Chân gót sen – Kaohsiung
Tèo 08/05/2018 13:21 11 min read
Lần đầu tiên khi tui được nhìn thấy những đôi giày sen là ở Melaka, Malaysia. Lần đó mới được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp đau đớn của những đôi giày gót sen. Là một người khoái đi tới đi lui hầu như cuộc đời chỉ ý nghĩa trong việc đi đây đi đó bằng đôi chân của mình, tui thấy cực kì đau đớn và khổ sở. Mang đôi giày không vừa size với mình thôi đã là cực khổ rồi huống hồ chi phải mang những đôi giày nhỏ như búp sen này. Cái câu chặt chân cho vừa giày không phải là một câu ngụ ngôn mà là chuyện có thực trong cuộc đời.
Tới Kaohsiung, trong bảo tàng tui lại được nhìn thấy một lần nữa vẻ đẹp đau đớn ấy, nhưng mà những gương mặt ấy lại vô cùng hãnh diện. Phụ nữ đã bị lừa trong một cuộc toan tính gia trưởng nhưng dường như chính họ cũng đang tận hưởng điều ấy. Chân gót sen chỉ cho thấy một sự bất bình đẳng và kì thị giới, đàn ông luôn đã nghĩ ra được một cách để trói buộc người phụ nữ của mình, cuộc đời mãi gắn liền với họ bằng đôi chân gót sen, bằng những tập tục, định kiến, bằng tiêu chuẩn mỹ học, cho nên nhìn họ mới hãnh diện đến thế. Nhưng mà quan trọng là chân gót sen phải được uốn nắn từ nhỏ, những bé gái từ 2 đến 5 tuổi đã bắt đầu được bó chân bởi mẹ của mình, như một cách để khẳng định vị thế và có thể thay đổi số phận của mình, những người đàn ông nghĩ ra và những người phụ nữ thực hành, đời này truyền qua đời kia, những người bị trói buộc thay vì gỡ xích giải phóng con gái của mình lại cũng đang gọt chân nó cho vừa giày.
Nhưng vì sao tại Khoai Lang lại có bảo tàng về chân gót sen và chuyện này có ý nghĩa như thế nào?
Theo như thông tin thì tục bó chân đã tồn tại ở Trung Quốc cả ngàn năm và đến tận thế kỉ 19 vẫn còn tồn tại những bà mẹ bó chân cho con để mong cuộc sống tốt lành hơn về sau. Sau khi giải phóng Trung Quốc khỏi thời kì phong kiến nhà Thanh, Tôn Trung Sơn (ông này có tên đường bên Quận 7 là đường Tôn Dật Tiên, quốc phụ của Đài Loan, chuyện ông này và Tưởng Giới Thạch phải có một bài khác mới nói hết được chuyện chính trị tui hóng hớt được trên đường đạp xe ở Đài Loan) thành lập Quốc Dân Đảng. (Quốc Dân Đảng thời đó cũng ảnh hưởng sâu sắc đến phượt thủ Nguyễn Ái Quốc, đến giờ nhớ lại hồi nhỏ mỗi lần làm bản kiểm điểm hay đơn xin nghỉ học, mình viết Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc vô tờ đơn giờ mới biết nguồn cơn bắt nguồn từ chủ nghĩ Tam Dân của ngài Tôn Trung Sơn này đây). Quốc Dân Đảng thời đó giải phóng Trung Hoa xong đã lập tức cấm và bãi bỏ tập tục đau đớn này, cho nên việc tục bó chân được trưng bày tư liệu tại Kaohsiung để nói đến việc Quốc Dân Đảng trong việc giải phóng Trung Hoa khỏi chế độ phong kiến cũng đã giải phóng luôn người phụ nữ, bước đầu tiên về sự phát triển nhân quyền và bình đẳng giới trong xã hội.
Nhưng có lẽ phụ nữ tuy có thể chạy nhảy thoải mái hơn xưa nhưng chuyện bình đẳng còn lâu lắm, chính họ vẫn đang mang những đôi giày gót sen trong vô thức và những người mẹ vẫn đời này qua đời kia bó chân cho những cô gái nhỏ. Là con gái phải thế này thế kia, con phải chơi búp bê, phải nói năng nhỏ nhẹ, lớn lên thì mở tivi là biết thế nào là một phụ nữ thành công trong cuộc sống, với người thon cao làn da trắng trẻo và nụ cười toả sáng, có con rồi thì lại thấy cuộc đời mặc nhiên gắn liền họ với căn bếp, và hành trình những người đàn ông tìm kiếm bạn đời luôn là những cô nàng biết nấu ăn và cười toả nắng, nhà có hai đứa con gái rồi ráng đẻ thêm đứa nữa kiếm con trai. Chính điều đó là những đôi giày gót sen mà hằng ngày phụ nữ vẫn tự nguyện mang vào bởi những định kiến và bất bình đẳng giới.
Đàn ông là giống loài cứ tưởng không cần phải giải phóng nữa nhưng lại được tiếp tục giải phóng thêm lần nữa, lại mở tivi hay báo mạng là thấy những người đàn ông đã thay đổi hình tượng thế nào, không còn là đấng mày râu mạnh mẽ, trụ cột, người gánh vác trách nhiệm nữa mà đã trở thành trắng trẻo gọn gàng nụ cười toả nắng và làn da trắng sáng mịn màng hơn cả phụ nữ. Cám ơn những nhà biên kịch, đạo diễn phim Hàn đã giải phóng đàn ông khỏi hình tượng mạnh mẽ, đến giờ thì họ hoàn toàn thoải mái yếu đuối, suy sụp và thoải mái khóc vì buồn và tối tối đắp mặt nạ dưỡng da trong sự ủng hộ nhiệt liệt của chị em. Nhưng ai sẽ giải phóng phụ nữ khỏi yếu đuối, ai sẽ đưa họ ra cứu thế giới? Mình nghĩ rằng năm 1928 là năm quan trọng, khi đó Quốc Dân Đảng đã giải phóng phụ nữ, nhưng theo cách nào đó thì từ đó đến nay và còn lâu lắm, phụ nữ cũng không muốn được giải phóng.
Đi tàu điện hay phương tiện công cộng bên nước ngoài đôi khi nhường chỗ cho phụ nữ, tưởng ga lăng nhưng có nhiều người lại nhìn nhận và nghĩ rằng đó là một hành động kì thị giới. Ta nhìn thấy một cô gái và mặc nhiên ta nghĩ cổ yếu nên cổ cần ngồi chứ không coi cổ là một người bình thường đầy đủ sức khoẻ ngang hàng với ta, tới trước thì được ngồi tới sau thì phải đứng. Khi nào đàn ông còn cần người phụ nữ bên cạnh mình yếu để để mình cảm thấy mạnh thì lúc đó phái yếu chính là đàn ông. Trên con đường tiến tới văn minh là hành trình vạn dặm, bước chân đầu tiên chính là coi người phụ nữ bên cạnh mình chính là một con người toàn vẹn đầy đủ sức khoẻ trí tuệ như một giống loài độc lập chứ không phải phụ thuộc vào mình mới sống được. Trao quyền cho họ nhưng chưa chắc họ cần nhưng việc đúng thì mình cứ làm, đến một lúc nào đó họ còn nhận quà nhân danh phụ nữ thì chính họ mới là người đang gọt chân mình cho vừa giày gót sen thời đại mới. Cuối cùng đằng sau tất cả những ngày mà phụ nữ được nhận quà chỉ vì họ là phụ nữ là gì, chính là sự ngôi lên của chủ nghĩa tiêu dùng, các hãng hàng thời trang và các dịch vụ thương mại điện tử chỉ mong trói họ càng chặt càng tốt, tri ân, tưởng nhớ, ga lăng… cuối cùng để bán được càng nhiều đồ càng tốt, từ bếp núc cho tới ngoài đường, mấy bạn nữ ơi, họ chỉ muốn bán hàng thôi. Mấy người bán hàng mới là người trao các bạn đôi giày gót sen, nếu trở thành người tiêu dùng, nếu tin quảng cáo, thì mấy bạn tự bó chân mấy bạn, trói chặt các bạn vào tính từ phụ nữ!
Đàn ông – tui vô can!
Source: http://www.dithang.com/2018/05/08/chan-got-sen-kaohsiung/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét