My photos

My photos

Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt từng lên báo Úc


Giấc mơ ngành Y và khoản phí khổng lồ
Câu chuyện truyền cảm hứng của Lily Vũ (sinh năm 1992) được Đài SBS Australia đăng tải như một tấm gương về người trẻ quốc tế nỗ lực đạt được ước mơ, mục tiêu của mình ở xứ sở chuột túi.
Lily Vũ, tên khai sinh là Vũ Nguyễn Lan Chi. Lily là tên ở nhà gia đình gọi cô từ bé. Từ khi sang Úc, mọi người đều gọi Lily nên cô đổi tên chính thức thành Lily Chi Vũ trên hộ chiếu Úc.
"Mẹ mình bị ốm khoảng 6 tháng, sau đó gia đình đưa mẹ sang Singapore để chữa trị nhưng rồi… mẹ không qua khỏi", Lily tâm sự.
Cô muốn học bác sĩ để chữa bệnh cho các bệnh nhân như mẹ mình, có thể chăm sóc sức khoẻ cho gia đình và giúp đỡ cộng đồng.

Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt từng lên báo Úc - 1
Mẹ mất sớm vì bệnh là một trong những lý do khiến Lily ấp ủ giấc mơ trở thành bác sĩ.
Lily bắt đầu đi du học Úc năm 15 tuổi. Sau khi học xong cấp 3, cô học ngành Bachelor of Biomedicine (Cử nhân y sinh) ở Đại học Melbourne. Đây trường số 1 nước Úc và đứng thứ 14 thế giới về khoa học và y khoa.
Ở Đại học Melbourne, bạn không thể học thẳng y khoa từ lớp 12 mà phải học Bachelor of biomedicine hoặc Bachelor of science (Cử nhân y sinh hoặc cử nhân khoa học) xong rồi thi vào và học tiếp 4 năm Bác sĩ y khoa (Doctor of Medicine - MD).
Với con đường đó, Lily phải đối mặt với khoản học phí khổng lồ lên tới 450.000 đô la Úc (AUD) cho giấc mơ ngành y. Đây là khoản tiền quá đắt đỏ và quá sức đối với gia đình Lily.
Tuy nhiên, khó khăn không làm cô gái trẻ từ bỏ ước mơ. Lily quyết đinh chọn một hướng đi khác để vẫn có thể vừa theo đuổi ước mơ vừa không làm gánh nặng cho gia đình.
“Mẹ mất nên chỉ có một mình bố lo chi phí học tập sinh hoạt cho cả 2 chị em mình. Đặt biệt là ba mình không thể lo được số tiền khoảng 450.000 AUD cho 4 năm học bác sĩ MD được.
Mình biết rằng, mình sẽ không bao giờ được làm bác sĩ ở Úc nếu không phải là thường trú nhân vì gia đình không đủ chi phí để cô theo học diện thông thường.
Vì thế mình cố gắng lấy được định cư Úc trước khi học bác sĩ MD, bởi nếu là học sinh bản địa, chính phủ Úc hỗ trợ tiền học và tiền sinh hoạt cho mình", Lily kể.
Sau khi học xong Cử nhân y sinh năm 2013, Lily sang RMIT học Văn bằng tốt nghiệp giáo dục (Graduated Diploma in Education) để trở thành giáo viên cấp 3.
Nhờ thi IELTS đạt 8 và 8.5 điểm ở tất cả các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, cô gái Việt trở thành thường trú nhân của Úc theo nghề giáo viên (visa 189) mà không cần phải đi dạy.
Được nhận thường trú nhân Úc vào năm 2015, từ đây, cánh cửa chạm đến giấc mơ học ngành y rộng mở và gần hơn với cô gái Việt.
Tiếp đó, Lily dốc sức thi vào MD. Nhờ điểm học GPA cao, thi GAMSAT (Graduated Medical School Admission test) tốt và đậu phỏng vấn, cô được Đại học Melbourne nhận vào học Bác sĩ y khoa.
Vừa học, 9X Việt vừa làm nghiên cứu ở trung tâm não ở bệnh viện hoàng gia Melbourne (Melbourne Brain centre, Royal Melbourne Hospital) và bệnh viện tai mắt của bang Victoria (Royal Victoria Eyes and Ears hospital) từ năm 2013.
Ngoài ra, cô hướng dẫn sinh viên năm dưới và dạy luyện thi đại học cho nhiều học sinh cấp ba. Lily là đại diện cho bác sĩ trẻ cho hội y tế của cộng đồng người Việt ở bang Victoria (Australian Vietnamese Health Professionals).
Lily đã hoàn thành 6 dự án. 3 trong 6 dự án đã được đăng tải trên báo khoa học uy tín và cô là tác giả chính.
Cô trở thành công dân Úc hai năm sau đó, vào lúc đang học năm thứ ba chuyên ngành y khoa. Lily có quốc tịch Úc tháng 1/2017 vào đúng ngày Quốc khánh Úc và tốt nghiệp MD tháng 12/2018. Hiện nay, cô đang làm bác sĩ ở thành phố Melbourne, Úc.

Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt từng lên báo Úc - 2
Lily (giữa) rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp bác sĩ Doctor of Medicine MD.
Tự tin, sống hết mình và kiên trì
"Vì học y dạng học sinh bản xứ, mình được đảm bảo 100% có việc làm. Nhờ kết quả học tập và nghiên cứu tốt, mình được bệnh viện ở Melbourne nhận, không phải đi vùng sâu vùng xa", Lily cho hay.
Bệnh viện nằm ở khu vực tập trung đông người châu Á và cách trung tâm khoảng 20 phút lái xe. Lily được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các bác sĩ, y tá và nhân viên xung quanh.
Những ngày đầu gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, sau 3 tháng đi làm, nhờ cố gắng và lắng nghe ý kiến đóng góp, Lily đã học được nhiều kiến thức, hiểu bệnh nhân và quen công việc hơn.
“Nhiều di dân mới và sinh viên quốc tế ở Úc đang thực sự gặp khó khăn và tôi hy vọng rằng nếu tôi có thể làm được thì họ sẽ cảm thấy có động lực hơn để tiếp tục làm việc chăm chỉ và theo đuổi ước mơ của họ”, cô nói.
Đi một chặng dài không mệt mỏi 11 năm qua với nghị lực mạnh mẽ, cô gái xinh đẹp đã hoàn thành được một phần giấc mơ của mình – trở thành bác sĩ y khoa.
Cuối năm ngoái, Lily mở kênh Youtube để chia sẻ các biện pháp phòng ngừa sức khỏe cũng như kinh nghiệm du học ở Úc. Kênh này có các video bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt chia sẻ các dấu hiệu cảnh báo sớm về các bệnh như trầm cảm, ung thư ruột và đột quỵ.
“Mình có rất nhiều phản hồi tốt từ cộng đồng người Việt, nếu càng nhiều người biết về các dấu hiệu trầm cảm hoặc đột quỵ thì càng tốt”, Lily cho biết.
Không chỉ tài năng, cô gái gốc Việt còn xinh đẹp và có tấm lòng nhân ái. Hiện, Lily đang dự thi Hoa hậu quốc gia Úc 2019.
Thông qua cuộc thi, cô rất vui vì đã khuyên góp được nhiều tiền cho trẻ em bệnh và tàn tật. Mới đây, cô gái gốc Việt nhận kết quả đã vượt qua nhiều thí sinh và có mặt trong vòng chung kết.

Nghị lực phi thường của nữ bác sĩ xinh đẹp gốc Việt từng lên báo Úc - 3
Cô gái gốc Việt xinh đẹp vừa lọt vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu quốc gia Úc 2019.
Từ thực tế và kinh nghiệm bản thân, Lily cho rằng, chìa khóa quan trọng để thành công ở xứ người là tự tin vào bản thân, sống hết mình và sự kiên trì.
“Sự tự tin đã giúp mình làm được những điều mà nhiều người xunh quanh mình nghĩ là con gái không thể làm nổi.
Ngoài ra, mình luôn nhắc bản thân là mình chỉ sống một lần nên phải làm hết khả năng. Khi làm hết khả năng, cơ hội sẽ đến với bạn. Ngoài ra, bạn phải đặt ra mù tiêu cụ thể, lập kế hoạch rõ ràng và kiên trì theo đuổi kế hoạch đó”, Lily nhấn mạnh.
Cô gái gốc Việt hi vọng tiếp tục làm một bác sĩ thật tốt, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ và nâng cao kiến thức y khoa sức khỏe cho cộng đồng.
Trong tương lai, Lily còn muốn đóng góp cho tổ chức y tế thế giới WHO và giúp đỡ được nhiều bệnh nhân nghèo ở Việt Nam. Trên hết, cô muốn tiếp tục chăm sóc tốt được ông bà, bố và là niềm tự hào của gia đình.
Lệ Thu
Ảnh: NVCC

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Không kinh nghiệm, chàng trai vẫn chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ câu trả lời đầu tiên cho lời hỏi: "Thứ gì tay phải cầm được mà tay trái không cầm được?"

Hiện nay, tình trạng phỏng vấn tìm việc tại các công ty lớn đầu ngành ngày một trở nên khó khăn. Đứng trước quá nhiều ứng cử viên, các bộ phận nhân sự sẽ phải tìm mọi cách để lựa chọn ra những tài năng tốt nhất đóng góp cho sự phát triển của công ty, vì vậy, những câu hỏi phỏng vấn cũng ngày càng đa dạng và đòi hỏi một tư duy cực kỳ linh hoạt mới có thể thành công.

Ví dụ như: "Nếu gặp tỷ phú Jack Ma trong thang máy, bạn sẽ nói gì với ông ấy để bắt chuyện?"

Hoặc là: "Làm thế nào để biến '1+1+1=13' trở nên có nghĩa?"

Ngày hôm nay, anh Trương cũng gặp tình huống khó tương tự như vậy khi tham gia ứng tuyển vị trí phó phòng quản lý của một công ty bất động sản. Tuy là người vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm nhưng từ nhỏ, anh đã được cha mình là một nhà quản lý đất đai lâu năm dẫn dắt, nên anh Trương có thể tự tin trả lời tất cả những câu hỏi chuyên môn của người phỏng vấn. Quả nhiên, anh là một trong 3 người thể hiện tốt nhất được công ty giữ lại, được đích thân giám đốc tuyển chọn trong vòng cuối cùng.

Để kiểm tra khả năng trả lời tại chỗ của họ, giám đốc đã lần lượt đưa ra câu hỏi cho cả 3 người như sau: "Thứ gì tay phải cầm được mà tay trái không cầm được?" và quy định các ứng viên sẽ phải trả lời trong vòng 25 giây.

Không kinh nghiệm, chàng trai vẫn chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ câu trả lời đầu tiên cho lời hỏi: Thứ gì tay phải cầm được mà tay trái không cầm được? - Ảnh 1.
Người thứ nhất vừa nghe xong câu hỏi đã giật mình và "hóa đá" tại chỗ. Cô ấy không kịp suy nghĩ gì nhiều mà vội vàng trả lời: "Có phải thứ gì nóng bỏng tay hay không?"

Vị giám đốc không bình luận gì, chỉ nói cô ra ngoài chờ kết quả.

Đến lượt người thứ hai, anh ta thẳng thừng: "Trên đời làm gì có thứ nào như vậy!"

Giám đốc tiếp tục mời anh ta ra ngoài.

Đến lượt anh Trương là người cuối cùng. Nghe xong câu hỏi, anh suy nghĩ khoảng 20 giây, cúi xuống nhìn tay của mình rồi trả lời: "Đó là tay trái."

Lúc này, giám đốc mới nói: "Nhất định anh sẽ trở thành một nhà quản lý kinh doanh tài giỏi!"

Từ câu chuyện của anh Trương, chúng ta có thể thấy rằng, lối suy nghĩ linh hoạt, tư duy bay bổng không chỉ dành cho nghệ sĩ hay nhà văn mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những ngành nghề khác. Đó là khả năng mà mỗi người đều cần rèn giũa không ngừng.

George Bernard Shaw đã từng nói "Những người không thể thay đổi tư duy thì không thể thay đổi gì hết." Giống như nhà vật lý, tác giả nổi tiếng Leonard Mlodinow phát biểu: "Tất cả chúng ta đều có thể trở thành người xử lý rắc rối nếu chúng ta muốn sinh tồn và phát triển trong thế giới biến động ngày nay, chúng ta buộc phải linh hoạt." Ông cho rằng suy nghĩ linh hoạt là thứ mà ai cũng cần có khi đối mặt với tình hình thay đổi hoặc một vấn đề mới nào đó đột nhiên phát sinh. Nếu chỉ biết tuân theo một quy tắc và khuôn mẫu nhất định, chúng ta rất dễ dàng thất bại trong mọi cuộc chơi.

Không kinh nghiệm, chàng trai vẫn chinh phục nhà tuyển dụng ngay từ câu trả lời đầu tiên cho lời hỏi: Thứ gì tay phải cầm được mà tay trái không cầm được? - Ảnh 2.
Ông mô tả Uber và Google là những ví dụ nổi bật nơi suy nghĩ linh hoạt làm nền tảng cho sự sáng tạo và sự thích nghi của họ. "Bạn sẽ thấy những công ty mới - đa phần là các công ty khởi nghiệp công nghệ - đều có những băng ghế để mọi người ngồi thư thả và nhìn lên trần nhà," Mlodinow cho biết. "Nhân viên không bị những quản lý sẽ đi vòng vòng theo dõi vì họ biết rằng mỗi người đều cần có thời gian để ấp ủ ý tưởng mới hay xử lý ý tưởng."

Trả lời được câu hỏi "làm thế nào để 1 + 1 + 1 = 13?", anh chàng ứng viên khiến đối thủ cay đắng nhận ra bài học nhớ đời!
Với những ai muốn sử dụng cách suy nghĩ linh hoạt, Mlodinow đề nghị nên dành thời gian để mơ màng, nói chuyện với người lạ, những người không nằm trong các mối quan hệ thông thường của bạn, để tiếp thu luồng tư duy mới, thoát khỏi vùng an toàn.

Hãy nhớ rằng: Một khi suy nghĩ của bạn đã thành hình và trở nên cứng nhắc, bạn sẽ thất bại. Khi bạn nghĩ bạn biết tất cả các câu trả lời, bạn sẽ mắc kẹt. Khi bạn đóng đinh trên con đường của bạn, bạn đã trở thành một phần của lịch sử.

Ngay giây phút bạn để mình sa vào khuôn mẫu, bạn đã tự để mình bị loại khỏi cuộc chơi. Mà trong cuộc chơi đó, đừng xem cuộc đời như kẻ thù địch, hãy coi nó như đối thủ thân thiện trên sàn đấu, như một chuỗi những cuộc phiêu lưu. Mỗi cuộc phiêu lưu lại là một cơ hội để học hỏi khám phá, mở rộng kinh nghiệm và mối quan hệ xung quanh, để kéo dài đường chân trời của bạn.

Chấm dứt chuỗi phiêu lưu đó đồng nghĩa với việc bạn cũng chấm hết. Suy nghĩ linh hoạt cũng gần giống như một môn võ tinh thần - luôn sẵn sàng né đòn. Bạn linh động, bạn sẽ thấy nó thật tuyệt và tận hưởng cuộc đấu. Nếu bạn đứng yên một chỗ, gần như chắc chắn bạn sẽ bị nốc ao.

http://kenh14.vn/khong-kinh-nghiem-chang-trai-van-chinh-phuc-nha-tuyen-dung-ngay-tu-cau-tra-loi-dau-tien-cho-loi-hoi-thu-gi-tay-phai-cam-duoc-ma-tay-trai-khong-cam-duoc-20190504001456531.chn

Vlogger Giang Ơi: 'Dù lập dị đến đâu, cuộc đời vẫn có chỗ cho bạn'

'Sống là chính mình, làm điều mình muốn và tử tế với người khác' là quan niệm sống của nữ vlogger đang được giới trẻ yêu thích.
Ngoại hình không nổi bật với đôi mắt một mí, làn da ngăm, sức hút của Giang là lối nói chuyện giàu năng lượng, cuốn hút, kiến thức phong phú và phong thái tự tin. Xem vlog của Giang có cảm giác tất-tần-tật mọi vấn đề đều được cô nàng giải quyết nhanh chóng, gọn ghẽ và tích cực. Từ đề tài tình yêu đến học hành đều được Giang kể một cách gần gũi, không hài hước, không hiệu ứng nhưng vẫn "cuốn" người xem một cách lạ lùng.

Những gì Giang thể hiện trên vlog là cuộc sống mà nhiều bạn trẻ thích thú và ao ước - cuộc sống của một cô gái hiện đại: làm công việc mình yêu thích, sống vui tươi, luôn tràn đầy năng lượng.

Hiện, kênh You Tube của cô nàng có gần 800 nghìn người theo dõi với 175 video. Những vlog "Mình trang trí nhà bếp như thế nào?; Lý do bạn không dám khác người; Mình đã giảm 15kg như thế nào, Tình yêu đồng giới..." là chủ đề được các bạn trẻ hưởng ứng.

Cùng iOne trò chuyện với cô nàng vlogger cá tính này nhé!


Vlogger Giang Ơi.
- Khởi nguồn của cái tên "Giang Ơi" là gì?

- Mình cũng muốn nghĩ ra một câu chuyện để cái tên Giang Ơi có vẻ đặc biệt và sâu sắc hơn, nhưng thực tế là nó chẳng có gì quá đặc biệt. Nó là cách gọi nhau rất "Việt Nam" và nó cũng giống như mình - ngắn gọn, đơn giản, thích kết nối với người khác.

- Đâu là lúc bạn cảm thấy khó khăn nhất khi làm vlog?

- Làm vlog nản nhất là những lúc máy tính treo, thẻ nhớ hỏng, quên lắp pin vào mic thu âm và rất nhiều trục trặc kỹ thuật khác. Những lúc ấy rất mệt mỏi, đặc biệt là sau khi mình đã bỏ nhiều công sức để quay dựng mà điều gì đó lại xảy ra dẫn đến mất thành quả. Nản kinh khủng, lúc ấy chân tay chỉ muốn lôi kéo mình bỏ máy đó và nằm chơi, nhưng cuối cùng mình tiếp tục vì mình thích làm video quá. Đó là lần mình nản nhất.


Bên cạnh đó là vô số lần máy ảnh tự nhiên ngừng quay lúc nào không biết, những lần quên cắm mic, những lần trục trặc phải quay hình lại từ đầu. Nhiều người không biết thực ra kênh Giang Ơi ngày hôm nay không phải kênh YouTube đầu tiên mình làm. Kênh đầu tiên đã bị mất mà không lấy lại được, lúc đó mình đạt 6000 người theo dõi. Một kênh nhỏ như vậy khi mất đi cũng không có được lời giải thích từ phía YouTube dù mình đã rất cố gắng. Buồn và ức nữa nhưng sau khoảng 1 tháng ngưng làm video, sở thích lại thôi thúc và mình lập kênh mới. Lúc ấy mình nghĩ thôi kệ, thích làm video thì cứ làm tiếp cho vui, đâu có gì để mất. Thế mà nó thành cái nghề của mình ngày hôm nay.

- Mục đích làm vlog của bạn?

- Mình muốn là minh chứng sống cho mọi người, rằng bạn có thể sống là chính bạn, có thể làm điều bạn muốn, có thể tử tế với người khác. Sẽ có những cô cậu bé nhìn thấy mình sống hết mình và có can đảm để làm như vậy. Khi còn nhỏ, tính cách và quan điểm của mình bị vùi dập rất nhiều và mình được thuyết phục rằng mình sẽ chẳng làm được trò trống gì cả, mãi cho đến khi mình đi du học và hiểu rằng thế giới này sẽ luôn có chỗ cho tất cả mọi người. Dù bạn có khác biệt - hay theo một số người, "lập dị" đến đâu - cuộc đời này sẽ có chỗ dành cho bạn. Chỉ cần bạn trở thành người dũng cảm, chăm chỉ và tử tế, mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.

- Những ý tưởng làm vlog của bạn được hình thành như thế nào?

- Mình ghi lại cuộc sống hàng ngày chứ không dàn dựng, vì thế chẳng bao giờ mình cạn ý tưởng. Cuộc sống luôn có những điều mới mẻ mỗi ngày, lớn lên là hành trình trải nghiệm những điều mình chưa từng biết. Vì thế chỉ cần cuộc sống của mình tiếp tục, kênh Giang Ơi cũng có thể tiếp tục.

- Sự khác biệt giữa lúc nổi tiếng và chưa nổi tiếng?

- Có nhiều người nhận ra trên đường. Chứng kiến tình cảm của mọi người làm cho mình choáng ngợp. Đúng là mỗi người bạn đều từng là một người lạ.

- Trên vlog bạn là một người hoạt ngôn, thân thiện, thông minh và khéo léo. Vậy Giang ở ngoài đời là người như thế nào?

- Điều khác biệt duy nhất giữa Giang trên vlog và ngoài đời là trên vlog không bao giờ mình thể hiện sự mệt mỏi. Những gì mọi người xem trên vlog luôn là năng lượng cao nhất của mình. Nhưng cũng như mọi người, lúc mệt mỏi mình cũng lừ đừ, uể oải, ngáp dài ngáp ngắn và đây là điều không bao giờ diễn ra trước ống kính.

- Một số người gọi bạn là "Chuyên gia tình yêu tự phong". Phản ứng và suy nghĩ của bạn về sự đánh giá này?

- Rất dễ để xem kỹ lại các video và xác nhận rằng mình chưa bao giờ tự phong bản thân là chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực gì. Mình biết chính xác mục đích của họ khi tấn công mình bằng cụm từ "chuyên gia tình yêu tự phong". Tuy nhiên, không phải cái gì mình biết cũng cần phải nói ra. Lựa chọn của họ là tấn công mình, còn lựa chọn của mình là không tham gia vào những chuyện mất thời gian.


Mặt khác, mình hoàn toàn hiểu luật trong nghề và chấp nhận rằng khi mình quyết định đưa nội dung của mình đến với mọi người, thì mọi người có quyền có cảm nhận về mình. Đó là điều mình không thể kiểm soát, vì thế mình tập trung làm điều mình có thể kiểm soát. Đó là truyền tải thiện chí của mình, chia sẻ cuộc sống, và mình hy vọng mang lại niềm vui cho những người xem nó. Còn những người không cảm thấy vui mà lại quyết định dành thời gian để tấn công thì mình tiếc cho họ. Cuộc sống có quá nhiều điều hay để làm, sao lại dành thời gian quý báu của mình để sống hậm hực như vậy?

- Từng tự ti vì có một ngoại hình quá khổ, đâu là cách Giang vượt qua?

- Tìm được nhiều niềm vui mới trong cuộc sống, mình không còn tìm đến đồ ăn không lành mạnh để tìm kiếm sự dễ chịu nữa.


Giang tự nhận trước đây cô nàng là một người béo phì.
- Nhiều người thẳng thừng chê vẻ bề ngoài của Giang, bạn phản ứng và đối diện với những lời chê ra sao?

- Mình có quan điểm rất rõ ràng về ngoại hình. Là phụ nữ, mình tận hưởng việc chăm sóc bản thân, làm đẹp, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, đọc sách, tất cả những điều làm mình đẹp hơn. Tuy nhiên, mình không cần tất cả mọi người trên đời phải công nhận mình đẹp. Cũng có được cái gì đâu? Mình thấy tự tin với ngoại hình của mình, hàng ngày mình vẫn rèn luyện và làm đẹp để mình đẹp hơn, vẫn có công việc, vẫn có bạn bè, vẫn yêu đương, vẫn ở bên gia đình. Lời chê của một "anhchangdeptrai9x" nào đó trên mạng không phải điều quan trọng với mình cho lắm.

- Bạn sống ở nước ngoài lâu, tiếp thu và ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Tây ảnh hưởng thế nào tới cách bạn truyền thông điệp đến giới trẻ?

- Khách quan mà nói, đúng là mình có nhiều tư tưởng thiên hướng phương Tây, tuy nhiên không tuyệt đối. Điều gì hay của Việt Nam mình giữ lại, điều gì hay của phương Tây mình học hỏi. Tất nhiên "hay" là yếu tố rất chủ quan. Một hệ giá trị sống nhất định sẽ phù hợp với một số người, và không phù hợp với một số người khác. Công việc của mình là sản xuất nội dung để chia sẻ. Mình cố gắng sản xuất nội dung một cách thuyết phục nhất có thể, mặt khác mình ở trong giới hạn của ngành công nghiệp giải trí. Tức là mình thừa nhận rằng nội dung của mình có trách nhiệm của sự ảnh hưởng, tuy nhiên không thể và cũng không bao giờ mình áp đặt lên cá nhân người khác.

- Nhiều bạn trẻ coi kênh You Tube của Giang như một cuốn cẩm nang, là người truyền cảm hứng cho họ. Giang nghĩ gì về điều này?

- Sức ảnh hưởng đến người khác là một đặc quyền, và nó nên nằm trong tay người sử dụng nó một cách trách nhiệm. Ai cũng sẽ có lúc mắc sai lầm trong đời, nhưng mình đang cố gắng hết sức để sử dụng đặc quyền ấy một cách có trách nhiệm nhất.


Chuyện tình của Giang cũng là chủ đề được giới trẻ quan tâm, thích thú. Có một anh bạn thân từ thời thanh xuân, năm 16 tuổi trở thành người yêu rồi chia tay, cả hai người đều lựa chọn đi du học ở những nước khác nhau. Nhưng khi trở về Việt Nam, họ vô tình gặp lại nhau, theo chia sẻ của Giang là cô nàng bị "gài" chứ không hề có sự vô tình. Giang hài hước: "Ngày mình đặt chân về Sài Gòn là anh ý đã 'hốt' và không 'nhả' ra cho đến tận bây giờ". Chuyện tình của Giang và anh bạn thân đã kết thúc bằng một đám cưới với sự chúc phúc từ mọi người.

- Trong tình yêu Giang là người chọn con tim hay lý trí?

- Cả hai. Tuy nhiên theo quan sát của mình thì mình có phần lý trí hơn nhiều bạn nữ cùng trang lứa.

- Cuộc sống hôn nhân có gì khác biệt?

- "Người yêu" là một người đặc biệt, ai từng yêu cũng biết điều đó. Tuy nhiên khi lấy nhau rồi, sự đặc biệt ấy được đưa lên một mức độ hoàn toàn khác. Người đó không chỉ là người đặc biệt nữa, mà trở thành tay chân, khúc ruột của mình. Tức là thực sự mình không thể sống thiếu họ, và mình nói điều này với tất cả tim gan. Mấy anh chị khi yêu thường nói "không thể sống thiếu anh/em" một cách nhẹ nhàng, trong khi họ biết không phải như vậy. Khi mình cưới chồng, mình mới thực sự cảm nhận được điều ấy một cách chân thật nhất. Mình không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu thiếu chồng.

- Giữa bạn và anh ấy ai là người "ghen" hơn?

- Nói không biết mọi người có tin không, nhưng hai đứa mình không ghen. Đến đây mình chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ vậy là hai đứa này đâu có yêu nhau, nhưng để mình giải thích. Cảm giác ghen thì phải có trong người, tuy nhiên không bao giờ tụi mình đẩy nhau vào hoàn cảnh người kia phải ghen. Tụi mình đều rất yêu lao động và rất bận bịu với công việc, những khi tranh thủ nghỉ ngơi sinh hoạt cùng nhau là rất quý giá. Đâu ai có thời gian, có sức để có những chuyện ngoài luồng? Chồng mình hoàn toàn an tâm về mình và ngược lại, mình hoàn toàn an tâm về anh ấy nên không ghen nhau bao giờ.

- Ông xã nghĩ sao về công việc của bạn?

- Kênh YouTube "Anh Bạn Thân" mới ra đời gần đây. Chồng mình cũng tìm thấy niềm vui với việc làm video. Trước đó thì tụi mình vốn cùng ngành Marketing dù công việc có hơi khác nhau, vì thế rất dễ nói chuyện để hiểu nhau. Chồng mình hoàn toàn ủng hộ những công việc mà mình làm, dù trước đây anh ấy hơi xấu hổ những khi lọt vào máy quay của mình một chút.

- Sắp tới, bạn có ấp ủ dự định gì không?

- Một cuốn sách đang được thành hình, dù lần đầu viết sách còn nhiều bỡ ngỡ nhưng mình đang cố gắng hết sức.


Thanh Quỳnh thực hiện

https://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/vlogger-giang-oi-du-lap-di-den-dau-cuoc-doi-van-co-cho-cho-ban-3918805.html

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Không phải tình dục hay tình yêu làm nên một cuộc hôn nhân bền vững, chuyên gia tâm lý Giao Giao chỉ ra điều mấu chốt để kết hôn không bị 'té ngửa'

Chúng ta thường yêu là cưới mà ít có sự chuẩn bị nào thực sự tích cực cho một cuộc hôn nhân bền lâu, hạnh phúc. Điều đó đã dẫn đến bao nhiêu người vỡ mộng về cuộc sống chung đôi. Lúc yêu thì đẹp đẽ thế, lúc chung sống sao lại khác thế này... Vậy điều gì đã biến hôn nhân thành 'chiếc toilet' như thế?

Chuyên gia tâm lý Giao Giao trong một bài viết gần đây đã chỉ ra điều mấu chốt mà một cặp đôi cần chuẩn bị để bước vào hôn nhân mà không ngơ ngác, ngạc nhiên hoặc chỉ có thể dùng 2 từ để định nghĩa về nó... THẤT VỌNG.

Bài viết thực sự cần thiết cho những ai trước khi muốn cưới và sắp trở thành cô dâu, chú rể. Sau pháo bông hạnh phúc là những gì không thể tưởng tượng nổi bạn có thể đối mặt. Muốn thế chỉ có một cách...

Chuyên gia tâm lý chỉ ra điều mấu chốt để kết hôn không bị 'té ngửa' 0

Chuyên gia tâm lý Giao Giao (Nguyễn Thị Thu Giao) người phụ nữ truyền cảm hứng sống cho phái đẹp (Photo: Như Huy)

Chuyên gia tâm lý Giao Giao viết:

'Yêu nhau say đắm rồi có chung sống được với nhau không? Ai bảo có ngay lập tức là nguy hiểm đấy nhé.

Yêu nhau quá đừng vội cưới nhau và tưởng tượng ra cuộc đời hạnh phúc nhé. Cứ thử chung sống mà xem, 3-6 tháng ở chung là biết ta có cùng lối sống hay không. Có nên cưới nhau không. Chính lối sống mới là điều quan trọng nhất để chung sống hoà bình chứ không phải tình dục hay tình yêu!

Sau đây là 10 lý do vỡ mộng phổ biến, chỉ cần ba tháng hôn nhân là vỡ mộng tan tành:

1. Người sạch, ngăn nắp không thể chịu được người dơ bừa bộn. Người bừa bộn, tạm chịu đựng người sạch, họ chả thấy quan trọng gì phải sạch sẽ. Bẩn và hôi là nguyên nhân gây ra lãnh cảm hàng đầu với nữ giới.

2. Người rộng lượng thảo tính, không thể chấp nhận nổi người keo, căn cơ tính toán. Người keo cũng không thể chịu được người thảo. Vì ở cạnh người thảo họ thấy họ thật keo kiệt.

3. Người tự do cởi mở, không thể chịu nổi người bảo thủ độc đoán hay ghen tuông nghi ngờ. Và ngược lại, họ không hề thuộc về nhau.

4. Người yêu cái đẹp, thích du lịch, thích nhà đẹp thích hưởng thụ không thể chịu được người chỉ kiếm tiền không tiêu. Không đầu tư cho phong cách sống.

5. Người dễ tính vui vẻ không thể hạnh phúc với người cau có gắt gỏng khó tính. Người khó tính thì chịu được người dễ tính. Khó tính cũng gây mất vị giác và cảm hứng yêu đương khi sống chung.

6. Người ân cần chu đáo hay lo xa không thể chịu được người vô tâm vô trách nhiệm. Người vô tâm thấy áp lực khi bị quan tâm hay khi bị quá yêu. Họ chỉ muốn được yên thân.

7. Người lịch sự, có văn hoá, nhẹ nhàng không thể chịu được người suồng sã, bỗ bã to tiếng. Người suồng sã cũng thấy khó chịu ít hoà hợp khi chung sống với người lịch sự.

8. Người chung thuỷ không thể chịu được người lăng nhăng hay yêu vặt. Người yêu vặt ai họ cũng yêu như nhau.

9. Người chăm việc ghét người lười việc, người lười việc rất thích nguoi chăm.

10. Người thẳng thắn chân thành ghét người quanh co giả dối phức tạp. Người phức tạp cực yêu người thẳng thắn.

Chuyên gia tâm lý chỉ ra điều mấu chốt để kết hôn không bị 'té ngửa' 1

Yêu thì khó biết rõ sự thật về nhau lắm, tại gặp nhau toàn lúc thơm lúc đẹp, lúc rộng rãi, ở chung mới lòi ra bao điều chán chường chả thấy văn thơ nhạc họa nào dám tả - Ảnh minh họa

Yêu thì khó biết rõ sự thật về nhau lắm, tại gặp nhau toàn lúc thơm lúc đẹp, lúc rộng rãi, ở chung mới lòi ra bao điều chán chường chả thấy văn thơ nhạc họa nào dám tả.

Anh người yêu đẹp như soái ca, thật ra hai ngày mới đánh răng một lần, 6 tháng không dọn phòng. Ít ngày mới tắm, quần áo bẩn không giặt, keo ơi là keo.

Cô người yêu xinh như mộng, ngọt như chè, thật ra lười ơi là lười, ẩu ơi là ẩu, dốt ơi là dốt, ngơ ngác không biết việc gì, cư xử kém cỏi và hay ghen tuông.

Cho ở với nhau đi, nhận ra nhau thật ra là ai đã, đừng vội cưới.

Nhớ đấy. Không chịu được sung sướng nữa thì hãy cưới, hình phạt tàn nhẫn nhất cho các cặp tình nhân là cưới nhau ở chung với nhau đấy.

Bạn có biết điều gì quan trọng nhất để chung sống hạnh phúc được lâu bền không?'.

Bài viết này nhanh chóng đã nhận được vô số lượt like, share vì tính thực tế và hữu dụng mà chuyên gia Giao Giao đã vạch ra. Nếu trước đây người ta cho rằng sống thử là việc không nên, thì ngày nay điều này đã khiến quan điểm nhiều người thay đổi.

Chị Giao Giao đã cho chúng ta biết về sự thực của hôn nhân như thế này: 'Anh người yêu đẹp như soái ca, thật ra hai ngày mới đánh răng một lần, 6 tháng không dọn phòng. Ít ngày mới tắm, quần áo bẩn không giặt, keo ơi là keo' hoặc 'Cô người yêu xinh như mộng, ngọt như chè, thật ra lười ơi là lười, ẩu ơi là ẩu, dốt ơi là dốt, ngơ ngác không biết việc gì, cư xử kém cỏi và hay ghen tuông'. Bởi thế chỉ có một cách là: 'Cho ở với nhau đi, nhận ra nhau thật ra là ai đã, đừng vội cưới'.

Dù Giao Giao chỉ ra rằng: 'Không chịu được sung sướng nữa thì hãy cưới, hình phạt tàn nhẫn nhất cho các cặp tình nhân là cưới nhau ở chung với nhau đấy'. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một cách để chuyên gia cho chúng ta lời khuyên. Hãy sống thử với nhau trước đi, xem có hợp nhau không đã, có thể sửa mình với nhau cho... vừa vặn không đã. Để hôn nhân không phải là một thử thách chung sống mà là một sự hòa hợp nâng đỡ và mang lại cho nhau thêm nhiều hạnh phúc.

Source: http://tiin.vn/chuyen-muc/yeu/khong-phai-tinh-duc-hay-tinh-yeu-lam-nen-mot-cuoc-hon-nhan-ben-vung-chuyen-gia-tam-ly-giao-giao-chi-ra-dieu-mau-chot-de-ket-hon-khong-bi-te-ngua.html