My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Tiếng khóc đằng sau cơn giận

BẢN CHẤT CỦA CƠN GIẬN

TIẾNG KHÓC ĐẰNG SAU CƠN GIẬN

Qua những năm tôi tư vấn cho hàng trăm người muốn hiểu ý nghĩa về cơn giận của họ, tôi biết được một điều là luôn có điều gì đó nuôi dưỡng cơn giận hơn cái người ta thấy biểu hiện ở bên ngoài. Người tức giận, bề ngoài có thể như mạnh mẽ, quyết tâm hoặc bất di bất dịch, nhưng chắc chắn là bên dưới cái vẻ bề ngoài đó là nỗi lo sợ, sự đơn độc và áy náy lẫn đau đớn. Đặc biệt là bị đau khổ. Dù họ có thừa nhận hay không, người tức giận là người đã bị tổn thương và phần nào họ tin rằng họ có thể giải quyết sự đau khổ của riêng mình bằng cách làm cho người khác cũng phải chịu tổn thương. Lý lẽ của họ thường thiếu sự nhận thức đến nơi đến chốn; tuy vậy, mỗi khi cơn giận bộc lộ không đúng lúc, nó là sự phản ảnh của vết thương sâu xa đang mong được chữa lành.
Khi tôi làm việc với các cá nhân đang cố vượt qua những ảnh hưởng tai hại của cơn giận, tôi nhận thấy họ vẫn bị vướng vào trong cơn giận của họ nếu họ không biết cách nhìn sâu vào trong tâm hồn để tìm ra các nhân tố thúc đẩy cơn giận. Đúng vậy, nếu bạn cần biết được những điều đó thì họ cũng sẽ cần biết được các phương pháp được cho là biện pháp tiến bộ để đối phó với tâm trạng bực tức, và họ có thể biết chắc là cần phải phân biệt được sự khác nhau giữa trạng thái tức giận lành mạnh và tức giận không lành mạnh.
Tuy nhiên, họ cần nhận ra rằng chỉ cố gắng chỉnh đốn cách biểu lộ cơn giận mà không đào sâu vào các vấn đề gây ra đau khổ thì có cố gắng lắm cũng chỉ đem lại sự thay đổi hời hợt bên ngoài.
Để thoát khỏi cái bẫy của cơn giận, những người này cần nhận ra tiếng khóc đằng sau cơn giận.
Sự tức giận hiện rõ trên khuôn mặt Julie khi cô ngồi trong văn phòng của tôi cùng với chồng Steve. “Chúng tôi lấy nhau được sáu năm”, cô ấy giải thích: “Và suốt thời gian đó tôi khó mà có được giây phút bình yên. Khi chúng tôi còn hẹn hò thì Steve là một người đàn ông hào hoa phong nhã. Thật ra, anh ấy quá tử tế với tôi và các con riêng của tôi, quá tốt đến không sao tưởng nổi. Thế rồi, trong tháng đầu tiên sau khi cưới, tôi mới nhận thấy được điều tốt đẹp trong quá khứ không phải như vậy. Anh chàng này có một tính tình chẳng giống ai mà tôi từng quen biết”. Mặt Julie ửng đỏ lên và mắt ngấn lệ khi cô cố giữ bình tĩnh.
“Trong vài tháng đầu sau khi cưới, tôi biết được anh ta bộc lộ trong cách sống về rất nhiều điều anh ta cho làm và cấm không cho làm. Điều gì anh ta cũng có nguyên tắc và nếu như tôi hay một trong các đứa con tôi vi phạm một nguyên tắc thì cơn giận của anh ta sẽ ào ào bộc phát”. Julie tiếp tục giải thích là Steve có thể dễ dàng chửi rủa cô, gọi cô bằng những tên thô tục và điên cuồng buộc tội cô. Đôi lúc anh ta đóng sầm cửa, quăng ném đồ dùng hoặc đấm vào tường. Khi đang lái xe, anh ta thường chạy sát đuôi những xe mà tài xế chạy quá chậm và anh ta thường đưa ra những lời phê bình thô tục, mặc dù điều đó hoàn toàn chẳng khiến cho xe cộ di chuyển êm xuôi hơn. Là nhà thầu cung cấp ống nước, Steve chưa hề bị đuổi việc, vì anh là chủ công ty ấy. Nhiều năm qua, anh ta đã đuổi hết nhân viên này đến nhân viên khác vì tính khí anh quá thất thường và hung hăng. Cơn giận có vẻ là đặc điểm nổi bật ở tính cách của anh ta.
Khi tôi hỏi Steve, anh nghĩ gì về những điều mà Julie kể lại, anh ta nhe răng cười và nhún vai: “Tôi biết nói gì đây? Cô ấy nói đúng, tôi nóng tính. Nhưng này, hầu hết mọi người không vậy sao? Tôi chẳng đánh đập hay có hành động vũ phu nào”.
Với kiểu trả lời như thế, Julie đành thở dài: “Anh không thể thay đổi và tôi không biết anh ta có thay đổi được không! Cơn giận của anh làm tôi không còn hơi sức đâu để vui sống và tôi không thể chịu đựng điều đó mãi được. Nếu anh ta không biết giữ gìn, anh ta sẽ vướng phải vụ ly dị thứ ba vì tôi sẽ không tiếp tục chịu đựng nữa, cũng giống như hai bà vợ trước đây của anh ta vậy”.
Trong phòng tư vấn, tôi đã gặp những người giống như Steve, họ dường như tìm cách đáp trả cơn giận vào một người bạn cũ mà người ấy thực sự đã không tốt với họ. Dù có nhiều kinh nghiệm đau thương, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục theo kiểu giận dữ như trước vì họ không biết cách nào khác để phản ứng lại khi cuộc sống xã hội của họ có vấn đề. Các thành viên gia đình và bạn bè có thể yêu cầu họ thay đổi cách đối xử, nhưng không đem lại ích lợi gì. Ngay cả ngay sau khi đã xin lỗi và hứa sẽ cải thiện, vẫn có thể đoán được là trạng thái giận dữ tai hại ấy sẽ quay trở lại. Có vẻ như phi lý, nhưng dường như đối với những người hay giận dữ thì cơn giận chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục làm cho họ có những cảm xúc không hay. Tất nhiên họ đã không cam kết có được sự thay đổi nào tốt hơn.
Những người dễ có phản ứng giận dữ như Steve , dù họ có thể cởi mở thừa nhận cơn giận của họ đem lại rất ít kết quả tích cực, nhưng họ vẫn tiếp tục vướng vào cái vòng luẩn quẩn vô ích, như thể bị nó cuốn hút rất mạnh. Cơn giận vô ích này trở thành cái bẫy giam hãm họ vào bên trong cuộc đời khổ sở.
Chúng ta công nhận là không ai hoàn toàn tránh được cơn giận. Dù ta có muốn điều đó hay không thì nó vẫn là một phần trong trải nghiệm của cuộc đời mình, nó tồn tại tự nhiên với mỗi cá nhân. Đôi lúc chúng ta kiềm chế nhưng nó có thể xuất hiện hoàn toàn bất ngờ. Có những lúc cơn giận nổ ra do một tổn thương tức thì hoặc một tâm trạng thất vọng, còn những lúc khác do ký ức về một trải nghiệm trong quá khứ gây ra. Khi tôi tư vấn cho những người hay tức giận, không phải trải nghiệm của cơn giận làm tôi quan tâm; thay vào đó tôi tập trung vào những cảm xúc nào làm họ không kiềm chế được và tại sao cơn giận có thể quá dễ xảy ra.
Khi tiếp tục nói chuyện với Steve về cơn giận của anh, tôi nhận thấy vấn đề sau đã dày vò anh ta trong phần lớn cuộc sống. Chính cha của Steve cũng đã sống trong tình trạng mắc phải cái bẫy của cơn giận. Dễ bị kích động, cha anh nổi tiếng là có những cơn giận hung bạo dường như xảy đến thật vô cớ. Steve nhớ lại: “Tôi nhớ khi còn là một học sinh tiểu học, lúc tôi và em tôi cãi nhau ở ghế sau xe của gia đình khi chúng tôi đang đi nghỉ. Chẳng nói chẳng rằng, cha tôi lái xe lên vệ đường, rồi ông đi lại mở cửa xe. Ông kéo mạnh cửa xe, lôi tôi ra khỏi xe, rồi đánh thật mạnh vào mông tôi. Em trai của tôi bắt đầu gào khóc và mẹ tôi quát lại bố tôi vì ông đánh đến bầm dập, nhưng chẳng làm ông bối rối. Ông lại đẩy tôi vào xe hơi và không hề nói một lời, chúng tôi tiếp tục đi”. Cha của anh ta là kiểu người như thế. “Ông ta keo kiệt và lạnh lùng. Tôi không sao đếm xuể được bao nhiêu lần ông ta nổi giận như vậy đối với tôi hoặc em trai tôi”.
Tôi hỏi dò: “Lối đối xử ác nghiệt như vậy đã ảnh hưởng đến anh ra sao?”
Vẫn cố tỏ ra bình thản, Steve nhún vai nói: “Tôi không thích thái độ đó, nhưng tôi cũng đã quen với điều đó. Nó đã đến mức không còn khiến tôi bực mình được nữa”.
Tôi không đồng ý với lời nói ấy chút nào. Việc hứng chịu lối đối xử ngược đãi như vậy đã làm Steve phải lo lắng và nó đóng vai trò quan trọng trong cơn giận của Steve khi trưởng thành. Trong suốt tuổi niên thiếu, rồi qua lứa tuổi 20, 30 và bây giờ là ngoài 40, cơn giận của Steve bộc phát theo kiểu gần như không sao chặn đứng được. Cơn giận đó không phải là không có nguồn gốc. Nó có gốc rễ rất sâu xa gắn chặt với sự đau khổ mà anh ta không bao giờ xử lý được khi còn bé, đã từng sống trong nỗi sợ hãi vì cơn giận của cha mình. Để cải thiện được việc kiềm chế các cảm xúc hiện nay của mình, anh cần phải sẵn sàng tiếp thu những ý kiến hiểu biết sâu sắc và sự chỉnh đốn. Mặc cho anh ta phản đối, tôi nhận thấy Steve là một người đàn ông bị tổn thương nặng nề và mức độ bộc phát cơn giận hiện nay của anh ta là dấu hiệu rõ ràng cho thấy anh ta không bao lâu sẽ chịu bó tay chấp nhận nỗi khổ của mình.

Mục đích của cơn giận

Khi nghe câu chuyện của những người hay tức giận và những người sống với họ, tôi biết rằng những điều đã trải qua khiến gây ra cơn giận rất khác nhau. Thí dụ: cơn giận có thể phát sinh nếu một thành viên gia đình nói với giọng không thích hợp. Nó bộc lộ khi một người cùng làm việc không tạo ra được các kết quả như ý. Cơn giận khi giao thông không thuận lợi, khi người khác hay cãi lý, khi đầy các hóa đơn phải thanh toán, khi con chó cứ thích chui vào nhà, khi bị ai đó thất hứa, khi bị phê bình, khi một đứa trẻ không chịu để ý hay khi người ta cảm thấy bị phớt lờ.
Trong hầu hết các trường hợp đó đều gây ra cơn giận, cảm xúc ấy có thể bị chi phối một cách rất khó chịu, thường bằng thái độ lăng mạ, khinh thường hay vô cảm. Ở vào trường hợp như thế, nhiều người sẽ kết luận rằng cơn giận không có tác động tích cực. Dường như đó là phản ứng của người có đầu óc nhỏ nhen hay ít quan tâm đến những người khiêu khích phản ứng ấy.
Tuy vậy cơn giận không phải là một cảm xúc hời hợt và chúng ta không đơn giản loại bỏ nó như là chuyện không may. Mặc dù chắc chắn nó có thể được xem như là một thái độ không lành mạnh hoặc không ổn định, nhưng không phải lúc nào cảm thấy tức giận cũng là sai. Thực chất của cơn giận là tiếng kêu để được tôn trọng.
Mặc dù những người tức giận có thể không nói đúng những lời này, cảm xúc của họ có thể bộc lộ những ý tưởng như sau:
Bạn cần hiểu rằng tôi cũng quan trọng”.
“Tôi muốn được coi trọng”.
“Tôi chán nản vì cảm thấy như thể cuộc đời là một cuộc đấu tranh lâu dài”.
“Tôi đáng được đối xử tốt hơn những gì tôi hiện đang nhận được”.
“Tôi sẽ không bỏ qua cho anh vì đối xử tệ bạc với tôi”.
“Những ý kiến của tôi cũng tốt như của bất cứ ai. Hãy chú ý đến tôi!”
“Đừng coi thường tôi. Đó là xúc phạm”.
Khi người ta tức giận, đó là một phản ứng đáp lại sự đe dọa hay sự khinh thường mà họ cảm nhận được. Cơn giận chạm đến mong muốn cơ bản là bản năng tự vệ. Thật ra, cơn giận có thể được định nghĩa là bản năng tự vệ. Đặc biệt là người tức giận muốn bảo vệ giá trị cá nhân, các nhu cầu và những sự tin tưởng chân thành. Người tức giận muốn cảm thấy họ có ý nghĩa, ...
Tuy nhiên, người tức giận thường không có được lợi ích gì vì những lời nói chính đáng thuộc bản năng tự vệ được bộc lộ quá gay gắt đến nỗi người nghe những lời ấy chẳng thấy gì tốt đẹp. Ví dụ: Steve mô tả cho tôi biết cơn giận của anh ta có thể nổ ra bởi tính hay quên của Julie. Có thể cô ấy nói với anh là sẽ đến tiệm giặt hấp lấy áo cho anh, nhưng cuối ngày khi anh hỏi cô về những cái áo ấy thì anh ta lại nghe được: “Ồ, em quên mất rồi”. Cũng thế, anh ta nhờ cô ấy mua một vật cụ thể nào đó khi cô ấy đi mua thực phẩm và cô có thể dễ dàng chọn mua một số thứ, nhưng cô lại quên ngay thứ anh ta nhờ mua. Steve giải thích cho tôi: “Trong cuộc sống hôn nhân của chúng tôi, cô ấy đã quên quá nhiều lần đến nỗi tôi không còn có thể chịu đựng được nữa. Khi nào thì cô ấy mới nảy ra được ý nghĩ mình cần phải tỏ ra là người có thể tin tưởng được?”
Vậy Steve cảm thấy tức giận có sai không? Không hẳn là thế. Thực ra, đối với anh ta nói thẳng thắn với Julie về tính hay quên của cô là biết điều. Tuy vậy, thay vì nói ra những điều lên án của mình một cách xây dựng thì kiểu diễn đạt của Steve lại giống như phóng hỏa tiễn. Anh ta thường quát lên: “Xử sự như vậy em coi được sao?” “Tại sao em không thể giúp tôi một việc cỏn con như thế?” Dĩ nhiên là Julie không bao giờ hứng chịu cơn giận như thế một cách vui vẻ, nghĩa là phần diễn đạt lời nói chính đáng của anh ta sẽ hoàn toàn mất hết.
Những người như Steve có thể học cách bày tỏ cơn giận một cách xây dựng. Ví dụ: Các yêu cầu về cách đối xử thích hợp có thể được đưa ra mà không cần biến yêu cầu ấy thành cơ hội có thể bị xem thường hay bị đe dọa. Có thể đặt ra các giới hạn hay điều quy định ngay cả là người xúc phạm cũng được đối xử đúng mực. Trải nghiệm về cơn giận không những không được trở thành một điểm khởi đầu thúc đẩy cho lối đối xử tệ bạc, mà nó thực sự có thể thúc đẩy người kia ủng hộ các nhu cầu và những sự tin tưởng bằng thái độ tích cực.
Tuy nhiên, những người bị vướng vào cái bẫy của cơn giận đã không biết cách giải quyết cơn giận một cách xây dựng. Bị trói buộc bởi sự bất an, cái tôi dễ bị tổn thương, nỗi nhục hay sự nghi ngờ, cơn giận của họ quá thô thiển đến nỗi nó có thể bộc lộ trong các tình huống thực sự không cần phải tức giận và nó thường bộc lộ bằng thái độ làm mất hết cơ hội phát triển mối quan hệ hoặc hàn gắn lại.

Vấn đề sâu xa hơn

Khi những người như Steve cố gắng hiểu ra được cơn giận của họ, thì họ bị lôi cuốn chỉ tập trung vào sự kiện trước mắt gây ra cảm xúc đó. Thí dụ: Steve có thể đổ lỗi cho Julie về cơn giận của mình bằng cách nói: “Nếu em có trách nhiệm hơn thì anh sẽ chẳng cảm thấy căng thẳng như vậy”. Hay có lẽ anh ta nói: “Anh phải phản ứng thế nào khác hơn khi một trong những đứa con nói với anh bằng một giọng hỗn xược đó?” Không phải anh ta sai hoàn toàn khi liên kết cơn giận với tình huống ngay tức thì đó, nhưng khi làm vậy, anh ta dễ dàng bỏ qua vấn đề sâu xa hơn.
Người hay tức giận là người dễ bị tổn thương, lại dễ làm hỏng việc. Trong hầu hết các trường hợp, họ mang trong mình nỗi nhục chưa được giải quyết trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên.
Ví dụ: Dù cơn giận có thể có vẻ như là một phản ứng với sự thiếu hợp tác hiện thời của một người nào đó, nó cũng là một cách phản ứng có thể bắt nguồn từ nỗi đau khổ và sự từ chối trong các mối quan hệ quan trọng đã phải chịu trong nhiều năm. Dù cho hầu hết những người hay tức giận không thể hiện ra bằng những lời này, nhưng họ đã kết luận rằng thế giới là một nơi thù địch, thường không thân thiện mà con người không thể tin tưởng hoàn toàn. Cảm nhận này hầu hết thường được hình thành trong tuổi niên thiếu và lớn dần theo trong những năm tháng trưởng thành.
Trong nhiều năm, tôi đã gặp hàng trăm người tham gia những buổi hội thảo về cơn giận do tôi tổ chức. Khi chúng tôi tìm hiểu các nguyên nhân gây ra cơn giận và những lựa chọn để kiềm chế nó, tôi cố gắng đặt thói quen của họ vào một cái nhìn rộng hơn. Tôi hỏi: “Bao nhiêu người trong số các bạn lớn lên có ít nhất cha hoặc mẹ có các vấn đề liên quan đến cơn giận?” Gần 100% những người tham dự buổi hội thảo đều giơ tay. Lúc đó, tôi nhấn mạnh là cơn giận ở giai đoạn hiện nay của họ chính là sự nối tiếp của sự đau khổ mà họ đã trải qua trong cuộc sống ở tuổi thơ ấu như thế nào vì họ đã chứng kiến những lời chỉ trích, tình trạng phải hạ mình hoặc bị khinh thường. Cơn giận dường như là cách phản ứng lại với tâm trạng thất vọng hiện thời, nó thực sự đang được nuôi dưỡng bởi một loạt những nguyên nhân sâu xa rút ra từ những ký ức về tình trạng bị từ chối.
Không ai sinh ra vốn đã có tính giận dữ cay nghiệt. Tạo hóa của chúng ta ban cho mỗi người cuộc sống nhằm mục đích trở thành người vừa đón nhận cũng như cho đi tình yêu. Cơn giận phát sinh từ sự biết được điều gây đau lòng là tình yêu không được để ý tới, bị chỉ trích, bị từ chối hay có vẻ như biết rõ mình bị ruồng bỏ. Khi những trải nghiệm chất chứa tình yêu không được quan tâm, thì tinh thần trở nên bi quan, dẫn đến cơn giận tự do bộc phát không kiềm chế tiêu biểu cho sự khao khát quay về với tình yêu từ khởi nguồn của Tạo hóa. Theo nghĩa này, cơn giận được xem là tốt, nếu chúng ta có thể, nhưng phải đáp lại bằng sự xây dựng của nó. Tuy nhiên, nhiều người dùng cơn giận để đáp lại sự từ chối bằng sự khước từ, đáp lại sự thù địch bằng sự hằn thù, đáp lại sự căm ghét bằng sự ghen ghét. Khi điều này diễn ra thường xuyên, thì lòng hảo tâm bị thay thế bằng tâm trạng luôn luôn đen tối mà rốt cuộc sẽ khó xóa nhòa.
Nếu bạn đã từng trải qua nỗi thất vọng hoặc có xích mích trong quan hệ, nó có thể vô tình khiến bạn bi quan về cuộc sống. Ví dụ: Steve có thể nhớ lại từng giai đoạn trong thời niên thiếu khi cha anh thường hay quát tháo với anh. Cha anh ta nóng tính và chỉ làm hơi trái ý ông một chút có thể bị la mắng cay nghiệt. Nếu như Steve tỏ ra có tâm trạng buồn chán hay uể oải khi gia đình quây quần quanh bàn ăn tối, thì cha anh sẽ hiểu đó như là sự coi thường ông, vì thế ông có thể gầm lên giận dữ: “Mày bị làm sao? Mày ngạo mạn đến mức không sao nói được một tiếng với những người lớn sao?” Nếu Steve cãi cọ với chị, cha cậu có thể hét lên: “Mày thật vô dụng. Mày chỉ có thể làm được một chuyện là gây rối!” Đương nhiên, những lời này làm tổn thương anh ta và Steve chất chứa trong mình những cảm giác oán giận. Anh ta ước sao mình có được một người cha biết nhẫn lại, cảm thông và nâng đỡ.
Bây giờ ở độ tuổi ngoài bốn mươi, Steve không còn phải lo lắng về tình trạng xích mích hằng ngày với cha mình nữa, nhưng thỉnh thoảng anh ta có thể nghe những lời nói của Julie và nhớ đến những những lời gay gắt của cha vào thời niên thiếu. Một lần kia, Julie đề cập đến việc cô muốn anh ta nói rõ hơn về giờ giấc của mình để anh và cô có thể cùng chia sẻ công việc với với nhau cho đồng bộ. Cô nói bằng một giọng đều đều và yêu cầu của cô chính đáng. Thế mà, Steve đùng đùng nổi giận: “Sao lúc nào cô cũng cố kìm kẹp tôi? Tôi không cần cô làm bảo mẫu, ra lệnh cho tôi phải báo cáo giờ giấc với cô!” Julie sửng sốt vì cơn giận của anh có vẻ chẳng liên quan gì đến lời yêu cầu của cô.
Điều gì đang diễn ra? Steve đã có sẵn thái độ đố kỵ với Julie. Giả sử cô ấy cố chi phối hay làm cho anh ta khó chịu, thì anh ta có nhận thức sai lầm ngay là mình sẽ không để cho Julie hay bất cứ ai khác ra lệnh cho anh phải làm gì. Dù lúc đó không ý thức, nhưng về mặt cảm xúc thì đang gợi cho anh ta nhớ về hàng trăm lần cha anh đã coi thường anh và bảo anh cách làm thế nào để sắp xếp lối sống theo đúng ý của ông. Với lối suy nghĩ đã có từ đời trước, anh ta cho rằng Julie đang xử sự với một thái độ đố kỵ cũng giống như vậy. Cơn giận của anh bộc lộ ra cho thấy anh không thể tin vào Julie vì anh chưa bao giờ học cách tin vào người cha hay tức giận của mình.
Khi bạn cố gắng hiểu ra được cơn giận hiện nay của mình, hãy sẵn sàng xem xét cảm xúc ấy bằng cái nhìn thấu đáo hơn. Dĩ nhiên thế nào bạn cũng muốn bảo vệ lòng tự trọng cá nhân của mình vì bạn cảm thấy rằng thế giới đang đối xử không đẹp với bạn, và điều đó khiến bạn suy nghĩ. Liệu bạn có sẵn sàng tự hỏi tại sao cơn giận của bạn lại quá nóng nảy hoặc có thể đã đổ sang cho một người không đáng phải chịu bị quở trách cay nghiệt như vậy không?
 ----------- 
Về tác giả: Tiến sĩ Les Carter là một chuyên gia rất được tín nhiệm về các chủ đề giải quyết chuyện xung khắc, liên quan đến cảm xúc và tình trạng tâm thần. Ông đã viết cuốn sách này nhằm trình bày cách làm thế nào để vượt qua cơn giận mang ý nghĩa tiêu cực và cải thiện các mối quan hệ. Với sự khôn ngoan từng trải, bằng tình thần hòa nhã và sự nghiên cứu tâm lý vững chắc, tiến sĩ Carter hướng dẫn bạn tạo cho chính bạn, cho gia đình và đồng nghiệp của bạn cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Cái bẫy của cơn giận là một cuốn sách được soạn thảo rất xuất sắc, mang đến những sự hiểu biết thấu đáo các nhân tố có thể vây hãm các cá nhân vào trong những kiểu thất vọng không mong muốn...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét