nhường này: Cái chết không phải là sự kết thúc, và những ai sống đẹp trong cuộc đời này sẽ nhận được những điều tốt đẹp ở bàn tiếp theo của trò chơi. Cái chết của thân xác chúng ta là rất thật, nhưng cái chết không phải là sự kết thúc. Con người thật của tôi, con người thật của bạn, và cả con người thật của Ali nữa không bao giờ thật sự chết. Sớm hay muộn, tôi cũng sẽ hội ngộ với Ali để khám phá những gì chờ đợi tôi ở bến bờ bên kia. Đấng kiến tạo thực hào phóng và tử tế, dù rằng những sự kiện diễn ra ở sự hiện hữu vật chất này đôi khi khiến ta tin khác đi. Ngài sẽ vẫn luôn chăm sóc cho Ali tốt hơn tất thảy những gì mà tôi từng làm được

Không, không có cách nào để tôi có thể chứng minh được điều này một cách chắc chắn hết cả, nhưng chẳng phải đó là bản chất của mọi sự hiểu biết hay sao? Và khi mà bộ não của tôi cố gắng nắm lấy quyền kiểm soát, khi mà những suy nghĩ và sự hoài nghi và những tiếng nói trong đầu tôi nổi lên, tôi lại nhớ đến nguyên tắc vàng về hạnh phúc của mình: Khi mà bạn lựa chọn giữa hai suy nghĩ và không thể chứng minh một cách chắc chắn suy nghĩ nào hết cả, hãy lựa chọn suy nghĩ khiến cho bạn hạnh phúc. Còn điều gì có thể đơn giản hơn thế nữa đây?

Tôi lựa chọn hạnh phúc. Ali ổn rồi. Thằng bé đang ở bàn tiếp theo của trò chơi của mình.

Những Lời Sau Cuối
Khi những suy nghĩ tích cực này bắt đầu chiếm lấy đầu óc tôi, tôi cuối cùng cũng có thể suy nghĩ được rõ ràng. Tôi nhận ra rằng cuộc đối thoại mà tôi từng hi vọng có được với Ali đã được bắt đầu, và đã kết thúc, ngay cả trước khi thằng bé ra đi.

Trong những tuần cuối cùng của Ali, thằng bé từng hỏi hầu hết mọi người mà nó gặp, rằng, “Điều gì sẽ xảy ra với chúng ta khi ta chết?” Thằng bé hầu như không nói về điều gì khác. Cứ như thể thằng bé đang chuẩn bị cho một chuyến đi mà nó biết là sẽ phải diễn ra. Thằng bé tò mò. Thằng bé hỏi câu hỏi ấy và lắng nghe một cách chăm chú. Thằng bé không hề phán xét hay tranh cãi. Một vài ngày trước sự ra đi đột ngột của thằng bé, trong lần nói chuyện cuối cùng về chủ đề này, thằng bé đã chia sẻ quan điểm của riêng mình: “Ôi, tôi đoán là ta chỉ có thể biết được khi đã ở đó. Nhưng tôi lạc quan lắm!” Thằng bé đã sẵn sàng. Thằng bé đã tìm thấy sự thanh thản của mình từ trước khi rời đi. Và điều ấy khiến tôi hạnh phúc.

Vào một buổi sáng nọ, một tuần trước khi thằng bé ra đi, thằng bé kể với em gái mình rằng thằng bé có một giấc mơ. Trong mơ, thằng bé thấy mình có mặt ở khắp mọi nơi và là một phần của tất cả mọi người. Thằng bé nói rằng không một từ ngữ nào có thể mô tả được cảm giác của thằng bé khi ấy nhưng thằng bé không muốn phải ở trong chiếc khung của thân xác này thêm nữa. Khi mà thằng bé ra đi, hàng ngàn người ở mọi ngóc ngách trên trái đất này đã xúc động sâu sắc trước câu chuyện của thằng bé. Thậm chí là cho đến tận hôm nay, rất nhiều người vẫn nói với tôi rằng họ yêu quý Ali dù rằng họ chưa bao giờ được gặp mặt thằng bé. Và cuốn sách này sẽ mang thằng bé đến với nhiều người hơn nữa. Thằng bé vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi và là một phần của tất cả mọi người. Ước mơ của thằng bé đã trở thành sự thật. Và điều ấy khiến cho tôi hạnh phúc.

Một vài ngày sau đó Ali dành thời gian để đưa ra lời khuyên cuối cùng của thằng bé theo cái cách mà một người ông thông thái vẫn thường làm. Thằng bé nói với Nibal, Aya, và tôi về việc thằng bé yêu chúng tôi nhiều ra sao, và rồi hỏi mỗi chúng tôi về những điều cần phải thực hiện để thực sự đối mặt với cuộc đời. Thằng bé nói rằng, “Con không biết tại sao con lại tự nhiên nói ra điều này, nhưng con cảm thấy cần phải làm vậy.” Thằng bé lấp đầy trái tim chúng tôi bằng tình yêu, trao cho mỗi chúng tôi những lời lẽ tốt đẹp, và rồi đưa ra lời khuyên của thằng bé dành cho chúng tôi. Thằng bé yêu cầu mẹ nó hãy đơn giản “hạnh phúc” và hãy cởi mở trước việc trải nghiệm cuộc sống như là nhân vật Walter Mitty. (Bạn hãy xem bộ phim đó đi.) Thằng bé yêu cầu em gái nó “hãy nhận biết” và tìm ra con người thật đầy đẹp đẽ của mình. Và thằng bé yêu cầu tôi đừng bao giờ ngưng nghỉ. Thằng bé nói rằng, “Ba đã làm rất tốt, ba ạ, và ba sẽ tạo nên một sự khác biệt. Phận sự của ba vẫn chưa xong đâu.” Nhưng lời ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi và khiến tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Thằng bé bảo với tôi về những điều tôi cần phải làm để vượt qua được việc mất đi thằng bé, và điều ấy khiến cho tôi hạnh phúc.

Và rồi thằng bé mỉm cười thanh thản. Khuôn mặt thằng bé hiện lên cảm giác mãn nguyện, một cảm giác chỉ có thể mang ý nghĩa rằng Nhưng hiện giờ trách nhiệm của con đối với cuộc đời này đã hoàn thành. Theo cái kiểu nói chuyện đầy chất nhạc của thằng bé, thằng bé nói, “Vâng, thế thôi. Con không còn gì để nói nữa cả.” Đó là những lời cuối cùng của thằng bé vào ngày hôm đó. Thằng bé lại trở về với con người trầm lặng quen thuộc của mình – thậm chí là ngày càng trầm lặng hơn.

Vào ngày cuối cùng, thằng bé nói rất ít, ngủ nhiều, và hầu như không ăn uống gì cả. Cứ như thể là thằng bé đã sử dụng hết những gì có trong chiếc túi chứa những việc mà chúng ta thực hiện khi còn sống vậy.

Những lời sau cuối của thằng bé dành cho tôi dù không được nói ra. Chúng khiến tôi mạnh mẽ mỗi ngày kể từ đó. Ali chỉ có duy nhất một sự hối tiếc trên đời này: một hình xăm mà thằng bé thực hiện khi còn ở tuổi thiếu niên và vẫn thường giấu tôi trong nhiều năm. Thằng bé biết rằng tôi sẽ ủng hộ thằng bé xăm mình, nhưng thằng bé cảm thấy tội lỗi bởi vì đã dùng tiền của tôi (mặc dù đó là tiền tôi cho thằng bé) mà không hỏi ý kiến của tôi. Trong nhiều năm thằng bé chờ đợi đến một thời điểm thích hợp để báo với tôi. Đó là bí mật duy nhất của thằng bé. Dù vậy, thằng bé có kể với mẹ nó, và cô ấy, dĩ nhiên, nói lại với tôi. Tôi không muốn lôi chuyện này ra cho tới khi thằng bé sẵn sàng. Vì một lý do nào đó, Nibal đã nhắc tôi về chuyện này khi chúng tôi đến bệnh viện, vì vậy mà tôi còn nhớ rất rõ.

Khi thằng bé được đưa tới phòng phẫu thuật thằng bé ngồi dậy, và tôi nhìn thấy hình xăm ấy lần đầu tiên. Tôi nói thật to, “Ba đồng ý, ya habibi.” Tôi hi vọng rằng thằng bé nghe thấy lời tôi nói và vì thế mà thằng bé không cần phải hối tiếc về điều gì nữa cả. Nhưng dù sao sự thanh thản nơi thằng bé cũng đã trọn vẹn rồi. Thằng bé từng nói với tôi, dù không chủ đích. Rằng thằng bé đã thoát khỏi mọi cảm giác tội lỗi và điều ấy khiến tôi hạnh phúc.

Hình xăm của thằng bé mang đến những lời sau cuối mà thằng bé dành cho tôi. Đó chính là lời nhận định tối thượng về sự thật:

Gánh nặng của một cuộc chiến đấu không có nghĩa lý gì với những ai có được sự thanh thản trong tâm hồn.

Cảm ơn con vì đã nhắc nhớ ba, Ali, và cảm ơn con vì cuộc trò chuyện tuyệt vời này.

Có thể bạn cho rằng tôi chỉ tìm kiếm bất cứ điều gì để mà bám víu lấy nhằm trở nên tích cực. Và đúng là như vậy. Nhưng như thế thì cũng chẳng có gì sai cả. Đau khổ là một lựa chọn và tôi lựa chọn việc không đau khổ. Bởi vì thế mà những suy nghĩ mới biến mất. Vâng, tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy sự tích cực trong những giấc mơ của mình.

Vào cái đêm diễn ra lễ tưởng niệm thằng bé, ngay sau khi mọi người đã ra về, tôi nằm ngủ và, trong giấc mơ, tôi nhìn thấy thằng bé đứng lẫn trong đám đông. Thằng bé khoanh tay và nhìn quanh với một nụ cười tươi trên khuôn mặt và đôi mắt đầy yêu thương dành cho những người tới bày tỏ sự tôn trọng của mình. Thằng bé nom có vẻ hạnh phúc và tự hào về cái năng lượng hạnh phúc tích cực tràn đầy nơi đó.

Một vài đêm sau khi tôi bắt tay vào viết cuốn sách này, tôi có một giấc mơ khác. Thằng bé đang nhảy múa, ca hát, cất tiếng cười, và vẫy tay. Thằng bé hát một khúc ca vui nhộn, Nhưng tôi rất tự hào về mọi người, tự hào về mọi người. Tôi vẫn cảm thấy nỗi đau của việc mất đi thằng bé, nhưng tôi khi ấy hạnh phúc. Không chỉ bởi vì những giấc mơ của tôi mà còn bởi tôi đã sẵn sàng giải mã một thông điệp rõ ràng hơn nhiều từ phía cậu con trai yêu quý của mình. Dù vậy một điều này vẫn cứ làm tôi băn khoăn.

Bạn có còn nhớ rằng tôi từng nói về cái giai điệu điên rồ cứ vang vọng mãi trong đầu tôi sau khi thằng bé ra đi không? Tôi đã rất cố gắng để làm nó im lặng, nhưng rồi tôi nhận ra rằng nó hẳn phải xuất hiện vì một lý do nào đó. Phải mất một thời gian tôi mới nhận thấy rằng cả nó nữa cũng là một thông điệp. Cuộc đối thoại với Ali mà tôi tìm kiếm đã xuất hiện trước mắt tôi từ rất lâu rồi, và tôi hoàn toàn bỏ lỡ nó. Nó đã được mã hóa bằng chính cái giai điệu ấy.

Cánh Cổng
Ali rất nghiêm túc với các trò chơi điện tử, và thằng bé tìm thấy những thông điệp và triết lý ở trong cái cách mà những trò chơi mô phỏng cuộc sống. Thằng bé cũng là một nhạc công tài năng nữa. Nếu như thằng bé muốn gửi cho tôi một thông điệp, tôi nghĩ, thì thằng bé sẽ làm gì khác hơn là thông qua âm nhạc và trò chơi điện tử đây? Khi tập trung, tôi nhớ lại rằng tôi đã từng nghe thấy cái giai điệu ấy trước đây – nhưng chỉ một lần, trong một buổi nhạc hội mà tôi tham dự với Ali nhiều năm về trước. Đó là ca khúc chủ đề, được sáng tác bởi Jonathan Coulton và do Ellen McLain trình bày, cho trò chơi, có tên là Portal (tạm dịch: Cánh cổng), mà cả hai chúng tôi đều rất thích. Bài hát được chơi cùng với phần giới thiệu ở cuối trò chơi, nhưng bởi vì tôi chưa chơi hết (giờ thì tôi đã chơi xong, dĩ nhiên rồi), nên tôi chỉ mới nghe thấy nó trong buổi diễn.

Portal kể câu chuyện về một máy tính độc ác, Glados, giả vờ là bạn của bạn và cô ta hướng dẫn bạn thực hiện một vài thí nghiệm trong Phòng Thí nghiệm Kính. Bạn không thể làm gì khác ngoài việc yêu mến Glados. Cũng giống như là tiếng nói ở trong đầu bạn, cô ta có vẻ rất hữu dụng. Cô ta sẽ nói cho bạn biết cần phải làm gì, và những điều cô ta nói thường giống như một lời khuyên hữu ích. Cô ta động viên bạn và hứa hẹn sẽ tặng bạn một cái bánh ngọt nếu bạn thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Nhưng khi bạn càng tiến sâu vào phòng thí nghiệm, bạn sẽ tìm thấy những hình vẽ trên tường: “Chiếc bánh ngọt là một lời nói dối.” Và vào cuối mỗi bàn, Glados đều không thể thực hiện lời hứa. Nhưng cho dù bạn không có được chiếc bánh nào hết cả, bạn vẫn yêu quý cô ta bởi vì cô ta thật vui tính – thực sự vui vẻ – vì thế mà bạn tha thứ cho cô ta.

Tuy nhiên, vào giữa trò chơi, bạn phát hiện ra rằng cô ta – cũng giống như là tiếng nói nhỏ ở trong đầu bạn vậy – đang nói dối. Cô ta cố làm tổn thương bạn. Và bạn nhận thấy, giống như là những ảo tưởng của cuộc sống, chiếc bánh là một lời nói dối. Bạn chiến thắng trò chơi chỉ khi nào mà bạn ngừng nghe lời cô ta và tập trung vào thực tại của việc chơi trò chơi. Điều này nghe có quen không?

Xuyên suốt trò chơi bạn sử dụng một khẩu súng cánh cổng, đó không phải là một vũ khí có khả năng sát thương mà thực ra là giúp bạn bắn ra những cánh cổng xuyên qua các ranh giới vật lý của phòng thí nghiệm để đưa bạn từ vị trí hiện tại tới nơi mà bạn muốn đến. Khi tôi nghĩ về điều này, quả không có một trò chơi nào mô phỏng sự ra đi của Ali tốt hơn một cánh cổng không mong đợi.

Khi tôi nhớ về nguồn gốc của bài hát, tôi tìm kiếm nó trên YouTube, và kết quả trả về với ca khúc có kèm theo lời bài hát. Hầu như mỗi từ ngữ đều mang giai điệu nhẹ nhàng dí dỏm mà Ali vẫn thường nói. Nó bắt đầu với âm thanh trắng vọng lại từ xa, như thể bạn đang bắt sóng để tìm kiếm một thông điệp được truyền tới từ một nơi nào đó. Sau vài giây, cùng với giai điệu arpeggio êm dịu của chiếc đàn guitar, một chất giọng dịu dàng vang lên từ một chiều không gian khác:

Đây là một chiến thắng

Tôi sẽ nhấn mạnh điều này: một thành công lớn

Thật khó có thể phóng đại sự hài lòng của tôi[4].

Tôi rùng mình. Tôi ngừng bài hát lại và không ngăn nổi nước mắt. Nếu như đó là lời nhắn nhủ của con trai tôi, thì không còn gì rõ ràng hơn thế. Thằng bé vẫn ổn. Không, còn hơn cả ổn nữa. Thằng bé thực tuyệt vời. Thằng bé nhìn lại toàn bộ trò chơi cuộc sống và cái chết của mình và kết luận – chỉ trong một từ – rằng đó là chiến thắng. Bài hát tiếp tục nhắc nhớ tôi về sứ mệnh mà thằng bé trao cho tôi:

Phòng Thí Nghiệm Kính

Chúng ta làm những việc phải làm

bởi vì ta có thể

Vì những điều tốt đẹp dành cho tất cả chúng ta.

Ngoại trừ những người đã khuất.

Điều ấy lặp lại lời khuyên thằng bé dành cho tôi: Ba đừng bao giờ ngừng lại. Hãy tạo nên một sự khác biệt. Không vì một lý do nào cả, mà chỉ bởi vì ba có thể. Ba chẳng thể làm được gì cho những người đã khuất, nhưng ba có thể vì những người còn sống. Thằng bé nói điều đó chỉ vài ngày trước lúc ra đi. Đó chính là sứ mệnh được trao cho tôi. Bài hát tiếp tục:

Nhưng chẳng có nghĩa lý gì khi than khóc trước mỗi một lỗi lầm.

Bạn chỉ tiếp tục cố gắng cho tới khi hết mất cơ hội. . . .

Đừng bế tắc với việc than khóc về những lỗi lầm của con người đã lấy đi mạng sống của con. Hãy tiếp tục tiến lên cho tới khi thời gian của ba trên cõi đời này kết thúc. Hãy tập trung vào cuộc sống và làm điều tốt. Đó là cách mà ba sẽ sống phần còn lại của đời mình. Kể từ đây.

Tôi thậm chí chẳng hề giận dữ.

Lúc này đây tôi vô cùng thành thật.

Kể cả khi bạn làm tan vỡ trái tim tôi.

Và giết chết tôi. . . .

Cậu con trai tuyệt vời của tôi đã tha thứ – như là nó vẫn luôn vậy. Thằng bé biết rằng điều tốt đẹp sẽ hiện ra từ đây theo một cách nào đó, và thằng bé hạnh phúc vì chúng tôi đi qua trải nghiệm này.

Hãy tiến lên và để tôi ở lại.

Tôi nghĩ là tôi thích được ở đây hơn.

Có lẽ bạn sẽ tìm được ai đó giúp đỡ mình.

Hãy tiến về phía trước và để lại con?! Một lần nữa tôi lại khóc, nhưng thông điệp đã rất rõ ràng. Hãy tiến về phía trước thôi, ba ạ. Ba biết cần phải làm gì mà. Sẽ còn có những người khác nữa giúp ba hoàn thành sứ mệnh của mình – hi vọng rằng tất cả các độc giả sẽ giúp truyền tải thông điệp này. Tôi nhận thấy phần này của thông điệp thật khó khăn. Trái tim tôi đau đớn. Tôi muốn con trai tôi ở đây bên mình nhưng tôi không thể có được thằng bé. Và vào cuối ca khúc thằng bé nói cho biết bởi vì sao:

. . . Và hãy tin tôi khi nói rằng tôi vẫn còn hiện hữu.

Tôi làm Khoa học và tôi vẫn hiện hữu.

Tôi cảm thấy TUYỆT VỜI và tôi vẫn còn hiện hữu.

Trong khi bạn đang chết dần thì tôi vẫn còn hiện hữu.

Và khi bạn ra đi tôi sẽ vẫn còn hiện hữu.

vẫn hiện hữu

vẫn hiện hữu

Ba biết vậy, ya habibi. Ba biết chắc là con đang hạnh phúc dù lúc này con đang ở nơi đâu – đang chuyện trò với những con người thú vị nhất từng hiện hữu.

Cả ba nữa cũng sẽ kết thúc phần việc của mình tại đây và tìm lấy cánh cổng cho riêng mình. Tất cả chúng ta đều sẽ làm điều này vào một này nào đó. Sau tất cả, ba sẽ rất nhớ con, nhưng ba hứa rằng sẽ thật hạnh phúc vì con luôn muốn ba như vậy. Ba hứa rằng sẽ khiến con cảm thấy tự hào. Và ba sẽ luôn biết ơn vì con đã chỉ cho ba thấy được con đường ấy.



Xin cảm ơn các bạn vì đã đón đọc câu truyện của tôi và cân nhắc về một số quan điểm sống của tôi. Tôi hi vọng rằng cả các bạn nữa cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc của mình và thực lòng mong rằng ta sẽ được gặp nhau vào một ngày nào đó. Trong khi ấy, xin hãy vui lòng viết ra và chỉ dạy tôi cách để áp dụng những quan điểm hiệu quả của riêng bạn.



Trong cuộc nói chuyện cuối cùng của mình về cái chết, Ali nói với một người bạn của mình rằng thằng bé rất lạc quan, và nó thổ lộ ước mơ cuối cùng của mình: Tất cả những gì tôi muốn khi đi đến bến bờ bên kia là tới được nơi cao nhất và được chiêm ngưỡng dung nhan của người đã tạo ra cái vũ trụ tuyệt vời này.

Xin hãy cùng cầu nguyện để cho điều ước của Ali được trở thành sự thật.

------------------------

[1] Habibi: con yêu

[2] Elisabeth Kübler-Ross (8/7/1926 – 24/8/2004) là chuyên gia tâm thần học người Mỹ gốc Thụy Sĩ, bà là nhà tiên phong trong các nghiên cứu về trải nghiệm cận chết và là tác giả của cuốn sách nổi tiếng On Death and Dying (1969), mà bà lần đầu tiên bàn về lý thuyết năm giai đoạn đau khổ của mình, cũng được biết đến với cái tên “mô hình Kübler-Ross”.

[3] Elisabeth Kübler-Ross, On Grief and Grieving, Finding the Meaning of Grief Through Five Stages of Loss (Scribner, 2007).

[4] Jonathan Coulton, “Still Alive,” YouTube, https://www.youtube.com/watch?v=Y6ljFaKRTrI&spfreload=10



HẾT
Thế là việc dịch cuốn “Solve for Happy” đã hoàn tất. Có một độc giả nào đó từng để lại lời nhắn trên trang solveforhappy.com rằng, “Có vô số thời điểm trong cuộc đời của một con người khi mà một ai đó chưa từng gặp mặt, và cũng không chắc có còn lướt qua cuộc đời ta nữa hay không, đã để lại một hiệu ứng bươm bướm cho toàn bộ phần đời còn lại”. Xin cảm ơn Mo Gawdatt vì cuốn sách nhỏ về hạnh phúc như một lời nhắc nhở ta rằng hãy sống cho hiện tại, và hãy sống thật khiêm nhường, tử tế.

Người dịch: December Child

Source: http://tamlyhoctoipham.com/phuong-trinh-hanh-phuc-loi-cuoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét