1 – Giao tiếp là chìa khóa của mọi vấn đề
Giao tiếp thực sự, là trò chuyện, lắng nghe và phản hồi, chứ không phải bằng những dòng tin nhắn lúc đêm khuya… Chúng ta đang dần lãng quên hay lơ là những phương thức giao tiếp cơ bản, trong khi trên thực tế, giao tiếp chỉ có thể đạt hiệu quả tối ưu khi bạn có thể thể hiện cảm xúc và phản hồi kịp thời trước mỗi ý kiến.
Những dòng tin nhắn được xem mà không phản hồi có thể kết thúc một mối quan hệ, những sự bất đồng hay hiểu nhầm có thể gây ảnh hưởng lớn đến công việc của bạn… Giao tiếp cởi mở, thẳng thắn và trực tiếp ngược lại sẽ tránh cho bạn những phiền hà không đáng có, cải thiện kỹ năng ứng biến và quan trọng hơn cả, kết nối nhiều hơn với người khác.
2 – Thất bại đưa bạn đến những điều tuyệt vời
Nhiều người sợ thất bại đến mức không còn muốn bắt đầu bất cứ dự định nào, đồng nghĩa với việc họ thậm chí sẽ chẳng có cơ hội thành công. Thất bại có thể đi kèm với sự xấu hổ, nghi ngờ bản thân, hay mất mát, nhưng có một sự thật rằng thất bại luôn đi cùng những bài học nhất định chắc chắn sẽ có ích với bạn trong những lần thử tiếp theo.
Thất bại có thể giúp bạn nhận ra mình không phù hợp với con đường A, và nên sớm chọn con đường B hay C. Thất bại có thể đồng nghĩa với những kiến thức giúp bạn tự tin hơn, hay bắt đầu lại với ít sai lầm nhất. Vì thế, hãy thử, hãy đừng sợ thất bại. Bởi bạn không biết điều gì sẽ chờ mình ở phía trước đâu.
2 – Je ne sais quoi
Đó là vẻ đẹp khi là chính mình. Dù bạn có hình hài thế nào, dáng vẻ ra sao, dù bạn có đam mê khác người, hay thậm chí chẳng có đam mê nào cả. Thần thái nên là thứ bạn cần đầu tư và chú tâm, bởi điều đó khiến bạn tỏa sáng ngay cả khi bạn chỉ là chính mình, với những suy nghĩ chỉ mình bạn có, với những đam mê không phải vì số đông, với những biến chuyển chỉ bởi bạn muốn vậy.
Je ne sais quoi trong tiếng Pháp có nghĩa "bạn đẹp, dù tôi không rõ nó là vẻ đẹp gì", bởi thần thái sẽ là yếu tố gây ấn tượng và là dấu ấn của riêng bạn.
3 – Những thói quen khiến mỗi ngày có giá trị
Có những người dậy sớm, tập yoga, chuẩn bị bữa sáng, đọc vài trang sách, có những người xây dựng thói quen buổi tối khi đi làm về tắt điện thoại và chú tâm vào nghỉ ngơi, thư giãn. Có những người dành ra 1 tiếng nghỉ trưa để ra ngoài gặp bạn bè, uống café, ngủ trưa, hay đi tập thể dục.
Thói quen cần 60 ngày để hình thành, nhưng chúng có thể mang lại cảm giác hoàn thành một mục tiêu nào đó mỗi ngày mà còn giúp bạn giải tỏa áp lực hay chuẩn bị tinh thần đối phó với yếu tố bên ngoài như công việc, xã hội.
Hãy nghĩ đến một vài thói quen bạn muốn áp dụng hàng ngày, và biến nó trở thành thói quen bạn sẽ không thể sống thiếu.
4 – Đừng bận tâm đến ý kiến người khác
Bạn có thể lắng nghe, và tiếp thu, nhất là với những ý kiến tích cực có ích cho bạn. Nhưng ý kiến của người khác không nên là tiền đề trong cuộc sống, bởi không ai hiểu bạn bằng chính bạn, những điều đúng với người khác chưa chắc đã đúng với bạn.
Hơn cả, liên tục bận tâm đến ý kiến tiêu cực của người khác có thể là liều độc dược cho tinh thần và chỉ khiến bạn thoái chí, muốn bỏ cuộc. Hãy lắng nghe chính mình, dù bạn đúng hay sai, bởi nó sẽ chỉ khiến bạn thêm độc lập, và sẵn sàng nhận trách nhiệm với chính mình.
5 – Đừng tiếc khoảng thời gian có giá trị
Đó là khoảng thời gian bạn dành cho gia đình, bạn bè, những người thực sự yêu thương bạn và ở bên cạnh khi bạn cần hoặc khi bạn ở giai đoạn xuống dốc.
Nhiều người trong chúng ta bỏ mặc những bữa cơm nhà, những cuộc điện thoại với bố mẹ, những giờ giúp em mình học bài, hay những buổi gặp tình cờ, chỉ bởi những mối quan tâm xã hội bạn nghĩ sẽ có ích cho mình.
Và khi ở bên cạnh ai đó, hãy biến khoảng thời gian đó trở nên có ý nghĩa nhất có thể: tắt điện thoại, lắng nghe và tận hưởng.
(barcode)