Vợ chồng mình lấy nhau được vài năm, ở chung được đúng 1 năm nay, mỗi người lớn lên từ một nền văn hoá ngôn ngữ khác, bây giờ sống chung ở Mỹ. Việc vợ chồng trẻ phân chia công việc tiền nong ra sao thì nhà mỗi cảnh, không có công thức chung nào hết, ở Việt Nam tới Mỹ sẽ khác, từ Bắc tới Nam cũng khác. Mình kể chuyện nhà mình thôi nhe 🙂
Hồi xưa hay nghĩ lấy chồng/lập gia đình/thuyền neo bến/hoa có chủ nghe có vẻ tù túng, cũng phải thôi, vì những câu chữ từ ngữ đó hàm ý tự do thì ít, mà nghĩa vụ, kiểu như phải ngừng lại những ước mơ dự tính để “làm vợ”. Thật ra cũng có người mong muốn vợ ở nhà không cần phải đi làm vì đủ kinh tế, hay nên lo cho con cái cha mẹ, v.v. Hoặc có những người vợ thích ở nhà chăm lo cuộc sống, vì vậy mình hay nói chuyện mỗi người mỗi nhà kệ người ta, miễn là phù hợp và yêu thích.
Còn những ai có tính cách như mình, sợ lấy chồng rồi mất tự do thì mình nói với các bạn là- hoàn toàn có thể có cuộc sống thoải mái như trước, thậm chí còn tốt hơn vì có người lo phụ. Nhưng để có được lối sống bạn mong muốn, việc thẳng thắn ngồi xuống nói chuyện và phân chia công việc kinh tế là cực kì quan trọng.
Kinh tế rõ ràng từ ban đầu
Người Việt mình khó nói chuyện về tiền bạc. Nó có cái gì khiến chúng ta ngại ngại, thấy kì cục, cảm thấy xôi thịt khi phải bàn tới vấn đề này. Nhưng nếu không bàn trước, thì sớm muộn hai người cũng sẽ có khúc mắc trong việc chi tiêu.
Mỗi tháng, tụi mình dành ra một phần lương bỏ thẳng vào tài khoản chung (direct deposit từ paycheck) chi tiêu chuyện nhà. Để biết mỗi người phải deposit bao nhiêu khi lãnh lương, mình cộng hết tiền thuê nhà, điện nước, internet, đi chợ, tiền ăn tiệm, tiền đi yoga và gym (sức khoẻ là chuyện chung nên trả chung) v.v. Mỗi đứa cũng có bỏ dư một chút chứ không sát nút chi tiêu, để có tiền phòng hờ như xe hư phải sửa, chuyện bất chợt, hay muốn đi chơi. Tụi mình chia hai tổng số rồi cho đúng phần lương đó vào tài khoản. Một phần còn lại chạy thẳng vào tài khoản riêng của mỗi người, xài sao thì xài, shopping, gửi cho gia đình, không ai hỏi han gì nhau. Một phần nữa là để dành chung (savings).
Nếu bạn làm lương bằng nhau hay chênh lệch không nhiều thì chia hai hợp lý, nếu chênh lệch nhiều thì nên nói chuyện rõ ràng cho công bằng. Còn nếu chỉ 1 người đi làm thì mình bù, khi nào nó tới mình mới tính. Có những chênh lệch nhỏ bạn có thể cân nhắc, ví dụ như năm ngoái mình mua bảo hiểm sức khoẻ qua công ty cho 2 đứa, nên mỗi tháng họ trích lương của mình cho bảo hiểm, và anh bỏ thêm một tí vào tài khoảng chung để bù lại. Năm nay anh mua bảo hiểm của công ty cho 2 đứa, nên ngược lại mình bỏ nhiều hơn.
Hồi nhỏ mình cứ hay nghe chồng tốt là phải đưa tiền hết cho vợ, để lo lắng chi tiêu. Không phải gia đình nào cũng nên như thế, để rồi vợ/chồng không cần phải lo lắng vì đã có người kia làm hết, hay mỗi lần ra đường đi đâu đó lại phải hỏi vợ/chồng. Không phải ông chồng nào cũng xài tiền phung phí để rồi vợ phải thắt lại, và kinh tế gia đình là trách nhiệm chung.
Phải có tiền để dành (saving)
Lời khuyên của những người sống ở Mỹ là hãy để dành đủ để chi tiêu trong ít nhất 6 tháng nếu 1 hay 2 người bị mất việc, gọi là “rainy day fund” hay “emergency fund”. Mình tính đủ trường hợp- nếu chỉ một người mất việc thì cần bao nhiêu? Nếu cả hai mất việc cùng lúc thì sao? 6 tháng cần bao nhiêu? 1 năm cần bao nhiêu? Vì muốn tìm được công việc mới phải mất ít nhất 2-3 tháng, còn không phải 5-6 tháng tới khi bắt đầu và có lương lại.
Sống ở đây một mình không có gia đình và ba mẹ cho ăn nhờ ở chung lỡ có chuyện gì, nên việc để dành phòng bất trắc là không thể xem thường. Tụi mình để dành trong ngân hàng online- lúc đầu nghe hơi lạ vì ngân hàng không có mặt bằng, hoàn toàn online, bằng app và mail/điện thoại. Nhưng vì online nên ngân hàng ít tốn kém, và có lãi 2%. Ở đây ngân hàng bình thường saving lãi chỉ 0.0000002%, đùa thôi, nhưng đúng là cực kì thấp. 2% lãi đủ phần lạm phát, để tiền không bị mất giá chứ thật ra chẳng lời gì. Điều quan trọng là số tiền này có thể rút ra bất cứ lúc nào nếu cần (gọi là liquid).
Chia sẻ việc nhà (household chores)
Chia sẻ việc nhà là quan trọng, vì ai cũng đi làm thì làm sao một mình kham hết việc nhà được. Anh cũng hiểu là mình phải đi học cả ngày thứ bảy, nên chịu khó làm nhiều hơn trong công việc nhà.
Anh hút bụi cả nhà mỗi tuần một lần
Mình dọn hai nhà tắm mỗi tuần một lần
Anh dọn nhà bếp, bàn bếp, lau bếp, v.v. thường xuyên
Mình lau sàn nhà bếp 2 tuần một lần
Mỗi chiều đi làm về, ai nấu nướng thì người kia dọn dẹp rửa chén
Anh mang rác ra bỏ thường xuyên
Quần áo ai nấy giặt (hư khỏi bắt đền), không cần phải chờ đợi ai
Hoà hợp những khác biệt để sống chung
Tụi mình cũng có khi tranh luận, vì mức độ “sạch” của hai người khác nhau, nên tần suất dọn dẹp khác nhau. Vì vậy phải tìm điểm chung, chứ không thì người thích sạch phải dọn hoài, còn người kia thì chẳng làm gì hết cũng không được. Vì anh thích sạch sẽ và không ngại dọn dẹp nên phân chia vậy là ok.
Mình không phải là người bầy hầy, nhưng mình cũng không gọn gàng 100%. Trong tuần mình hay bày lung tung vừa phải, rồi cuối tuần dọn chứ không để hoài bầy hầy như vậy. Nên tụi mình đồng ý là những không gian chung như phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ thì cả hai giữ gọn ghẽ. Còn chỗ nào riêng của mình thì mặc kệ cho mình bày, anh đừng bận tâm. Phòng đựng quần áo (closet), bàn học, tủ đầu giường của mình nhìn rất là khác ổng, nhưng riết rồi quen thôi. Vì nếu anh cứ quan tâm đến nó, rồi bò ra dọn, rồi lại sẽ phàn nàn sao vợ bày. Chấp nhận những khác biệt của nhau và tìm điểm chung là một phần quan trọng của việc sống với nhau.
Anh thích nấu nướng, nhưng để công việc đi chợ cho mình. Sau khi tan sở, mình hay đi tập yoga, rồi ghé supermarket đi chợ cho 1-2 tuần tới. Anh không thích chuyện trả bill mỗi tháng này nọ nên mình lo khoản đó, phần lớn tụi mình để automatic billing nên cũng không phải nhớ nhiều, mình chỉ phải đảm bảo là có đủ tiền trong tài khoản để trả các bill đó. Ngoài ra, mình cũng lo chuyện bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm xe hơi, nhà cửa, v.v.
Mình nhắc nhiều chuyện ai thích làm, ai không ngại làm, vì đó cũng là một điểm quan trọng phải bàn bạc. Nếu bạn cực kì ghét làm một việc nhà nào đó thì phân chia xong bạn lười cũng mệt, mà người kia không lẽ cứ nhắc nhở hoài. Và nếu có khúc mắc gì thì ngồi lại bàn với nhau thường xuyên, không nên để dồn nén rồi nổ bùm ra một trận to nhé.
Nguon: The Tiny Pharmacist - https://thetinypharmacist.org/2019/07/07/chuyen-nha-tiny-chia-se-kinh-te-va-viec-nha/?fbclid=IwAR0kvGoU59fUhADSnBqESBzI6Ph1qNeQdvjfwjhv7rNutLUt5m5Pp6EhRV4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét