Đầu tháng 9, cụ Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đạp xe hơn 1km từ nhà lên UBND xã, đề nghị phòng chính sách xã hội cho cụ được... "thoát nghèo".
"Bà già ở một mình thoải mái, thích ăn thì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, đi khai hoang vườn đất rộng mấy sào, mà nghèo là nghèo răng? 11 người con mà nói không nơi nương tựa đó là đi bêu con. Tôi có chỗ nương tựa rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa ai. Tôi xin phép Ủy ban cho tôi trả lại cái sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo".
Dứt câu, cụ Mơ cười, vỗ tay đôm đốp đầy sảng khoái. Năm 2018, cụ cũng từng đạp xe lên xã xin trả lại sổ hộ nghèo, nhưng chưa được xem xét. Lần này, cụ quyết tâm "không còn nghèo" vì bản thân còn có thể giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn. "Cho nên, không thể gọi tôi là người nghèo được" - cụ khảng khái.
00:05:54
Cụ bà đạp xe lên ủy ban xã nằng nặc xin ra khỏi hộ nghèo, nhường suất cho hoàn cảnh khó khăn hơn. Thực hiện: Minh Nhân.
Cụ Mơ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng biển xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương. Cụ từng tham gia dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến. Năm 24 tuổi, cô thanh niên xung phong ở chiến trường Điện Biên "kết bạn" với anh lính trẻ quê Thiệu Hóa. 2 người về chung một nhà, rồi cùng nhau tham gia khai hoang, mở mang ruộng đất.
Hỏi cụ sinh được bao nhiêu người con, cụ hóm hỉnh đáp: "Tôi cũng 'ngại' đẻ lắm, đẻ có được... 11 người con: 9 trai, 2 gái. Một chị lấy chồng gần, chị còn lại tận trong miền Nam. 3 anh lần lượt vào Nam, 3 anh ở lại Thanh Hóa, 1 anh lên vùng núi phía Tây của tỉnh sinh sống, còn 2 anh... ngồi trên bàn thờ".
Năm 1987 chồng mất đột ngột sau một trận ốm, một mình cụ làm ruộng, bán hàng ăn, cố gắng "nuôi đứa nào đứa nấy học hết lớp 10, để lấy con chữ, không học cũng phải học!". Cụ tự hào "nuôi con dễ dàng, vì năm 12 tuổi đã... tung hoành buôn bán khắp nơi".
Tài sản quý giá nhất trong nhà cụ là những tấm bằng khen.
Ở tuổi 83, cụ Mơ vẫn sống một mình, trong căn nhà cấp 4 có chiếc ti vi chuyên phát các chương trình thời sự, thêm tủ đứng, tủ ngồi, 2 cái quạt, hàng mười mấy chai mỡ. Trong xóm, "có nhà muốn được một chai cũng không có". Thỉnh thoảng, cụ nheo mắt làm vài thao tác trên chiếc điện thoại đời cũ, những bản nhạc quê hương da diết lại vang lên.
"Kê khai tài sản", cụ lẩm nhẩm tính: 3 sào ruộng, 1 ao nuôi cá, lợn thì không có, gà khoảng 4-50 con. Ai bảo cụ nghèo, chứ bản thân cụ thấy mình "giàu nhất cái tỉnh Thanh Hóa này".
Không phải vì cụ khó tính, cũng chẳng phải vì con cái bỏ mặc mẹ già, cụ sống một mình, vì lỡ ... có cái tính hay thương người.
"Nếu ở với con cái thấy bạn bè mình túng khổ, hay những người khó khăn hơn, tôi muốn giúp người ta, không lẽ lấy của con mà cho. Cho nên tôi ở một mình như vậy, tôi cho là của tôi, còn đứa mô gặp khó khăn thì tôi giúp đỡ. Đứa mô giàu có thì tôi không xin. Rứa đó nả! 11 đứa con mà tui chưa phải phiền đến đứa mô".
Một người con qua đời vì bệnh lao sau thời gian chạy chữa qua 5 bệnh viện lớn nhỏ. Một anh nghiện ngập, ở tù 5 năm. Thời điểm đó, trong nhà không còn gì, kể cả ti vi đầu đĩa, chiếc xe đạp rách cũng đành bán để chăm con. Nuôi con từng ấy năm, trọn vẹn cả nghĩa lẫn tình, giờ cụ cương quyết không nuôi thêm một anh nào nữa.
"Đứa mô vi phạm tự chịu lấy, đến lứa tuổi ni rồi không ai nuôi ai. Anh con trai ở tù về gặp, tôi cũng tuyên bố luôn: 'Cái khoản vay 10 triệu của mẹ, coi như mẹ cho anh. 5 năm tù mẹ đi tiếp tế là tấm lòng người mẹ, còn bổn phận làm con thì tùy anh đối đáp. Từ nay, anh vay ai, nợ ai, thì anh phải tự trả".
Tám mươi mấy tuổi đầu, gian nan cả một cuộc đời, đôi tay cụ vẫn thoăn thoắt làm vườn. Cụ làm "bằng đầu" chứ không phải bằng sức lao động, những động tác thật nhẹ nhàng, như hái rau, nhặt trứng. Còn việc nặng cụ thuê người khác làm hộ. Hôm trước cụ ra chợ bán được 240.000 đồng cả rau lẫn trứng, bữa nay bán được 30.000, thế là có 270.000.
"Có người hỏi tôi, cụ ở một mình, tiền nong cất không cẩn thận, không sợ bị kẻ trộm bóp cổ à, thì tôi nói luôn chúng nó cứ thử xem có bóp cổ tôi được không. Tôi hay nói đùa, 16 động tác tay không để mần chi mà không làm việc.
Đợt trước, có 2 thằng nghiện đến hỏi mua đồ. Tôi kéo cái ghế, giả vờ thò tay xuống giường, vờ như trong đó có 'vũ khí', rồi hỏi: 'Các cháu đến đây có việc chi, nói nhanh?, lại trong giờ nghỉ trưa của người già'. Thế là chúng nó không trả lời được, bỏ đi nhanh. Không đi là tôi đánh tại nhà luôn. Đấy, cái thái độ lén lút là tôi biết liền!".
Cụ Mơ không cần tập thể dục, sáng ra đạp xe mấy vòng là khỏe. Bình thường ngồi một chỗ đầu óc cứ choáng váng, nhưng lên xe thì cụ như thanh niên, xuống dốc vù vù. Phương châm sống của cụ, là sống vui, sống khỏe, sống vô tư. Cụ muốn xem thời sự thì mở ti vi, muốn nghe hát thì bật điện thoại, khi đi ngủ thì vặn nhỏ tiếng.
Người ta bảo cụ nghèo, nhưng cụ không thấy mình nghèo, ngược lại còn rất "giàu". "Tôi có 2 kiểu giàu: giàu về đạo đức, về cách sống và giàu vì ngày mô tôi cũng kiếm được tiền, cho nên tôi không nghèo".
Hôm cụ đạp xe lên xã nằng nặc đòi ra khỏi hộ nghèo, xã hỏi rằng: "Giờ bà già bằng ấy rồi, còn ở một mình, mà bà xin thoát nghèo, liệu có đảm bảo được không?".
"Tôi thừa đảm bảo ấy chứ, tôi đang còn giúp đỡ những người nghèo khổ hơn tôi cơ mà. Hay là các ông định để tôi nghèo, mà đến lúc chết tôi còn chết trong cảnh nghèo à? Tôi làm đơn rồi, các ông kí vô đi! Tôi nói không phải chê, nhưng mỗi tháng lên xã xách mấy bao gạo với quần áo về, tôi không thể làm thế được. Các thứ đó phải nhường cho những người khác".
Hợp cảnh, hợp tình, cụ sáng tác luôn vài câu thơ.
"Quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo/ Bởi vì xã hội còn nhiều cưu mang
Bao người chất độc da cam/ Bao người khuyết tật còn mang trên mình
Bao hồn liệt sĩ hi sinh/ Để cho đất nước yên bình ngày nay
Mình thì lành lặn chân tay/ Mắt mũi sáng sủa mặt mày khôi ngô
Lại là con cháu Bác Hồ/ Tại sao lại để cơ đồ tiêu tan".
Cụ đạp xe vù vù, nâng cao sức khỏe mỗi ngày mà không cần phải tập thể dục.
Thế là, cụ xung phong thoát nghèo, hy vọng trở thành tấm gương để những người khác noi theo. Khi đó, cụ sẽ không được nhận Bảo hiểm y tế người nghèo, không được trợ cấp tiền điện hàng tháng hay nhận quà Tết vào dịp cuối năm. Nhưng cụ bảo, ông bác sĩ phải đi học, ông dược sĩ cũng phải đi học, mà viên thuốc cũng phải có người sản xuất ra, đến viện không mất tiền, thì cụ không làm được.
Trong xóm, ai nghèo khó, túng thiếu, nếu không cho được 30-50 nghìn, cụ lấy cái thúng, xúc gạo mang qua tặng họ. Vì cụ bảo, họ đã khổ, mà còn tủi thân, chỉ nằm ở hộ cận nghèo.
"Tôi thoát nghèo cũng là để giữ danh dự của tôi. Tuy rằng tôi tuổi cao, nhưng tuổi cao thì ý chí càng cao, có tư duy, có bản lĩnh, nên không có việc gì khó. Những việc khó nếu hạ quyết tâm thì sẽ vượt qua được".
Sau hơn 2 năm, cuối cùng, cụ Mơ đã có thể... thoát nghèo. Cụ đề nghị xã "quét" hết các gia đình cố tình "bám" vào cái danh "hộ nghèo" mà không chịu tu chí làm ăn.
"Chồng khỏe mạnh nhưng nát rượu, vợ bế con đi ngồi lê đôi mắt, cả 2 không chịu làm ăn, nhưng vẫn đăng ký vào hộ nghèo. Anh nghèo vì tai nạn lao động, vì bệnh tình ốm đau, xã còn chấp nhận được, chứ anh nghèo vì uống rượu và lười lao động thì anh không xứng đáng, mất danh dự người nông dân. Đừng bám vào sổ hộ nghèo, hãy nghĩ đến những hoàn cảnh còn nặng lòng hơn mình".
Ngày xưa, cụ nuôi con chỉ bằng ngô, khoai, sắn, quyển sách, tập vở bình dân với cái bút ngòi lá tre. Bây giờ, lũ trẻ ăn toàn "của ngon vật lạ", nuôi 2 đứa cũng bằng cụ nuôi 11 đứa ngày xưa. Bởi thế, cụ không muốn nhờ cậy các con, vì chúng nên dành số tiền đó nuôi con cái ăn học đàng hoàng, tử tế.
Tuổi tuy già nhưng cụ vẫn có thể làm mọi việc.
Sau tấm gương của cụ Đỗ Thị Mơ, trên khắp cả nước, nhiều gia đình đã xin thoát khỏi hộ nghèo. Điển hình như vợ chồng lão nông 90 tuổi ở Hà Tĩnh, viết đơn bày tỏ tâm tư nguyện vọng, rằng "mặc dầu vợ chồng chúng tôi tuổi đã già, sức khỏe yếu, bệnh tật liên miên, nhưng nay nhờ con cháu nuôi dưỡng đến nơi, đến chốn. Vậy, vợ chồng chúng tôi làm đơn và xin ra khỏi hộ nghèo. Rất mong các cấp chấp nhận. Tôi xin chân thành cảm ơn".
Tiếp đó, gần 400 hộ dân ở miền núi xứ Nghệ đã đồng loạt xin thoát nghèo, vì tự thấy bản thân còn sức lao động sản xuất, đủ khả năng vươn lên phát triển, không trông chờ, ỷ lại.
Nghe vậy, cụ Mơ mừng lắm.
"Ai cũng như tôi, xã tôi, huyện tôi, tỉnh Thanh Hóa, rồi khắp các tỉnh thành, thì đất nước đỡ đi 1 gánh nặng, để dành nuôi những trường hợp khó khăn khác".
Cụ có những vần thơ cùng nụ cười làm "liều thuốc" sống khỏe dù đã hơn 80.
Ngày xưa cô thanh niên Đỗ Thị Mơ hăng hái đi tải gạo dưới trời bom đạn, đến bây giờ vẫn miệt mài đi tải những ước mơ, ý chí. Chia tay chúng tôi, cụ không có gì ngoài những bài thơ làm quà tặng. Cụ ra vườn, nằm thảnh thơi trên chiếc võng cũ, điện thoại phát những giai điệu của quê hương, miệng cụ lẩm bẩm đọc.
"Năm qua tháng lại mõi mòn/ Ngược xuôi tần tảo nuôi con lớn dần
Đêm khuya nước mắt thấm khăn/ Cuộc đời mẹ chịu mọi phần hẩm hiu
Bây giờ bóng đã về chiều/ Mong con giữ lấy đôi điều vàng son
Một khi đã khuất núi non/ Chả cần phải khóc nỉ non làm gì
Lệnh Nam Tào đã gọi về/ Chào đời thanh thản ra đi nhẹ nhàng".
(Tâm sự với con - tác giả: Đỗ Thị Mơ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét