Ông sống có vui không?
TT - Lâu lâu lại thấy ông già Mạc Can ngồi một mình. Hỏi đi đâu đây chú Can? Bữa thì nói đi lãnh nhuận bút, bữa thì nói ghé lại xem có nhuận bút chưa, chắc là hết tiền xài.
Nhưng trong mọi lúc, ông đều có vẻ hài hước vốn dĩ của một người đã đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.
Sáng nay ngồi được một lúc thì ông bảo tôi: Ông T. nè, ông sống có vui không?
Thường thì khi còn là một đứa trẻ, người ta hay hỏi chúng ta, con có ngoan không, học có giỏi không. Lớn lên tí thì học đứng thứ mấy. Lớn hơn nữa thì học trường gì, nghề gì. Ra trường thì hỏi đi làm chưa, được bao nhiêu tiền. Có tiền rồi thì người ta hỏi tài sản như thế nào, nhiều hay ít...
Người ta thường hỏi nhau về danh vọng, tham vọng, người ta ít hỏi nhau về hạnh phúc.
Người ta ít khi hỏi nhau sống có vui không, có thấy cuộc sống hạnh phúc không? Không chỉ đối với người khác, thậm chí người ta cũng quên luôn việc hỏi chính mình câu hỏi đó.
Trong khi cuộc sống của con người lại phụ thuộc vào cách họ đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi cho chính mình. Nói cách khác, chúng ta sẽ là chính cái điều mà chúng ta hỏi, là những câu hỏi quan trọng của tâm trí phải giải đáp.
Tôi nhớ có xem một đoạn video trên TED về một người nông dân, anh kể khi còn trẻ, người ta luôn bảo anh phải đến Bangkok để theo đuổi thành công. Nếu không anh sẽ thấy thật tệ bởi vì anh nghèo khổ. Những người học kém như anh sẽ không có sự nghiệp, không có nhà, không có tương lai.
Thế rồi anh đến Bangkok, làm rất nhiều việc, có khi làm 14 giờ một ngày, sống trong những khu nhà tồi tàn, nhưng đổi lại anh vẫn không đủ ăn, thậm chí anh còn nhận ra mình cũng chỉ ăn một tô mì như mọi người.
Có một cái gì đó đã sai khi anh nghĩ về cuộc sống chăng? Anh bỏ Bangkok quay về quê. Ở đó anh làm ruộng. Trong một năm anh chỉ làm vài tháng là đủ có lương thực để sống. Phần thời gian còn lại trong năm anh rảnh rỗi. Khi có nhiều thời gian, anh nhận ra mình hiểu về bản thân hơn, nghĩ về cuộc sống nhiều hơn. Anh đào ao cá chẳng hạn như một thú vui. Đó là lý do có rất nhiều người ở quê anh, họ bỏ ra rất nhiều thời gian chỉ để làm một cái cán dao thật đẹp. Và đó cũng là lý do ở quê hương anh có rất nhiều lễ hội.
Ở quê, anh xây nhà bằng đất chỉ hai giờ mỗi ngày, trong hai tháng anh đã có một căn nhà. Trong khi đó một người bạn của anh, học rất giỏi ở Bangkok, cũng mất hai tháng để có một căn nhà nhưng phải trả nợ cho căn nhà đó trong 30 năm. So với anh bạn kia, anh có 29 năm và 10 tháng rảnh rỗi chỉ để suy nghĩ làm sao cuộc sống dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn.
Thế rồi cứ thế, anh bỏ ra mỗi năm xây lấy một căn nhà cho mình, anh có rất nhiều nhà, vấn đề của anh chỉ là không biết phải ngủ nhà nào mỗi đêm.
Anh nhận ra chúng ta có quá nhiều người thông minh, nhiều người học giỏi, quá nhiều trường đại học, nhưng thật ít người hạnh phúc.
Câu chuyện của anh có thể thích hợp với người này nhưng sẽ không thích hợp với người khác, tùy thuộc vào câu hỏi mà họ đặt ra trong cuộc đời mình, rằng họ sống và theo đuổi điều gì.
Phần lớn câu trả lời của chúng ta là tham vọng, chúng ta theo đuổi tham vọng và chúng ta tạm cho tham vọng là hạnh phúc. Nhưng điều đó đôi khi lại là không phải.
Bạn có hạnh phúc không, con có hạnh phúc khi đi học ở đây không, chị có hạnh phúc với công việc này không thay vì hỏi chị kiếm được bao nhiêu tiền, chức vụ gì...
Giống như ông già Mạc Can đã hỏi tôi, giá như tất cả chúng ta đều hỏi nhau câu hỏi về việc tìm kiếm hạnh phúc hằng ngày hằng giờ, thì cuộc sống cá nhân mỗi người có lẽ phần nào đã khác đi chăng!
NGUYỄN NGỌC THUẦN (nguyenngocthuan@tuoitre.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét