My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: "Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má!"

Uống sữa nha má!?
- Ừa pha sữa cho má, mà ít thôi nghen Đợi.
- Dạ!
Với lấy cái ly, đong 2 muỗi sữa, chế một ít nước ấm trong bình thuỷ, anh Đợi cẩn thận từng li từng tí dù việc này ngày nào cũng là dăm ba bận. 
- Khuấy rồi mình phải thổi cho nguội mới đưa má uống, để nóng tội má.
Nếm thử một miếng sữa, tự nhiên thấy đắn đo:
- Ủa, phải bỏ đường nữa chớ ta, lát nhách vậy sao uống chèn.
Tự nói mình ênh, tự cười ngô nghê như một đứa trẻ, rồi anh lật đật chạy xuống bếp lấy hũ đường lên pha thêm. Vậy đó, mấy mươi năm nay anh Đợi cứ quên trước quên sau đủ chuyện, duy có một điều mà anh chưa bao giờ quên, là: "Tui thương má nhứt trên đời!".
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 1.
Anh Đợi hơn 50 tuổi đầu vẫn ngông nghênh như đứa trẻ.
Chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ 
Cô ơi cho cháu hỏi nhà của anh Đợi, anh mà ở một mình nuôi mẹ già đó cô!
- À, con đi qua bến đò này, rồi chạy ngược lên chừng 500 mét nữa, hỏi người ta nhà thằng Đợi, người ta chỉ cho. Cái thằng khờ khờ, hiền khô mà thương mẹ lắm, ai cũng mến.
Người phụ nữ ở bến đò, hay người dân ở cái xứ Ô Môn (Cần Thơ) này còn lạ gì người đàn ông hơn 50 tuổi vẫn như đứa con nít, ngày ngày lội bộ ra chợ nhặt từ chai nhựa, lon nước để dành bán kiếm tiền nuôi mẹ. Bà Nguyễn Thị Đẹt (90 tuổi) có năm người con, hai người đã qua đời, hai người có gia đình mà ai cũng nghèo, ở tuốt dưới miệt Đồng Tháp, anh Nguyễn Văn Đợi vốn khờ khạo nhưng lại trở thành chỗ dựa cho mẹ suốt mấy mươi năm qua.
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 2.
Mỗi ngày đi chợ, anh Đợi tranh thủ nhặt ve chai, để dành rồi bán kiếm tiền chăm lo cho hai má con.
Hồi đó má tui giỏi lắm. Chẻ củi mướn giỏi lắm. Sáng người ta chạy qua nhà kêu đi chẻ củi mướn, rồi hai má con đi bộ xuống miệt dưới để mần. Hết ngày người ta muốn cho nhiêu tiền thì cho. 
- Hồi đó cực nhưng có má, có con vui hén!
- "Ừa...Giờ má bệnh miết, nằm một chỗ, không có đi đâu được nữa!
Nói rồi anh chạy ra sau bếp canh bình nước đang nấu dở. "Ngày nào cũng nấu mấy bình nước để dành pha sữa cho má. Giờ má chỉ có uống sữa với ăn cháo được thôi" - anh Đợi nói.  Hết thay tã cho má, rồi chạy ra sau nhà nhóm củi nấu nước, vo gạo nấu nồi cháo... một ngày của người đàn ông này chỉ quẩn quanh nhiêu đó, người khác nhìn vào thấy chán, thấy tẻ nhạt, còn với anh Đợi lại thấy vui.
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 3.
"Sáng sớm, canh lúc má còn ngủ tui tranh thủ chạy ra chợ mua đồ ăn với lụm ve chai đem bán. Phải đi sớm chứ má thức dậy không thấy mình ở nhà, má buồn. Có bữa tui đi hơi lâu má té xuống giường luôn. Nên bây giờ tui hông dám để má ở nhà một mình lâu" - anh kể.
Nói là đi chợ mua đồ về nấu ăn, chứ ở xóm này ai chẳng biết hoàn cảnh của má con anh Đợi. Người cho bó rau, người cho ký gạo vậy là đủ cho một bữa cơm no đầy. Có bữa chị bán rau chọc: "Ủa rồi mày có tính lấy vợ cho vui nhà vui cửa không Đợi?". Anh bẽn lẽn: "Tui khờ vầy ai thèm lấy tui, tui ở với má là vui nhất rồi".
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 4.
Người trong xóm ai cũng quý tính hiếu thảo của chàng khờ.
Má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má
Mấy mươi năm đi chẻ củi mướn bà Đẹt chỉ đủ tiền để lo cơm ba bữa cho hai má con, chứ làm sao có tiền mua đất dựng nhà. Căn nhà nhỏ dựng tạm trên đất của người họ hàng xa từ lâu là chốn đi về của má con anh Đợi. 
Thương thì ai cũng thương, nhưng đâu phải cứ nói thương là giúp được. Mãi cho đến năm ngoái người trong xóm mới góp người một ít tiền, xây một căn nhà tường, để những ngày trái gió hai má con không phải co ro trên cái giường ọp ẹp. 
- Ở một mình nuôi má có thấy cực không?
- Cực gì trời, vui quá chừng luôn đó. Vui nên cười cả ngày nè! Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má.
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 5.
Benjamin Franklin từng nói: "Ai là người giàu có? Đó là những người biết vui mừng với phần của mình". Tôi tin anh Đợi dù không giàu có về vật chất, những ở góc nào đó của cuộc đời anh cảm thấy mình thật giàu có khi được sống vui vẻ bên má suốt từng ấy năm. 
Hạnh phúc của mỗi người được định nghĩa khác nhau, nên hạnh phúc của người đàn ông khờ khạo ở miền quê xa xôi này chỉ gói ghém vừa vặn trong căn nhà nhỏ, có anh, có mẹ vậy là đủ. 
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 6.
Cuộc đời, cứ càng đơn giản lại càng dễ dàng cảm nhận hạnh phúc.
Đợi của má
Hồi đó hổng biết vì sao mà má đặt anh tên Đợi hen?
Anh Đợi cười hì hì: Tui cũng hông biết.
Chắc ngày đó má mong, má đợi một ngày thằng con trai của mình lớn lên, giỏi giang, thành công, có gia đình ấm êm, có con cháu đầy đàn. Hay má đợi một ngày nào đó cả nhà không còn phải chật vật mưu sinh, bữa cơm rau dưa thay bằng thịt cá...Vậy mà má cứ đợi mãi.
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 7.
Anh dành nhiều thời gian để trò chuyện với mẹ.
Thằng Đợi của má không khôn lanh như người ta, không giỏi giang như thiên hạ nhưng má không có buồn. Bởi khôn lanh mà chửi cha mắng mẹ, thì khôn đó cũng chẳng để làm gì. 
Đợi ơi gãi lưng cho má!
- Đợi ơi pha sữa cho má!
- Đợi ơi sao tay con lạnh quá!
- Đợi ơi...
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 8.
Sức khoẻ bà Đẹt đã rất yếu, chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại như trước.
Về xứ Ô Môn nghe chuyện chàng khờ nhặt ve chai nuôi mẹ: Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má! - Ảnh 9.
Bà Đẹt ngày một yếu hơn, tuổi già chẳng ai nói trước sự sống cái chết. Hơn ai hết anh Đợi hiểu điều đó. Rồi một ngày, căn nhà này chỉ còn một mình anh, trống trải và mông lung.
- Má đi rồi, tui ở với ai!?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét